Kiến thức tổng quan | 13/04/2023

Tại sao bạn cảm thấy mình không biết gì trong lĩnh vực bạn giỏi?

Bạn đã bao giờ cảm thấy tự tin về khả năng của mình trong một lĩnh vực, nhưng sau đó lại nhận ra mình chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm về nó? Đó chính là hiệu ứng Dunning-Kruger – một hiện tượng tâm lý phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người.  

Hiệu ứng Dunning – Kruger là gì?

Đây là một loại thiên kiến nhận thức khiến mọi người đánh giá khả năng của họ trong một lĩnh vực nào đó cao hơn thực tế. Khuynh hướng nhận thức này dựa trên một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger vào năm 1999. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người giỏi thường đánh giá khả năng của mình thấp và những người kém hơn lại tự đánh giá khả năng của mình rất cao.

Lý do là vì những người này chưa đủ giỏi nhưng lại quá tự tin trong lĩnh vực đó, nên họ không nhận ra rằng mình thiếu kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để đánh giá chính xác khả năng của mình.

Tại sao hiệu ứng Dunning – Kruger xảy ra?

Hiệu ứng này xảy ra do sự kết hợp của những hạn chế về nhận thức và thiếu nhận thức chủ quan. Những người có ít kiến thức, chuyên môn trong một số lĩnh vực thường không nhận thức được những điểm yếu của chính mình. Kết quả là họ đánh giá quá cao năng lực của bản thân, dẫn tới ý thức về năng lực bị thổi phồng.

Mặt khác, các chuyên gia là những người có hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nào đó, lại đánh giá thấp của năng của chính mình. Đây có thể được coi là một dạng của hội chứng kẻ mạo danh, nơi các cá nhân nghi ngờ năng lực của chính mình mặc dù có bằng chứng rõ ràng về chuyên môn của họ.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc họ đánh giá dựa trên các tiêu chí chủ quan của riêng mình, thay vì các tiêu chuẩn khách quan đáng tin cậy, để đánh giá kết quả hoặc thành tựu trong lĩnh vực đó. Điều này có thể gây khó khăn trong việc đánh giá chính xác khả năng tiến bộ của họ, từ đó dẫn tới sự tự tin thái quá và thiếu động lực để cải thiện bản thân.

Hai tác giả Dunning và Kruger đã kiểm tra khả năng thực tế, nhận thức của những người tham gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hài hước, lý luận logic và ngữ pháp tiếng Anh. Họ phát hiện ra rằng, những người có điểm số thấp nhất lại đánh giá quá cao trình độ của họ và ngược lại.

Các thức hoạt động

Hiệu ứng Dunning – Kruger gồm 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Know – nothing ( Không biết gì )

Khi chưa có kinh nghiệm về một lĩnh vực cụ thể nào đó, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tự ti, yếu kém hơn so với người khác, từ đó thôi thúc bạn tìm hiểu, học hỏi về những thứ mình chưa biết.

Giai đoạn 2: Peak of Mount Stupid (Đỉnh cao của sự thiếu hiểu biết)

Khi đã có những kiến thức cơ bản, sự tự tin của bạn dần tăng lên. Càng tích lũy được nhiều kiến thức thì sự tự tin càng tăng đến khi đạt đỉnh điểm.

Giai đoạn 3: Valley of Despairs (Thung lũng tuyệt vọng)

Trong quá trình học hỏi và nghiên cứu, bạn nhận ra khả năng của mình còn hạn chế, không quá cao như mình nghĩ, nó làm bạn dần mất đi sự tự tin và cảm thấy buồn bã, thất vọng.

Giai đoạn 4: Slope of Enlightenment (Dốc nghiêng khai sáng)

Nhưng nếu bạn không bỏ cuộc mà tiếp tục tìm tòi, học hỏi, tích lũy thêm nhiều kiến thức cho bản thân thì sự tự tin sẽ tăng trở lại. Lúc này, bạn không còn tự tin thái quá như trước nữa mà chỉ muốn được phát triển một cách toàn diện.

Giai đoạn 5: Plateau of Sustainability (Cao nguyên bền vững)

Khi đã am hiểu về cốt lõi của một lĩnh vực đó và trở thành chuyên gia, sự tự tin của bạn lúc này đã đạt mức bền vững.

Tác động của hiệu ứng Dunning – Kruger

Như đã nói ở trên, hiệu ứng này ảnh hưởng đến các cá nhân trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nó thường dẫn tới việc ra quyết định sai, không đem lại hiệu quả và các kết quả tiêu cực khác trong công việc.

Tại nơi làm việc

Hiệu ứng này có tác động đáng kể tại nơi làm việc khi nhân viên nhận các nhiệm vụ vượt quá khả năng của mình, hay đưa ra những quyết định mà không hiểu rõ vấn đề hoặc không lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Điều này dẫn tới hiệu suất công việc kém, kết quả tiêu cực và thất bại.

Ngoài ra, những người bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng này có thể từ chối những góp ý, phản hồi mang tính xây dựng của mọi người. Làm cản trở sự tăng trưởng và phát triển của bản thân, gây khó khăn khi hợp tác với người khác trong công việc.

Một hậu quả khác của hiệu ứng Dunning – Kruger là có thể làm cho các nhà tuyển dụng tuyển nhầm những ứng viên không phù hợp, vì họ đánh giá quá cao khả năng của mình và tỏ ra tự tin trong quá trình phỏng vấn, nhưng thực chất không có đủ kỹ năng để làm việc một cách hiệu quả.

Trong kinh doanh và tài chính

Các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thực tế nhưng lại đánh giá cao khả năng của mình trong việc lựa chọn cổ phiếu, phân tích công ty hay dự đoán xu hướng thị trường, dẫn đến thua lỗ. Những người này thường không quan tâm tới lời khuyên của các chuyên gia, đặc biệt nếu lời khuyên đó đi ngược lại quan điểm của họ.

Làm thế nào để tránh hiệu ứng Dunning – Kruger?

Tham gia thảo luận cùng đồng nghiệp, các cố vấn và chuyên gia về một chủ đề nào đó có thể giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về kiến thức, khả năng của bản thân. Đừng quá tự tin và cho rằng mình vượt trội hơn những người khác.

Hãy lắng và tiếp nhận ý kiến đóng góp của người khác, vì từ góc nhìn khách quan của họ có thể giúp bạn nhận ra những thiếu sót của bản thân. 

Đừng ngại tìm tới những người có kinh nghiệm và nhờ họ nhận xét. Chỉ có cách sẵn sàng mở lòng tiếp thu ý kiến mới giúp bạn tiến bộ từng ngày.

Điều quan trọng là bạn phải nhận ra, giáo dục và đào tạo là cách tốt nhất để có được một nền tảng kiến thức vững chắc. Bên cạnh đó, bạn cần có thời gian học hỏi và nỗ lực hết mình để có thể làm chủ một lĩnh vực.

Hiệu ứng Dunning – Kruger có ảnh hưởng không tốt tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nói chung và trong đầu tư nói riêng. Để giảm thiểu hiệu ứng tiêu cực này, bạn hãy giáo dục và đào tạo bản thân để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Đồng thời phải biết lắng nghe lời khuyên, phản hồi của những người xung quanh, cởi mở với những ý tưởng mới. Từ đó tránh được cạm bẫy và đưa ra quyết định sáng suốt.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan