Bảo hiểm - Thuế | 31/12/2021
Tái tục bảo hiểm là gì? Có nên tái tục bảo hiểm khi đến hạn?
Khi hợp đồng bảo hiểm gần đến hạn kết thúc, nhiều công ty bảo hiểm sẽ khuyến khích bạn nên tái tục bảo hiểm để duy trì và đảm bảo các quyền lợi cá nhân. Vậy tái tục bảo hiểm là gì? Trong trường hợp đến hạn bảo hiểm, bạn có nên tái tục bảo hiểm hay không?
Tái tục bảo hiểm là gì?
Tái tục (Reinstatement) là hoạt động phổ biến trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm. Từ này dùng để chỉ việc kéo dài thời hạn của các thỏa thuận dân sự hay các quan hệ pháp lý khi đến hạn chấm dứt hiệu lực.
Tái tục bảo hiểm là việc người mua gia hạn tham gia hợp đồng bảo hiểm cũ bằng cách ký kết một hợp đồng mới với công ty bảo hiểm.
Đặc điểm của tái tục bảo hiểm là gì?
Thời gian tái tục bảo hiểm có hiệu lực: sau khi kết thúc thời gian ân hạn và khi hợp đồng bảo hiểm cũ hết hiệu lực.
Điều kiện và Thủ tục tái tục bảo hiểm khác nhau giữa các công ty bảo hiểm. Khách hàng phải nộp giấy đề nghị tái tục lên công ty bảo hiểm để chờ quyết định có cho phép tái tục bảo hiểm hay không.
Để tái tục bảo hiểm, công ty bảo hiểm thường yêu cầu người được bảo hiểm thực hiện quy trình đăng ký bảo lãnh sau 6 tháng kể từ khi hợp đồng hết hiệu lực. Bảo lãnh này được dùng để chứng minh tình trạng sức khỏe người nộp bảo hiểm.
Còn đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, người mua có thể tái tục trong khoảng thời gian nhất định thông thường là 30 ngày kể từ khi hết hạn mà không cần giấy tờ, bảo lãnh hay chứng nhận sức khỏe.
Giá bảo hiểm sau tái tục có thể thay đổi dù hồ sơ bảo hiểm không thay đổi. Điều này xảy ra khi mức nguy hiểm xã hội thay đổi. Tuy nhiên, chính phủ có quyền kiểm soát và điều chỉnh tỷ lệ tăng giá bảo hiểm.
Phạm vi bảo hiểm có thể thay đổi trong giới hạn cho phép mỗi khi lần tái tục bảo hiểm.
Vì sao nên tái tục hợp đồng bảo hiểm?
Đối với hầu hết các bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, công ty bảo hiểm sẽ quy định thời gian chờ. Ví dụ thời gian chờ quy định trong hợp đồng bảo hiểm là 90 ngày thì người mua bảo hiểm sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm từ ngày thứ 91 tính từ ngày ký hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp tái tục bảo hiểm, người mua sẽ không bị áp dụng thời gian chờ.
Hơn nữa, tái tục bảo hiểm còn bảo vệ người được bảo hiểm trước những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai sau khi hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực mà không cần tham gia lại từ đầu. Bạn cũng có thể tham gia gói bảo hiểm khác theo nhu cầu để tiết kiệm chi phí bảo hiểm khi tái tục.
Tái tục bảo hiểm có mất phí không?
Mức phí tái tục bảo hiểm phụ thuộc vào quy định của các công ty bảo hiểm. Thông thường, phí tái tục bảo hiểm cao hơn phí bảo hiểm gốc. Các công ty bảo hiểm sẽ bổ sung phí tái tục bảo hiểm vào giá trị tiền mặt tích lũy của hợp đồng và thanh toán các chi phí phát sinh khi bồi thường.
Khi nào cần tái tục bảo hiểm?
Tái tục bảo hiểm phụ thuộc vào ngày mà hợp đồng bảo hiểm của người mua có hiệu lực và ngày kết thúc. Những bảo hiểm khác nhau sẽ có quy định về thời gian tái tục bảo hiểm khác nhau. Thông thường, tái tục bảo hiểm có thể diễn ra theo chu kỳ hàng năm như bảo hiểm xe máy, ôtô, sức khỏe hoặc nửa năm một lần. Một số đơn bảo hiểm sẽ tự động bị khóa một năm. Trong khi, bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực kéo dài nhiều năm nhưng phải đóng phí hằng năm để duy trì hiệu lực.
Khoảng 30-45 ngày trước khi kết thúc hợp đồng bảo hiểm, bên bảo hiểm thường sẽ gửi cho khách hàng các thông tin về tái tục bảo hiểm qua email hoặc các phương tiện liên lạc đã thỏa thuận.
Điều kiện tái tục bảo hiểm là gì?
Công ty bảo hiểm sẽ dựa vào các yếu tố sau để quyết định việc chấp thuận tái tục bảo hiểm:
Tỷ lệ bồi thường của người được bảo hiểm trong năm trước
Tỷ lệ này quyết định mức phí bảo hiểm sẽ giữ nguyên hay thay đổi. Nếu tỷ lệ bồi thường trong suốt một năm trước nằm trong giới hạn mà bên bán bảo hiểm cho phép thì hoạt động tái tục diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng mắc bệnh không thể chữa khỏi hay tỷ lệ bồi thường bảo hiểm lớn, công ty bảo hiểm có quyền từ chối việc gia hạn hợp đồng bảo hiểm. Tỷ lệ tổn thất cao thì phí bảo hiểm mới sẽ cao và ngược lại.
Độ tuổi khách hàng
Đối với một số sản phẩm bảo hiểm, mức phí tái tục sẽ thay đổi khi chủ thể bảo hiểm bước sang nhóm tuổi khác. Thông thường, tuổi càng cao thì các nguy cơ về sức khỏe cũng gia tăng. Vì vậy, mức phí bảo hiểm sẽ tăng lên.
Dấu hiệu trục lợi bảo hiểm của khách hàng
Trước khi phê duyệt tái tục bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ dựa vào hoạt động liên quan của khách hàng khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Nếu phát hiện dấu hiệu trục lợi từ hợp đồng bảo hiểm, bên bảo hiểm sẽ từ chối hay thậm chí tiến hành khởi tố pháp luật khi sai phạm nghiêm trọng.
Kho dữ liệu khách hàng của các công ty bảo hiểm
Các thông tin về hoạt động bảo hiểm của khách hàng trong quá khứ sẽ được lưu trữ tại kho dữ liệu. Nếu hồ sơ bảo hiểm có thông tin xấu hay bị đánh giá rủi ro, các hãng bảo hiểm có thể từ chối tái tục.
Cần làm gì khi tái tục bảo hiểm?
Khi bảo hiểm đã hết hạn hoặc sắp đến hạn, bạn nên chú ý kiểm tra lại thời hạn ghi trên hợp đồng. Bạn tốt nhất nên tái tục bảo hiểm 1 tháng trước ngày hợp đồng hết hiệu lực. Sau đó, báo cho nhân viên tư vấn về thông tin số hợp đồng để tra cứu tỷ lệ bồi thường và các chương trình khách hàng đã tham gia năm trước.
Dựa vào đó, nhân viên công ty bảo hiểm sẽ báo giá, phí tái tục và các điều khoản liên quan khác. Bạn nên thanh toán phí tái tục đúng hạn. Một số công ty bảo hiểm sẽ không đồng ý tái tục nếu quá hạn thanh toán.
Thêm nữa, một số công ty sẽ cho thời gian gia hạn khi hợp đồng bảo hiểm đến hạn. Trong khoảng thời gian, bạn vẫn có thể bị tính phí nếu bên bán không nhận được thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng. Sau khoảng thời gian gia hạn này, trong trường hợp bạn muốn tái tục thì sẽ bị tính là tham gia một hợp đồng mới từ đầu. Một số công ty có thể không bán hoặc phí bảo hiểm sẽ có sự thay đổi đáng kể so với hợp đồng cũ.
Giải đáp được câu hỏi “Tái tục bảo hiểm là gì” sẽ giúp bạn tránh khỏi việc bị áp dụng thời gian chờ đối với trường hợp ký kết từ đầu một hợp đồng bảo hiểm mới hay những rủi ro không thể lường trước khi bảo hiểm hết thời hạn hiệu lực. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý đến các mốc thời gian quy định trên hợp đồng bảo hiểm để thực hiện tái tục kịp thời và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm của bản thân.