Tài chính - Ngân hàng | 30/11/2021
Tất toán sổ tiết kiệm – Thủ tục không thể thiếu đối với người gửi tiết kiệm an toàn
Làn sóng đầu tư hiện đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Có những người muốn thu lợi nhanh và nhiều sẽ lựa chọn kênh đầu tư như cổ phiếu hay tiền ảo. Dù vậy, trường phái đầu tư an toàn vẫn luôn chiếm đa số. Do vậy mà việc gửi tiết kiệm chưa bao giờ là một cách đầu tư lỗi thời. Trong quá trình gửi tiết kiệm, bạn sẽ bắt gặp một cụm từ tất toán mỗi lần hết kỳ hạn gửi tiền. Vậy tất toán sổ tiết kiệm là gì? Thủ tục tiến hành tất toán là như thế nào? DNSE sẽ giúp bạn giải đáp ngay sau đây!
Tất toán sổ tiết kiệm là gì
Tất toán sổ tiết kiệm là một hình thức kết thúc hợp đồng gửi tiết kiệm với ngân hàng. Khi hợp đồng chấm dứt, nếu bạn muốn rút tiền thì ngân hàng sẽ tiến hành thủ tục tất toán.
Ví dụ: Hợp đồng tiết kiệm của bạn bắt đầu vào tháng 1 năm 2021 và kết thúc vào tháng 1 năm 2022. Đến tháng 1 năm 2022, bạn có thể tiến hành làm thủ tục tất toán và rút tiền gửi của mình về.
Thời gian tất toán sổ tiết kiệm
Thời gian tất toán sổ tiết kiệm sẽ phụ thuộc vào kỳ hạn gửi tiền của bạn. Nếu bạn gửi tiết kiệm không kỳ hạn thì bạn có thể tất toán bất kỳ lúc nào. Còn nếu bạn gửi có kỳ hạn thì việc tất toán được chia thành 3 trường hợp sau:
Tất toán trước hạn
Tất toán trước hạn được hiểu là việc bạn muốn rút tiền trước khi tới kỳ hạn trong hợp đồng. Ví dụ, bạn gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, từ tháng 1 tới tháng 6. Vậy nếu bạn muốn rút tiền vào trước tháng 6 thì sẽ là tất toán trước hạn. Trong trường hợp này, ngân hàng cũng vẫn sẽ để bạn rút tiền như bình thường. Tuy nhiên, lãi suất mà bạn nhận sẽ rất thấp, thường chỉ tương đương với tiền gửi không kỳ hạn. Vì thế, bạn hãy cân nhắc thật kỹ nếu muốn tất toán sổ tiết kiệm trước kỳ hạn nhé!
Tất toán đúng kỳ hạn
Tất toán đúng kỳ là trường hợp phổ biến của những người gửi tiết kiệm. Đây chỉ đơn giản là việc bạn rút tiền khi kỳ gửi tiết kiệm đã kết thúc. Tương tự như ví dụ ở trên, nếu bạn gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, từ tháng 1 tới tháng 6 thì tháng 6 chính là khoảng thời gian để thực hiện tất toán theo đúng kỳ hạn. Ở trường hợp này, bạn sẽ được hưởng lãi suất như nội dung trong hợp đồng gửi tiền trước đó.
Tất toán sau kỳ hạn
Nếu hết kỳ hạn gửi tiền mà bạn vẫn không làm thủ tục tất toán thì ngân hàng sẽ thực hiện thay bạn. Đây được gọi là thủ tục tất toán sau kỳ hạn. Mỗi ngân hàng sẽ có một cách tất toán hộ khác nhau. Tuy nhiên, hầu như tất cả các ngân hàng đều sẽ đặt lợi ích của người gửi lên trên hết để tiến hành thủ tục. Thông thường, sẽ có 2 cách tất toán quá kỳ hạn sau:
- Cách 1: Ngân hàng sẽ mở cho bạn một sổ tiết kiệm mới với tiền gốc bằng tổng số tiền cả gốc và lãi mà bạn nhận sau khi tới kỳ hạn Hạn mức của sổ tiết kiệm này sẽ tương đương với sổ cũ của bạn. Còn lãi suất sẽ bằng với lãi hiện hành của ngân hàng.
- Cách 2: Ngân hàng sẽ mở cho bạn một sổ tiết kiệm mới với tiền gốc bằng gốc cũ. Hạn mức được áp dụng cũng giống như mức cũ. Lãi suất của số mới sẽ được áp dụng theo lãi suất hiện hành. Còn tiền lãi bạn thu được ở sổ tiết kiệm cũ sẽ được chuyển thành tiền gửi không kỳ hạn.
Thủ tục tiến hành tất toán sổ tiết kiệm
Nếu muốn tất toán sổ tiết kiệm thì bạn phải thực hiện một số thao tác online (đối với tất toán tự động) hoặc liên hệ trực tiếp với ngân hàng để tiến hành thủ tục tất toán.
Đa phần các ngân hàng đều bắt buộc khách hàng mở tài khoản tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm đến hạn tất toán phải trực tiếp đến ngân hàng ký các giấy tờ liên quan. Nếu được ủy quyền thì phải có đầy đủ giấy tờ chứng thực mới được thực hiện tất toán thay.
Ngoài ra, khách hàng thực hiện gửi tiền ở phòng giao dịch hay chi nhánh nào thì thủ tục tất toán cũng phải tiến hàng tại đó. Sẽ không được chấp nhận nếu thực hiện tất toán tại phòng giao dịch hay chi nhánh khác.
Nếu bạn tiết kiệm qua ATM thì bạn có thể tất toán ngay tại ATM của ngân hàng bất kỳ lúc nào. Hoặc bạn cũng có thể đến chi nhánh của ngân hàng để thực hiện nếu muốn.
Đối với sổ tiết kiệm online, bạn có thể thực hiện tất toán tại app Internet banking của ngân hàng. Hiện nay, phần lớn ngân hàng đều khuyến khích việc gửi tiền và tất toán trực tuyến. Lãi suất cho gửi trực tuyến thường cao hơn một chút so với trực tiếp. Cùng với đó thì thủ tục cũng đơn giản, không khó để tiến hành.
Kết luận
Trên đây là một vài chia sẻ của DNSE về việc tất toán sổ tiết kiệm cùng các thủ tục liên quan. Mong rằng qua bài viết, các bạn đã thu được những thông tin bổ ích liên quan đến việc tất toán sổ tiết kiệm. Để cập nhật những kiến thức mới nhất về lĩnh vực tài chính – chứng khoán, các bạn hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!