Kinh tế | 06/07/2023
Thâm hụt ngân sách (Budget Deficit) là gì? Cách xác định thâm hụt ngân sách
Thâm hụt ngân sách (Budget Deficit) hay còn được biết đến là bội chi ngân sách, là tình trạng khi tổng chi tiêu quá các khoản thu. Vậy thâm hụt ngân sách là gì? Ảnh hưởng của nó tới kinh tế thế nào?. Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Thâm hụt ngân sách – Budget Deficit là tình trạng chi tiêu vượt quá nguồn thu của ngân sách.
Budget Deficit còn được coi như là một chỉ báo để đánh giá sức khỏe tài chính của chính phủ, công ty hoặc các cá nhân.
Đây là thuật ngữ thường được sử dụng đối với nhà nước nhiều hơn là đối với các công ty, cá nhân.
Nguyên nhân của thâm hụt ngân sách
Chi tiêu quá mức
Việc chi tiêu quá mức có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Đối với chính phủ có thể là do tăng chi tiêu cho các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng cho kinh tế hoặc để giải quyết nhu cầu cấp bách.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid 19 vừa qua hầu hết các chính phủ trên thế giới phải chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các chương trình cứu trợ và kế hoạch giúp kích thích nền kinh tế, dẫn đến thâm hụt ngân sách.
Đối với các công ty việc chi tiêu quá mức cũng thể là do việc phân bố nguồn chi tiêu chưa thực sự hợp lý hoặc là trong giai đoạn phát triển cần đầu tư nhiều hạng mục.
Thu nhập giảm sút
Có rất nhiều yếu tố khiến thu nhập giảm sút như suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng, chi tiêu tiêu dùng giảm…
Ví dụ: Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, rất nhiều quốc gia phải cắt giảm thuế các doanh nghiệp gặp tình trạng khó khăn về tài chính. Điều này, góp phần gây nên thâm hụt ngân sách.
Trong thời kỳ kinh tế đang gặp phải nhiều biến động như hiện nay, người tiêu dùng có thể cắt giảm chi tiêu, dẫn đến giảm doanh thu bán hàng. Việc giảm chi tiêu tiêu dùng cũng kéo theo nhiều nguồn thu bị giảm đi đáng kể.
Những hậu quả của việc thâm hụt ngân sách
Thâm hụt ngân sách có thể gây ra vô số những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế các quốc gia. Dưới đây là một số tác hại của Budget Deficit.
- Nợ công tăng cao: Khi chi tiêu của chính phủ tăng cao mà nguồn thu không được đảm bảo. Lúc này, nhà nước thường phải đi vay (trong nước hoặc nước ngoài) để chi trả cho phần thâm hụt ngân sách dẫn đến nợ công tăng cao. Nếu vấn đề kéo dài và không có biện pháp kiểm soát, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của quốc gia.
- Tăng lãi suất: Từ việc chính phủ phải đi vay khiến nợ công tăng lên sẽ kéo theo việc lãi suất cao hơn nhằm bù lại khoản thâm hụt. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến với các doanh nghiệp mà còn cả người tiêu dùng. Tăng lãi suất có thể khiến tình trạng kinh tế đình trệ, chậm phát triển.
- Lạm phát: Budget Deficit cũng là nguyên nhân gây tình trạng lạm phát. Chính phủ giải quyết việc thâm hụt ngân sách bằng cách in thêm tiền dẫn đến giá cả tiêu dùng tăng. Trong khi người dân chưa có thêm tiền hoặc thu nhập khiến nhu cầu của họ giảm vì không đủ tiền cho các nhu cầu.
- Ảnh hưởng đến đánh giá tín dụng của quốc gia: Nếu vấn đề về bội chi ngân sách không được kiểm soát kịp thời, nó sẽ làm ảnh hưởng đến đánh giá tín dụng của quốc gia đó. Bởi Budget Deficit là một trong những yếu tố đánh giá sức khỏe tài chính. Do đó, khả năng nhận đầu tư vào các dự án trong nước từ nước ngoài sẽ giảm xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh kinh tế trong tương lai.
Cách giải quyết tình trạng Budget Deficit
Từ công thức tính thâm hụt ngân sách:
Budget Deficit = Government Spending – Tax Revenue
(Thâm hụt ngân sách = Chi tiêu Chính phủ – Thu ngân sách)
Một số chính phủ đã tìm ra cách để giảm thâm hụt về ngân sách
Giảm chi tiêu
Giảm chi tiêu cũng là một cách để giải quyết Budget Deficit. Điều này căn cứ vào cách tính thâm hụt ngân sách.
Chính phủ có cắt giảm chi tiêu cho những hạng mục không cần thiết hoặc không đem lại hiệu quả để giảm tổng chi tiêu đồng thời tránh được thâm hụt ngân sách.
Tăng thu nhập
Căn cứ vào cách tính Budget Deficit, tăng thu nhập cũng là cách giúp giảm thâm hụt ngân sách. Chính phủ có thể tăng thuế, hoặc tăng thu nhập bằng các nguồn khác như bác bớt đi tài sản không cần thiết, thu hồi các khoản nợ…
Kết hợp cả hai giải pháp
Để hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách, chính phủ có thể áp dụng cả hai giải pháp trên đồng thời chú trọng vào việc tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chi tiêu.
Một vài ví dụ về thâm hụt ngân sách
Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ
Biểu đồ trên cho thấy một cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ từ năm 1980-2020 vẫn thường xuyên xảy ra thâm hụt ngân sách. Chỉ trong năm 2000, Hoa Kỳ mới có thặng dư ngân sách rất nhỏ.
Đáng chú ý, tình trạng Budget Deficit rất cao vào các năm 2009 và 2020 do trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, hậu quả sau đại dịch toàn cầu Covid-19.
Thâm hụt ngân sách của một số quốc gia khác
Không riêng gì Hoa Kỳ, hầu hết các quốc gia đều có bội chi ngân sách khá cao sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dịch bệnh. Việt Nam cũng phải chịu những tổn thất kinh tế không hề nhỏ từ nó.
Trong năm nửa đầu năm 2020 ngân sách nhà nước Việt Nam hụt thu đáng kể do dịch bệnh Covid-19. Có thể thấy từ tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP nửa năm đầu 2020 là cao hơn hẳn so với 2019.
Thâm hụt ngân sách là vấn đề xảy ra tương đối phổ biến đối với các quốc gia. Nếu không được kiểm soát ở một tỷ lệ nhất định, nó có thể gây ra rất nhiều hậu quả cho kinh tế, đời sống người dân.