Quản lý tài sản | 16/02/2023
“Thần chứng khoán Nhật Bản” nhân 10.000 lần tài khoản sau 8 năm bằng cách nào?
Không chỉ bằng may mắn có được 17 triệu USD sau 1 giao dịch, vị tỷ phú này còn áp dụng một loạt yếu tố kỷ luật vào các quyết định để có thành công.
Lần đầu gặp Kotekawa Takashi, ít người nghĩ rằng người đàn ông sinh năm 1978 tại tỉnh Chiba này là một tỷ phú. Anh thường xuất hiện với một chiếc áo len xám, quần jean, đi giày thể thao. Vị tỷ phú này cũng không có xe sang, hay thích những nhà hàng sang trọng. Anh chỉ đi xe đạp và ăn mỳ.
Không có nhiều thông tin về Takashi vì tỷ phú tự thân này rất ít xuất hiện trên truyền thông và kín tiếng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên với giới đầu tư chứng khoán Nhật Bản, đây là một “thần giao dịch trong ngày”. Chỉ trong 8 năm, tài khoản của anh đã tăng gấp 10.000 lần và đạt đến mức 200 tỷ Yên (khoảng 1,8 tỷ USD).
Chớp thời cơ “ngàn năm có một”
Vị thần này khởi nghiệp trader từ năm 2001, khi đó anh là sinh viên năm thứ 3 đại học. Đây cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán Nhật Bản rớt giá. Đến năm 2005, trên sàn chứng khoán xuất hiện một sự cố hy hữu. Một nhân viên của công ty chứng khoán Mizuho Securities đặt nhầm lệnh của doanh nghiệp đang IPO.
Thay vì bán giá 610.000 Yên/cổ phiếu, anh này lại đặt lệnh bán 610.000 cổ phiếu với giá 1 Yên.
Chỉ trong 30 phút, công ty đang IPO đã bán xong 14.500 cổ phiếu và Takashi là nhà đầu tư may mắn mua được 7.100 cổ.
Tới ngày hôm sau, công ty chứng khoán quyết định sửa sai bằng cách ra thông báo mua lại số cổ đã bán “hớ” hôm qua. Takashi cũng đồng ý bán lại cho công ty chứng khoán và nhẹ nhàng chốt lãi 2 tỷ Yên (khoảng 17 triệu USD).
Thế nhưng một lần gặp may sẽ không giúp anh được phong “thần”. Trong nhiều năm sau, Takashi đã kiếm hàng triệu USD khác từ các giao dịch của mình. Dù không công khai cụ thể các giao dịch này, nhưng theo ước tính của Indiatimes, tài khoản của anh đã tăng từ 13.600 USD lên 153 triệu USD chỉ trong 8 năm. Có thể con số này không đầy đủ và thực tế còn cao hơn.
Vậy điều gì đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ như vậy ngoài yếu tố may mắn?
Kỷ luật tạo ra hiệu quả
Từng trả lời trong một phỏng vấn, “Thần chứng khoán Nhật Bản” cho biết: Bản thân là một người khá kỷ luật dù có phần nào máu cờ bạc.
Đầu tiên là việc quản lý giao dịch. Việc quản lý này cần hiệu quả ở mức không nhất thiết các giao dịch phải đúng 100% nhưng tỷ lệ phải đạt 60%. Tức là với mỗi 10 giao dịch thì chỉ có 4 giao dịch lỗ và như vậy anh vẫn có thể kiếm được tiền.
Tiếp đó là không bao giờ để hết trứng vào một giỏ. Đây là cách nói khác của việc đa dạng hoá đầu tư để tránh rủi ro. Khi anh đã kiếm được nhiều tiền và sẵn lượng tiền mặt, thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, Takashi bắt đầu chuyển hướng sang bất động sản.
Năm 2008, anh chi khoảng 9 tỷ Yên để mua một toà nhà văn phòng trước nhà ga Akihabara ở Tokyo. Năm 2011, anh mua thêm tòa nhà thương mại “AKIBA Cultural District” với giá 17 tỷ Yên (khoảng 156 triệu USD). Năm 2018, anh xây dựng nhà hàng từ mảnh đất mua được với giá 80 triệu Yên.
Không chỉ bất động sản, có những thời điểm anh tập trung vào ngành ngân hàng hay công nghệ thông tin.
Không quan tâm đến tiền
Cuối cùng là không nhìn vào khoản tiết kiệm của mình. Anh cho rằng việc đó sẽ khiến anh mất tập trung vào giao dịch. Anh không mang theo nhiều tiền mặt vì cảm thấy việc đó sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng đưa ra phán đoán khi giao dịch trong ngày.
Anh cho biết: “Nếu bạn quan tâm đến tiền, bạn không thể giao dịch trong ngày thành công. Đối với tôi, mất 100.000 USD có thể cảm thấy tốt hơn kiếm được 6.000 USD, nếu giao dịch thua là một giao dịch tốt và giao dịch thắng là một giao dịch tồi ”.
Một số yếu tố khác mà anh áp dụng như bí kíp cho mình đó là ăn ít. Món ăn ưa thích của “thần” này là mì ramen. Anh từng chia sẻ: “Nếu tôi ăn ít hơn, tôi sẽ ít buồn ngủ hơn, như vậy sẽ giúp tôi tỉnh táo và tập trung hơn vào các giao dịch”.
Cuối cùng là không khí bẩn cũng là điều gây ảnh hưởng đến phán đoán vì thế anh thích sống một mình trong một ngôi nhà rộng. Không gian thoáng mát sẽ giúp suy nghĩ nhanh nhẹn và sáng suốt hơn.
Điểm khiến anh giống những người giàu thật sự ở Nhật Bản là việc kín tiếng. Lần cuối cùng anh xuất hiện trước đám đông là vào tháng 4/2018, khi bán toà nhà văn phòng ở Akihabara với giá 12 tỷ Yên (110 triệu USD).