Kinh tế | 30/12/2021

Thất nghiệp là gì? Đo lường tỷ lệ thất nghiệp như thế nào?

Thất nghiệp mang đến những tác động như thế nào?
Thất nghiệp mang đến những tác động như thế nào?

Thất nghiệp là điều không ai mong muốn phải trải qua, đặc biệt là sau thời điểm đại dịch Covid-19. Đại dịch đã khiến hàng loạt công ty buộc phải đệ đơn phá sản và đẩy hàng triệu người lao động vào tình cảnh thất nghiệp. Nếu bạn đang thắc mắc rốt cuộc thất nghiệp là gì mà khiến nhiều người lại lo sợ đến vậy, DNSE sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này trong bài viết dưới đây.

Thất nghiệp là gì?

Thất nghiệp tự nguyện hay không tự nguyến
Thất nghiệp là tình trạng như thế nào?

Thất nghiệp là thuật ngữ thường được sử dụng trong kinh tế vĩ mô để chỉ tình trạng người đang trong độ tuổi lao động, có đầy đủ khả năng lao động và có nhu cầu tìm việc làm nhưng chưa có việc làm.

Phân loại thất nghiệp

Thất nghiệp có thể được phân loại theo 3 cách sau:

Căn cứ theo lý do thất nghiệp

  • Mất việc: Đơn vị thuê lao động sa thải người lao động vì một lý do nào đó.
  • Bỏ việc: Người lao động chủ động xin nghỉ việc
  • Nhập mới: Những người mới tham gia vào thị trường lao động chưa tìm được việc làm.
  • Tái nhập: Những người từng rời khỏi lực lượng lao động nhưng bây giờ muốn quay lại và chưa tìm được việc làm.

Căn cứ theo tính chất thất nghiệp

  • Thất nghiệp tự nguyện: Người lao động tự nguyện thôi việc.
  • Thất nghiệp không tự nguyện: Tổ chức mà người lao động đang công tác ra quyết định sa thải. Điều này buộc người lao động phải tìm một công việc khác.

Căn cứ theo nguyên nhân thất nghiệp

Thất nghiệp tự nhiên

Thất nghiệp tự nhiên là loại thất nghiệp luôn tồn tại ở mọi nền kinh tế, gần như không bao giờ mất đi ngay cả khi thị trường lao động ổn định hay nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng.

Thất nghiệp tự nhiên gồm:

  • Thất nghiệp tạm thời/ thất nghiệp ma sát:

Đây là tình trạng thất nghiệp xảy ra trong ngắn hạn khi người lao động thay đổi việc làm hoặc người mới bổ sung vào lực lượng lao động chưa tìm được việc.

Ví dụ: Sinh viên mới ra trường và đang tìm việc làm.

  • Thất nghiệp cơ cấu:

Thất nghiệp dài hạn bắt nguồn từ sự thay đổi trong quy trình sản xuất hay sự suy giảm của một số ngành nghề khiến người lao động không thể thích nghi và phải tìm việc làm mới.

Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất thủ công nhưng hiện tại áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Người lao động vì không thể thích nghi với quá trình tự động hóa nên thành tích làm việc kém. Họ chủ động nghỉ việc và muốn tìm một việc làm mới.

  • Thất nghiệp thời vụ:

Một số ngành nghề có tính chất thời vụ, chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Khi hết thời gian này, người lao động sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Ví dụ: Người lao động làm việc trong hợp tác xã trồng mía ở miền Bắc. Mía thường có 2 vụ chính là vụ đông xuân từ tháng 11 – 3 và vụ thu thu hoạch từ tháng 10 – 1 năm sau. Khi hết vụ mía thì người trồng mía tạm thời không có việc làm và phải tìm việc khác.

  • Thất nghiệp chu kỳ

Thất nghiệp chu kỳ là thất nghiệp xảy ra theo chu kỳ kinh tế. Loại thất nghiệp này thường xuất hiện khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Mức thất nghiệp chu kỳ cao hơn mức thất nghiệp tự nhiên. Tuy nhiên, khác với thất nghiệp tự nhiên, thất nghiệp chu kỳ không tồn tại vĩnh viễn.

Ví dụ: Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự để ổn định hoạt động của công ty. Điều này khiến người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Cách đo lường tỷ lệ thất nghiệp

Cách đo lương tỷ lệ thất nghiệp như thế nào?
Cách đo lương tỷ lệ thất nghiệp như thế nào?

Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp và lực lượng lao động trong một khoảng thời gian nhất định. Trong đó:

Lực lượng lao động (L) = số người có việc làm (E) + số người thất nghiệp (U)

Tỷ lệ thất nghiệp được tính theo công thức:

u = (U/L) x 100% = [(L-E)/L] x 100% = (1-E/L) x 100%

Ví dụ: Số người đã có việc làm là 1.000 người trong khi số người thất nghiệp là 25 người. Lúc này, lực lượng lao động gồm 1025 người và tỷ lệ thất nghiệp là:

25 / 1025 x 100% = 2,44%

Tỷ lệ thất nghiệp cho biết nền kinh tế trong khoảng thời gian xác định đã khai thác tối đa nguồn cung lao động sẵn có trên thị trường hay chưa. Khi tỷ thất nghiệp thực tế (bao gồm thất nghiệp tự nhiên và thất nghiệp chu kỳ) lớn hơn tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên thì nền kinh tế đang ở trạng thái khiếm dụng, chưa đạt tới mức sản lượng tiềm năng. 

Theo thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại Việt Nam là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid lần thứ tư và việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương.

Tác động của thất nghiệp là gì?

Tác động của thất nghiệp vô cùng lớn đến đời sống của mỗi người
Tác động của thất nghiệp vô cùng lớn đến đời sống của mỗi người

Tác động tiêu cực đến thu nhập và cuộc sống của người lao động

Người lao động thất nghiệp đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Họ không đủ khả năng thanh toán các khoản chi tiêu để duy trì cuộc sống. Ngay cả những nhu cầu sống cơ bản như ăn uống, nơi trú ẩn cũng không được đáp ứng. Việc này dẫn đến tình trạng đói nghèo, sức khỏe người lao động giảm sút. Hơn nữa, người thất nghiệp có thể trở thành gánh nặng cho người thân và cho xã hội.

Ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội

Trong trường hợp bị cho nghỉ việc, những cá nhân thất nghiệp phải duy trì cuộc sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp từ Chính phủ. Lúc này, nhà nước mất đi khoản thu nhập từ thuế và phải trả trợ cấp cho người lao động. Với tư cách là một tổng thể, xã hội chịu nhiều tổn thất hơn so với các cá nhân đang thất nghiệp về mặt thu nhập.

Người thất nghiệp khi không thể chi trả cho nhu cầu sống cơ bản có thể sinh ra tâm lý “đói ăn bậy, túng làm càn”. Hậu quả là tệ nạn xã hội gia tăng, làm xáo trộn trật tự an ninh xã hội. Một số người lao động không tìm được việc làm sẽ di chuyển đến những địa phương khác để tìm cơ hội, đặc biệt là các thành phố lớn. Sự di chuyển ồ ạt dẫn đến sự mất cân bằng về dân cư giữa các khu vực.

Tăng trưởng kinh tế bị đình trệ

Thất nghiệp tăng cao là dấu hiệu của một nền kinh tế đang phải trải qua những bất ổn hay thậm chí là suy thoái. Tình trạng này sẽ gây ra hiện tượng lạm phát. Bên cạnh đó, trong trường hợp người lao động thiếu việc làm trong khi các công ty lại đang cần tuyển thêm nhân sự, sự không cân đối này đang làm lãng phí lực lượng lao động trên thị trường. Hoạt động kinh doanh và năng suất sản xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng khi lao động không được sử dụng đúng cách.

Với những thông tin được cung cấp trên đây, chắc hẳn bạn đã nắm rõ thất nghiệp là gì và những hậu quả mà nó gây ra cho kinh tế và xã hội. Một nền kinh tế có sức khỏe tốt sẽ giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Như đã nói ở trên, thất nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Một số loại thất nghiệp xảy ra là điều tất yếu của nền kinh tế. Còn một số khác khi xảy ra sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như thất nghiệp chu kỳ.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan