Quản lý tài sản | 26/05/2023

Tích lũy: Con đường dẫn tới hạnh phúc bền vững

Duy trì một cuộc sống thoải mái không hề đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với làn sóng lạm phát và suy thoái kinh tế. Dường như chúng ta luôn rơi vào tình trạng “lương về tay, tiền đi hết”. Vì vậy, việc tích lũy đã trở thành một trong những mục tiêu cấp bách với nhiều người.

Vậy tích lũy là gì?

Tích lũy là gì? Tìm hiểu về tích lũy
Tích lũy là gì? Tìm hiểu về tích lũy

Tích lũy là quá trình tăng dần số lượng hoặc giá trị của một thứ gì đó qua thời gian. Trong ngữ cảnh tài chính, việc tích lũy tiền hay cổ phiếu sẽ giúp cho người tích lũy sở hữu một lượng tiền hay cổ phiếu lớn hơn trong tương lai.

Tích lũy là một hành trình dài hạn, cần rất nhiều sự cam kết cũng như tính kỷ luật mới có thể đạt được thành quả như mong đợi. Vì vậy, để giúp bạn hiểu rõ cũng như dễ hình dung về khái niệm “tích lũy” và cách thức xây dựng tài sản trong một thời gian dài, DNSE đã phân chia quá trình này thành 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 10 năm như dưới đây.

Những giai đoạn đầu tư tích lũy mà bạn cần lưu ý 

Tuổi 20 – Định hình tư duy tiết kiệm và đầu tư

Trong độ tuổi 20, việc định hình tư duy tiết kiệm là quan trọng nhất. Vì vậy, bạn nên ưu tiên tập trung vào việc tạo dựng quỹ dự phòng khẩn và bắt đầu tích lũy một cách thường xuyên. Số tiền tích lũy của bạn không cần phải quá lớn trong giai đoạn này. “Tích tiểu thành đại” , đôi khi chỉ cần vài trăm nghìn đến một triệu một tháng cũng đã tạo ra sự khác biệt. Việc tích lũy cũng sẽ giúp bạn bớt chi tiêu lãng phí không cần thiết. 

Thứ chúng ta có nhiều nhất trong tuổi trẻ chính là thời gian. Thay vì lãng phí nó, bạn nên bắt đầu tìm hiểu về các hình thức đầu tư cơ bản như tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản, và quỹ đầu tư. Việc tích lũy những kiến thức này sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong tương lai.

Tuổi 30 – Xây dựng cơ sở tài chính và đầu tư sáng suốt

Tại tuổi 30, ngoài việc tích lũy, bạn nên tận dụng mọi cơ hội có thể để xây dựng cơ sở tài chính cá nhân. Những kênh đầu tư bạn nên tham khảo là chứng khoán, quỹ đầu tư hoặc bất động sản bởi chúng là công cụ tài chính bền vững và có tiềm năng sinh lợi cao.

Nhưng hãy đừng vội vàng “tất tay” khi bạn chưa trang bị đủ kiến thức . Cũng đừng bao giờ liều lĩnh dùng khoản chi phí sinh hoạt cần thiết hay quỹ tiết kiệm khẩn cấp để đầu tư vì trong đầu tư sẽ luôn luôn tồn tại rủi ro. Trước khi xuống tiền, hãy luôn tự hỏi bản thân rằng “nếu mất số tiền này, mình có thể sống được không?”

Tuổi 40 – Mở rộng nguồn thu nhập và tối ưu hóa tài sản

Tuổi 40 là độ tuổi mà bạn nên mở rộng nguồn thu nhập. Ngoài công việc chính, hãy tìm các cách để gia tăng thu nhập phù hợp với số vốn cũng như kinh nghiệm mà bạn đã trải nghiệm trong nhiều năm qua. 

Có rất nhiều hình thức để bạn lựa chọn như khởi nghiệp, tự đầu tư vào doanh nghiệp cá nhân của mình hoặc tham gia các dự án đầu tư uy tín với tư cách cổ đông. Hình thức mà bạn lựa chọn sẽ dựa trên độ “chịu chơi” của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng không phải dự án rủi ro cao nào cũng sẽ có mức sinh lợi lớn. 

Tuổi 50 – Bảo vệ và duy trì tài sản

Bảo vệ và duy trì tài sản
Bảo vệ và duy trì tài sản

Đừng để tiền của bạn “đi chơi xa” vào giai đoạn này. Tập trung vào bảo vệ và duy trì tài sản của mình bằng cách gửi tiền vào các quỹ hưu trí. Đồng thời, hãy tiếp tục theo dõi thị trường tài chính và thích nghi với những thay đổi kinh tế để đảm bảo tài sản của bạn vẫn đạt được sự tăng trưởng ổn định.

Tuổi 60 – Đầu tư an toàn và tận hưởng thành quả của bạn

Khi đến tuổi 60, cuối cùng thì bạn đã có thể thưởng thức thành quả của việc tích lũy tiền bạc suốt những năm qua. Hãy tính toán đến việc rút quỹ hưu trí và tập trung vào những danh mục đầu tư an toàn. Sử dụng tài sản tích lũy để tạo ra một kế hoạch hưu trí bền vững và bạn có thể an tâm tận hưởng cuộc sống.

Việc tích lũy tiền bạc là một hành trình kéo dài suốt nhiều năm liền, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tính kỷ luật. Để đạt được mục tiêu tích lũy, ngoài một kế hoạch chi tiết, bạn còn cần phải liên tục bổ sung kiến thức về tài chính nữa. Hãy theo dõi DNSE để tìm hiểu tất tần tật về đầu tư và tài chính cá nhân.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Mai Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan