Bảo hiểm - Thuế | 17/07/2023

Trốn thuế (Tax Evasion) và tránh thuế (Tax Avoidance) là gì?

Trốn thuế và tránh thuế là hai thuật ngữ trong kinh tế có định nghĩa khác nhau nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng và chưa phân biệt được. Vậy trốn thuế là gì và tránh thuế là gì? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Trốn thuế (Tax Evasion) và tránh thuế (Tax Avoidance) là gì?
Trốn thuế (Tax Evasion) và tránh thuế (Tax Avoidance) là gì?

Tránh thuế là gì?

Tránh thuế (Tax Avoidance) hay tối ưu chi phí thuế là việc sử dụng các phương pháp hợp pháp để giảm thiểu thuế thu nhập của một cá nhân hoặc tổ chức. Vì vậy, doanh nghiệp hoặc cá nhân đó không phải chịu một số các chế tài do cơ quan quản lý thuế áp dụng.

Mục đích chính của tránh thuế là tối ưu hóa và giảm thiểu nghĩa vụ thuế một cách hợp pháp mà không hề vi phạm bất kỳ quy định nào. Các hành vi thường được dùng để tránh thuế

Người nộp thuế hoặc các doanh nghiệp có thể tận dụng các cách dưới đây để tối ưu chi phí thuế:

  • Sử dụng các khoản miễn thuế hoặc khấu trừ: Đối với từng cá nhân hoặc tổ chức một số các khoản thu đặc biệt sẽ được cơ quan thuế miễn trừ. Vì vậy, tận dụng việc này cũng có thể giúp giảm thuế thu nhập. 
  • Sử dụng các ưu đãi về thuế: Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ có rất nhiều các cơ chế ưu đãi nhằm kích thích, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế đặc biệt.
  • Sử dụng các công cụ tài chính khác: Các công ty lớn thường thực hiện tránh thuế bằng việc sử dụng các công cụ tài chính và pháp lý như việc thành lập các công ty con, công ty liên kết ở các “thiên đường thuế”, hoặc sử dụng các cơ chế chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn.
  • Chuyển hóa thu nhập: Chuyển hóa thu nhập thông thường thành lợi tức vốn; chuyển đổi lợi tức vốn thành thu nhập thông thường; chuyển đổi tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ thành khoản vay không có lãi hoặc không xác định; 
  • Vốn mỏng: Sử dụng tỷ lệ vốn vay cao so với vốn chủ sở hữu để hưởng lợi về thuế; Thay thế phí bản quyền hoặc phí bằng các khoản đầu tư để hưởng lợi về thuế; chuyển nhượng quyền sở hữu pháp lý trong khi vẫn nắm giữ quyền sở hữu kinh tế (thực tế); Chuyển nhượng thu nhập hoặc tài sản cho một công ty bị kiểm soát được hưởng miễn thuế; Chuyển nhượng thu nhập hoặc tài sản cho một công ty bị kiểm soát chịu thuế thấp hơn; 
  • Chuyển giá: Chuyển thu nhập cho chi nhánh hoặc công ty con ở nước có thuế thấp; Chuyển thu nhập cho chi nhánh hoặc công ty con ở nước có hiệp định tránh đánh thuế hai lần; chuyển thu nhập cho chi nhánh hoặc công ty con ở nước có ưu đãi thuế hoặc miễn giảm thuế; Phân bổ chi phí cho chi nhánh hoặc công ty con ở nước có thuế suất cao.

Trốn thuế là gì?

Trốn thuế ( Tax Evasion) là hoạt động bất hợp pháp của một cá nhân, tổ chức nhằm giảm số tiền thuế phải nộp theo quy định hoặc trốn tránh nghĩa vụ về thuế. Tội trốn thuế nếu bị phát hiện sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như: bị xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy thu thuế…

Các hành vi được xem là trốn thuế

Theo khoản 1 Điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các hành vi sau được xem là trốn thuế:

– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;

– Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

– Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

– Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

– Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

– Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

– Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;

– Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

Các quy định trong pháp luật hiện nay

Luật QLT năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012, cũng như Luật Thuế TNDN năm 2008 không có quy định nào đề cập đến hành vi tránh thuế.

Dù chưa có quy định chính thức về việc tránh thuế, nhưng Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp đã có xu hướng ngăn ngừa hành vi tránh thuế, thông qua các quy định đã ban hành như: 

Điều 9.1 của Luật Thuế TNDN năm 2008 đã có xu hướng hạn chế hành vi tránh thuế bằng cách chỉ chấp nhận các khoản chi liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh khoản chi đó. 

Ngoài ra, Điều 9.2 của Luật Thuế TNDN có liệt kê một số khoản chi không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Quy định này được các nhà làm luật đưa ra với mục đích ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các khoản chi để giảm thiểu nghĩa vụ thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, việc nắm rõ được khái niệm trốn thuế và tránh thuế có thể giúp cá nhân hoặc doanh nghiệp tránh khỏi hành động bất hợp pháp. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lưu Kim Lân

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan