Kiến thức tổng quan | 14/12/2022
Tự do hoá lãi suất là gì? Đâu là cách để áp dụng tự do hóa lãi suất?
Tự do hóa lãi suất là việc tháo bỏ hoàn toàn các ràng buộc về lãi suất trong nền kinh tế, giúp lãi suất đạt đến điểm cân bằng của nó. Cụ thể hơn, tự do hoá lãi suất là gì? Đâu là những điều kiện để triển khai tự do hóa lãi suất? Hãy cùng DNSE đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé.
Tự do hoá lãi suất là gì?
Khái niệm
Trước tiên, bạn nên hiểu tự do hoá lãi suất là một bộ phận cơ bản của tự do hoá tài chính, tức là lãi suất hoàn toàn có thể điều chỉnh và thay đổi theo yêu cầu của thị trường.
Với cơ chế lãi suất này sẽ có rất ít hoặc thậm chí không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng vào vấn đề hình thành lãi suất. Thay vào đó, lãi suất sẽ được hình thành dựa trên cơ sở của thị trường và vận động theo quy luật cung – cầu. Bởi vậy, xác định lãi suất hợp lý sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa phát triển và ngược lại.
Bản chất
Như bạn biết đấy, Ngân hàng Trung ương sẽ can thiệp vào lãi suất thị trường và được điều hành thông qua công cụ gián tiếp như tái cấp vốn hay lãi suất chiết khấu. Đây là cách để có thể tác động đến cung – cầu vốn trên thị trường tiền tệ, từ đó xác lập mức lãi suất cân bằng.
Tự do hóa lãi suất sẽ giúp tháo bỏ những giới hạn, kiểm soát tốt hơn các điều bất hợp lý trong kinh doanh tiền tệ của khu vực trung gian tài chính. Thay thế vào đó là các biện pháp điều tiết lãi suất gián tiếp của Ngân hàng Trung ương thông qua công cụ của chính sách tiền tệ.
Yếu tố cốt lõi của tự do hóa lãi suất là tháo gỡ những quy phạm, loại bỏ tối đa các kiểm soát về lãi suất trong kinh doanh tiền tệ. Lúc này, các mức lãi suất về tiền gửi, cho vay theo giai đoạn và theo đối tượng của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế sẽ do chính họ ấn định dựa trên nguồn cung – cầu và cả sự cạnh tranh ngoài thị trường. Bởi vậy, đây sẽ là cách mà mức lãi suất được hình thành và phản ánh chính xác nhất nhu cầu thị trường.
Bằng việc điều hành lãi suất tái chiết khấu của mình với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Trung ương có thể kiểm soát, điều hành lãi suất kinh doanh của tổ chức tín dụng sao cho phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Qua đó, có thể tác động đến lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng và cả lãi suất kinh doanh của những tổ chức tín dụng.
Lợi ích của tự do hóa lãi suất là gì?
Khả năng tùy chỉnh linh hoạt, phản ánh chính xác nhu cầu thị trường
Đúng như tên gọi, thông qua tự do hóa lãi suất các dòng vốn trong xã hội có thể luân chuyển đến mọi nơi tùy thuộc vào mong muốn của mỗi nhà đầu tư, mà không gặp phải bất kỳ những khó khăn phi kinh tế nào. Như đã đề cập ở trên, lãi suất lúc này có thể tự điều chỉnh một cách linh hoạt và nhạy cảm, phản ánh chính xác nhất nhu cầu của thị trường.
Tăng trưởng nền kinh tế
Về bản chất, khi tự do hóa lãi suất được áp dụng, dòng vốn sẽ được lưu chuyển từ những nơi có lợi nhuận thấp đến nơi có lợi nhuận cao, từ nơi nhiều rủi ro đến nơi có mức độ rủi ro thấp hơn. Chính điều này sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định kinh tế vĩ mô, vốn đầu tư vào phát triển sản xuất gia tăng, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.
Cần làm gì để có thể tự do hóa lãi suất?
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu để kiểm soát chặt chẽ thị trường liên ngân hàng.
- Phải dự báo được lãi suất theo tình hình kinh tế.
- Sửa đổi và bổ sung những quy định về tái cấp vốn, chiết khấu và tái chiết khấu.
- Hoàn thiện các quy định về lãi suất và quy chế quản lý ngoại hối theo thông lệ quốc tế.
- Xóa bỏ các hình thức cho vay ưu đãi trong hệ thống ngân hàng.
- Áp dụng cơ chế điều hành hệ thống lãi suất chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
- Cải thiện năng lực quản lý và giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng thương mại.
- Nên để cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng quen hơn với cách làm ăn theo thị trường – “thuận mua, vừa bán”.
Tạm kết
Tự do hóa lãi suất là một vận động tất yếu trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Đây là cách giúp cho việc phân phối các nguồn vốn có hiệu quả hơn, giúp cho các ngân hàng chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn, tạo tiền đề cho việc phát triển một thị trường tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, hậu quả của chính sách này là có thể đẩy lãi suất thị trường tăng cao, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ chức tín dụng, làm cho họ buộc phải chấp nhận những dự án nhiều mạo hiểm để có lợi nhuận cao.