Kinh tế | 15/12/2022
Tự do hóa tài chính và những bài học kinh nghiệm từ Mỹ!
Tự do hóa tài chính là xu hướng hướng đang được nhiều quốc gia hướng tới. Nó được kỳ vọng đem lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên đi kèm theo đó là những rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính. Trong bài viết này, hãy cùng DNSE tìm hiểu về xu hướng này nhé.
Tự do hóa tài chính là gì?
Tự do hoá tài chính (Financial Liberalization) là việc giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia. Thay vào đó, các hoạt động tài chính sẽ diễn ra theo các nguyên tắc thị trường.
- Tự do hóa tài chính trong nước
Điều này được hiểu là việc tự do hóa về lãi suất, nới lỏng kiểm soát tín dụng. Tự do hóa tài chính trong nước cho phép quá trình phân bổ nguồn lực tín dụng được tự do hơn. Ngân hàng và các tổ chức tài chính có thể tự xác định lãi suất cũng như các yếu tố liên quan đến tiền gửi và cho vay.
- Tự do hóa tài chính với nước ngoài
Nó bao gồm việc tự do hóa khu vực tài chính quốc tế, tự do hóa tỷ giá và tài khoản vốn. Theo đó, các tổ chức tài chính quốc tế có cơ hội gia nhập vào thị trường nội địa một cách dễ dàng hơn. Không có sự phân biệt giữa các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài. Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, xóa bỏ việc đặt ra tỷ giá cố định.
Lợi ích của tự do hóa tài chính
Phân bổ hiệu quả các nguồn lực quốc gia
Thứ nhất, tự do hóa tài chính giúp phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Tự do hóa lãi suất chính là quá trình để cho các lực lượng thị trường quyết định mức giá của nguồn lực quan trọng nhất, đó là vốn. Theo đó, nguồn lực khan hiếm này sẽ được phân bổ tới những người vay hiệu quả nhất. Sự vận động tự do của vốn cho phép một sự phân bổ tiết kiệm trên toàn cầu hiệu quả hơn và hướng các nguồn lực tới những nơi sử dụng có hiệu quả nhất.
Lợi ích cho người tiêu dùng
Đa dạng các tổ chức tài chính và sản phẩm tài chính giúp cho hệ thống tài chính ngày càng hiệu quả. Người tiêu dùng được sử dụng các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp với chi phí thấp. Các dịch vụ chuyển tiền miễn phí, thanh toán nhanh gọn và sản phẩm tiết kiệm đa dạng.
Thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế
Lãi suất của nguồn tiền gửi và cho vay được các ngân hàng tự điều chỉnh sẽ tăng tính lưu động của vốn. Điều đó khuyến khích các khoản tín dụng cá nhân và doanh nghiệp. Họ có cơ hội mở rộng đầu tư và đạt được mức sinh lời cao. Qua đó đem lại tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Cải cách ở các quốc gia
Việc mở cửa, hội nhập tài chính đòi hỏi mỗi quốc gia phải cải cách, thích ứng với những chuẩn mực chung của thế giới. Quá trình cải cách này sẽ giúp các quốc gia bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài chính còn thiếu sót của mình.
Tiết kiệm chi phí kiểm soát vốn
Các biện pháp kiểm soát vốn đều kéo theo những khoản chi phí của Nhà nước. Ví dụ như chi phí thanh tra, kiểm tra,… Tiến hành tự do hóa tài chính sẽ giúp cắt giảm những chi phí này.
Rủi ro của tự do hóa hệ thống tài chính
Bên cạnh những tác động tích cực thì quá trình này cũng vô tình kéo theo một số hệ lụy. Đặc biệt là các yếu tố rủi ro đối với các quốc gia có thị trường tài chính còn yếu.
Tăng khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính
Tự do hóa tài chính có thể dẫn đến hai hệ lụy. Thứ nhất, mở cửa khi thị trường tài chính nội địa chưa đủ phát triển sẽ dễ bị các tổ chức tài chính nước ngoài áp đảo. Tổ chức tài chính nội địa yếu kém bị cạnh tranh gay gắt hơn. Thứ hai, độ mở tài chính cao làm gia tăng rủi ro khủng hoảng dây chuyền từ thị trường bên ngoài. Mọi diễn biến xấu của thị trường tài chính quốc tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế quốc gia.
Giảm quyền điều tiết tài chính của Chính phủ
Bản chất của việc tự do hóa hệ thống tài chính là giảm bớt sự điều tiết từ Chính phủ. Tuy nhiên điều đó có thể khiến thị trường trong nước bị thao túng bởi các tổ chức quốc tế. Đặc biệt khi nền tài chính nội địa còn non yếu. Chính phủ khó có thể đưa ra những chính sách nhằm can thiệp và kiểm soát các tổ chức nước ngoài này. Điều đó có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính diện rộng.
Xu hướng tự do hóa tài chính và bài học từ Mỹ
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng xu hướng này từ đầu những năm 1980. Các doanh nghiệp Mỹ được mở rộng đầu tư ra nước ngoài, giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng gián tiếp khiến hàng hóa giá rẻ từ các nước khác thâm nhập thị trường Mỹ. Hàng nhập khẩu được ưa chuộng gây ra tác động tiêu cực tới cán cân thương mại. Hơn nữa, các nước đang phát triển dùng nguồn thu USD để mua lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này làm mất cân đối thị trường tài chính. Đồng thời gây khó khăn cho Cục dự trữ liên bang (FED) khi điều hành các chính sách tiền tệ.
Hệ quả là, Mỹ thâm hụt ngân sách hơn 1 tỷ USD trong 4 năm liên tiếp từ 2008 – 2011. Nợ nước ngoài tăng cao với hai chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Số lượng trái phiếu Mỹ mà hai quốc gia này nắm giữ là 1.150 tỉ USD và 1.120 tỉ USD.
Sau cuộc khủng hoảng này, Mỹ đã thấy rõ mặt trái của hệ thống tài chính tự do. Chính sách đầu tư chuyển hướng, khuyến khích doanh nghiệp Mỹ quay trở lại đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và tạo việc làm. Nhờ đó, các chỉ số kinh tế đã bắt đầu phục hồi tích cực.
Việt Nam hiện nay được đánh giá có độ mở tài chính thấp so với khu vực và thế giới. Việc áp dụng tự do hóa tài chính vẫn đang được cân nhắc và tiến hành thận trọng. Theo đó, tiếp thu những bài học kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng để áp dụng vào tiến trình này.
Kết
Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế của các quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống tài chính. Vì thế, mọi quốc gia đều mong muốn hoàn thiện thị trường tài chính của mình. Theo đó, xu thế tự do hóa tài chính cũng ngày càng được quan tâm. Tự do hóa hệ thống tài chính là xu hướng tương lai của các quốc gia. Tuy nhiên việc đưa nó vào áp dụng cần thời gian và sự điều chỉnh phù hợp.