Doanh nghiệp | 16/08/2023
Twitter tạo ra xu thế mạng xã hội như thế nào?
Ít người biết rằng việc tag một người nào đó hay các hashtag trên mạng xã hội đều là ý tưởng của người dùng Twitter.
Mạng xã hội Twitter được thành lập bởi Jack Patrick Dorsey. Ông sinh ra tại St. Louis, Missouri, miền quê nước Mỹ. Sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình khá giả với bố – ông Tim Dorsey – là 1 nhân viên bán hàng, còn mẹ – bà Marcia Dorsey là 1 nhà trị liệu.
Ngay từ khi còn bé, Jack Patrick Dorsey hay còn được gọi là Jack Dorsey sớm được tiếp xúc với máy tính và ông đã nhanh chóng bộc lộ tình yêu với công nghệ. Năm 12 tuổi Jack Dorsey đã tự học lập trình.
Với ước mơ biến máy tính thành công cụ giúp con người tìm được phương hướng, chỉ 3 năm sau, Jack tự lập trình ra được 1 phần mềm chỉ đường dành cho xe oto – thứ mà sau này các hãng taxi vẫn còn đang sử dụng.
Đầu năm 1991, sau khi tốt nghiệp tại trường trung học Bishop DuBourg tại quê nhà, ông tiếp tục theo đuổi đam mê và nhanh chóng nhập học vào khoa khoa học máy tính của trường ĐH Missouri. Sau đó ông chuyển sang New York để theo học tại khoa Viễn thông Tương tác của trường New York University.
Vào 1 buổi sáng, trong lúc đi dạo quanh khu South Park, ông đã vô tình lạc vào Cafe Centro – một nhà hàng địa phương nổi tiếng. Tại đây Jack đã gặp Evan Williams – người từng là sinh viên của khoa khoa học máy tính đại học Brown, một trong 100 nhà phát minh sáng chế hàng đầu thế giới ở độ tuổi dưới 35, và là cha đẻ của thuật ngữ Blogger
Thần tượng Williams đã lâu, Jack quyết định đầu quân cho ODEO – công ty của Williams và là một startup chuyên về phát triển phần mềm cho Podcast trên Internet.
Đây là một trong những công ty podcast đầu tiên trên thế giới. Công ty này đã phát triển một nền tảng cho phép người dùng tạo, chia sẻ và phát podcast trên Internet.
Năm 2005, ODEO đang trên đà phát triển thì Apple của Steve Jobs nhảy vào cuộc chơi bằng cách tích hợp podcast cho Itunes. Từ 1 startup podcast đầy tiềm năng, ODEO bắt đầu gặp những khó khăn trong việc giành lại thị trường.
Đứng trước viễn cảnh tương lai khó khăn, ban lãnh đạo của ODEO quyết định triệu tập ngay tất cả các nhân viên để họp bàn khẩn cấp, nhằm tìm ra hướng đi mới cho công ty. Nhận thấy cơn sốt SMS đang khuấy đảo thế giới lúc bấy giờ khi mọi người có thể gửi tin nhắn thuận tiện giữa 2 thiết bị khác nhau. Jack Dorsey nảy ra 1 ý tưởng: Tạo ra 1 mạng xã hội mà người dùng có thể công khai chia sẻ ý kiến, suy nghĩ, hoặc bất kỳ thông báo gì thông qua các mẩu tin nhỏ.
Trải qua 2 tháng nghiên cứu và triển khai những tính năng cho trang web. Tới ngày 21 tháng 3 năm 2006, dòng trạng thái đầu tiên có nội dung: “Chỉ đang thiết lập twttr của tôi” được Jack đăng tải qua tài khoản của mình. Đây đã đánh dấu status đầu tiên được đăng tải twitter.
Vì vẫn còn là bản beta nên Twitter khi đó được sử dụng làm mạng xã hội nội bộ của công ty. Nhưng chỉ sau 3 tháng, William cảm thấy mạng xã hội rất phù hợp nên Twitter lúc này chính thức được ra mắt người dùng.
Ngay lập tức, Twitter đã thay đổi toàn bộ cách hoạt động của mạng xã hội khi đó. Cụ thể hơn thì Twitter là một nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng cập nhật hoạt động của mình thông qua tin nhắn ngắn – tweet đến với hàng triệu người khác trên toàn thế giới. Tweet có thể chứa tối đa 140 ký tự và được chia sẻ theo nhiều cách khác nhau như văn bản, hình ảnh, video cho đến liên kết. Ngoài ra, người dùng có thể theo dõi những người khác trên Twitter và xem các tweet của họ trong trang chủ của họ.
Nhờ sự tiện lợi và đơn giản ấy mà chỉ trong tháng đầu ra mắt, Twitter đã thu hút được hơn 60.000 người dùng đăng ký. Thậm chí, chỉ sau 1 năm thành lập, ứng dụng đã có hàng triệu tin nhắn và các dòng tweet được đăng tải mỗi ngày, mặc dù trong thời điểm này, nhiều người dùng còn chả hiểu Twitter là gì và dùng nó như thế nào nhưng họ vẫn đăng ký hàng loạt.
Thấy được tiềm năng của ứng dụng mới, Đầu năm 2007, Evan Williams và Jack Dorsey quyết định tách Twitter ra khỏi Odeo để thành lập công ty riêng. Jack Dorsey lúc này trở thành CEO của Twitter.
Cuối năm 2007, Twitter đã có hơn 1 triệu người dùng hoạt động và trở thành một trong 10 trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Thương hiệu ngày càng đi lên nhưng mối quan hệ giữa Jack và nhân viên lại ngày càng đi xuống.
Với việc chưa từng có kinh nghiệm điều hành 1 công ty lớn, Jack đã sớm bộc lộ những yếu điểm về mặt quản trị. Đường hướng thì không rõ ràng, không được cấp dưới ủng hộ. Chỉ sau 2 năm điều hành, Jack Dorsey hoàn toàn thất bại với vị trí CEO. Năm 2008, Jack Dorsey rời khỏi Twitter. Evans William – người khi đó đang là chủ tịch của công ty, quyết định đứng lên tiếp quản vị trí giám đốc điều hành.
Trong những năm tiếp theo, Twitter dưới trướng của Evans William đã liên tục cho ra lò những tính năng hay ho. App twitter dành cho di động, tính năng Retweet dạng kiểu share lại bài viết lên trang cá nhân của mình hay Hashtag – cho phép người dùng tìm kiếm bài đăng cùng chủ đề 1 cách dễ dàng hơn.
Ngày 7 tháng 11 năm 2013: Cố phiếu TWTR của Twitter chính thức được IPO trên sàn chứng khoán New York (NYSE). 70 triệu cổ phiếu được bán ra với mức giá khởi điểm là 26 đô/cổ đã giúp công ty huy động được 1,8 tỷ đô la.
Đứng trước cơn sốt về những nền tảng mạng xã hội, với việc phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng loạt các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram hay Snapchat, lúc này Twitter cần 1 cú lột xác để có thể trở nên hấp dẫn với người dùng.
Đầu năm 2015, Jack Dorsey được mời quay trở lại làm CEO của Twitter. Dưới sự lãnh đạo của Dorsey, Twitter đã có một số thay đổi và cải tiến đáng kể. Công ty đã ra mắt một số tính năng mới chẳng hạn như tăng giới hạn ký tự của tweet lên 280 từ, video trực tiếp và nhận quảng cáo từ bên thứ 3. Ngoài ra, Twitter dưới thời Jack cũng đã cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách thêm các tính năng mới, tối ưu hóa giao diện và cải thiện tốc độ tải trang.
Twitter cũng có được những thành công từ chính người dung của mình. Để nhắc tới ai đó trong các bài đăng hoặc bình luận, người dung Twitter hay thêm ký tự @ trước tên người được nhắc tới. Đây chính là xuất phát của chức năng tag sau này được áp dụng trong các dịch vụ mạng xã hội hay tin nhắn.
Bên cạnh đó là các hashtag dấu #, đây cũng là ý tưởng từ người dùng Twitter và sau đó xuất hiện ở mọi nơi.
Tới quý 1 năm 2019, doanh thu của Twitter tăng tới 18%, lên tới 909 triệu đô. Đây được xem là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi Jack Dorsey quay lại Twitter.
Đến cuối 2019, khi mà cả thế giới phải đối mặt với đại dịch mang tên covid19 thì Twitter lại có 1 bước nhảy vọt về lượng người dùng. Vào thời điểm đó, người người ai ai cũng phải ở nhà nên việc cập nhật trạng thái trên mạng xã hội bỗng dưng trở thành xu hướng. Nhờ vậy mà ứng dụng bùng lổ, chạm mốc 166 triệu người dùng mỗi ngày.
Thành công là thế nhưng đây cũng là thời điểm Twitter vướng phải hàng loạt những tranh cãi xoay quanh việc kiểm duyệt nội dung. Nhiều người cho rằng Twitter đã không đủ nghiêm túc trong việc kiểm duyệt các nội dung giả mạo và tuyên truyền sai về dịch bệnh lúc đó. Đứng trước áp lực từ dư luận và các cổ đông, ngày 30 tháng 11 năm 2021, Jack Dorsey tuyên bố từ chức.
Nắm lấy cơ hội ngàn năm có một, Vào ngày 25 tháng 4 năm 2022, tỷ phú Elon Musk đã thông báo rằng ông đã mua lại Twitter với giá 44 tỷ đô la.
Vừa nắm cái quyền chưa được bao lâu, Elon đã cho 80% số nhân viên Twitter nghỉ việc để tối ưu chi phí vận hành.
Không chỉ vậy, ông còn tiện thể đổi luôn tên với logo của công ty sao cho hợp với hệ sinh thái của mình. Cái tên twitter giờ đã được thay bằng X, logo của công ty giờ không còn là chú chim màu xanh nữa mà là chữ X – đại diện cho ý tưởng vượt qua ranh giới và kết nối mọi người
Cùng với đó, tỷ phú Elon Musk cũng chia sẻ về mục tiêu tương lai Twitter sẽ hoạt động giống như những siêu ứng dụng tại Trung Quốc. Mạng xã hội ngoài chức năng thông tin, liên lạc còn là nơi để mua sắm, có chức năng thanh toán điện tử…