Tự do tài chính | 16/01/2024
William J. O’Neil – Phù thủy chứng khoán phố Wall
William J. O’Neil được mệnh danh là “phù thủy chứng khoán của phố Wall”, không chỉ làm giàu cho bản thân mà ông còn để lại nhiều giá trị tri thức vô giá cho những nhà đầu tư thế hệ sau. Vậy William J. O’Neil là ai? Những
Đôi nét về tiểu sử cuộc đời William J. O’Neil
William Joseph O’Neil sinh ngày 25 tháng 3 năm 1933 tại Oklahoma và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó ở Texas. Cha bỏ đi khi ông còn nhỏ, nhưng sự hỗ trợ từ những người thân đã thúc đẩy ông làm việc và học hành chăm chỉ .
Sau khi nhận bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh từ Đại học Southern Methodist vào năm 1955, ông phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ.
Năm 1958, ông làm nhân viên môi giới chứng khoán tại Hayden Stone & Company. Trong quá trình phát triển danh sách khách hàng và danh mục đầu tư của mình, ông nhận thấy tầm quan trọng của việc phân tích dữ liệu trong thành công của mình trong lĩnh vực đầu tư.
Vào đầu những năm 1960, William J. O’Neil đã thu được lợi nhuận xuất sắc trên thị trường chứng khoán bằng cách tập trung vào những cổ phiếu như Chrysler và Syntex, cùng với việc tham gia giao dịch bán khống cổ phiếu của chuỗi cửa hàng giảm giá Korvette.
Ông còn tham gia Chương trình đào tạo Phát triển Quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard và phát minh ra chiến lược đầu tư CANSLIM, giúp ông đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán.
Sự nghiệp của huyền thoại đầu tư
Thành lập Công ty chứng khoán
Năm 1963, khi chỉ mới 30 tuổi, William J. O’Neil đã trở thành người trẻ tuổi nhất mua được “chỗ ngồi” tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), giúp ông được tham gia giao dịch với tư cách là một nhà môi giới. Theo nhiều đánh giá, “chỗ ngồi” tại NYSE tại thời điểm đó có giá trị đến 3.000 USD vào giữa những năm 1800 và đến 3,575 triệu USD vào năm 2005.
Cùng năm đó, ông thành lập William J. O’Neil + Co. Inc., công ty phát triển cơ sở dữ liệu chứng khoán hàng ngày theo dõi hơn 70.000 công ty trên toàn cầu. Công ty quản lý tiền cho khách hàng với mức vốn tối thiểu là 75.000 USD. Và chỉ sau hai năm, quỹ này đã có tổng tài sản lên đến 10 triệu USD.
Năm 1992, ông thành lập một quỹ đầu tư mới mang tên “New USA” và nhanh chóng huy động được 170 triệu USD. Đến năm 1996, quỹ đầu tư này đã đạt hiệu suất 67% kể từ ngày thành lập, vượt xa chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, vào năm 1997, ông đã bán quỹ này cho MFS Investment Management.
Xuất bản Tạp chí Kinh doanh
Năm 1972, William J. O’Neil cho ra mắt cuốn sách Daily Graphs, ghi lại các giao dịch hàng ngày của cổ phiếu dưới dạng biểu đồ nhằm hỗ trợ nhà đầu tư quan sát và giao dịch.
Vào 1973, ông thành lập công ty in ấn O’Neil Data Systems và nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ xuất bản các biểu đồ, đồ thị lớn phục vụ cho quản lý quỹ tương hỗ, bảo hiểm, và cố vấn đầu tư. Công ty hiện hoạt động với tên gọi “O’Neil Digital Solutions” và có các chi nhánh hoạt động tại Los Angeles , Dallas và Monroe , North Carolina. Ông cũng sáng tạo công cụ nghiên cứu trực tuyến WONDA (William O’Neil Dynamic Access) cho cái nhìn tổng quan về thị trường chứng khoán.
Tháng 4 năm 1984, William J. O’Neil cho ra mắt Investor’s Daily – một tờ báo kinh doanh nhằm cạnh tranh với The Wall Street Journal. Năm 1991, tờ báo Investor’s Daily đổi tên thành Investor’s Business Daily (IBD) và tập trung vào cung cấp thông tin thị trường chứng khoán, cổ phiếu, cùng với các công cụ nghiên cứu và sản phẩm phân tích độc đáo cho nhà đầu tư.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Investor’s Business Daily có trên 300.000 tài khoản trả phí định kỳ. Tính đến năm 2015, tờ báo có số lượng phát hành là 113.000 bài và trang web đã thu hút 2,9 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Tháng 5/2021, tờ báo này đã được mua lại bởi công ty mẹ của WSJ News Corp với giá 275 triệu USD.
Những bài học về đầu tư của William J. O’Neil
Bài học số 1: Cắt lỗ rất nhanh, chốt lời hợp lý
“Toàn bộ bí mật để chiến thắng trên thị trường chứng khoán không phải là luôn luôn đúng mà là thua lỗ ít nhất khi bạn mắc lỗi sai” – Trích “Làm giàu từ chứng khoán”, William J. O’Neil.
Ông cho rằng mức cắt lỗ an toàn là khoảng 7 – 8% so với giá mua ban đầu và KHÔNG có ngoại lệ. Nguyên tắc chốt lời của William là khi cổ phiếu đạt mức tăng khoảng 20 – 25% so với giá mua vào. Tuy nhiên, mức chốt lời có thể linh hoạt hơn dựa vào các tín hiệu trên biểu đồ giá.
Bài học số 2: Tập trung vào doanh nghiệp có nội tại tốt
William J. O’Neil khuyên bạn hãy tập trung nghiên cứu và phân tích những doanh nghiệp có nội tại tốt như: doanh nghiệp kinh doanh chân chính, hoạt động công khai/minh bạch, tạo ra giá trị cho xã hội,… Đây là cơ sở để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, dẫn đến tăng giá cổ phiếu và cơ hội sinh lợi cho các nhà đầu tư.
Ông cũng cảnh báo nhà đầu tư tránh xa các cổ phiếu “trà đá” hoặc “penny,” vì những doanh nghiệp này thường không minh bạch, không tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bài học số 3: Luôn giữ vững tâm lý
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1993, khi được hỏi về những thành công của mình, William J. O’Neil trả lời một cách khiêm tốn rằng “Hãy luôn lạc quan có căn cứ và có cơ sở”.
Là một nhà đầu tư, bạn phải luôn tỉnh táo và học cách kiềm chế cảm xúc. Bạn cần ra quyết định đầu tư dựa trên sự tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây chính là “căn cứ” và “cơ sở” mà William đã đề cập.
Bài học số 4: Chăm chỉ, chịu khó và làm điều đúng đắn
“90% những người tham gia thị trường chứng khoán, kể cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp đều ít làm bài tập về nhà”.
Ông hàm ý rằng bất kể nhà đầu tư nào khi tham gia thị trường chứng khoán đều cần thực hành phân tích doanh nghiệp và nghiên cứu các mẫu hình giá.
Điều này trong ngắn hạn sẽ chưa thể giúp bạn kiếm ra tiền nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn tránh khỏi “mất tiền”. Hãy duy trì việc “làm bài tập về nhà” và phát triển nó đến mức trở thành một “thói quen”.
Có thể nói, con đường theo đuổi sự nghiệp đầu tư tài chính đòi hỏi kiến thức, sự kiên nhẫn và phân tích kỹ lưỡng. Mong rằng, bài viết có thể giúp bạn hiểu thêm về sự nghiệp và bài học mà William J. O’Neil để lại. Nếu thấy hay, hãy theo dõi DNSE để cập nhật các bài viết mới nhất nhé!