Quản trị danh mục | 31/12/2021
2 loại rủi ro khi đầu tư chứng khoán các chứng sĩ cần biết
Trên thị trường tài chính khốc liệt, việc gặp rủi ro khi đầu tư chứng khoán là điều mà nhà đầu tư không hề mong muốn. Có rất nhiều người tham gia đầu tư chứng khoán nhưng bị thua lỗ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những nguyên nhân và lý do mình bị thua lỗ. Khi đầu tư, điều quan trọng là phải đặt mình trong tâm thế đối phó với rủi ro. Để giúp các bạn đạt được điều này, trong bài viết dưới đây, DNSE sẽ chia sẻ đến các bạn 2 loại rủi ro khi đầu tư chứng khoán thường gặp. Đồng thời, đưa ra những phương pháp quản trị rủi ro hợp lý. Hãy cùng theo dõi nhé.
2 loại rủi ro khi đầu tư chứng khoán
Khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro. Để dễ phân biệt, những loại rủi ro này sẽ được quy về 2 loại chính đó là: Rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống.
Rủi ro hệ thống
Rủi ro hệ thống hay còn gọi là rủi ro thị trường. Loại rủi ro này khi xảy ra sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ TTCK mà không bỏ qua bất cứ ngành nào. Đối với rủi ro hệ thống, các nhà đầu tư không thể nào tránh được mà chỉ còn cách đối mặt với nó. Loại rủi ro này được chia ra thành 4 loại cụ thể:
Rủi ro hàng hóa
Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu của các doanh nghiệp tức là đã gián tiếp mua hàng hóa của công ty. Giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường. Đối với những loại hàng hóa theo chính sách tài khóa của nhà nước như: Điện, xăng, khí gas, năng lượng,… Khi giá cả những loại hàng hóa này biến động, những rủi ro lớn sẽ xảy ra.
Rủi ro trong mô hình đầu tư
Khi tham gia thị trường, các nhà đầu tư sẽ chọn ra cho mình mô hình đầu tư lý tưởng và phù hợp nhất. Tuy nhiên, “ngài thị trường” lại không hoạt động theo bất cứ một quy luật nào. Đồng nghĩa, dù cho mô hình đầu tư của bạn có là phân tích kỹ thuật hay đầu tư giá trị thì việc gặp rủi ro khi đầu tư chứng khoán là không thể tránh khỏi.
Rủi ro lạm phát
Lạm phát tăng quá cao, vượt quá tầm kiểm soát cộng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến thị trường chứng khoán suy giảm.
Rủi ro thanh khoản
Khi thị trường có sự biến đổi, sự bất ổn trong chứng khoán sẽ xảy ra và tạo nên rủi ro thanh khoản. Khi thị trường sôi động, tính thanh khoản sẽ cao, nhưng khi thị trường ảm đạm, tính thanh khoản sẽ thấp.
Đây là những rủi ro khi đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư không thể nào tránh khỏi. Cách duy nhất là đối mặt với rủi ro này để sống sót trên thị trường.
Rủi ro phi hệ thống
Rủi ro phi hệ thống là những rủi ro xảy ra đối với từng ngành và từng lĩnh vực riêng. Rủi ro này không bao quát cả thị trường mà chỉ tác động đến một số cá nhân nhất định. Đối với loại rủi ro này, nhà đầu tư hoàn toàn có thể phân tích và nghiên cứu để tránh mắc phải. Rủi ro phi hệ thống được chia ra thành 5 rủi ro cụ thể:
Rủi ro xếp hạng
Dựa vào báo cáo tài chính cuối năm, công ty của tất cả các ngành sẽ được xếp hạng từ tốt đến không tốt. Dòng tiền thông minh sẽ chỉ đổ vào những công ty có kết quả kinh doanh tốt trong cùng ngành. Điều này sẽ làm biến động về giá chứng khoán của công ty. Những doanh nghiệp bị xếp hạng thấp sẽ gặp phải rủi ro về xếp hạng khi bị nhà đầu tư xa lánh.
Rủi ro lỗi thời
Nhiều lĩnh vực và ngành nghề yêu cầu sự đổi mới và phát triển thường xuyên như: công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng,… Doanh nghiệp không có chính sách đổi mới thường xuyên sẽ bị lỗi thời. Điều này dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh suy yếu, giá cổ phiếu sẽ giảm dần.
Rủi ro doanh nghiệp thua lỗ
Trên thương trường, bất kì điều gì cũng có thể xảy ra. Những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sẽ bị các nhà đầu tư xa lánh. Điều này khiến giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh.
Rủi ro pháp lý
Nhà nước có những quy định nghiêm ngặt về vốn. Luật chứng khoán luôn được điều chỉnh liên tục để tối ưu tính minh bạch trong TTCK. Nếu nhà đầu tư hay các doanh nghiệp không nắm rõ về luật, việc mắc phải rủi ro pháp lý là rất cao.
Rủi ro truyền thông
Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các tin tức. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh sẵn sàng tung những tin xấu về đối thủ. Điều này khiến dòng tiền đầu cơ thay đổi danh mục liên tục, những cổ phiếu tăng phi mã cũng có thể giảm kịch sàn.
Rủi ro phi hệ thống là những rủi ro nhà đầu tư hoàn toàn có thể nắm bắt được và tránh xa.
Quản trị rủi ro khi đầu tư chứng khoán
Một trong những điều quan trọng nhất khi đầu tư chứng khoán chính là quản trị rủi ro. Không có điều gì đảm bảo bạn sẽ kiếm được lợi nhuận bền vững mà không có rủi ro cả.
Quản trị rủi ro hệ thống
Đối với loại rủi ro này, điều duy nhất để sống sót trên thị trường đó là chuẩn bị tâm thế và đón nhận nó.
- Tìm hiểu thật kỹ về thị trường: Thị trường chứng khoán chính là chiếc gương phản chiếu nền kinh tế vĩ mô. Do đó, hãy thường xuyên theo dõi và phân tích những biến động của nền kinh tế thị trường.
- Tuân thủ kỷ luật khi đầu tư: Để bảo vệ được tiền của mình khi tham gia vào TTCK, hãy chắc chắn một điều là phải tuân thủ mọi phương án được đề ra. Hãy tuân thủ quy tắc cắt lỗ, chốt lời, gia tăng tỷ trọng, giảm tỷ trọng đã đề ra.
Quản trị rủi ro phi hệ thống
Đối với rủi ro phi hệ thống, nhà đầu tư hoàn toàn có thể quản lý nó một cách tối ưu nhất.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Để giảm thiểu rủi ro về doanh nghiệp, nhà đầu tư nên chia nguồn vốn của mình vào số lượng cổ phiếu phù hợp. Điều này giúp họ tránh khỏi việc tất tay vào duy nhất 1 cổ phiếu rồi sau đó bị giảm sàn.
- Học, học nữa, học mãi: Kiến thức và kinh nghiệm chính là vũ khí của nhà đầu tư trên chiến trường chứng khoán khốc liệt. Có kiến thức sẽ giúp nhà đầu tư lên được một kế hoạch đầu tư cụ thể để hạn chế rủi ro. Có kinh nghiệm giúp nhà đầu tư phản ứng và xử lý kịp thời khi các rủi ro ập đến.
- Cắt lỗ: Điều nhà đầu tư cần làm để bảo vệ nguồn vốn của mình chính là cắt lỗ khi giá chứng khoán giảm chạm mức báo động. Đừng để sự tuyệt vọng và hy vọng chi phối việc đầu tư của bạn. Hãy luôn kỷ luật và giữ cho mình một cái đầu lạnh.
Kết luận
Rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống là 2 loại rủi ro khi đầu tư chứng khoán không thể tránh khỏi. Hãy luôn tỉnh táo và lên cho mình một kế hoạch đầu tư bài bản và tuân thủ mọi quy tắc quản trị rủi ro. Hy vọng bài viết hôm nay giúp các bạn nắm được những rủi ro khi đầu tư chứng khoán. Hãy quản trị rủi ro thật tốt để bảo vệ tiền đầu tư của bản thân nhé.