Bảo hiểm - Thuế | 09/01/2022
Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Cẩm nang từ A-Z về Bảo hiểm thất nghiệp
Khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều người lao đao vì không có việc làm thì bảo hiểm thất nghiệp lại được chú ý và quan tâm hơn bao giờ hết. Những khoản trợ cấp thất nghiệp hàng tháng từ chế độ bảo hiểm đã giúp nhiều người qua cơn khó. Vậy bảo hiểm thất nghiệp là gì? Người lao động được hưởng trợ cấp ra sao? Họ cần chuẩn bị những giấy tờ gì để nhận trợ cấp?
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là một hình thức bảo hiểm xã hội được tạo ra để hỗ trợ người lao động thất nghiệp. Trong tình huống không có việc làm, bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp người lao động một khoản trợ cấp. Số tiền này có thể không nhiều nhưng cũng là một khoản đáng trân trọng khi người lao động đang gặp khó khăn về tài chính.
Đồng thời, nó cũng có thể giúp người lao động có điều kiện học nghề, tìm kiếm việc làm,… Số tiền người lao động nhận được sẽ dựa trên số tiền họ đóng trước đó.
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định của Nhà nước, cả người lao động và sử dụng lao động đều phải tham gia bảo hiểm. Mức đóng sẽ được phân chia tương ứng cho người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó:
- Người lao động đóng BHTN tương ứng 1% tiền lương tháng
- Doanh nghiệp phải đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia
Mức lương đóng BHTN thường lấy theo lương tối thiểu vùng (tại Hà Nội sẽ vào khoảng 4,5 triệu đồng). Tuy nhiên, tùy từng công ty thì cũng có những nơi đóng bảo hiểm dựa theo mức lương mà bạn đã ký với công ty.
Ví dụ: mức lương hàng tháng của bạn là 10 triệu thì công ty sẽ đóng bảo hiểm tương ứng với 10 triệu. Tức bạn sẽ phải đóng 1% – tương ứng 100.000đ và công ty đóng phần con lại. Ngoài ra, các đối tượng như: người lao động đang hưởng lương hưu, người giúp việc gia đình thì không phải tham gia đóng bảo hiểm.
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian hưởng bảo hiểm
Thời gian người lao động được hưởng BHTN sẽ được tính dựa vào thời gian họ đóng bảo hiểm. Nếu đóng đủ 12 – 36 tháng, họ sẽ được hưởng 3 tháng BHTN. Đóng đủ 12 tháng tiếp theo sẽ được nhận thêm 1 tháng hỗ trợ. Tuy nhiên, thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp
Mức trợ cấp thất nghiệp hiện nay được tính như sau:
Trợ cấp mỗi tháng = Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%
Tuy nhiên, trợ cấp được hưởng tối đa không quá 5 lần so với mức lương cơ sở. Đồng thời, nó cũng không thể vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu của vùng. Các vùng này được phân chia dựa theo mức độ phát triển kinh tế. Các quận, huyện trung tâm của các thành phố lớn như Hà Nội đa phần nằm trong khu vực I. Khu vực II bao gồm các tỉnh, huyện ngoại thành (như Ba Vì, Hải Dương,…) có nền kinh tế tương đối phát triển. Khu vực III là những địa phương có nền kinh tế trung bình. Còn lại những địa phương kém phát triển sẽ thuộc vùng IV.
Mức lương tối thiểu vùng được quy định như trong bảng sau:
Khu vực | Mức lương tối thiểu |
Vùng I | 4.420.000 đồng/tháng |
Vùng II | 3.920.000 đồng/tháng |
Vùng III | 3.430.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 3.070.000 đồng/tháng |
Ví dụ: Do dịch covid-19, doanh nghiệp thua lỗ phá sản nên anh A bị thất nghiệp. Anh đóng BHTN liên tục trong 24 tháng theo mức lương hàng tháng là 5.000.000. Do đó, khi thất nghiệp anh A sẽ được hưởng:
5.000.000 x 60% = 3.000.000đ
Người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp vào ngày thứ 16 từ khi nộp đầy đủ hồ sơ.
Điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi thỏa mãn những điều kiện sau:
- Người lao động đã kết thúc hợp đồng lao động trừ các trường hợp đặc biệt:
-
- Người lao động chấm dứt hợp đồng một cách đơn phương, hoặc hợp đồng làm việc là trái pháp luật
- Người lao động đã và đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng
- Đã đóng BHTN từ:
-
- Đủ 12 tháng trở lên trên tổng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với hợp đồng có hoặc không có kỳ hạn
- Đủ 12 tháng trở lên trên 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với các trường hợp ký hợp đồng mùa vụ hoặc công việc có kỳ hạn từ 3 – dưới 12 tháng
- Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Sau 15 ngày nộp hồ sơ vẫn trong tình trạng thất nghiệp. Các trường hợp ngoại trừ bao gồm:
-
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an
- Tham gia học tập, đào tạo có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên
- Phải vào trại giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc trung tâm cai nghiện
- Bị tạm giam hoặc phạt tù
- Định cư hoặc làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng
- Tử vong
Thời gian nộp và hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời gian nộp hồ sơ nhận trợ cấp
Nếu muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp 1 bản hồ sơ gửi về trung tâm dịch vụ việc làm. Đây sẽ là nơi người lao động nhận trợ cấp mỗi tháng. Thời hạn gửi hồ sơ là 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp động lao động. Nếu quá thời gian này mà người lao động không gửi hồ sơ sẽ được xem là không có nhu cầu. Lúc này, thời gian đóng bảo hiểm sẽ được bảo lưu cho lần nhận tiếp theo.
Ví dụ, bạn nghỉ việc từ ngày 01/12/2021 thì bạn phải gửi hồ sơ tới trung tâm muộn nhất vào 01/03/2022 để hoàn thiện thủ tục nhận trợ cấp. Nếu trong khoảng thời gian này thủ tục không được hoàn thiện thì bạn sẽ được ghi nhận là không có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp. Giả sử sau đó bạn có nhu cầu hưởng trợ cấp thì cũng sẽ không được chấp thuận.
Nếu người lao động không thể tự đi nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền người nhà. Các trường hợp được cho phép bao gồm:
- Xác nhận ốm đau, thai sản từ cơ sở y tế có thẩm quyền
- Gặp tai nạn ngoài ý muốn không thể tự đi nộp
- Gặp hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh khiến việc đi lại gặp khó khăn
Tất cả các giấy tờ này đều phải được xác nhận từ các cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường hợp ốm đau, bệnh tật có thể xin ở các cơ quan y tế. Các trường hợp còn lại có thể xin dấu của Ủy ban xã, phường.
Hồ sơ cần có để nhận trợ cấp thất nghiệp
Hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu ban hành Nghị định)
- Bản chính hoặc bản sao công chứng của một trong các giấy tờ sau:
-
- Hợp đồng lao động đã hết hạn
- Giấy tờ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động (đối với công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng);
- Quyết định thôi việc, sa thải hoặc kỷ luật buộc nghỉ việc;
- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
- Sổ bảo hiểm xã hội
Trên đây là những chia sẻ của DNSE về bảo hiểm thất nghiệp là gì và những vấn đề liên quan. Mong rằng qua bài viết, bạn đã nắm rõ về bảo hiểm thất nghiệp và các quy định về việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Để biết thêm những thông tin thú vị khác, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên bạn nhé!