Tài chính cá nhân | 09/05/2025

Cách tạo thu nhập phụ thời 4.0 – Những ngành nghề siêu hot 2025 (P4)

Theo khảo sát từ VOV, hơn 75% người lao động họ nói rằng tiền lương không đáp ứng được hết nhu cầu chi phí sinh hoạt hàng tháng. Vì vậy họ phải tìm đến công việc làm thêm để kiếm thu nhập phụ. Đặc biệt là khối nhân viên văn phòng, hầu hết ai cũng có một vài công việc “tay trái” để tăng thêm thu nhập, xây dựng tài chính.

Vậy thu nhập phụ là gì, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì đâu là công việc phù hợp cho bạn để gia tăng dòng tiền? Cùng DNSE tìm hiểu ngay trong Phần 4 – Series Tài chính cá nhân này nhé!

>>> Thu nhập chủ động – Chìa khóa tự do tài chính cho người hiện đại (Phần 1)

>>> Thu nhập thụ động: Giấc mơ kiếm tiền khi đang ngủ – Bạn có đang bỏ lỡ? (P2)

>>> Thu nhập từ đầu tư – Cách sinh lời và quản lý rủi ro cho người mới 2025 (P3)

1. Thu nhập phụ là gì?

1.1. Khái niệm thu nhập phụ

thu-nhap-phu-1
Tìm hiểu về khái niệm thu nhập phụ là gì?

Thu nhập phụ là khoản thu nhập mà một cá nhân kiếm được ngoài lương từ công việc chính hoặc các nguồn thu nhập chính của mình. Nó có thể là:

  • Công việc làm thêm ngoài giờ hành chính (ví dụ: gia sư, chạy xe công nghệ, bán hàng online,…)
  • Nguồn đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản cho thuê,…)
  • Thu nhập từ các nền tảng số (YouTube, TikTok, affiliate marketing,…)
  • Dịch vụ chuyên môn (tư vấn; freelancer như viết content, thiết kế,…)

Thu nhập phụ thường có tính linh hoạt cao, có thể làm ngoài giờ, cuối tuần hoặc theo dự án đảm nhận. Mục tiêu khi tạo ra thu nhập phụ thường để tăng khả năng tài chính cho chi tiêu sinh hoạt hoặc tích lũy (tiết kiệm, đầu tư,…) để từng bước chuyển sang tự do tài chính.

1.2. So sánh thu nhập phụ với các khoản thu nhập khác

Tiêu chí

Thu nhập phụ Thu nhập chủ động

Thu nhập thụ động

Khái niệm Nguồn thu ngoài công việc chính, làm thêm khi có thời gian Thu nhập từ công việc chính (toàn thời gian, hưởng lương) Thu nhập tự chảy về mà không cần làm việc thường xuyên
Mức độ chủ động tham gia Có tham gia trực tiếp, nhưng linh hoạt về thời gian Tham gia thường xuyên, liên tục Giai đoạn đầu cần đầu tư công sức, sau đó gần như tự vận hành
Ví dụ phổ biến Bán hàng online, freelancer, chạy xe công nghệ,… Làm văn phòng, kỹ sư, giáo viên,… Cho thuê nhà, đầu tư chứng khoán dài hạn,…
Mục tiêu chính Tăng thêm thu nhập ngoài công việc chính Nguồn thu nhập chính, phục vụ nhu cầu sống hàng ngày Tạo dòng tiền thụ động lâu dài
Tính ổn định Trung bình, phụ thuộc vào thời gian và sức làm thêm Ổn định nếu công việc lâu dài Ổn định về lâu dài nếu xây đúng hệ thống
Khả năng mở rộng Có thể mở rộng thành công việc chính hoặc kinh doanh nhỏ Hạn chế, phụ thuộc vào công ty hoặc vị trí Cao, có thể tăng gấp nhiều lần theo tài sản hoặc lãi suất kép trong đầu tư
Yêu cầu kỹ năng/đầu tư ban đầu Có, nhưng tùy vào loại hình công việc Cao, cần chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp Rất cao, đòi hỏi kiến thức đầu tư, thời gian hoặc vốn lớn

2. Lợi ích của việc có thu nhập phụ

2.1. Tăng cường an toàn tài chính

Thay vì không còn phụ thuộc hoàn toàn vào lương công việc chính thì thu nhập phụ giúp chúng ta giảm bớt rủi ro tài chính. Chẳng hạn như trong các trường hợp mất việc, giảm lương hoặc gặp biến cố bất ngờ (ốm đau, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế,…), bạn vẫn có một “phao tài chính” giúp cứu sinh, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ví dụ: Anh Minh – nhân viên IT tại Hà Nội ngoài công việc chính tại công ty thì còn bán khóa học lập trình trên Udemy vào năm 2023. Nhờ vậy, trong đợt công ty cắt giảm nhân sự giữa năm 2024, anh vẫn có một khoản để duy trì chi phí sinh hoạt mà không bị khủng hoảng tài chính.

2.2. Đa dạng hóa nguồn thu nhập

Không “bỏ trứng vào một giỏ” là nguyên tắc sống còn trong tài chính cá nhân mà chúng mình có thể nhắc đi nhắc lại ở những phần trước. Bởi vì, việc có nhiều nguồn thu sẽ giúp chúng ta ổn định tài chính hơn và tăng cơ hội tăng trưởng về tài sản.

Ví dụ:Chị Trang – nhân viên kinh doanh của DHC – ban ngày đi làm công ty, tối về chị vẫn tranh thủ livestream bán mỹ phẩm handmade trên TikTok để kiếm thêm thu nhập trang trải chi tiêu và sinh hoạt phí cho 2 con nhỏ.

thu-nhap-phu-2
Thu nhập phụ mang lại nhiều lợi ích tài chính cho mỗi cá nhân

2.3. Phát triển kỹ năng mới

Thu nhập phụ thường đòi hỏi bạn phải học thêm kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc cũng như tăng sức cạnh tranh với những cá nhân khác. 

Chẳng hạn, bạn viết content thuê thì sẽ cần học thêm kỹ năng SEO hoặc thiết kế để giúp nội dung đạt chất lượng. Hay bạn là nhân viên IT muốn bán khóa học thì cần học kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm slide,… để quay những video khóa học chỉn chu, thu hút khách hàng.

Những kỹ năng này vừa tăng giá trị bản thân, vừa có thể chuyển hóa thành cơ hội nghề nghiệp mới.

2.4. Tạo cơ hội khởi nghiệp với rủi ro thấp

Thay vì nghỉ việc và đầu tư toàn bộ vốn vào một mô hình kinh doanh chưa chắc thành công, bạn có thể thử nghiệm “startup nhỏ” ngoài giờ làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa giảm thiểu rủi ro tài chính. Hoặc làm thêm nhiều công việc liên quan, vừa tạo thu nhập phụ, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các anh/chị đi trước trong ngành.

Ví dụ: Minh Anh và Nam là sinh viên năm cuối của Học viện Báo chí. Sau nhiều năm làm thêm tại các tiệm cafe ở Hà Nội, hai bạn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về ngành cafe từ pha chế đến nguồn nguyên liệu. 

Tốt nghiệp, cả 2 góp vốn mở tiệm cafe rang xay local. Vừa bán online qua TikTok, vừa có một tiệm nhỏ để mang lại trải nghiệm vừa pha chế vừa thưởng thức cho cộng đồng “ghiền cafe”.

3. Các hình thức kiếm thu nhập phụ phổ biến

thu-nhap-phu-3
Cách để tạo ra thu nhập phụ phổ biến nhất 2025

3.1. Thu nhập phụ online

Trong thời đại số, thu nhập phụ từ các công việc online là lựa chọn phổ biến và dễ tiếp cận nhất đối với nhiều đối tượng, lứa tuổi,… đặc biệt là đối với dân hành chính văn phòng. Cụ thể, chúng ta có thể tận dụng thời gian rảnh để làm:

  • Freelancer trong các lĩnh vực Truyền thông Marketing như viết nội dung, thiết kế, chạy quảng cáo,… hay các ngành đặc thù hơn là lập trình, dịch thuật thông qua các nền tảng như Fiverr, Upwork hoặc Vlance,… 
  • Trở thành content creator trên YouTube, TikTok hay viết blog cá nhân để nhận tiền từ quảng cáo, tài trợ thương hiệu,…
  • Kinh doanh online qua các sàn thương mại điện tử đến mô hình dropshipping, affiliate marketing,… 
  • Tư vấn trực tuyến trong các lĩnh vực như tài chính, sức khỏe, học thuật hay định hướng nghề nghiệp,…

3.2. Thu nhập phụ offline

Dù không “số hóa” nhưng các hình thức kiếm thu nhập phụ offline vẫn giữ được sức hút, nhất là đối với những công việc đặc thù không thể làm việc trực tuyến.

  • Nhiều người làm thêm cuối tuần hoặc sau giờ hành chính với các công việc bán thời gian như chạy xe công nghệ, bán hàng theo ca hoặc chạy sự kiện trong nhà/ngoài trời,… 
  • Với những người có năng khiếu sư phạm hoặc kỹ năng đặc biệt khác lựa chọn việc mở lớp dạy kèm nhỏ, hướng dẫn kỹ năng mềm hoặc làm huấn luyện viên cá nhân,… để tạo thu nhập phụ.
  • Phục vụ quán cà phê/nhà hàng vào buổi tối hoặc cuối tuần cũng là công việc tạo thu nhập phụ phổ biến trong giới trẻ, nhất là các bạn sinh viên khi có thời gian học linh hoạt và muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải.

3.3. Thu nhập phụ từ đầu tư

Đây không chỉ là hình thức tạo thu nhập phụ hấp dẫn mà cũng đang trở thành nguồn thu nhập thụ động, thậm chí là thu nhập chính của nhiều người vì tính tiềm năng. Tuy nhiên, để kiếm tiền từ mảng này chúng ta cần trang bị kiến thức và chiến lược quản lý rủi ro rõ ràng, tránh xem đây như trò may rủi, đỏ đen. 

  • Nhiều người bắt đầu với chứng khoán, nơi họ có thể đầu tư dài hạn vào cổ phiếu, ETF hoặc quỹ mở để nhận cổ tức và lợi nhuận từ chênh lệch giá. 
  • Với những ai ưa tính an toàn, gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp là lựa chọn hợp lý. 
  • Ngoài ra, bất động sản, vàng, tiền điện tử,… cũng là lựa chọn của nhiều bạn đam mê mạo hiểm và có vốn đầu tư lớn.

3.4. Thu nhập phụ từ tài sản nhàn rỗi

  • Tạo thu nhập phụ từ tài sản nhàn rỗi như cho thuê phòng trọ, nhà ở, văn phòng, studio hay đất đai để nuôi trồng,…
  • Ngoài ra có thể cho thuê tài sản cá nhân để linh hoạt tạo ra thu nhập phụ, dòng tiền ổn định chẳng hạn như xe máy, ôtô, thiết bị công nghệ,… 

4. Cách bắt đầu kiếm thu nhập phụ

xay-dung-thu-nhap-2
5 bước bắt đầu hành trình xây dựng thu nhập từ các công việc phụ
  • Bước 1. Đánh giá kỹ năng và sở thích cá nhân: Liệt kê tất cả kỹ năng bạn có từ chuyên môn đến sở thích để xác định điểm mạnh nổi bật. Từ đó, tìm điểm giao nhau giữa những gì bạn giỏi và thích làm – đây là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng thu nhập phụ bền vững thay vì lựa chọn những công việc chỉ vì theo trend hoặc FOMO.
  • Bước 2. Xác định thời gian có thể làm việc: Tạo timeline lịch trình làm việc hàng ngày và xác định thời gian nhàn rỗi có thể dành cho công việc phụ. Đảm bảo thời gian đó có thể nhận việc và không ảnh hưởng đến công việc chính cũng như quỹ thời gian cho bản thân, gia đình,…
  • Bước 3. Lựa chọn loại hình thu nhập phụ: Dựa trên kỹ năng và thời gian đã xác định, chọn loại hình thu nhập phụ phù hợp nhất. Cân nhắc các yếu tố: vốn đầu tư ban đầu, tốc độ tạo ra thu nhập, tiềm năng phát triển, độ phù hợp với điều kiện cá nhân và đặc biệt là ít rào cản gia nhập.
  • Bước 4. Lập kế hoạch hành động cụ thể: Xây dựng lộ trình chi tiết với các mục tiêu SMART (cụ thể, đo lường được, khả thi, thực tế, có thời hạn). Chia nhỏ mục tiêu lớn thành những bước hành động hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Đồng thời cũng xác định nguồn lực cần thiết để không bị trì hoãn.
  • Bước 5. Hành động và đo lường hiệu quả: Kết quả chỉ đạt được nếu chúng ta dám bắt đầu. Vì vậy, hãy bắt tay vào thực hiện ngay lập tức sau khi có kế hoạch thay vì trông chờ một điều gì đó hoàn hảo như thiên thời địa lợi nhân hòa. 

Nếu được, hãy thử thiết lập các chỉ số KPI cụ thể để theo dõi tiến độ (như số giờ làm việc, số khách hàng, doanh thu,… để dễ dàng tập trung vào mục tiêu.

5. Quản lý hiệu quả thu nhập phụ

quan-ly-thu-nhap-hieu-qua
Làm sao để quản lý thu nhập hiệu quả?
  • Cân bằng với công việc chính: Phân định ranh giới rõ ràng, không để công việc phụ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chính. Tận dụng kỹ năng chéo giữa hai công việc để tối ưu hóa năng lực.
  • Quản lý thời gian hiệu quả: Áp dụng kỹ thuật Pomodoro, phương pháp khối thời gian hoặc các công cụ calendar tự động để quản lý công việc, thời gian và tránh bỏ lỡ deadline của những công việc quan trọng.
  • Tách biệt tài chính: Tạo tài khoản riêng cho khoản thu nhập phụ để dễ phân bổ, theo dõi và quản lý chi tiêu so với các khoản từ thu nhập chính. Đồng thời cũng để đánh giá tiềm năng của các công việc phụ và quyết định có nên đầu tư nguồn lực tiếu hay không
  • Tuân thủ nghĩa vụ thuế: Thu nhập phụ cũng như thu nhập chính, chúng ta cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Thường xuyên cập nhật các quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế doanh nghiệp (nếu cần),… 

6. Thách thức thường gặp và cách khắc phục

xay-dung-thu-nhap-1
Những thách thức thường gặp khi xây dựng thu nhập và cách khắc phục
  • Thiếu thời gian: Hầu hết chúng ta khi bắt đầu một công việc làm thêm nào đó đều gặp khó khăn về thời gian. Sắp xếp làm sao để công việc không bị chồng chéo, có việc phát sinh thì không đủ thời gian xử lý hoặc tệ hơn là chiếm hết thời gian cho bản thân, gia đình,…

=> Áp dụng nguyên tắc 80/20: tập trung vào 20% hoạt động mang lại 80% kết quả thay vì dành quá nhiều thời gian cho những công việc không tiềm năng, không tạo ra giá trị. Hay tận dụng thời gian di chuyển hoặc chờ đợi bằng các công việc nhỏ, hạn chế các hoạt động tiêu tốn thời gian không cần thiết như lướt mạng xã hội quá nhiều.

  • Thiếu vốn đầu tư ban đầu: Vốn là trở ngại mà nhiều người trong số chúng ta ai cũng lo lắng, thậm chí là rào cản khiến nhiều người từ bỏ ngay cả khi chưa bắt đầu bởi suy nghĩ “có tiền đâu mà làm”.

=> Ưu tiên các loại hình thu nhập phụ không đòi hỏi vốn lớn mà chỉ cần có thời gian và kinh nghiệm như freelancer, tư vấn viên, gia sư,… hay các mô hình dropshipping hoặc affiliate marketing cần ít vốn ban đầu.

  • Thiếu kiến thức và kỹ năng: Việc thì không thiếu nhưng chủ yếu là kỹ năng. Đừng để những rào cản cá nhân cản trở con đường xây dựng tài chính cá nhân của bạn như muốn bán hàng nhưng thiếu kỹ năng giao tiếp, muốn dịch thuật phim ảnh nhưng thiếu ngôn ngữ,…

=> Chủ động trau dồi kỹ năng qua sách báo, tạp chí và các khóa học miễn phí hoặc giá rẻ trên mạng. Đồng thời có thể tham gia các group hoặc cộng đồng cùng ngành nghề để trao đổi kiến thức. Và không quên “học đi đôi với hành”.

  • Khó khăn trong duy trì động lực: 99% chúng ta bỏ cuộc khi bắt đầu một việc gì đó là do động lực. Bất cứ một giây nào thoáng qua chúng ta thấy khó khăn, vất vả hay nhụt chí đều có thể khiến mọi kế hoạch vỡ tan.

=> Chưa đi sao biết được đích đến, vì vậy chúng ta cần trau dồi tính kiên nhẫn, bền bỉ và không ngại khó cho bản thân. Nó không chỉ giúp chúng ta duy trì được thu nhập phụ ổn định mà còn tốt cho mọi khía cạnh khác trong cuộc sống.

7. Casestudy: Thu nhập phụ – chìa khóa “gỡ rối” tài chính

“29 tuổi tôi nhận ra thu nhập phụ không chỉ là tiền mà còn là chìa khóa giúp giữ lửa hôn nhân”

Chị Thu – giáo viên Tiểu học với mức lương 7 triệu/tháng, chồng chị làm nhân viên tại một khu vui chơi trong resort, lương 9 triệu/tháng. Sau 3 tháng lập gia đình, chị và chồng quyết định sinh em bé.

Tuy nhiên việc đón thêm thành viên mới khiến gia đình chị gần như đảo lộn về mặt tài chính. Số lượng hóa đơn thanh toán chồng chất mỗi tháng. Cộng thêm áp lực lần đầu làm mẹ, stress sau sinh, nhất là những lúc con đi viện với hóa đơn lên đến hàng chục triệu,… khiến vợ chồng chị thường xuyên xung đột, cãi vã tưởng như ly hôn.

Vì vậy, chị Thu quyết định kiếm công việc làm thêm trong kỳ thai sản để có một nguồn thu nhập phụ. Chị nhận làm affiliate marketing cho các nhãn hàng về bỉm sữa, sản phẩm mẹ và bé. Ban đầu cũng chỉ rải rác vài đơn nhưng sau đó nguồn thu được cải thiện qua từng tháng.

Chồng thấy vậy cũng thương chị hơn, đỡ đần việc nhà và chăm con giúp vợ. Tài chính gia đình dần được cải thiện, giống như vừa bước qua cửa t.ử của hôn nhân.

Vượt qua giai đoạn khó khăn, cả chị và chồng đều trưởng thành hơn trong những trầy trật của hôn nhân, nhưng cũng là bài học đắt giá cho việc đa dạng hóa thu  nhập, chuẩn bị tài chính trước hôn nhân.

8. Xu hướng thu nhập phụ trong năm 2025

xay-dung-thu-nhap-3
Xu hướng xây dựng thu nhập từ công việc phụ 2025

Trong bối cảnh biến động kinh tế, lạm phát và nhu cầu sống ngày càng cao, thu nhập phụ không còn là lựa chọn, mà đã trở thành xu hướng tất yếu:

  • Tăng mạnh ở nhóm lao động trẻ và dân văn phòng

Nhiều người trẻ tìm kiếm tự do tài chính sớm tới xu hướng đa dạng hóa thu nhập. Theo nhiều khảo sát từ một số nền tảng tuyển dụng và mạng xã hội nghề nghiệp (như TopCV, LinkedIn, Vietnamwork,…) cho thấy ngày càng nhiều người tìm kiếm và chia sẻ việc có từ 2-3 nguồn thu nhập.

  • Công nghệ tạo điều kiện mở rộng thu nhập phụ

Sự phát triển của nền kinh tế số (YouTube, TikTok, sàn TMĐT) giúp ai cũng có thể dễ dàng bắt đầu kiếm thêm tiền mà không cần nhiều vốn hoặc phụ thuộc vào bất cứ ai. Điển hình như bà Tân Vlog với lối content ẩm thực độc lạ nhưng cũng thể kiếm về một nguồn thu lớn từ YouTube.

Bên cạnh đó, AI cũng giúp giảm bớt rào cản gia nhập khi mọi thứ đều có thể được hỗ trợ như tìm kiếm thông tin, tính năng tự động hóa giúp rút gọn quy trình xử lý công việc hay thậm chí trở thành 1 trợ lý ảo giúp chúng ta kiếm thu nhập phụ dễ dàng hơn.

  • Thu nhập phụ chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, có chiến lược

Ngày càng nhiều người xem việc làm thêm không chỉ là để “đắp đổi chi tiêu”, mà là bước đệm cho sự nghiệp mới, đầu tư tài chính dài hạn hay khởi nghiệp. 

Thậm chí, nhiều người còn đề ra chiến lược lâu dài khi đưa các công việc phụ nhưng tiềm năng trở thành nguồn thu nhập chính trong tương lai thay vì chỉ phụ thuộc vào làm công ăn lương.

  • Các chính sách thuế và pháp lý sẽ bắt đầu chú ý hơn

Thu nhập phụ ngày càng phổ biến song song với việc quản lý thuế và luật lao động cũng sẽ thay đổi. 

Chẳng hạn ngày xưa việc các giáo viên dạy thêm lại nhà là tự do, chủ động,… nhưng nay bị hạn chế hoặc phải áp dụng quy trình đóng nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật. Kinh doanh online cũng dần được siết chặt theo khuôn khổ hơn để công dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Vì vậy, đòi hỏi người lao động nắm rõ các nghĩa vụ pháp lý liên quan (đặc biệt với freelancer, kinh doanh online, affiliate,…).

>>> Tham khảo ngay Xu hướng dòng tiền 2025: Kênh đầu tư nào sẽ lên ngôi?

9. Kết luận

Có thể thấy, thu nhập phụ nhưng vai trò chưa bao giờ là “phụ”, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu cao như hiện nay. Vậy nên, việc ý thức được càng sớm chúng ta sẽ càng dễ dàng gỡ rối được các vấn đề phát sinh về tiền bạc cũng như hướng tới tự do tài chính trong tương lai.

Đừng quên theo dõi Series Tài chính cá nhân của DNSE để cập nhật nhiều kiến thức hay ho cho hành trang tự do tài chính của bản thân nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Phan Hòa

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan