Quản lý tài sản | 31/05/2022
Những điều nên làm giúp cải thiện tình hình tài chính cá nhân sau đại dịch
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta gần như đã sống chung “hòa hợp” với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó tới kinh tế, tài chính và đời sống không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Vậy chúng ta cần làm gì để cải thiện tình hình tài chính cá nhân sau đại dịch? Hãy tham khảo 5 bí quyết dưới đây nhé.
Xác định mục tiêu cụ thể trong cuộc sống
Không thể phủ nhận rằng, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người. Trước những khó khăn, biến động về kinh tế – xã hội, ta nhận ra rằng đã đến lúc phải tạm dừng lại để suy nghĩ nghiêm túc hơn về mục tiêu sống.
Mục tiêu có thể xem là lý tưởng sống của một con người. Khi có lý tưởng, chúng ta sẽ luôn cố gắng, nỗ lực và thôi thúc bản thân làm việc hết mình. Qua đó, các khía cạnh khác như thu nhập, tài chính cũng sẽ được cải thiện. Vì vậy, để cải thiện tình hình tài chính cá nhân sau đại dịch, việc tìm ra mục tiêu sống là điều nên làm đầu tiên.
Mục tiêu sống có thể đề ra trong từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn. Chúng cũng có thể thay đổi linh hoạt sao cho thiết thực, phù hợp nhất với thời cuộc. Nhìn chung, tìm ra được mục tiêu trong cuộc sống là bạn đã thành công ở bước đi đầu tiên.
Vậy đặt mục tiêu thế nào sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính hiệu quả? Bạn hãy áp dụng công thức “I Want – Tôi muốn” dựa trên khả năng của mình.
Ví dụ:
- Nếu là người làm thuê, hãy đặt mục tiêu: “Năm 2022 tôi muốn có thu nhập 25 triệu/1 tháng”.
- Nếu là chủ doanh nghiệp, hãy đặt mục tiêu: “Năm 2022 tôi muốn đạt được lợi nhuận 10 tỷ”.
- Bạn đang đầu tư tài chính, hãy đặt mục tiêu: “Năm 2022 tôi muốn danh mục đầu tư của mình lãi 30%”.
Từ những mục tiêu cụ thể, hãy bắt đầu lên kế hoạch thực hiện để đạt được chúng.
Duy trì nguyên tắc chi tiêu 50/30/20
Bên cạnh mục tiêu rõ ràng thì quy tắc chi tiêu cũng giúp bạn cải thiện tốt tài chính cá nhân. Quy tắc chi tiêu được nhiều người áp dụng nhất hiện nay chính là 50-30-20. Nghĩa là:
- Bạn sẽ dành 50% thu nhập mỗi tháng cho những tiêu dùng thiết yếu như tiền ăn, tiền học, tiền xăng xe, tiền nhà.
- Tiếp theo, 30% thu nhập của bạn sẽ được dành cho các chi tiêu không thiết yếu như mua sắm, giải trí.
- 20% còn lại sẽ dành cho các việc tiết kiệm và đầu tư.
Ví dụ: Nếu thu nhập 1 tháng của bạn là 10 triệu, hãy áp dụng quy tắc 50-30-20 để chi tiêu. Cụ thể:
- 5 triệu dành cho tiêu dùng cần thiết
- 3 triệu cho tiêu dùng không cần thiết
- 2 triệu để tiết kiệm
Nếu bạn có thể giảm bớt những tiêu dùng không cần thiết, thì số tiền tiết kiệm có thể lên đến 5 triệu đồng.
Nếu áp dụng đúng quy tắc này, mỗi tháng bạn sẽ dành ra được ít nhất 20% thu nhập cho các dự định tương lai. Thậm chí, nếu quản lý chi tiêu tốt, con số này còn có thể lớn hơn.
Những biến động, bất ổn do đại dịch giúp chúng ta thấy rằng, tiết kiệm thật sự rất quan trọng. Vì thế, bạn hãy ngay lập tức đánh giá lại sức khỏe tài chính của mình và điều chỉnh lại sao cho tối ưu nhất. Để nhanh chóng cải thiện tài chính cá nhân sau dịch Covid 19, bạn có thể tạm gác lại các khoản chi tiêu không thiết yếu và dùng phần đó cho mục tiêu tiết kiệm, đầu tư.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập
Đa dạng hóa nguồn thu nhập là một khía cạnh cực kỳ quan trọng hậu đại dịch. Trong hơn 2 năm diễn biến của Covid 19, có hàng trăm nghìn, hàng triệu người đã bị mất việc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sống, kế sinh nhai của hàng triệu gia đình Việt.
Qua đó, chúng ta nhận ra rằng, việc phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất đặt chúng ta và thế bị động. Khi nguồn thu nhập duy nhất xảy ra trục trặc, cuộc sống hằng ngày cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, để luôn đảm bảo tài chính rủng rỉnh, chi tiêu vô tư, hãy học cách đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Chúng ta có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách làm nhiều công việc khác nhau. Nó bao gồm các công việc chuyên môn cho đến nghề tay trái, đầu tư. Dù là bất cứ việc gì đi chăng nữa thì chỉ cần đảm bảo, tài chính của bạn sẽ được cải thiện và ít bị ảnh hưởng mỗi khi xảy ra biến động.
Kiểm tra tình hình chi tiêu mỗi ngày
Trong thời gian đại dịch diễn biến mạnh mẽ, người lao động được tạo điều kiện làm việc từ xa – work from home. Điều này đã giúp chúng ta tiết kiệm được một khoản kha khá chi phí như xăng xe, đi lại, ăn uống,…
Hiện nay, khi nhịp sống đã dần ổn định trở lại, chúng ta cần phải chú ý hơn trong các khoản chi tiêu hàng ngày để tiết kiệm và quản lý tiền hiệu quả. Cách quản lý tốt nhất chính là viết xuống các khoản chi mỗi ngày. Chúng ta sẽ tổng kết chúng vào cuối tháng để biết cụ thể các khoản tiền đã tiêu trong tháng.
Sau cùng, dựa vào đó để lọc ra các khoản chi không cần thiết và loại bỏ trong tháng sau. Chỉ cần bạn duy trì thói quen này trong 2 đến 3 tháng, cách tiêu tiền thông minh sẽ tự hình thành trong bạn.
Học cách đầu tư
Cuối cùng, hãy học cách đầu tư để gấp 5, gấp 10 số tiền bạn đang có trong tay. Ngày nay, có rất nhiều kênh đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng,… Mỗi kênh đầu tư đều có những ưu nhược điểm riêng biệt, phù hợp với từng cá nhân. Vì vậy, bạn có thể tìm hiểu thông tin, học hỏi kiến thức về các kênh đầu tư kể trên. Sau đó, hãy lựa chọn cho mình hình thức đầu tư phù hợp với khả năng sinh lời tốt nhất.
Đầu tư mang đến cho chúng ta lợi nhuận hấp dẫn, nhưng đi kèm là rủi ro cực kỳ cao. Vì vậy, hãy chuẩn bị kiến thức và tinh thần thật tốt để trở thành người thắng cuộc trong mọi thương vụ.
Trên đây là 5 bí quyết cải thiện tình hình tài chính cá nhân sau đại dịch. Mong rằng, với những chia sẻ trên, bạn có thể áp dụng hiệu quả để nhận lại kết quả tốt nhất. Hãy tiếp tục theo dõi DNSE để cập nhật thêm nhiều kiến thức tài chính bổ ích khác nhé.