Kinh tế | 31/03/2022

Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payment) là gì?

Cán cân thanh toán quốc tế – Balance of Payment (BOP) là một khái niệm thường xuất hiện trong các bài giảng về kinh tế học. BOP được sử dụng để xác định sự thay đổi trong các dòng vốn nước ngoài. Đồng thời, nó tác động trực tiếp đến tỷ giá hối đoái – một yếu tố làm tăng rủi ro trong các khoản đầu tư quốc tế. Vậy cán cân thanh toán quốc tế là gì? Bài viết sau đây sẽ bật mí cho bạn những kiến thức tổng hợp nhất về định nghĩa này. 

Khái niệm cán cân thanh toán là gì?

Cán cân thanh toán quốc tế là gì?
Cán cân thanh toán quốc tế là gì?

Cán cân thanh toán (Balance of Payment) là tổng hợp tất cả các giao dịch dưới hình thức tiền tệ của quốc gia này với quốc gia khác. Trong đó:

  • Những giao dịch thương mại được thực hiện bởi các cá nhân, doanh nghiệp cư trú trong nước hoặc Chính phủ của quốc gia đó. 
  • Đối tượng giao dịch thương mại bao gồm các loại hàng hóa, dịch vụ, tài sản, vốn,…

Tổng hợp của những giao dịch này có trong bản báo cáo của mỗi quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định.

Phân loại cán cân thanh toán quốc tế

Cán cân thanh toán được chia thành 4 loại chính: 

  • Cán cân thời điểm: Phản ánh các khoản thu – chi ngoại tệ của người cư trú và không cư trú tại một thời điểm nhất định. 
  • Cán cân thời kỳ: Phản ánh các khoản thu – chi ngoại tệ của người cư trú và không cư trú trong một thời kỳ nhất định. 
  • Cán cân song phương: Phản ánh các khoản thu – chi ngoại tệ giữa hai quốc gia.
  • Cán cân đa phương: Phản ánh các khoản thu – chi ngoại tệ giữa một quốc gia với phần còn lại của thế giới. 

Vai trò của cán cân thanh toán

  • Ở tầm vi mô: Cán cân thanh toán thể hiện cung cầu ngoại tệ và dự đoán sự biến động tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ. 
  • Ở tầm vĩ mô: Cán cân thanh toán thể hiện chính sách đối ngoại nói chung và chính sách thương mại quốc tế nói riêng. Nó kiểm soát sự di chuyển của các dòng vốn như đầu tư nước ngoài (FDI và ODA), và xuất khẩu vốn. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiền tệ quốc gia và việc điều hành chính sách tỷ giá. 

Ví dụ: Khi cán cân thanh toán (BOP) thâm hụt, lượng cầu lớn hơn cung trên thị trường ngoại hối. Lúc này, đồng nội tệ sẽ bị mất giá. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ thường thực hiện chính sách thắt tiền tệ để hạn chế tiêu dùng và nhập khẩu tiêu dùng. 

Các thành tố của cán cân thanh toán quốc tế

Cán cân thanh toán gồm 4 thành tố sau: 

  • Cán cân vãng lãi (Current Account)
  • Cán cân vốn (Capital Account)
  • Nhầm lẫn và sai sót (Errors and Omissions)
  • Cán cân bù đắp chính thức (Official Reserve)
Bốn thành tố của cán cân thanh toán quốc tế
Bốn thành tố của cán cân thanh toán quốc tế

Cán cân vãng lai (Current Account)

Cán cân vãng lai trong cán cân thanh toán là khoản mục ghi chép những giao dịch về hàng hóa và dịch vụ giữa người cư trú trong nước với người cư trú ngoài nước. Cán cân vãng lai sẽ ghi chép các giao dịch xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, nó cũng ghi nhận các khoản thu nhập như: tiền lương, lãi suất, và lợi nhuận chuyển về nước. Cùng với đó là các khoản chuyển giao như: quà biếu, viện trợ đóng góp,…

Cán cân vãng lai gồm 4 khoản mục sau: 

Cán cân thương mại (Trade Balance)

Là một thành phần trọng yếu trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán. Nó ghi lại những thay đổi trong xuất – nhập khẩu của một quốc gia trong thời gian nhất định. Đồng thời, cán cân thương mại cũng thể hiện mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu. 

Cán cân thương mại sẽ thặng dư khi giá trị xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu. Nếu xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu, thì cán cân thương mại thâm hụt. Khi xuất khẩu và nhập khẩu bằng nhau, cán cân thương mại ở trạng thái cân bằng. 

Cán cân thương mại chịu sự tác động của các yếu tố như lạm phát, tỷ giá, chính sách thương mại quốc tế, giá thế giới, và thu nhập của người tiêu dùng. Ngược lại, cán cân thương mại ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế. Đồng thời, nó tác động trực tiếp đến cung – cầu giá cả hàng hóa, biến động tỷ giá, lạm phát. 

Cán cân dịch vụ (Service Balance)

Cán cân dịch vụ phản ánh toàn bộ các khoản thu chi từ hoạt động dịch vụ giữa người cư trú và không cư trú trên một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Nó bao gồm các khoản thu – chi từ các hoạt động dịch vụ vận tải, du lịch, xây dựng, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm,… 

Cách tính và ghi nhận cán cân dịch vụ tương tự với cán cân thương mại. Cụ thể: 

  • Các hoạt động xuất khẩu dịch vụ làm phát sinh cung ngoại tệ sẽ được ghi nhận CÓ với dấu dương (+). 
  • Các trường hợp nhập khẩu dịch vụ làm phát sinh cầu ngoại tệ, được ghi nhận NỢ với dấu âm (-). 

Cán cân dịch vụ chịu sự ảnh hưởng bởi các yếu tố như thu nhập, tỷ giá, giá cả dịch vụ, chính trị – xã hội. Các quốc gia có chất lượng dịch vụ thấp thường phải nhập khẩu dịch vụ từ nước ngoài. Chính vì vậy, cán cân dịch vụ luôn thâm hụt tại các quốc gia này. 

Cán cân thu nhập (Income Balance)

Cán cân thu nhập bao gồm những khoản thu nhập của người lao động (tiền lương, thưởng), thu nhập từ đầu tư và tiền lãi của người cư trú và không cư trú. 

Cán cân thu nhập chịu sự tác động của các yếu tố như quy mô thu nhập, môi trường kinh tế, chính trị xã hội. 

Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều (Unilateral Transfer)

Cán cân vãng lai một chiều là danh mục ghi nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, quà tặng. Ngoài ra nó cũng bao gồm các chuyển giao bằng tiền hay hiện vật cho mục đích tiêu dùng. Tất cả hành động trên đều xảy ra giữa người cư trú và không cư trú trên một vùng lãnh thổ hoặc quốc gia. 

Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều bị tác động bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội,…

Cán cân vốn (Capital Account)

Cán cân vốn là một bộ phận của cán cân thanh toán. Nó ghi lại tất cả những giao dịch về tài sản bao gồm tài sản thực hay tài sản tài chính giữa người cư trú trong nước với người cư trú nước ngoài. Trong đó, tài sản thực bao gồm các loại hàng hóa, dịch vụ, thiết bị,… Còn tài sản tài chính bao gồm tiền gửi, cổ phiếu, trái phiếu,…

Cán cân vốn phản ánh các giao dịch kinh tế giữa người cư trú với người không cư trú về chu chuyển vốn trong đầu tư trực tiếp, đầu tư danh mục, vay và trả nợ nước ngoài, chuyển giao vốn một chiều và nhiều hình thức khác. 

Cán cân vốn gồm: 

  • Cán cân vốn dài hạn: Là các dòng vốn dài hạn chảy vào và ra khỏi một quốc gia. Nó bao gồm các khoản đầu tư trực tiếp, gián tiếp, và các loại vốn dài hạn khác. Có 4 nhân tố ảnh hưởng tới cán cân vốn dài hạn. Chúng bao gồm: Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng dài hạn, hiệu quả biên của vốn đầu tư, môi trường đầu tư và môi trường kinh tế, chính trị – xã hội.  
  • Cán cân vốn ngắn hạn: Là các dòng vốn ngắn hạn chảy vào và ra khỏi một quốc gia. Nó bao gồm: tín dụng thương mại ngắn hạn, tiền gửi, mua bán có giá trị ngắn hạn, kinh doanh ngoại hối,…  Các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân vốn ngắn hạn gồm: chênh lệch tỷ giá, tỷ suất lợi tức kỳ vọng ngắn hạn, môi trường đầu tư, môi trường kinh tế, chính trị – xã hội, chính sách tín dụng,… 
  • Cán cân vốn chuyển giao một chiều: Bao gồm các khoản chuyển giao vốn một chiều như viện trợ không hoàn lại với mục đích đầu tư hay các khoản nợ được xóa. Các nhân tố ảnh hưởng đến nó là quan hệ chính trị ngoại giao, hợp tác kinh tế – chính trị – xã hội. 

Nhầm lẫn và sai sót (Errors and Omissions)

Sự tồn tại của các khoản mục nhầm lẫn và sai sót có thể tới từ các nguyên nhân sau: 

  • Giao dịch kinh tế giữa người cư trú và người không cư trú rất phong phú đa dạng. Do vậy, trong quá trình thống kê và sao chép các danh mục thương mại, có thể sẽ xảy ra sai sót. 
  • Những ghi nhận trong cán cân thanh toán có thể được ghi nhận vào các thời gian khác nhau. Do đó, sẽ có sự chênh lệch bởi tác động kinh tế của các thời điểm khác nhau. 
  • Nhằm trốn thuế nên một số khai báo với giá trị thực tế có sự khác biệt. 
  • Không thể thống kê được các giao dịch kinh tế ngầm và không chính thức. 

Cán cân bù đắp chính thức (Official Reserves)

Cán cân bù đắp chính thức là loại hình cân đối tài khoản kế toán nhằm mục đích đưa các khoản mục ở các bên CÓ và Nợ có tổng bằng 0. 

Cán cân bù đắp chính thức bao gồm 3 khoản mục bao gồm: 

  • Dự trữ ngoại hối quốc gia: Gồm các dự trữ bằng vàng, ngoại tệ mạnh và các giấy tờ có giá trị bằng ngoại tệ. Quy mô dự trữ ngoại hối lớn hay nhỏ sẽ phụ thuộc vào chế độ tỷ giá mà quốc giá lựa chọn áp dụng. Chúng gồm chế độ tỷ giá thả nổi và tỷ giá cố định. 
  • Vay nợ từ quỹ tiền tệ quốc tế IMF và các ngân hàng Trung ương khác
  • Thay đổi dự trữ của các ngân hàng Trung ương khác bằng đồng tiền của quốc gia lập thanh toán. 

Phân tích cán cân thanh toán

Mối quan hệ giữa các thành tố trong cán cân thanh toán được thể hiện như sau: 

  • Cán cân tổng thể = Cán cân vãng lai + Cán cân vốn + Sai sót 
  • Cán cân bù đắp chính thức = – Cán cân tổng thể
  • Cán cân thanh toán quốc tế (BOP) = Cán cân tổng thể + Cán cân bù đắp chính thức = 0 

Các yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế

Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến cán cân thanh toán
Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến cán cân thanh toán

Có rất nhiều yếu tố kinh tế tác động đến sự chênh lệch của cán cân thanh toán quốc tế. Chúng bao gồm: Lạm phát, tỷ giá hối đoái, GDP, tình hình chính trị,… Dưới đây, DNSE sẽ liệt kê ra 2 yếu tố mà các bạn dễ nhận thấy nhất. 

Lạm phát

Nếu tỷ lệ lạm phát của một quốc gia A cao hơn tỷ lệ lạm phát của quốc gia B (B có quan hệ thương mại với A)  thì cán cân thanh toán giữa hai quốc gia sẽ bị chênh lệch. Bởi, năng lực cạnh tranh của hàng hóa tại quốc gia A trên thị trường quốc tế kém hơn B. Như vậy, khối lượng xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ bị kém hơn so với B. 

Tỷ giá hối đoái

Nếu xét trong điều kiện các yếu tố kinh tế không chênh lệch, tiền của nước A tăng giá so với tiền của nước B. Như vậy, tài khoản vãng lai của nước A sẽ giảm sút. Hàng hóa nhập khẩu từ nước A lúc này cũng sẽ đắt hơn so với nhập khẩu từ nước B. Kết quả dẫn đến nhu cầu về hàng hóa của A cũng sẽ giảm trên thị trường quốc tế. 

Ví dụ: Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Trước kia, một doanh nghiệp ở Mỹ nhập khẩu cà phê Việt Nam với mức giá 100 nghìn/1kg. Nhưng hiện nay, tỷ giá VND/USD tăng, doanh nghiệp Mỹ mất tới 120.000 đồng để nhập khẩu được 1kg. Điều này khiến cà phê Việt Nam giảm năng lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ. 

Kết luận

Có thể nói, các thành tố trong cán cân thanh toán quốc tế tác động rất lớn đến tỷ giá, lạm phát,… Chính vì vậy, những kiến thức về chủ đề này rất hữu ích đối với các nhà đầu tư. DNSE mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về cán cân thanh toán. Đồng thời, bạn có thể áp dụng nó thật hiệu quả vào công việc đầu tư của mình. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Thị Hậu

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan