Phân tích kỹ thuật | 09/12/2022

Chỉ báo Chaikin là gì? Ứng dụng của chỉ báo Chaikin

Chỉ báo Chaikin là gì? Chaikin là chỉ báo dùng để đo lường sự biến động của thị trường được nhiều nhà đầu tư áp dụng hiện nay. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về ứng dụng của chỉ báo Chaikin nhé!

Chỉ báo Chaikin là gì?
Chỉ báo Chaikin là gì?

Chỉ báo Chaikin là gì?

Chỉ báo Chaikin được phát triển bởi Marc Chaikin – Nhà phân tích chứng khoán lỗi lạc. Chỉ số Chaikin là công cụ đo lường sự biến động của thị trường bằng cách phân tích khoảng cách giữa mức giá thấp và cao của tài sản trong một thời gian cụ thể. Chaikin Oscillator và Chaikin Money Flow là 2 tác phẩm nổi tiếng của Marc Chaikin mà cho tới nay vẫn còn được nhiều nhà đầu tư trên thế giới sử dụng.

Chaikin Oscillator

Đường chỉ báo Chaikin Oscillator
Đường chỉ báo Chaikin Oscillator

Chaikin Oscillator là một công cụ kỹ thuật sử dụng đường MACD để đo lường dòng tiền phân phối trên thị trường chứng khoán. Chỉ báo được thiết kế để dự đoán sự thay đổi xu hướng của dòng tiền bằng cách đo động lượng sau những chuyển động giá. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng sử dụng chỉ báo này để theo dõi động thái của những người tham gia trên thị trường. Qua đó, giúp xác định chính xác các vùng đã đạt đỉnh hay tạo đáy.

Chaikin Oscillator chỉ gồm 1 đường duy nhất là đường động lượng. 

  • Khi đường động lượng vượt lên mức 0: Động lượng đang tăng và thông thường, thị trường sẽ tăng giá.
  • Nếu đường động lượng vượt xuống mức 0: Động lượng đang giảm dần, hầu hết nhà đầu tư sẽ lựa chọn bán cổ phiếu.

Chaikin Money Flow

Khái niệm chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF)
Khái niệm chỉ báo Chaikin Money Flow (CMF)

Chaikin Money Flow (CMF) là chỉ báo đo lường khối lượng dòng tiền trong một chu kỳ nhất định. Chỉ báo CMF dao động lên xuống quanh mức 0 và là công cụ để nhà đầu tư đánh giá áp lực mua/bán dựa trên sự thay đổi của dòng tiền.

Chỉ báo CMF là kết quả của sự kết hợp giữa mức giá và khối lượng giao dịch. Chỉ báo này thể hiện dòng tiền ra/vào thị trường của một tài sản trong một thời gian nhất định.

  • Chỉ báo CMF tăng lên chứng tỏ dòng tiền đang chảy vào thị trường chứng khoán, có nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu.
  • Ngược lại, nếu chỉ báo CMF giảm cho thấy dòng tiền đang bắt đầu chảy ra khỏi thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn bán cổ phiếu. 

Chu kỳ mặc định của chỉ báo CMF được cài đặt trong phần mềm là 20 kỳ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng có thể sử dụng chu kỳ 21. Với chu kỳ 20, công thức tính chỉ báo CMF như sau:

CMF (20) = Tổng khối lượng dòng tiền trong 20 kỳ/Tổng khối lượng giao dịch trong 20 kỳ

Trong đó:

  • Khối lượng dòng tiền mỗi kỳ = Hệ số dòng tiền x Khối lượng giao dịch
  • Hệ số dòng tiền mỗi kỳ = [(Giá đóng cửa – Giá thấp nhất) – (Giá cao nhất – Giá đóng cửa)] / (Giá cao nhất – Giá thấp nhất).

Giá trị của chỉ báo CMF có thể âm hoặc dương. Điều này do hệ số dòng tiền có thể âm hoặc dương và dao động từ -1 đến 1.

Ứng dụng của chỉ báo Chaikin

Những ứng dụng của chỉ báo động lượng Chaikin
Những ứng dụng của đường chỉ số động lượng Chaikin

Xác định xu hướng chính

Thông qua chỉ báo động lượng Chaikin, nhà đầu tư sẽ xác định được xu hướng của thị trường hiện tại:

  • Đường chỉ số Chaikin cắt lên trên hoặc nằm trên mức 0: Áp lực mua đang kiểm soát thị trường.
  • Đường chỉ số Chaikin cắt xuống dưới hoặc nằm dưới mức 0: Áp lực bán đang chiếm ưu thế.

Xác định điểm mua cổ phiếu

Nhờ chỉ số động lượng Chaikin, nhà đầu tư có thể xác định được điểm mua cổ phiếu trong nhịp phục hồi hoặc trong một xu hướng nhất định:

  • Nếu đường chỉ báo động lượng Chaikin vượt lên trên đường 0: Nhà đầu tư có thể mở mua cổ phiếu.
  • Nếu đường chỉ báo vượt xuống dưới đường 0: Nhà đầu tư nên chốt lời cổ phiếu. 

Xác định phân kỳ, dự đoán xu hướng đảo chiều

Phân kỳ là tín hiệu đảo chiều thường xuất hiện khi chỉ báo chuyển động và giá không đồng bộ. 

  • Phân kỳ giảm xảy ra khi mức giá hình thành những đỉnh cao hơn. Tuy nhiên, chỉ số Chaikin lại tạo ra những đỉnh thấp hơn.
  • Phân kỳ tăng xảy ra khi mức giá hình thành những đáy thấp hơn. Trong khi, chỉ báo CMF tạo ra những đáy cao hơn.

Tương tự như những chỉ báo khác, khi sử dụng chỉ số Chaikin, nhà đầu tư cần tránh những giao dịch có tín hiệu chống lại xu hướng chính. Ví dụ như tín hiệu phân kỳ giảm xuất hiện bên trong một xu hướng tăng. Bởi giao dịch đảo chiều thường phức tạp và rủi ro hơn nhiều so với giao dịch theo xu hướng.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về chỉ báo Chaikin và ứng dụng của chỉ báo. Hy vọng qua những thông tin mà DNSE chia sẻ ở bài viết mang tới cho nhà đầu tư nhiều thông tin bổ ích!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Linh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan