Kinh tế | 18/01/2022

Chiết khấu là gì? Phân biệt chiết khấu kinh doanh và chiết khấu ngân hàng

Chiết khấu thường được biết đến như là một biện pháp phổ biến trong kinh doanh nhằm kích thích ham muốn mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên trên thực tế, chiết khấu còn là một loại hình nghiệp vụ được áp dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Nhiều người băn khoăn không biết Chiết khấu trong kinh doanh có giống với Chiết khấu trong ngân hàng hay không. Thông qua việc tìm hiểu Chiết khấu là gì trong bài viết dưới đây, bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích để có thể phân biệt hai hình thức chiết khấu này.

Chiết khấu là gì?

Chiết khấu là gì?
Chiết khấu là gì?

Chiết khấu (Discount) dùng để chỉ việc khấu trừ giá niêm yết của một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó trước khi thực hiện thanh toán. Thuật ngữ này hiện nay được sử dụng trong cả lĩnh vực kinh doanh và ngân hàng.

Ví dụ: Khi bạn mua từ hai sản phẩm trở lên thì bạn sẽ được chiết khấu 10% trên giá bán mỗi sản phẩm, nghĩa là giá mua mỗi sản phẩm lúc này chỉ tương đương với 90% giá niêm yết ban đầu.

Đối với kinh doanh, phương pháp này rất thông dụng trong các chiến dịch Marketing với mục đích thúc đẩy doanh số bán hàng và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ngoài ra, nó còn được áp dụng rộng rãi tại các tổ chức tín dụng như một cách để tài trợ vốn cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu.

Chiết khấu kinh doanh

Chiết khấu kinh doanh là gì?

Chiết khấu kinh doanh là chiết khấu của người bán dành cho người mua, thường đi kèm với những điều kiện như: thanh toán trước, mua hàng với số lượng lớn,…

Ví dụ: Khi người nhập khẩu thanh toán trước lô hàng trị giá 100 triệu thì bên xuất khẩu sẽ chiết khấu 10% tổng giá trị của đơn hàng. Tức là nhà nhập khẩu chỉ phải trả 90 triệu.

Chiết khấu trong kinh doanh
Chiết khấu trong kinh doanh

Phân loại Chiết khấu kinh doanh

Hai hình thức chiết khấu phổ biến trong kinh doanh bao gồm:

Chiết khấu khuyến mại: Phương thức chiết khấu này chủ yếu hướng tới mục tiêu kích thích người tiêu dùng mua hàng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ giảm giá sản phẩm. Phần khấu trừ này được coi như một khoản trợ cấp và nhượng bộ của người bán dành cho người mua.

Chiết khấu thương mại: Loại hình chiết khấu này thường được sử dụng đối với những nhà phân phối hàng hóa như siêu thị, cửa hàng tạp hóa, đại lý,… Doanh nghiệp sản xuất sẽ giảm giá danh mục hàng hóa khi người mua mua với số lượng lớn, có thể từ 5-15% so với giá bán gốc của sản phẩm.

Ngoài ra, còn có các loại chiết khấu khác như chiết khấu nếu thanh toán theo một phương thức nhất định, chiết khấu theo mùa, chiết khấu theo đối tượng khách hàng, chiết khấu giá sỉ cho khách hàng,…

Chiết khấu ngân hàng

Chiết khấu ngân hàng là gì?

Với hình thức chiết khấu này, các ngân hàng sẽ cam kết mua lại những giấy tờ có giá được phép lưu thông trên thị trường trước ngày đến hạn thanh toán, với điều kiện khấu trừ ngay một số tiền nhất định tính theo tỷ lệ phần trăm trên mệnh giá của chúng. Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện nay sẽ thu thêm một khoản phí hoa hồng cho dịch vụ chiết khấu.

Khái niệm chiết khấu ngân hàng là gì?
Khái niệm chiết khấu ngân hàng là gì?

Hình thức kinh doanh về tiền tệ này là cách ngân hàng tài trợ vốn cho các tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu huy động vốn gấp, nhất là trong hoạt động ngoại thương.

Ví dụ: Anh A đang sở hữu một thương phiếu có mệnh giá 500.000 VNĐ với kỳ hạn 1 năm. Anh giữ thương phiếu trong 68 ngày. Sau đó, vì cần gấp vốn cho hoạt động kinh doanh nên anh A mang thương phiếu đi chiết khấu tại ngân hàng thương mại với lãi suất chiết khấu là 11%/năm. Lúc này, số tiền ngân hàng sẽ thanh toán cho anh A là:

500.000 – [500.000 x 11% x (365 – 68)] / 365 = 455.247 VNĐ

Phân loại Chiết khấu ngân hàng

Chiết khấu ngân hàng được thực hiện theo hai phương thức sau:

Mua có kỳ hạn giấy tờ có giá: Khách hàng sẽ chuyển nhượng quyền sở hữu giấy tờ có giá chưa đến hạn cho ngân hàng và nhận về một khoản tiền đã được khấu trừ. Tuy nhiên, khách hàng phải cam kết mua lại những giấy tờ này từ ngân hàng sau một khoảng thời gian nhất định theo hợp đồng chiết khấu.

Mua có bảo lưu quyền truy đòi giấy tờ có giá: là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua và nhận quyền sở hữu công cụ chuyển nhượng chưa đến hạn thanh toán từ khách hàng. Trong trường hợp các tổ chức tín dụng này không nhận được đầy đủ số tiền cần thanh toán từ người có trách nhiệm thanh toán công cụ chuyển nhượng, khách hàng phải có trách nhiệm hoàn trả đối với số tiền chiết khấu, lãi chiết khấu và các chi phí hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động chiết khấu.

Ưu điểm và nhược điểm của chiết khấu là gì?

Ưu và nhược điểm của Chiết khấu trong kinh doanh

Ưu điểm

Tăng doanh số bán hàng

Chiết khấu là chiến lược bán hàng phổ biến nhằm thu hút sự quan tâm và kích thích người tiêu dùng thực hiện thanh toán. Chiến lược này đánh thẳng vào tâm lý ham đồ giá rẻ và mua được món hời của người mua hàng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý biện pháp chiết khấu chỉ nên sử dụng trong ngắn hạn.

Chiến lược giảm giá bán giúp tăng doanh số bán hàng
Chiến lược giảm giá bán giúp tăng doanh số bán hàng

Thanh lý hàng tồn kho

Nhà sản xuất sẽ đưa ra nhiều chính sách, chiến lược để thanh lý hàng tồn kho
Nhà sản xuất sẽ đưa ra nhiều chính sách, chiến lược để thanh lý hàng tồn kho

Khi hàng tồn kho còn nhiều, nhà sản xuất có thể đưa ra các chương trình giảm giá để thu hồi vốn. Điều này giúp tiết kiệm chi phí lưu kho, bảo quản hàng hóa và ngăn tình trạng lãng phí khi buộc phải tiêu hủy hàng đã quá hạn sử dụng.

Quảng bá và kích cầu sản phẩm

Hình thức này giúp thu hút sự quan tâm của khách hàng
Hình thức này giúp thu hút sự quan tâm của khách hàng

Một số công ty lựa chọn hình thức giảm giá để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm tương tự đã có trên thị trường. Qua đó, họ có thể thu hút sự chú ý của nhóm khách hàng mục tiêu và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng.

Nhược điểm

Tâm lý nghi ngờ

Người Việt thường có câu “Tiền nào của nấy”. Việc giảm giá sâu và thường xuyên sẽ gây ra tâm lý nghi ngờ của người mua về chất lượng sản phẩm. Khi khách hàng đã nghi ngờ về sản phẩm, họ sẽ chuyển sang các sản phẩm thay thế khác có uy tín hơn. Hơn nữa, định giá sản phẩm ở mức thấp vô hình làm giảm giá trị nhận thức của khách hàng về thương hiệu và sản phẩm. Vì vậy, chiết khấu không phải là chiến lược dài hạn.

Tâm lý trì hoãn mua hàng

Việc thường xuyên chiết khấu sẽ tạo cho khách hàng suy nghĩ rằng nếu không có đợt chiết khấu này thì sẽ có đợt khác. Họ cảm thấy không cấp thiết phải mua sản phẩm này vào thời điểm hiện tại. Cũng có thể, họ sẽ đợi cho đến một đợt giảm giá sâu hơn trong tương lai để mua sản phẩm. Vì thế, sức hút của các chương trình chiết khấu sẽ giảm đi đáng kể.

Lợi nhuận bị cắt giảm

Do thường xuyên các chương trình chiết khấu để tạo thói quen mua hàng cho người tiêu dùng nên lợi nhuận giảm.
Do thường xuyên các chương trình chiết khấu để tạo thói quen mua hàng cho người tiêu dùng nên lợi nhuận giảm.

Khi mới thâm nhập thị trường, một số công ty sẽ chấp nhận áp dụng thường xuyên các chương trình chiết khấu để tạo thói quen mua hàng cho người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không có lợi nhuận hoặc thậm chí là lỗ. Nhưng một công ty không thể duy trì hoạt động với tình trạng thua lỗ liên tục. Do đó, người bán cần cân nhắc kỹ lưỡng và điều chỉnh chiến lược giảm giá phù hợp với tình hình của doanh nghiệp.

Ưu và nhược điểm của Chiết khấu ngân hàng

Ưu điểm

Khả năng thu hồi vốn cao

Các giấy tờ có giá như hối phiếu, thương phiếu, trái phiếu,… đều mang tính đảm bảo cao cho người thụ hưởng. Hơn nữa, hợp đồng chiết khấu cũng có các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của người được chiết khấu trong trường hợp xảy ra rủi ro thanh toán.

Khi cần vốn gấp hoặc có nhu cầu bán lại những loại giấy tờ có giá này, tổ chức tín dụng cũng có thể xin tái chiết khấu ở những nơi khác.

Thủ tục và quy trình đơn giản

Quy trình chiết khấu gồm các bước sau:

Bước 1: Bên có nhu cầu chiết khấu lập hồ sơ xin chiết khấu và gửi cho tổ chức tín dụng.

Bước 2: Tổ chức tín dụng tiến hành thẩm định các điều kiện chiết khấu đối với giấy tờ có giá mà khách hàng đề nghị chiết khấu.

Bước 3: Nếu tổ chức tín dụng chấp nhận chiết khấu, khách hàng làm thủ tục chuyển giao quyền sở hữu các giấy tờ có giá cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng đối với mỗi loại giấy tờ có giá. Sau đó, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm đã kể trên, chiết khấu ngân hàng cũng tồn tại hai hạn chế sau:  

Rủi ro nhận chiết khấu hối phiếu giả mạo: Đây là những hối phiếu do một số người có chủ đích lừa đảo ngân hàng tự ý phát hành, không xuất phát từ quan hệ thương mại.

Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng: Người chịu trách nhiệm thanh toán giấy tờ có giá mất khả năng thanh toán khi đến hạn.

Kết luận

Hy vọng nội dung trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc Chiết khấu là gì. Chiết khấu trong kinh doanh không giống với chiết khấu trong ngân hàng. Đối tượng của chiết khấu kinh doanh là sản phẩm và dịch vụ. Còn trong ngân hàng, nghiệp vụ chiết khấu thường hướng đến các loại giấy tờ có giá. Một điều nữa bạn cũng cần lưu ý là không nên lạm dụng chiết khấu trong kinh doanh như là một biện pháp dài hạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào giá trị sản phẩm, học cách thấu hiểu khách hàng và áp dụng chiến lược giảm giá vào đúng sản phẩm và đúng đối tượng mua hàng.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan