Tài chính - Ngân hàng | 24/03/2022
Cho vay từng lần là gì? Những trường hợp nào cần vay từng lần?
Nếu bạn đang có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hay đơn giản là vay cho mục đích tiêu dùng trong ngắn hạn, bạn không thể bỏ qua hình thức cho vay từng lần. Đây là phương thức tín dụng được các ngân hàng thương mại chủ yếu áp dụng hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn giải đáp cho câu hỏi: Cho vay từng lần là gì? Liệu hình thức này có phù hợp với mục đích vay của bạn hay không? Hãy xem tiếp nhé!
Cho vay từng lần là gì?
Cho vay từng lần là hình thức cấp tín dụng theo từng món của ngân hàng thương mại. Theo đó, mỗi lần vay sẽ tương ứng với một bộ hồ sơ vay vốn và một bản hợp đồng tín dụng riêng biệt với các hợp đồng vay trước đó giữa ngân hàng và đối tượng xin cấp tín dụng với lãi suất, thời hạn trả tiền và số tiền vay xác định. Ngân hàng căn cứ vào kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể của bên vay vốn để quyết định cho vay. Ngược lại, người vay phải làm các thủ tục cần thiết như lập hồ sơ vay vốn để ngân hàng xét duyệt vay.
Ví dụ: Ngày 1/12/2021, bạn có nhu cầu mua nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất nên lập hồ sơ vay 500 triệu trong thời hạn 4 tháng. Tới tháng 1/2022, vì phải đầu tư mua thiết bị sản xuất, bạn lại lập một hồ sơ vay mới số tiền 300 triệu trong thời hạn 3 tháng. Nếu ngân hàng chấp thuận cấp tín dụng thì họ sẽ tiến hành giải ngân và theo dõi riêng hai khoản vay này.
Phương thức cho vay từng lần hoàn toàn trái ngược với cho vay theo hạn mức tín dụng. Đối với vay theo hạn mức, doanh nghiệp chỉ cần lập hồ sơ vay một lần nhưng có thể vay nhiều lần với điều kiện số tiền vay nằm trong hạn mức quy định.
Đặc điểm của cho vay từng lần là gì?
Khoản vay có mục đích cụ thể: Thường là tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động thiếu hụt của doanh nghiệp (vốn sử dụng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thường ngày như mua nguyên vật liệu, thiết bị sản xuất,…).
Đối tượng vay: Không có nhu cầu vốn thường xuyên hoặc vay có tính chất thời vụ. Trong một số trường hợp, nếu khách hàng có mức tín nhiệm tín dụng không cao, ngân hàng có thể đề xuất áp dụng phương thức cấp tín dụng này nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn.
Số tiền cho vay: Ngân hàng sẽ dựa vào nhu cầu vay vốn của khách hàng, giá trị tài sản đảm bảo, khả năng thanh toán nợ, nguồn cung vốn của ngân hàng và giới hạn cho vay để xác định số tiền cho vay. Trong đó, nhu cầu vay được tính như sau:
Nhu cầu vay = Nhu cầu vốn lưu động – Vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác
Lưu ý: Nhu cầu vốn lưu động được xác định theo nhu cầu về chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn, với điều kiện chi phí này trực tiếp cần thiết cho việc thực hiện phương án bổ sung vốn lưu động.
Cách giải ngân: Khi cho vay từng lần, ngân hàng sẽ giải ngân một lần toàn bộ hạn mức tín dụng trong khi đối với vay hạn mức, ngân hàng tiến hành giải ngân nhiều lần tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Tính riêng biệt của các món vay: Các món vay của cùng một đối tượng vay vốn không phụ thuộc vào nhau.
Ưu và nhược điểm của hình thức cho vay từng lần
Ưu điểm
Phương thức cho vay từng lần có các ưu điểm như:
- Độ rủi ro thấp hơn so với vay theo hạn mức: Ngân hàng có thể giám sát chặt chẽ từng khoản vay và tính toán hiệu quả kinh tế từ của những khoản vay này.
- Tăng sự chủ động cho cả ngân hàng và khách hàng trong hoạt động vay vốn.
- Thời gian cho vay linh hoạt, phù hợp với từng dự án.
Nhược điểm
Tuy nhiên, hình thức cho vay này cũng tồn tại những hạn chế sau:
- Tính linh động trong việc sử dụng vốn của doanh nghiệp không cao do phải lập hồ sơ vay từng lần và phụ thuộc nhiều vào quyết định của ngân hàng.
- Thủ tục rườm rà, gây tốn kém thời gian.
- Ngân hàng phải theo dõi nhiều khoản vay của cùng một đối tượng tại các thời điểm khác nhau để tính toán nợ gốc và lãi. Vì vậy, chi phí trong kinh doanh cao và lợi nhuận tìm kiếm trên một lần vốn đầu tư thấp.
Kết luận
Cho vay từng lần là phương thức vay vốn phổ biến đối với những đối tượng có nhu cầu vay trong ngắn hạn và trung hạn. Qua bài viết trên, DNSE hy vọng bạn đã hiểu rõ Cho vay từng lần là gì và xác định được liệu hình thức vay này có phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính hiện tại của bản thân hay không.