Chứng khoán | 31 Tháng 12 2021
Những thông tin về chứng quyền có bảo đảm nhà đầu tư cần hiểu rõ
Trong thời gian gần đây, việc đầu tư chứng khoán ngày càng trở nên phổ biến với người dân. Ngoài cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm cũng trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Với tỷ suất sinh lợi khá tốt, giao dịch dễ dàng với mức vốn thấp, chứng quyền đang dần thể hiện được vị trí của nó trong giới đầu tư. Vậy, chứng quyền có bảo đảm là gì, giao dịch như thế nào và bị ảnh hưởng ra sao? Hãy cùng DNSE theo dõi bài viết hôm nay nhé!

Chứng quyền có bảo đảm là gì?
Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant – CW) là một loại chứng khoán có tài sản được đảm bảo và phát hành bởi công ty chứng khoán. Chứng quyền được niêm yết trên sàn giao dịch HSX, nhà đầu tư có thể mua chứng quyền một cách đơn giản như chứng khoán cơ sở.
Chứng quyền có 2 phân loại chính là chứng quyền mua và chứng quyền bán. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán chỉ được phát hành chứng quyền mua theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Những thông tin cơ bản về chứng quyền
Chứng quyền có kỳ hạn từ 3 tháng đến 24 tháng theo quy định của pháp luật. Thông thường, các công ty chứng khoán trong đợt phát hành đầu tiên sẽ tập trung vào kỳ hạn 3 tháng sau đó là 6 tháng.

Cách đọc mã chứng quyền
Thuật ngữ | Ý nghĩa | Ví dụ chứng quyền CACB2101 |
C | Chứng quyền | |
ACB | Mã cổ phiếu mà chứng quyền phụ thuộc vào (Có thể là cổ phiếu hoặc ETF) | |
2101 | 21 là năm phát hành (2021) 01 là số thứ tự CW được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cấp. | |
Tỷ lệ chuyển đổi | Số lượng chứng quyền nhà đầu tư cần có để thực hiện mua 1 chứng khoán cơ sở | 4:1 |
Giá thực hiện | Mức giá nhà đầu tư thực hiện quyền mua chứng khoán cơ sở khi chứng quyền đáo hạn. | 31,400đ |
Tổ chức phát hành | Công ty chứng khoán phát hành chứng quyền. | MBS |
Ngày giao dịch đầu tiên | Ngày đầu tiên chứng quyền được phép giao dịch trên sàn chứng khoán | 07/10/2021 |
Ngày giao dịch cuối cùng | Ngày giao dịch trước 2 ngày so với ngày đáo hạn chứng quyền có đảm bảo | 19/01/2022 |
Ngày đáo hạn | Ngày cuối cùng người sở hữu chứng quyền được thực hiện quyền | 21/01/2000 |
Giao dịch chứng quyền có bảo đảm
Để giao dịch chứng quyền, nhà đầu tư cần nắm được những thông tin cơ bản sau:
- Mua/bán chứng quyền: Nhà đầu tư có thể mua, bán chứng quyền trên thị trường sơ cấp (Mua trực tiếp tại tổ chức phát hành) hoặc mua trên thị trường thứ cấp (Mua trên sàn giao dịch chứng khoán cơ sở).
- Tài khoản giao dịch: Nhà đầu tư có thể sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở để mua, bán chứng quyền.
- Thời gian giao dịch: Tương tự thời gian giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE với khối lượng giao dịch tối thiểu là 10CW.
Ví dụ về giao dịch chứng quyền
Ngày 24/11/2021, A mua 1,000 chứng quyền trên cổ phiếu ACB (giá hiện tại của ACB là 35,000đ) với các thông số như sau:
- Tỷ lệ chuyển đổi: 2:1
- Thời hạn chứng quyền: 6 tháng
- Giá thực hiện: 35,000đ
- Giá CW: 2,600đ
Vậy A đã đầu tư số tiền 1,000 x 2,600đ = 2,600,000đ để mua 1000 CW ACB.
Sau 5 tháng:
Giả sử giá CW trên thị trường là 3,500đ. A có thể chốt lời tại thời điểm này trên Sở Giao dịch Chứng khoán với số tiền lời là: 1000 x (3,500 – 2,600) = 900,000đ.
Vào ngày đáo hạn:
Giả sử A giữ số chứng quyền đến ngày đáo hạn và giá cổ phiếu ACB đang là 60,000đ. Tổ chức phát hành sẽ thanh toán cho A số tiền: 1000 / 5 x (60,000 – 35,000) = 5,000,000đ. Mức sinh lời của A là: 5,000,000 – 900,000 = 4,100,000đ.
Các trạng thái của chứng quyền mua
Chứng quyền mua bao gồm 3 loại trạng thái: Lãi, lỗ và hòa vốn.
Tại thời điểm đáo hạn, nếu CW:
- Đang ở trạng thái lãi: Nhà đầu tư sẽ nhận được tiền lãi chênh lệch.
- Đang ở trạng thái hòa vốn và lỗ: Nhà đầu tư sẽ không nhận được tiền thanh toán chênh lệch.
Những yếu tố tác động đến chứng quyền có bảo đảm
- Giá thị trường của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện quyền: Sự chênh lệch của 2 loại giá này sẽ tác động trực tiếp đến giá chứng quyền. Ngoài ra, giá chứng khoán và giá thực hiện quyền chính là yếu tố định giá giá trị nội tại của CW.
- Thời gian đáo hạn: Thời gian đáo hạn của chứng quyền càng dài thì giá trị của CW càng cao.
- Biến động giá chứng khoán cơ sở: Sự biến động của giá chứng khoán cơ sở càng cao thì khả năng tạo ra lợi nhuận càng lớn.
- Lãi suất: Sự tăng hoặc giảm của lãi suất sẽ tác động đến giá CW.
Ví dụ về lãi suất: A mua chứng quyền và trì hoãn việc thanh toán cho đến ngày đáo hạn. Việc trì hoãn này giúp A tiết kiệm được một khoản tiền so với việc trực tiếp mua chứng khoán cơ sở. Khoản tiền này được thưởng thu nhập từ lãi suất. Lãi suất càng tăng, khoản thu nhập càng lớn.
Kết luận
Chứng quyền có bảo đảm là loại tài sản phụ thuộc vào chứng khoán cơ sở. Khi giao dịch, nhà đầu tư sẽ được hưởng số tiền lãi chênh lệch khi giá chứng khoán phụ thuộc và giá CW tăng. Với sự tiện lợi trong giao dịch và khả năng sinh lời hấp dẫn, chứng quyền đang trở thành sự lựa chọn tốt của nhà đầu tư. Hy vọng bài viết giúp các bạn hiểu được những thông tin cần thiết về chứng quyền. Hãy theo dõi bài viết tiếp theo của DNSE để biết thêm nhiều thông tin đầu tư bổ ích nhé.