Quản trị danh mục | 17/11/2022

Review rổ VN30: Cổ phiếu VJC – Hàng không giá rẻ, cất cánh bay cao?

Cổ phiếu VJC – Vietjet Air là doanh nghiệp hàng không có tốc độ phục hồi dẫn đầu toàn ngành sau đại dịch. Cổ phiếu VJC là cổ phiếu được nghĩ đến đầu tiên khi nhà đầu tư muốn “tham chiến” vào ngành hàng không. Tổng quan cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu VJC sẽ có trong bài viết dưới đây.

Một vài thông tin về cổ phiếu VJC

VJC được biết là doanh nghiệp vận tải hàng không quen thuộc của người dân với “vé máy bay giá rẻ”. Việc thành công tạo ấn tượng với hành khách nên sự thành công của Vietjet Air ở thị trường trong nước là không thể phủ nhận.

Tìm hiểu các thông tin về cổ phiếu VJC
Tìm hiểu các thông tin về cổ phiếu VJC

Tìm hiểu về CTCP Hàng không Vietjet

Công ty CP Hàng không Vietjet được thành lập ngày 23/07/2007. Ngày 28/02/2017, Vietjet được niêm yết trên trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hồ Chí Minh (HOSE).

Lĩnh vực kinh doanh: 

  • Quảng cáo cho các nhãn hiệu.
  • Đại lý bán vé máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, ô tô.
  • Kinh doanh hàng miễn thuế, bán máy bay,…

Cổ đông và sở hữu (tính đến 15/11/2022)

  • Ban lãnh đạo: 10,31%
  • Tổ chức: 47,83%
  • Nước ngoài: 16,29%

Các thương hiệu con và thị trường kinh doanh

  • Galaxy Pay: doanh nghiệp giải pháp thanh toán số. 
  • Swift 247: doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Cả hai là công ty con của Vietjet.

Thông tin về cổ phiếu VJC

  • Ngày lên sàn: 28/02/2017
  • Khối lượng cổ phiếu lưu hành: 541,611,334 cổ phiếu (tính đến 15/11/2022)
  • Giá tham chiếu: 107.500đ/ cổ phiếu (15/11/2022)

Danh sách các cổ đông

  • Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny: 154,740,160 cổ phiếu (28,57%). Công ty này do bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT Vietjet Air chiếm 100%.
  • Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT Vietjet Air: 47,470,914 cổ phiếu (8,76%).
  • CTCP Sovico: 41,106,000 cổ phiếu (7,59%). Công ty này cũng do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT.
  • Ngân hàng TMCP Phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh: 26,809,020 cổ phiếu (4,95%).
  • Government Of Singapore: 26,125,408 cổ phiếu (4,82%).
Cổ đông lớn và cơ cấu sở hữu cổ phần tại Vietjet Air (VJC)
Cổ đông lớn và cơ cấu sở hữu cổ phần tại Vietjet Air (VJC). (Theo thông tin từ trang DNSE Senses)

Phân tích cổ phiếu VJC

Lịch sử giá của cổ phiếu VJC

  • Sau 5 năm niêm yết trên sàn HSX, cổ phiếu VJC luôn là cổ phiếu có mức giá cao vì khối lượng lưu hành không nhiều và tài sản doanh nghiệp lớn. Cổ phiếu VJC hiện nằm trong rổ VN30 và luôn được nhà đầu tư săn đón với tiềm năng cực lớn. 
  • Vietjet Air chào sàn với giá tham chiếu là 90.000đ/cp, đóng cửa phiên đầu tiên với mức giá 108.000đ; sau nhiều đợt chia tách, giá còn 60,700đ/cp (tính đến 15/11/2022). Giá cao nhất mà Vietjet Air đạt được là 229.400đ/cp ngày 02/04/2018; tính đến ngày 15/11/2022 thì giá VJC hiện đang ở mức 101,490đ/cp.
     Lịch sử giá cổ phiếu VJC
    Lịch sử giá cổ phiếu VJC
  • Cổ phiếu VJC có mức giá thấp nhất trong 2 năm trở lại đây vào ngày 28/07/2020 với giá 98.900đ/cp. Đây là vùng hỗ trợ giá của cổ phiếu VJC, tính đến ngày 15/11/2022, nến giá vẫn chưa có nhịp kiểm định lại vùng đáy này; mức giá luôn trên mức 100.000đ.cp.

Đặc điểm ngành của VJC

  • Thuộc ngành: Vận tải và kho bãi/ Vận tải hàng không/ Vận tải hàng không đã được xếp lịch
  • Tình hình ngành đó trong năm 2022:
Tình hình ngành vận tải hàng không 2022 
Tình hình ngành vận tải hàng không 2022 

Thống kê ngành hàng không 10 tháng đầu năm 2022

  • Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 cho biết, sản lượng hành khách qua các cảnh quốc nội đạt 81 triệu lượt hành khách. Các hãng nội địa đạt 40 triệu lượt hành khách và dự đoán tăng đến 55 triệu lượt vào thời điểm cuối năm. 
  • Chỉ tính riêng tháng 10, sản lượng hành khách qua các cảng hàng không là 7,2 triệu lượt hành khách. So với tháng 9 trước đó giảm đến 12% và 23% so với cùng kỳ năm 2019. 
  • Sản lượng vận chuyển hành khách qua các hãng bay nội địa chỉ tính riêng tháng 10 đạt 3,5 triệu hành khách, so với tháng 9 trước đó giảm 12% và giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. 
  • Khách nội địa qua các hãng bay quốc nội chiếm đến khoảng 83% (2,9 triệu khách), so với tháng 9 trước đó giảm 14%. Một phần do nhu cầu du lịch nội địa giảm do hết mùa du lịch. Khách quốc tế đạt 614.000 hành khách, không biến động nhiều so với tháng 9 trước đó nhưng giảm đến 60% so với cùng kỳ năm 2019. 
  • Theo báo cáo tình hình xã hội của tổng cục thống kê đến tháng 10 năm 2022, khách quốc tế đạt 2,3 triệu hành khách (chỉ khoảng 27% di chuyển bằng đường hàng không) gấp khoảng 18 lần cùng kỳ 2020 nhưng giảm đến 83% so với cùng kỳ 2019. Cho thấy ngành hàng không cần nỗ lực mở thêm các đường bay quốc tế khi các hạn chế được gỡ bỏ. 

Cổ phiếu VJC có tiềm năng hay không?

Tình hình kinh doanh của CTCP Hàng không Vietjet trong năm 2022

  • Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải hàng không của VJC là 14.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 80,33 tỷ đồng, lần lượt tăng 197% và 135% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo kinh doanh hợp nhất, doanh thu ghi nhận 15.934,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 145 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 19% so với cùng kỳ năm trước. 
  • Vietjet Air đã thực hiện gần 33.000 chuyến bay với sản lượng vận chuyển khoảng 6 triệu lượt hành khách; kết quả này lần lượt tăng 135% và 200% so với cùng kỳ năm trước. Đối với hàng hóa, sản lượng vận chuyển hơn 11 nghìn tấn. Hoạt động kinh doanh của Vietjet Air đang dần hồi phục mạnh với mức tăng 30% các chặng nội địa so với cùng kỳ năm 2019. 
  • Vietjet Air đã đi trước trong việc mở rộng các đường bay được khai thác ở Ấn Độ với 17 đường bay được kết nối; bước đi trên được kỳ vọng sẽ giúp Vietjet Air phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, lợi nhuận khi có được thị trường đông dân thứ 2 TG. Bên cạnh đó, Vietjet cũng đầu tư bổ sung đội tàu bay mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cấp các dịch vụ khi bay nhằm mang lại sự nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng. 

Khái quát tài chính của CTCP Hàng không Vietjet

Tổng quan tài chính Vietjet Air (mã cổ phiếu VJC)
Tổng quan tài chính Vietjet Air (mã cổ phiếu VJC)
  • Tổng tài sản của VJC tính đến quý 2 năm 2022 ghi nhận đạt 62.668,78 tỷ đồng, tăng 125,7% so với cùng kỳ tương đương 12.812,88 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nổi bật:
    • Tiền và các khoản tương đương tiền: 3.043 tỷ đồng (4,85%). Tăng 1.526 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước tương đương 100,6%.
    • Các khoản phải thu ngắn hạn: 29.226 tỷ đồng (46,63%). Tăng 7.252 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021 tương đương 33%.
    • Các khoản phải thu dài hạn: 19.353 tỷ đồng (30,88%). Tăng 2.048 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021 tương đương mức tăng 11,83%.
  • Tổng nợ của Vietjet Air là 45.468 tỷ đồng chiếm 72,55% tổng tài sản , tăng 12.558 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn là 22.918 tỷ đồng chiếm 50,4% cơ cấu nợ, nợ dài hạn là 22.550 tỷ đồng chiếm 49,5%. 
  • Vốn chủ sở hữu của VJC tính đến quý 2 năm 2022 là 17.201 tỷ đồng, tăng 225 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tiềm năng đầu tư của cổ phiếu VJC

Giá vốn tăng vọt trong quý III năm 2022

Giá vốn bán hàng và dịch vụ quý III của Vietjet tăng 12,34 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn được ghi nhận đến 10.701 tỷ đồng dẫn đến lỗ gộp hơn 445 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và quản lý tăng lần lượt 16% và 137,4% (147 tỷ đồng và 134,4 tỷ đồng). Vietjet ghi nhận lỗ 767,3 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi đó cùng kỳ lại lãi 10,34 tỷ đồng do cắt giảm các loại chi phí trên.

Giá nhiên liệu được dự báo tăng

Giá nhiên liệu thời gian sắp tới tăng cũng là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp hàng không. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu thô mỗi ngày của Hoa Kỳ nhằm neo giá nhiên liệu này. Thêm vào đó, căng thẳng Nga – Ukraine cũng dẫn đến giá nhiên liệu tăng đến cuối năm. Các doanh nghiệp vận tải hàng không như VJC phải chủ động việc cắt giảm chi phí không cần thiết nhằm đảm bảo mức lợi nhuận.

Tăng trưởng số chuyến bay

Vietjet khai thác được 86.500 chuyến bay trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 147% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 37% toàn ngành. Chỉ số này của HVN (Vietnam Airlines) tăng trưởng 121% kém hơn VJC (87.418 chuyến).

Tiềm năng cổ phiếu VJC
Tiềm năng cổ phiếu VJC

Khai thác thêm các đường bay

Ngày 19/10, Vietjet đã triển khai các chuyến bay đầu tiên đến hai trung tâm của Ấn Độ là New Delhi và Mumbai đến Đà Nẵng. Đường bay Almaty – Cam Ranh thuộc Khánh Hòa đã hạ cánh an toàn với chuyến bay đầu tiên vào ngày 26/10. Cho thấy VJC đang tích cực khai thác thêm các đường bay trong điều kiện các nước gỡ bỏ hạn chế.

Tiềm năng cuối năm

Ngành hàng không được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh vào cuối năm do các dịp lễ. Đặc biệt, dịp Giáng sinh, Tết Dương Lịch sẽ đón số lượng lớn khách nước ngoài du lịch và trở về quê hương bằng các đường bay quốc tế. Dịp Tết Nguyên Đán cũng được các hãng bay kỳ vọng nhiều; bởi nhu cầu trở về quê hương, du lịch trong và ngoài nước diễn ra sôi động. 

Góc nhìn dài hạn với cổ phiếu VJC

Về dài hạn, cổ phiếu VJC vẫn được xem là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư. Xét đến ngành nghề, VJC hiện là cùng HVN (Vietnam Airlines) là hai cổ phiếu ngành vận tải hàng không trên sàn chứng khoán; song tình hình tài chính, kinh doanh của HVN được đánh giá là kém khả quan hơn VJC. Cổ phiếu VJC là cổ phiếu duy nhất về vận tải hàng không nằm trong rổ chỉ số VN30.

Tương lai khi cuộc sống người dân ngày càng nâng cao về chất lượng; mức thu nhập được dự đoán lên đến 5.000 USD/người/năm đến 2025; nhu cầu về chất lượng cao khi đi du lịch, công tác,..

Kết luận

Cổ phiếu hàng không được dự báo sẽ “cất cánh” vào năm 2023, đặc biệt là cổ phiếu VJC với vị thế đầu ngành. Những tiềm năng về ngành nghề cũng như doanh nghiệp Vietjet Air đã được nêu rõ trong bài viết. Bạn đọc có thể tham khảo và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lê Lâm

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan