Kinh tế | 30/01/2022

Đấu giá kiểu Hà Lan là gì? Thực hiện IPO theo đấu giá kiểu Hà Lan như thế nào?

Chắc hẳn nhiều người đã quen thuộc với hình thức đấu giá kiểu truyền thống. Theo đó, một món hàng ban đầu sẽ được bán với mức giá thấp và được đẩy giá bán lên từ từ khi nhiều người cùng trả giá. Trên thực tế, ngoài hình thức đấu giá này vẫn còn một kiểu đấu giá nữa. Đó chính là đấu giá kiểu Hà Lan.

Đấu giá kiểu Hà Lan là gì?

Đấu giá kiểu Hà Lan (Dutch Auction) là một hình thức đấu giá công khai theo phương thức đặt giá xuống. Giá bán khởi điểm sẽ được đặt ở mức cao nhất và từ từ hạ xuống cho đến khi có người chấp nhận mức giá chào bán. Đây chính là người trúng đấu giá. Trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng chấp nhận mức giá chào bán thì người điều hành đấu giá sẽ tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá cuối cùng.

Ví dụ, mức giá bán ban đầu của sản phẩm là 1.000.000 VNĐ. Nếu không ai chấp nhận mức giá này thì giá bán sẽ giảm xuống 900.000 VNĐ. Nhưng nếu vẫn không có nhà thầu nào mua ở mức giá này thì giá sẽ tiếp tục giảm xuống. Tại mốc 700.000 VNĐ có người đồng ý mua. Lúc này, phiên đấu giá kết thúc.

Hình thức đấu giá này cũng được áp dụng trong đợt IPO cổ phiếu VCB.

Đấu giá Hà Lan là một hình thức đấu giá xuống
Đấu giá Hà Lan là một hình thức đấu giá xuống

Đấu giá giảm dần chủ yếu được dùng để bán các loại hàng hóa giống nhau có số lượng lớn hay hàng nhanh hỏng. Ngoài ra, hình thức đấu giá này còn có thể được sử dụng trong đợt phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng với mục đích tìm ra mức giá chào bán tối ưu cho cổ phiếu. Đấu giá Hà Lan cũng được các cơ quan chính phủ sử dụng để phát hành ra công chúng Tín phiếu kho bạc (Treasury Bills), Trái phiếu kho bạc trung hạn (Treasury Notes) hay Trái phiếu kho bạc dài hạn (Treasury Bonds).

Quy trình đấu giá kiểu Hà Lan trong IPO

Quy trình đấu giá

Với hình thức đấu giá xuống, công ty bảo lãnh phát hành cổ phiếu sẽ không đưa ra mức giá chào bán cố định. Công ty chỉ quyết định số lượng cổ phiếu mà họ muốn bán. Giá mua sẽ do những người đấu giá quyết định. Các nhà đầu tư đấu giá số lượng cổ phiếu mà họ muốn mua ở một mức giá cụ thể. Sau đó, công ty sẽ tổng hợp lại và lập danh sách những người tham gia đấu giá theo thứ tự từ giá thầu cao đến thấp.

Quy trình đấu giá xuống như thế nào?
Quy trình đấu giá xuống như thế nào?

Khi tổng lượng cổ phiếu muốn mua bằng với số lượng cổ phiếu được chào bán thì đơn vị phát hành sẽ chốt danh sách những người trúng đấu giá. Giá của đợt phát hành cổ phiếu công khai lần đầu là mức giá chấp nhận mua thấp nhất trong danh sách này. Tất cả những người tham gia sẽ trả cùng một mức giá cho mỗi cổ phiếu mua vào.

Ví dụ thực hiện IPO thông qua đấu giá kiểu Hà Lan

Giả sử: Công ty A chào bán 400 cổ phiếu trong đợt IPO bằng cách sử dụng đấu giá Hà Lan. Những người tham gia đấu giá gồm:

Người tham gia Số lượng cổ phiếu muốn mua Mức giá đề xuất/ cổ phiếu(Đơn vị: Nghìn VNĐ)
A 200 300
B 25 450
C 500 100
D 60 200
E 100 150
F 15 120
Ví dụ thực hiện IPO thông qua đấu giá kiểu Hà Lan

Danh sách người mua được sắp xếp theo mức giá từ cao đến thấp như sau:

B: 25 cổ phiếu với mức giá 450.000 VNĐ/cổ phiếu. (Số cổ phiếu còn lại là 400 – 25 = 375)

A: 200 cổ phiếu với mức giá 300.000 VNĐ/cổ phiếu. (Số cổ phiếu còn lại là 375 – 200 = 175)

D: 60 cổ phiếu với mức giá 200.000 VNĐ/cổ phiếu. (Số cổ phiếu còn lại là 175 – 60 = 115)

E: 100 cổ phiếu với mức giá 150.000 VNĐ/cổ phiếu. (Số cổ phiếu còn lại là 115 – 100 = 15)

F: 15 cổ phiếu với giá 120.000 VNĐ/cổ phiếu. (Số cổ phiếu được chào bán đã hết)

Trong ví dụ này, giá bán trong đợt IPO sẽ là 120.000 VNĐ/cổ phiếu. Những nhà đầu tư A, B, D và E mua cổ phiếu với mức giá chung là 120.000 VNĐ với F. Còn nhà đầu tư C không mua được cổ phiếu nào trong đợt IPO này.

Ưu và nhược điểm của hình thức Đấu giá kiểu Hà Lan

Ưu điểm

Giảm chi phí giao dịch

Đấu giá Hà Lan giúp làm giảm chi phí giao dịch trong hoạt động IPO
Đấu giá Hà Lan giúp làm giảm chi phí giao dịch trong hoạt động IPO

Đối với IPO theo phương thức truyền thống, những ngân hàng đầu tư có nhiều vai trò hơn trong việc chào bán cổ phiếu như thực hiện các roadshow (hình thức chiêu thị tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng do công ty bảo lãnh phát hành thực hiện trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng) hay định giá IPO. Khi sử dụng đấu giá kiểu Hà Lan, sự tham gia của các nhà bảo lãnh phát hành trong quá trình IPO sẽ giảm xuống và do đó, làm giảm chi phí giao dịch.

Đảm bảo tính công bằng và minh bạch

Các nhà đầu tư tổ chức thường lợi dụng khoản chênh lệch giữa giá chào bán và giá niêm yết thực tế để kiếm lời bằng cách thu mua cổ phiếu với giá chiết khấu và bán lại ngay sau khi cổ phiếu được niêm yết. Theo quy tắc của đấu giá xuống, sau khi xem xét một loạt các giá thầu từ nhiều thành phần khách hàng, cổ phiếu sẽ đến tay những người trả giá cao nhất không phân biệt người trúng đấu giá là các quỹ tương hỗ lớn hay các nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, quá trình IPO theo phương thức truyền thống vẫn tồn tại tình trạng giá chào bán sẽ được quyết định dựa trên các cuộc thỏa thuận giữa công ty bảo lãnh phát hành và các nhà đầu tư tổ chức. Còn giá chào bán trong đấu giá Hà Lan sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự trả giá của công chúng. Vì vậy, kiểu đấu giá này được xem như một phương pháp mua bán công bằng và minh bạch.

Tăng tính cạnh tranh trong đấu giá

Hình thức đấu giá xuống làm tăng tính cạnh tranh ngầm giữa những người tham gia
Hình thức đấu giá xuống làm tăng tính cạnh tranh ngầm giữa những người tham gia

Tuy bản chất của đấu giá kiểu Hà Lan là nhằm bảo vệ người tham gia khỏi việc đấu giá quá cao sản phẩm nhưng những người bán thực tế vẫn có thể kiếm được nhiều tiền hơn kiểu đấu giá lên truyền thống. Đấu giá xuống sẽ khiến người tham gia nảy sinh tâm lý phải hành động thật nhanh vì họ không biết khi nào cuộc đấu giá sẽ kết thúc và vụt mất cơ hội mua hàng với giá hời.

Điều này dẫn đến thực tế là giá mua thậm chí còn cao hơn giá trị hàng hóa. Giá chào bán càng giảm thì những người tham gia càng muốn mua và tính cạnh tranh ngầm giữa những người muốn sở hữu món hàng càng mạnh mẽ.

Nhược điểm

Nhà phát hành chứng khoán ít quyền kiểm soát giá

Khi sử dụng đấu giá xuống, nhà phát hành sẽ có ít quyền kiểm soát hơn đối với giá chào bán IPO. Trong một số trường hợp, hình thức đấu giá này sẽ dẫn đến việc cổ phiếu bị định giá không phù hợp. Ví dụ, trong trường hợp IPO của Google vào năm 2004, các ngân hàng đầu tư ban đầu định giá cổ phiếu là 85 USD trong khi chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, giá trị cổ phiếu nhanh chóng tăng lên 216 USD. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ sự thiếu thông tin của các nhà đầu tư hay sự không chắc chắn của công chúng về quy trình đấu giá.

Khó tổ chức

Số lượng người đấu giá bị hạn chế
Số lượng người đấu giá bị hạn chế

Ngoài ra, đấu giá theo kiểu Hà Lan thường rất khó tổ chức vì để có thể điều hành phiên đấu giá thì người tổ chức phải là người có kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Hơn nữa, số lượng người tham gia thường bị hạn chế.

Kết luận

Đấu giá kiểu Hà Lan trong quá trình IPO sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư cá nhân. Thông thường, phần lớn những người mua cổ phiếu IPO là khách hàng của các ngân hàng đầu tư bảo lãnh. Nhưng nếu sử dụng kiểu đấu giá này, thì bất kỳ ai cũng có thể đấu giá cổ phiếu. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư cá nhân chưa thông thạo IPO thì khoản đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, trước khi tham gia IPO thông qua đấu giá Hà Lan, hãy nhớ trang bị cho bản thân đầy đủ thông tin về quy trình đấu giá, công ty và thứ mà bạn đang đầu tư vào.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan