Quản lý tài sản | 26/02/2023
Điểm tên 7 sai lầm tài chính khiến bạn nghèo vẫn hoàn nghèo
Nếu bạn luôn trong tình trạng cảm thấy thiếu tiền, không đủ khả năng để chi trả cho nhu cầu cá nhân; nợ nần chồng chất hay “đầu tháng dư dả, cuối tháng nghèo túng” thì hãy cùng kiểm tra xem liệu bạn đang mắc phải điều gì trong 7 sai lầm khiến nghèo vẫn hoàn nghèo dưới đây không nhé.
Tin vào số phận
Có 2 kiểu phản ứng phổ biến khi gặp khó khăn, thất bại trong cuộc sống: một là đổ lỗi cho số phận hay những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, hoàn toàn không phải do lỗi của bản thân; hai là vượt lên khó khăn, cố gắng hết sức để tìm giải pháp khắc phục và hạn chế khả năng khó khăn lặp lại trong tương lai. Phản ứng đầu tiên có thể tìm thấy ở 90% người nghèo.
Tương lai chính là kết quả từ những lựa chọn của bạn hiện tại. Tuy không thể tự lựa chọn điểm xuất phát của bản thân nhưng bạn hoàn toàn có quyền quyết định cuộc đời của bạn sẽ diễn ra và kết thúc như thế nào. Cho nên hãy ngừng đổ lỗi cho số phận hay bào chữa cho chính mình. Thay vì tin vào lời thầy bói phán rằng số phận của bạn sẽ ra sao hay đặt cược vận may vào những tấm vé số thì hãy làm chủ cuộc đời của mình, đầu tư vào phát triển bản thân. Đây mới là tấm vé đổi đời khả thi nhất.
Chưa kiếm tiền hết “công suất”
Để có được cuộc sống đủ đầy, vô lo, vô nghĩ ở độ tuổi trung niên, nhiều người đã phải đánh đổi rất nhiều khi còn trẻ, tranh thủ từng giây phút để học tập, tích lũy kinh nghiệm với mục đích tìm được các cơ hội tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, cũng có không ít người chưa sử dụng hết tiềm năng của bản thân để cải thiện thu nhập với những lý do như không yêu thích công việc hiện tại, bằng lòng với mức lương hiện có,… Vì thế, không ngạc nhiên khi một số người luôn trong tình trạng hôm nay dư dả, đủ tiêu, mai nghèo túng và thậm chí không đủ khả năng để chi trả cho sở thích, mong muốn của cá nhân.
Có một câu nói thế này: “Đừng lựa chọn sống an nhàn vào những năm tháng còn có thể chịu khổ”. Trong giai đoạn này, bạn vẫn còn trẻ, vẫn còn sức khỏe, trí tuệ để tiếp tục làm việc hay thậm chí có thể chưa phải chịu gánh nặng gia đình, vẫn được bố mẹ chu cấp các chi phí ăn ở thường ngày. Nếu bạn muốn thoát khỏi cái nghèo thì hãy kiếm tiền với công suất cao nhất để không phải hối hận, tiếc nuối vào độ tuổi mà đáng lẽ phải an hưởng tuổi già.
Không thích làm quen những người bạn mới
Theo nghiên cứu của Tom Corley về sự khác biệt giữa thói quen của người giàu và người nghèo, tỷ lệ ưa thích giao lưu gặp gỡ những người bạn mới ở nhóm người giàu là 68% và ở nhóm người nghèo là 11%. Người xưa vẫn có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Những người bạn mới chất lượng đem đến những cơ hội mới, đóng góp ít nhiều vào sự thành công của bạn trong tương lai. Vì thế, đừng giới hạn vòng quan hệ xã hội của bản thân, hãy mở lòng để gặp gỡ và làm quen với những người bạn mới nhé.
Chi tiêu cảm hứng, không lên kế hoạch
Việc đầu tháng mới nhận lương nên thoải mái chi tiêu còn cuối tháng thắt lưng buộc bụng, ăn mì gói để xoay xở đủ cho đến khi nhận lương tháng sau là điều không hề hiếm, nếu không muốn nói là quá phổ biến trong xã hội hiện nay, đặc biệt đối với các bạn trẻ mới bắt đầu đi làm.
Thậm chí, để theo đuổi đam mê mua sắm cá nhân hay nhu cầu tận hưởng cuộc sống, nhiều người không do dự chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Vì thế mà trong khi tài khoản tiết kiệm không có đồng nào thì số tiền nợ thẻ tín dụng đã chất thành núi. Điều này đã đẩy nhiều người vào vòng xoáy nợ nần, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Do đó, bạn nên có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hợp lý. Quản lý tài chính cá nhân ở đây bao gồm cả quản lý thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Bạn nên sắp xếp các khoản tài chính theo thứ tự ưu tiên như sau: tài khoản chi tiêu cần thiết cần được đặt lên hàng đầu, tiếp đó là tài khoản tiết kiệm dài hạn, giáo dục, hưởng thụ, tự do tài chính và từ thiện. Đây chính là Quy tắc 6 chiếc lọ để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
Không quan tâm đến sức khỏe
Đánh mất sức khỏe là mất tất cả. Thật vậy, khi sức khỏe xảy ra vấn đề, chúng ta không còn thời gian, sức lực để suy nghĩ đến việc kiếm tiền, tận hưởng cuộc sống hay những dự định khác trong tương lai. Mà thay vào đó, là nỗi lo bao trùm không chỉ đối với bạn mà còn cả những người xung quanh.
Ngay cả khi bạn là một người thành công, dư dả về tiền bạc thì bệnh tật cũng là cơn ác mộng biến thành công thành vô nghĩa. Bởi thế, hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân, tập thể dục, ăn uống, sinh hoạt điều độ và thường xuyên khám tổng quát định kỳ để ngăn ngừa bệnh kịp thời.
Có thói quen ỉ lại, lười học hỏi
Cuộc sống này vốn là sự đánh đổi. Giàu có cũng có cái giá của nó. Để đạt được mức thu nhập trong mơ, bạn cần đầu tư thời gian và công sức nếu bạn vốn không có nền tảng tài chính vững chắc.
Trong khi một số người đang giết thời gian bằng cách xem phim, dạo khắp các hội nhóm trên mạng xã hội hay những sở thích khác thì không ít người vẫn đang tiếp tục làm việc hay học hỏi để phát triển bản thân. Trong khi bạn có thể thức khuya dậy muộn vì hôm qua phải dành thời gian để cày nốt một bộ phim thì một số người đã bắt đầu ngày mới từ tờ mờ sáng để có thời gian tập thể dục, đảm bảo sức khỏe và thời gian để tiếp tục theo đuổi mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây chính là lý do tại sao một số người thành công trong khi một số khác thì không.
Nghèo đói không đáng sợ mà chính sự lười biếng, ỷ lại, không chịu thay đổi hay học hỏi điều mới trong xã hội ngày càng phát triển hiện nay mới là điều đáng sợ, giam cầm bạn trong cái nghèo. Để tạo nên giá trị gia tăng và không biến bản thân trở thành người “tối cổ”, mãi vẫn không thoát khỏi nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, đừng thỏa mãn với những kiến thức mà bạn có, hãy tìm cách phát huy những gì mà bản thân đang có và chịu khó tìm tòi những tri thức mới.
Giữ khăng khăng tiền mặt
Theo nghiên cứu, trong khi hơn 50% người giàu tham gia thử nghiệm chấp nhận rủi ro để cải thiện tình hình tài chính thì chỉ 6% người nghèo đồng ý với cùng một rủi ro. Điều này cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro của người giàu cao hơn người nghèo.
Những người ưa thích sự an toàn thường gửi tiền mặt vào ngân hàng để bảo toàn số tiền mình sở hữu và nhận lãi định kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế bất ổn và nguy cơ lạm phát gia tăng như hiện nay, tài khoản tiết kiệm đã không còn là kênh sinh lợi hấp dẫn đối với nhiều người vì tiền vẫn phải đối mặt với rủi ro mất giá.
Nếu tính theo lãi kép, thì sau 10 năm, giá trị tiền của chúng ta trong tương lai sẽ tương đương với 45% giá trị tiền tại thời điểm hiện tại với mức lạm phát 3%. Chính vì thế mà nhiều người mang tiền đi đầu tư, chấp nhận rủi ro để tiền đẻ ra tiền. Một số kênh đầu tư được ưa chuộng hiện nay là bất động sản, vàng, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,…
Tạm kết
Không biết bạn đã mắc phải điều nào trong 7 sai lầm khiến nghèo vẫn hoàn nghèo trên? Nếu bạn đang có tiền nhàn rỗi và muốn tìm kiếm một nguồn thu nhập thụ động hấp dẫn để cải thiện chất lượng cuộc sống thì tại sao không đem tiền đi đầu tư. Tuy nhiên, trước hết, hãy trang bị kiến thức cho bản thân các kiến thức cần thiết để có một cái nhìn tổng quan hơn về đầu tư bằng cách cập nhật những thông tin, kiến thức hữu ích tại https://www.dnse.com.vn/hoc nhé.