Kiến thức tổng quan | 23/12/2021

Giảm phát là gì? Liệu có tích cực như chúng ta tưởng?

Chúng ta thường xuyên nghe thấy từ lạm phát được đề cập trong các chương trình kinh tế. Tuy nhiên, người anh em của nó – giảm phát lại ít được nhắc tới hơn hẳn. Một phần là vì tình trạng này rất ít khi xảy ra. Thực tế cũng không có mấy ai hy vọng giảm phát xảy ra cả. Vậy giảm phát là gì? Nó có tác động như thế nào tới nền kinh tế? Nó có phải là một tín hiệu tích cực hay không? Tất cả sẽ có câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Giảm phát là gì?

Giảm phát là đối ngược với lạm phát
Giảm phát là đối ngược với lạm phát

Giảm phát là tình trạng xảy ra khi mức giá chung của quốc gia bị giảm xuống. Nếu đã quen với lạm phát thì các bạn có thể hiểu giảm phát là đối ngược của lạm phát. Nếu tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 0% thì tình trạng giảm phát sẽ xảy ra. Khi đó, các sản phẩm bạn thường mua sẽ có mức giá rẻ hơn. Với cùng một mức tiền, lúc này bạn sẽ có thể mua nhiều đồ hơn bình thường.

Ví dụ, bình thường bạn phải trả 60.000đ cho một cân thịt. Tuy nhiên, nếu giảm phát xảy ra, một cân thịt sẽ chỉ có giá 45.000đ. Vậy với 60.000đ bạn có thể mua lượng thịt nhiều gấp 1.5 lần bình thường.

Xét trên khía cạnh tài chính tiền tệ, đồng tiền quốc gia lúc này sẽ có giá hơn. Ví dụ, hiện tại bạn phải bỏ ra khoảng 23.000đ để mua một đồng USD. Nếu giảm phát xảy ra, có thể bạn sẽ chỉ phải trả 20.000đ cho 1 USD.

Nguyên nhân xảy ra giảm phát là gì?

Nếu chỉ hiểu sơ giảm phát là gì thì chắc mọi người đều nghĩ nó sẽ mang lại những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Nguyên nhân dẫn đến lạm phát sẽ khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Sự suy giảm của tổng cầu

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến giảm phát, nhưng nguyên nhân thường thấy nhất là do tổng nhu cầu quốc gia suy giảm. Điều này sẽ dẫn đến cung lớn hơn cầu, tình trạng dư thừa hàng hóa sẽ xảy ra. Từ đó dẫn đến giá hàng hóa giảm đi. Tuy nhiên, lượng sản phẩm thừa này sẽ là một bài toán lớn cho nền kinh tế mà có thể tạo ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Xét trên khía cạnh sản xuất, việc cầu giảm và hàng hóa không thể lưu thông sẽ khiến doanh thu các công ty bị giảm đáng kể. Việc cắt giảm nhân công và thu hẹp sản xuất là điều khó tránh khỏi nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài. Hậu quả là quy mô nền kinh tế có thể bị thu nhỏ. Cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, dẫn đến xã hội thiếu ổn định.

Tới đây chắc chúng ta đều đã hiểu giảm phát thường mang tính tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Ngoài ra, nếu không được xử lý tốt thì giảm phát sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, sự gia tăng của tổng cung cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm phát. Khi có quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất, lượng hàng hóa trong thị trường vượt quá nhu cầu tiêu thụ sẽ khiến giá giảm. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít khi xảy ra với quy mô đủ lớn để dẫn đến giảm phát. Nó thường chỉ xảy ra với một vài nhóm ngành cụ thể.

Năng suất được cải thiện

Đây là một trong những nguyên nhân gây ra giảm phát
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra giảm phát

Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến giảm phát là việc năng suất lao động tăng lên. May mắn thì đây là một nguyên nhân tích cực. Khi các công nghệ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất khiến năng suất lao động tăng lên, chi phí giảm đi thì doanh nghiệp có thể sẽ giảm giá bán sản phẩm. Qua đó người lao động sẽ nhận được lợi ích lớn.

Dù vậy, tình trạng này hiếm khi xảy ra do doanh nghiệp rất ít khi tự giảm giá bán. Mọi thương nhân đều có mục tiêu lợi nhuận nên để giảm giá khi chi phí giảm là một điều khó mà xảy ra được.

Sự thay đổi trong cấu trúc thị trường vốn

Các doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm cách để tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí. Sự thay đổi trong cấu trúc thị trường vốn có thể giúp họ làm điều này. Đặc biệt, nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ các khoản vay với lãi suất thấp, nhiều ưu đãi thì sẽ là điều kiện tốt để doanh nghiệp có thêm vốn đầu tư và tăng năng suất lao động. Từ đó, giá cả các mặt hàng sẽ giảm đáng kể và tạo ra giảm phát.

Sự sụt giảm trong nguồn cung tiền

Khi suy thoái kinh tế xảy ra, Nhà nước thường sẽ giảm cung tiền để thắt chặt chi tiêu. Nó thường gắn liền với các hoạt động của Ngân hàng Trung ương như bán trái phiếu chính phủ hoặc thay đổi chính sách về thị trường vốn.

Khi nguồn cung tiền giảm, giá trị đồng tiền sẽ tăng lên tương ứng. Do đó, đồng tiền trở nên có giá hơn, giá cả cũng bị kéo xuống. Cuối cùng, điều này sẽ tạo nên giảm phát.

Giảm phát gây ra ảnh hưởng như thế nào?

Như đã đề cập thì giảm phát sẽ tạo ra một tác động lớn tới nền kinh tế tổng thể của quốc gia. Nó bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực.

Các tác động tích cực

Nếu giảm phát bắt nguồn từ việc năng suất lao động được gia tăng thì nó sẽ tạo ra tác động tích cực. Lúc này, khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi hơn, tạo đà phát triển cho nền kinh tế. Ngoài ra, nó cũng ngăn chặn được các vấn đề độc quyền, nâng cao hiệu quả cạnh tranh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Các tác động tiêu cực

Đe dọa tới quy mô nền kinh tế

Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của giảm phát
Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của giảm phát

Việc cầu giảm, hàng hóa ứ đọng sẽ khiến doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, các công ty cũng thường có xu hướng sử dụng giá làm công cụ cạnh tranh. Khi cầu giảm và việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn thì công cụ này sẽ càng bị lạm dụng. Giảm giá để giữ khách, giảm giá để cạnh tranh,… sẽ thường xuyên xảy ra. 

Tuy nhiên thực tế, việc này chỉ có thể cứu vãn trong ngắn hạn. Về dài hạn thì lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn không ngừng suy giảm. Tình trạng này kéo dài lâu có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất. Từ đó khiến quy mô nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng.

Đầu tư, tái đầu tư trở nên khó khăn hơn

Đồng tiền tăng giá đồng nghĩa rằng người tiêu dùng có xu hướng tích trữ tiền nhiều hơn. Thay vì gửi ngân hàng hoặc mua hay đầu tư vào những dạng tài sản khác, người dân sẽ giữ nguồn tiền nhàn rỗi của mình. Điều này khiến cho các ngân hàng thiếu nguồn tiền cho vay, doanh nghiệp khó xoay vòng vốn. Cùng với đó là các hoạt động đầu tư, tái đầu tư bị trì trệ và không thể phát triển được.

Quy mô sản xuất

Giá hàng hóa sụt giảm cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Họ phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa chi phí và doanh thu. Quy mô sản xuất buộc phải giảm tải. Cùng với đó, nguồn nhân lực cũng bị cắt giảm dẫn đến thất nghiệp tăng cao.

Cách để ngăn chặn giảm phát

Việc tìm cách để tránh xảy ra giảm phát là điều không thể thiếu
Việc tìm cách để tránh xảy ra giảm phát là điều không thể thiếu

Rõ ràng, giảm phát thường mang đến những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Vì thế việc tìm cách để tránh xảy ra giảm phát là điều không thể thiếu.

Hạ giới hạn dự trữ tại ngân hàng

Mỗi ngân hàng sẽ được quy định chỉ được dự trữ một lượng tiền cụ thể và không thể vượt quá. Lượng tiền này thường nhằm mục đích để cho vay. Tuy nhiên, nếu giảm phát xảy ra thì việc giữ tiền mặt mà không để nó trong lưu thông là một sai lầm, Do đó, quy định về giảm giới hạn dự trữ sẽ là cần thiết để tránh giảm phát hoặc ít nhất có thể cải thiện những tác động xấu nếu giảm phát có xảy đến.

Tăng cung tiền

Thực tế, cách đơn giản nhất để tránh giảm phát là tăng lượng cung tiền trên thị trường. Khi Ngân hàng Nhà nước in thêm tiền và phát hành ra công chúng thì giá trị đồng tiền sẽ giảm đi do cung tăng lên. Mức độ giảm nhiều/ít sẽ phụ thuộc vào lượng tiền mà Nhà nước tung ra.

Giảm thuế

Nếu giảm phát xảy ra thì giảm thuế sẽ là một cách để giảm áp lực lên các doanh nghiệp. Qua đây, doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất kinh doanh và tập trung vào các hoạt động bán hàng tăng năng suất hơn.

Kết luận

Hy vọng nội dung trên đã giải đáp cho câu hỏi “Giảm phát là gì” của bạn. Để thường xuyên cập nhật những kiến thức tài chính – chứng khoán thú vị, hãy ghé thăm DNSE bạn nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Minh Ngọc

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan