Tài chính - Ngân hàng | 25/10/2022
Giao dịch Repo (Repurchase Agreement) – Công cụ “vay có kỳ hạn”
Repo (hay “Hợp đồng mua lại”) là một nghiệp vụ phái sinh từ các giao dịch cho vay có đảm bảo. Giao dịch repo khá phổ biến ở thị trường tài chính nước ngoài và ở Việt Nam. Vậy giao dịch repo là gì và cách thức hoạt động của giao dịch này ra sao?
Giao dịch Repo là gì ?
Giao dịch repo (Hợp đồng mua lại) là một bên sẽ bán, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản tài chính cho một bên khác. Bên cạnh đó bên bán phải cam kết mua lại sau một khoảng thời gian xác định cùng với một mức giá được định trước.
VD: Bạn A thực hiện giao dịch hợp đồng mua lại bằng cách bán trái phiếu đang sở hữu cho bạn B. Trong hợp đồng repo có ghi rõ thời gian mua lại cũng như giá của trái phiếu đó.
Hợp đồng repo thực chất là giao dịch đi vay có kỳ hạn bằng tài sản thế chấp là các tài sản tài chính; giao dịch được áp dụng phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế. Việc này nhằm tăng thanh khoản trên thị trường; cung cấp vốn cho các tổ chức tài chính khi khó khăn.
Giá mua lại sẽ cao hơn giá khi bán cho một cá nhân. Khoản tiền chênh lệch đó sẽ là số lãi mà người mua sẽ được nhận. Tùy vào khoảng thời gian nắm giữ tài sản càng lâu của người mua thì số lãi sẽ nhiều hơn.
Đặc điểm của hợp đồng mua lại
Giao dịch repo ở Việt Nam được đưa vào từ năm 2000. Từ đó, các hợp đồng repo được Ngân hàng nhà nước Việt Nam sử dụng nhiều; mục đích nhằm điều hành thị trường.
Giao dịch này còn được xem là công cụ nghiệp vụ thị trường mở; nhằm điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng của NHNN. Hợp đồng repo được các tổ chức tín dụng thường xuyên sử dụng để giảm nguồn vốn huy động.
Kỳ hạn của hợp đồng mua lại
Kỳ hạn của hợp đồng repo thường là rất ngắn chỉ qua đêm hay một vài ngày. Nếu mua lại tài sản tài chính qua đêm thì được gọi là khoản vay trong một ngày. Khi hợp đồng có kỳ hạn trên 2 ngày thì được gọi là hợp đồng mua lại có kỳ hạn. Trong trường hợp ký hợp đồng repo theo kỳ hạn tiêu chuẩn như 1 tuần, 2 tuần hay 1 hoặc 2 tháng. Việc diễn ra trong thời gian khá dài sẽ ảnh hưởng đến yếu tố lãi suất repo trong hợp đồng. Chúng ta sẽ tìm hiểu ngay dưới đây.
Lãi suất của hợp đồng repo
Như phần bản chất hợp đồng repo đã đề cập rằng khoản tiền chênh lệch sau khi chuyển nhượng lại cho người bán ban đầu sẽ là lãi suất mà người mua nhận được của hợp đồng repo.
Lãi suất repo là lãi suất được thỏa thuận giữa hai bên; được thỏa thuận trước khi thực hiện hợp đồng và chuyển giao tài sản. Lãi suất có thể phụ thuộc theo kỳ hạn của hợp đồng repo. Kỳ hạn càng dài thì người mua tài sản tài chính sẽ kỳ vọng lãi suất càng cao.
Tỷ lệ chiết khấu trong giao dịch repo
Tỷ lệ chiết khấu trong giao dịch repo là một yếu tố không thể bỏ qua. Tỷ lệ chiết khấu là phần tiền sẽ được chiết khấu cho người mua tài sản tài chính; phần chiết khấu dựa trên giá trị của chính tài sản đó. Tỷ lệ chiết khấu sẽ tùy vào mỗi giao dịch và thường là 5%.
VD: Anh A thực hiện giao dịch hợp đồng mua lại số trái phiếu với giá trị là 1 tỷ. Anh A chỉ nhận được 950 triệu và 50 triệu đã được chiết khấu cho người mua.
Phân loại các hợp đồng repo thường gặp
Repo có kỳ hạn (Term Repurchase Agreement)
Hợp đồng mua lại có kỳ hạn là thỏa thuận sẽ mua lại tài sản tài chính sau khi bán cho một cá nhân hay tổ chức. Kỳ hạn và lãi suất sẽ được đề cập trong hợp đồng để hai bên có thể thỏa thuận. Đến khi đáo hạn thì bên bán sẽ mua lại với giá cao hơn giá bán ban đầu. Phần chênh lệch đó dựa vào lãi suất của hợp đồng.
Repo không có kỳ hạn (Open Repurchase Agreement)
Giao dịch hợp đồng mua lại không có kỳ hạn cũng tương tự như có kỳ hạn về việc chuyển giao tài sản giữa bên mua và bên bán. Nhưng điều khác biệt ở đây là kỳ hạn, hợp đồng này không hẳn là không có kỳ hạn mà là kỳ hạn hàng ngày. Hai bên đã thỏa thuận không đặt kỳ hạn cho hợp đồng này; bên nào muốn chấm dứt hợp đồng phải thông báo theo thời hạn hằng ngày đã thỏa thuận.
Một hợp đồng repo không có kỳ hạn sẽ không bị chấm dứt nếu hai bên không chủ động mà sẽ tự chuyển kỳ hạn mỗi ngày. Lãi suất sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận hai bên và thường là sẽ gần bằng lãi suất vay qua đêm liên ngân hàng.
Rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng repo
Khi thực hiện hợp đồng này, một trong hai bên cũng có thể chịu rủi ro về tín dụng mặc dù được đảm bảo bằng một tài sản tài chính tốt.
Ví dụ: Khi anh C thực hiện giao dịch hợp đồng mua lại với số lượng trái phiếu của mình là 1 tỷ đồng với anh D. Trong trường hợp cả hai bên đã thỏa thuận kỳ hạn cũng như lãi suất.
Sau một nửa kỳ hạn, lãi suất tăng lên làm giá trị trái phiếu giảm. Lúc này rủi ro tín dụng sẽ thuộc về bên anh D nếu anh C không thể mua lại số trái phiếu trên.
Ngược lại, nếu lãi suất thị trường giảm làm giá trị trái phiếu tăng. Rủi ro bây giờ sẽ thuộc về anh C vì nếu mua lại số trái phiếu đó, anh sẽ phải mua với giá cao hơn.
Ở thị trường tài chính Việt Nam, việc sử dụng giao dịch repo diễn ra nhiều ở các tổ chức tín dụng. Giữa các cá nhân vẫn chưa phổ biến nhiều về loại hợp đồng này. Nếu có thể tận dụng được hợp đồng repo giữa các cá nhân trên thị trường tài chính sẽ giúp tăng thanh khoản trên thị trường.