Kiến thức tổng quan | 18/01/2022

Lãi suất cơ bản là gì? Vai trò của lãi suất cơ bản đối với thị trường chứng khoán

Khi nhập môn đầu tư chứng khoán, ngoài các kiến thức chuyên môn, các nhà đầu tư mới còn cần quan tâm đến chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là lãi suất cơ bản. Nhắc đến lãi suất cơ bản, người ta thường nghĩ đến các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, lãi suất này còn có mối liên hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường chứng khoán. Vậy lãi suất cơ bản là gì?

Lãi suất cơ bản là gì?

Tìm hiểu chung về Lãi suất cơ bản
Tìm hiểu chung về Lãi suất cơ bản

Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố và chỉ áp dụng với đồng nội tệ. Các tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào đó để quyết định lãi suất kinh doanh. Lãi suất cơ bản chịu sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước.

Nó được công bố chính thức lần đầu vào ngày 02/08/2000 theo quyết định số 242/2000/QĐ-NHNN mặc dù đã được nhắc tới trong Luật ngân hàng nhà nước có hiệu lực ngày 01/10/1998. Tại thời điểm công bố, lãi suất cơ bản là 0.75%/tháng tức là 9%/năm. Đến tháng 6/2008, lãi suất tăng lên 14%/năm (mức cao nhất từ trước đến nay).

Hiện nay, lãi suất cơ bản được ấn định ở mức 9% theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010.

Dựa vào cơ sở gì để ấn định lãi suất cơ bản?

Lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước quyết định dựa trên:

  • Lãi suất của thị trường liên ngân hàng
  • Lãi suất nghiệp vụ trên thị trường mở của ngân hàng nhà nước
  • Lãi suất huy động vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng
  • Xu hướng biến động Cung-cầu thị trường
  • Tình hình kinh tế trong nước

Ý nghĩa của lãi suất cơ bản là gì?

Cơ sở để các tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất kinh doanh

Lãi suất cơ bản là cơ sở để các tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất kinh doanh của mình
Lãi suất cơ bản là cơ sở để các tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất kinh doanh của mình

Pháp luật quy định các tổ chức tín dụng sẽ lấy lãi suất cơ bản làm cơ sở để ấn định lãi suất kinh doanh, cụ thể là điều chỉnh lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay của tổ chức không được vượt quá 1.5 lần lãi suất cơ bản. Việc giới hạn về mức lãi suất cho vay giúp Chính phủ kiểm soát tình trạng cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen. Người vay cũng có thể dựa vào đó để kiểm tra mức lãi suất mình đang vay có phù hợp với quy định pháp luật hay không.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn dựa vào lãi suất cơ bản để điều chỉnh lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi). Lãi suất cơ bản tăng sẽ kéo theo lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng và ngược lại. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay để xây dựng phương hướng hoạt động, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của ngân hàng.

Cơ sở tham chiếu và bồi thường rủi ro

Khi xảy ra tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán như chậm trả tiền, thì mức bồi thường được tính dựa trên nguyên tắc: Bên chậm trả phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, nguyên tắc này sẽ được áp dụng trong quan hệ mua bán, vay mượn, và nhiều lĩnh vực khác theo quy định của luật Dân sự.

Khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Tiền lãi được xác định theo mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Còn số tiền lãi đã trả vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản được trừ vào tiền nợ gốc từ thời điểm trả lãi.

Công cụ tiền tệ vĩ mô

Lãi suất cơ bản còn được nhà nước sử dụng để điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm hướng đến những mục tiêu như ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng và định hướng hoạt động tín dụng.

Lãi suất cơ bản là công cụ điều chỉnh chính sách tiền tệ vĩ mô
Lãi suất cơ bản là công cụ điều chỉnh chính sách tiền tệ vĩ mô

Vào tháng 11/2009, ngân hàng Anh quốc (một trong những ngân hàng lâu đời nhất trên thế giới) đã công bố mức lãi suất cơ bản thấp nhất ở mức 1.5%/năm trong suốt lịch sử hoạt động 315 năm của mình. Đây được xem là một biện pháp mạnh mẽ để phục hồi tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Anh lúc bấy giờ.

Lãi suất cơ bản còn là tín hiệu nhận biết chính sách tiền tệ mở rộng để chống suy thoái (lãi suất cơ bản giảm) hay thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát (lãi suất cơ bản tăng). Dựa trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh mức lãi suất riêng để phù hợp với tình trạng hoạt động của nền kinh tế và mỗi ngân hàng.

Yếu tố quyết định biến động của giá cả chứng khoán

Quyết định yếu tố biến động của thị trường chứng khoán
Quyết định yếu tố biến động của thị trường chứng khoán

Bởi vì lãi suất cơ bản có ảnh hưởng tới sự biến động của lãi suất cho vay và lãi suất huy động nên nó cũng là yếu tố quyết định đến giá cả trên thị trường chứng khoán. Khi nhà đầu tư đi vay tiền của công ty chứng khoán theo hình thức ký quỹ (margin), nếu lãi suất cơ bản tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Điều này dẫn đến sự gia tăng chi phí mua giữ chứng khoán. Nhà đầu tư sẽ rơi vào tình thế bất lợi.

Ngược lại, nếu lãi suất cơ bản giảm, nhà đầu tư có thể sử dụng dịch vụ ký quỹ với mức vay thấp hơn . Lượng cầu chứng khoán có khả năng tăng, điều này có thể sẽ dẫn đến giá chứng khoán tăng. Đây là tín hiệu tốt đối với giới đầu tư.

Kết luận

Trên đây là những điều bạn cần biết đối với câu hỏi Lãi suất cơ bản là gì. Lãi suất cơ bản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và là công cụ hữu ích trong việc điều tiết hoạt động tín dụng trong nước. Khi gia nhập thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư, đặc biệt là những người có nhu cầu vay vốn để đầu tư, cần lưu ý đến xu hướng tăng giảm của lãi suất cơ bản để xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan