Kinh tế | 23/12/2021
Lạm phát nông nghiệp là gì? Tác động của lạm phát nông nghiệp
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì nông nghiệp đã không còn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế như quá khứ nữa. Tuy vậy, nông nghiệp vẫn tạo ra những ảnh hưởng sống còn đối sinh hoạt cộng đồng và kinh tế quốc gia. Biến động trong nền nông nghiệp có thể ảnh hưởng tới tình hình phát triển của đất nước. Đặc biệt, nếu lạm phát nông nghiệp xảy ra, vai trò này sẽ càng rõ ràng hơn. Vậy lạm phát nông nghiệp là gì? Nó có ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của người tiêu dùng?
Lạm phát nông nghiệp là gì?
Lạm phát nông nghiệp – Agflation là cụm được ghép từ agriculture (nông nghiệp) và inflation (lạm phát). Nó mô tả hiện tượng khi giá lương thực tăng nhanh hơn giá hàng hóa và dịch vụ khác. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao đối với cây trồng vừa là lương thực vừa được dùng làm nhiên liệu sinh học. HIện tượng này có thể gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
Khi lạm phát nông nghiệp cao, tỷ lệ lớn thu nhập của người dân sẽ được dùng cho thực phẩm. Trong khi thu nhập không đổi, việc này có thể khiến chất lượng cuộc sống của họ đi xuống. Chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu lúc này sẽ bị cắt giảm. Kết quả là nó có thể ảnh hưởng đến tình hình chung của nền kinh tế.
Nếu tỷ lệ lạm phát chung thường được dùng để phân tích sức mạnh kinh tế toàn cầu thì tầm quan trọng của nông nghiệp khiến cho lạm phát nông nghiệp trở thành khía cạnh cần thiết để đo lường xu hướng giá cả.
Nguyên nhân của lạm phát nông nghiệp
Do cầu kéo
Lạm phát nông nghiệp xảy ra khi tổng cầu vượt quá tổng cung, khiến giá cả bị đẩy lên. Một dạng của lạm phát, lạm phát do cầu kéo. Đây là kết quả của các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kích cầu để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ khác.
Ví dụ: Dịch Covid-19 bùng phát cũng chứng kiến đợt tăng giá lương thực mạnh. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng phải đối mặt với nỗi lo cạn kiệt lương thực nếu dịch bệnh lan rộng. Họ e ngại việc cách ly có thể khiến họ không đủ thức ăn. Do đó tổng cầu với mặt hàng này bất chợt bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, đây chỉ là một tác động ngắn hạn do về bản chất thì nguồn cung vẫn dư dả. Nhà nước có thể cân bằng lại mức giá bằng các tác động từ bên ngoài.
Do chi phí đẩy
Một dạng khác của lạm phát là do chi phí đẩy. Nó bị gây ra bởi sự thiếu hụt nguồn cung làm tăng giá cả. Lạm phát nông nghiệp thường gặp tình trạng này hơn. Khi chi phí cho hàng hóa nông nghiệp tăng thường vì thời tiết xấu ảnh hưởng đến việc thu hoạch, nên giá lương thực tăng. Hoặc cũng có thể do các tác động khách quan khác bên ngoài.
Ví dụ: Khi dịch tả lợn lan rộng, nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi cầu không đổi. Điều này khiến cho giá thịt lợn tăng cao lên mức kỷ lục. Nếu lúc trước bạn mua thịt lợn với giá 60.000đ/ cân thì lúc này bạn phải trả 90.000đ/cân. Vẫn là lượng thịt như trước nhưng giờ bạn phải bỏ một số tiền gấp 1,5 lần ban đầu mới mua được.
Nhu cầu đối với một số mặt hàng nông nghiệp như đậu nành, đường và ngô đang ngày càng tăng. Nguyên nhân các sản phẩm này là nguyên liệu không thể thiếu đối với quy trình sản xuất nhiên liệu sinh học.
Tác động của lạm phát nông nghiệp
Lạm phát nông nghiệp gây ra ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Việc lạm phát xảy ra khiến cho giá lương thực tăng cao, người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm. Đây sẽ là điều tiêu cực đối với người có thu nhập trung bình – thấp. Họ sẽ khó lòng đảm bảo được chất lượng cuộc sống với mức giá lương thực cao.
Lúc này, tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra phổ biến. Đi cùng với đó là vấn đề về an sinh xã hội có thể không được đảm bảo. Việc thiếu thức ăn sẽ đẩy nhiều người đến với các hành vi phạm tội để duy trì cuộc sống. Đây sẽ một nỗi nguy hại tới toàn xã hội.
Ngoài ra, loại lạm phát này cũng sẽ gây ảnh hưởng tới lạm phát chung. Cho dù các cây lương thực không được dùng để sản xuất nhiên liệu thay thế, giá của chúng có thể bị lạm phát do người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng. Kết quả là, hiệu ứng thay thế cầu này có thể tác động đến giá cả chung. Điều này có thể đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Ví dụ: nếu nhu cầu cao về ngô để sản xuất nhiên liệu thay thế như cồn ngô, các công ty thực phẩm có thể chuyển sang các loại ngũ cốc khác ít tốn kém hơn, chẳng hạn như gạo hoặc lúa mì. Mục đích là để cố gắng giảm chi phí và bớt giá cho người tiêu dùng. Nhưng nhu cầu này sẽ chuyển đến các mặt hàng thay thế tương tự và tạo ra áp lực về giá tương ứng.
Bài viết là những chia sẻ của DNSE về lạm phát nông nghiệp. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích, giúp bạn thấy được vai trò không thể thay thế của nông nghiệp đối với nền kinh tế chung.