Tài chính - Ngân hàng | 06/07/2022
Ngân hàng Thế giới (World Bank) – Nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam
Ngân hàng Thế giới là đối tác tin cậy của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhờ có sự hỗ trợ từ tổ chức này, Việt Nam đã được tiếp cận với những nguồn lực cần thiết để phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bài viết dưới đây, DNSE sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Ngân hàng thế giới và vai trò của tổ chức này đối với nước ta.
Ngân hàng thế giới là gì?
Ngân hàng thế giới (World Bank) là một tổ chức tài chính đa phương được thành lập tại Hội nghị Bretton Woods vào năm 1944. Với mục tiêu giảm thiểu đói nghèo trên thế giới, tổ chức cung cấp các khoản vay cho các quốc gia đang phát triển để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.
Ngân hàng thế giới gồm hai tổ chức có vai trò riêng biệt là Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hội phát triển quốc tế (IDA). Mục đích chung của hai tổ chức này là đấu tranh xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân ở các nước đang phát triển.
Chức năng và nhiệm vụ của Ngân hàng thế giới
Mỗi đơn vị trong Ngân hàng Thế giới có chức năng và nhiệm vụ riêng:
Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA)
Tổ chức IDA được thành lập vào năm 1960 với nhiệm vụ cung cấp các khoản tín dụng không lãi suất và viện trợ không hoàn lại cho các quốc gia để thực hiện xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa bỏ bất bình đẳng trong xã hội. Đối tượng hỗ trợ của IDA thường là những quốc gia rất nghèo trên thế giới.
Nguồn vốn của IDA chủ yếu đến từ đóng góp của các nước phát triển và giàu có trên thế giới. Điều kiện để được cấp IDA tùy thuộc vào trình độ phát triển và mức độ nghèo đói của các quốc gia, thường được xác định theo tỷ lệ Tổng thu nhập Quốc dân (GNI) theo đầu người dưới ngưỡng quy định của WB.
Ngân hàng Quốc Tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD)
Ngân hàng được thành lập năm 1945 với mục tiêu hoạt động là giảm thiểu đói nghèo và duy trì sự phát triển bền vững cho các nước đang phát triển bằng cách cung cấp các khoản vay, bảo lãnh và các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn. Các khoản vay được tính lãi căn cứ theo lãi suất LIBOR (lãi suất tham chiếu mà các ngân hàng lớn trên thị trường tài chính London sử dụng để cho vay lẫn nhau) và có thời hạn vay dài từ 15-20 năm kèm thời gian ân hạn 5 năm.
IBRD cho vay và trợ giúp kỹ thuật cho các nước thành viên dựa trên 4 nguyên tắc chính như sau:
- Đối tượng cho vay chỉ có thể là những nước có khả năng trả nợ
- Việc cho vay có sự đảm bảo của chính phủ
- Lãi suất cho vay thấp hơn một chút so với lãi suất thị trường
- Không có quy định ràng buộc giữa việc vay vốn và nghĩa vụ mua hàng ở bất kỳ quốc gia thành viên nào
Thông qua hoạt động cho vay vốn và trợ giúp kỹ thuật, WB góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội tại các quốc gia đang phát triển. Cũng nhờ những khoản vay đến từ tổ chức quốc tế này mà việc hợp tác quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng và vốn từ các thị trường tài chính quốc tế được phân bổ vào các dự án phát triển tại các nước đang phát triển.
Vai trò của Ngân hàng thế giới đối với Việt Nam
Chiến lược Hỗ trợ Quốc gia (CPS) giai đoạn 2012-2016
Đây là chiến lược đầu tiên mà Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam kể từ khi nước ta chính thức bước vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Theo đó, WB cam kết xây dựng chiến lược để hỗ trợ Chính phủ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015. CPS gồm các nội dung như:
- Tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam;
- Tăng tính bền vững của quá trình phát triển;
- Mở rộng điều kiện tiếp cận các cơ hội kinh tế và xã hội.
Tài trợ các chương trình/dự án phát triển kinh tế xã hội
Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những thành viên vay ưu đãi lớn nhất từ Hiệp hội phát triển quốc tế IDA. Đồng thời, từ năm 2009, nước ta cũng bắt đầu triển khai vay vốn từ IBRD. Cho đến tháng 2/2012, các khoản cam kết tài chính của WB dành cho Việt Nam ước tính đạt 15 tỷ USD cho 111 dự án. Các khoản tín dụng này là công cụ quan trọng để Chính phủ thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính công, tài chính, quản lý nhà nước và các dịch vụ xã hội.
Trong thời gian qua, WB còn tài trợ cho Việt Nam một số các chương trình hỗ trợ ngân sách trực tiếp như Chương trình Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo (PRSC) và Chương trình Cải cách Đầu tư công (PIR), Chương trình Mục tiêu Quốc gia như: Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giáo dục cho mọi người, Chương trình cải cách ngành điện…..
Hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và các báo cáo
WB cung cấp cho Việt Nam các dịch vụ tư vấn về chính sách cùng với các hỗ trợ kỹ thuật khi triển khai các dự án do WB tài trợ nhằm giúp nước ta hoàn thiện khuôn khổ thể chế trên mọi lịch vực, nâng cao năng lực quản lý và qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định an sinh xã hội.
Đặc biệt, hàng năm, WB còn cử các đoàn tới Việt Nam để phối hợp với các Bộ/ngành soạn thảo và phát hành các báo cáo kinh tế, báo cáo ngành cũng như xây dựng chiến lược quản lý và phát triển kinh tế xã hội.
Kết luận
Trên đây là những thông tin cơ bản về Ngân hàng thế giới mà bạn cần biết. Để tìm hiểu thêm các kiến thức kinh tế – đầu tư khác, hãy theo dõi các bài viết trên DNSE thường xuyên nhé.