Kinh tế | 24/04/2022

Nghiệp vụ thị trường mở là gì? Đặc điểm, vai trò của nghiệp vụ thị trường mở

Một khái niệm rất quen thuộc chắc hẳn nhiều bạn đã nghe nhắc đến đó chính là nghiệp vụ thị trường mở. Đây là việc ngân hàng Trung ương thực hiện mua bán các giấy tờ có giá trong ngắn hạn với mục đích hướng đến chính sách tiền tệ của quốc gia. Vậy cụ thể nghiệp vụ thị trường mở là gì? Đặc điểm và vai trò của nó đối với thị trường tài chính như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin chi tiết về các vấn đề trên.

Nghiệp vụ thị trường mở là gì?

Tìm hiểu về nghiệp vụ thị trường mở
Tìm hiểu về nghiệp vụ thị trường mở

Nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ của chính sách tiền tệ liên quan đến việc mua bán các giấy tờ có giá để kiểm soát lượng tiền cung ứng. Ví dụ, khi Ngân hàng Trung ương (NHTW) muốn tăng cung tiền thì sẽ mua tín phiếu kho bạc từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và công chúng. Số tiền NHTW trả cho các NHTM và công chúng làm tăng tiền dự trữ của các ngân hàng. Chính sự dự trữ dư thừa đó sẽ cho phép các ngân hàng tăng cường cho vay. Điều này dẫn đến kết quả là lượng tiền cung ứng trên thị trường sẽ tăng lên theo đúng mục đích của NHTW. 

Nghiệp vụ thị trường mở của NHTW thường gồm hai loại. Đó là mua bán giấy tờ có giá dài hạn và mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn. Ở Việt Nam, nghiệp vụ thị trường mở chủ yếu được thực hiện đối với các loại giấy tờ có giá thông qua hình thức đấu thầu. Các loại giấy tờ có giá được phép mua bán trong nghiệp vụ thị trường mở bao gồm:

  • Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
  • Trái phiếu Chính phủ (bao gồm: Tín phiếu Kho bạc, Trái phiếu Kho bạc, Trái phiếu công trình Trung ương, Công trái xây dựng Tổ quốc…)
  • Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh
  • Trái phiếu Chính quyền địa phương 

Đặc điểm của nghiệp vụ thị trường mở

Nghiệp vụ thị trường mở có những đặc điểm gì?
Nghiệp vụ thị trường mở có những đặc điểm gì?

Quyết định sự thay đổi lượng tiền cung ứng trên thị trường

Nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ rất quan trọng của chính sách tiền tệ. Đây là yếu tố quyết định đối với những thay đổi của cơ số tiền tệ. Việc mua bán các giấy tờ có giá trên thị trường mở sẽ làm tăng hoặc giảm cơ số tiền tệ. Do đó, nó sẽ làm tăng hoặc giảm lượng tiền tệ cung ứng trên thị trường. 

Chẳng hạn, khi mua giấy tờ có giá từ các NHTM, NHTW sẽ làm tăng dự trữ của các ngân hàng. Kết quả là tổng lượng cơ sở tiền tăng lên và lượng cung tiền cũng tăng. Tương tự, điều trái ngược cũng xuất hiện khi NHTW thực hiện bán các giấy tờ có giá. Việc thanh toán khi mua các giấy tờ này sẽ làm giảm dự trữ của các NHTM. Do đó, cơ số tiền tệ và lượng cung tiền trên thị trường giảm. Đặc điểm này làm cho nghiệp vụ thị trường mở trở thành công cụ chính xác, linh hoạt và hiệu quả nhất của chính sách tiền tệ.

Trái phiếu Chính phủ thường được ưu tiên sử dụng

Về mặt lý thuyết, NHTW có thể điều chỉnh lượng cung tiền thông qua bất kỳ loại giấy tờ có giá nào trong thị trường mở. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các loại giấy tờ có giá đều không sẵn sàng để trao đổi vì tính thanh khoản khá thấp. Vì thế, để nghiệp vụ thị trường mở diễn ra một cách hiệu quả, NHTW cần phải mua bán các loại giấy tờ có giá thật nhanh chóng, tiện lợi để điều chỉnh cung tiền kịp thời với từng thời điểm thích hợp.

Các điều kiện trên đòi hỏi loại giấy tờ này phải được trao đổi linh hoạt. Đồng thời, chúng còn phải đáp ứng các giao dịch mà không làm bóp méo hay đổ vỡ thị trường. Ở hầu hết các quốc gia, Trái phiếu Chính phủ thường được NHTW sử dụng trong thị trường mở vì nó đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.

Các chủ thể tham gia thị trường mở

Những chủ thể nào được phép giao dịch trên thị trường mở?
Những chủ thể nào được phép giao dịch trên thị trường mở?

Thị trường mở là một thị trường có tính chất “mở” nên các thành phần tham gia rất đa dạng với nhiều mục đích khác nhau. Nói chung, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể trở thành đối tác trong hoạt động thị trường mở, chỉ cần họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của NHTW.

Các tiêu chí để trở thành đối tác của NHTW trong nghiệp vụ thị trường mở:

  • Thứ nhất, các đối tác phải đảm bảo một mức độ tin cậy nhất định.
  • Thứ hai, quá trình giao dịch mua bán giữa các đối tác với NHTW phải có hiệu quả.

Thông thường, các chủ thể tham gia thị trường mở bao gồm:

  • Ngân hàng Trung ương
  • Ngân hàng thương mại
  • Các tổ chức tài chính phi ngân hàng
  • Các nhà giao dịch trung gian

Vai trò của nghiệp vụ thị trường mở

Đối với thị trường tiền tệ

Nghiệp vụ thị trường mở có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tiền tệ Việt Nam. Sau khi các quy định pháp luật về nghiệp vụ thị trường mở có hiệu lực, thị trường mua bán các giấy tờ có giá đã trở nên sôi động hơn với sự tham gia của NHTW, các NHTM và tổ chức tín dụng…

Đối với ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng

Nghiệp vụ thị trường mở cũng giúp các tổ chức tín dụng sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực nhàn rỗi. Đồng thời, nó cũng giúp các tổ chức tín dụng đa dạng hóa hoạt động của mình. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng không chỉ thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh truyền thống như cho vay, tín dụng, bảo lãnh… mà còn sử dụng nguồn vốn để mua bán các loại giấy tờ có giá khác.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

Thực hiện nghiệp vụ thị trường mở giúp NHTW chủ động điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết cung cầu vốn ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, nghiệp vụ thị trường mở còn giúp NHTW đưa ra định hướng về lãi suất thị trường để hạn chế những biến động của lãi suất.

Thông qua các hoạt động này, NHTW có thể là chủ động điều tiết dự trữ tiền mặt của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, NHTW cũng có thể kiểm soát lãi suất bằng việc mua bán các giấy tờ có giá trong ngắn hạn. Từ đó, NHTW có thể thực hiện tốt hơn các mục tiêu của chính sách tiền tệ trong mỗi giai đoạn kinh tế khác nhau.

Lời kết

Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn hiểu rõ hơn về nghiệp vụ thị trường mở là gì. Đừng quên ghé thăm DNSE thường xuyên để không bỏ lỡ những bài viết thú vị và chất lượng trong thời gian tới bạn nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lê Thanh Thảo

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan