Kinh tế | 15/12/2021

Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng trên thị trường

Ngày càng có rất nhiều phương thức đầu tư: Trái phiếu, chứng khoán, bất động sản,… nhưng nhiều người vẫn chọn vàng bởi đây là kênh đầu tư được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này không phải là không có rủi ro. Vàng cũng bị tác động bởi một vài yếu tố trên thị trường như: Đồng đô la, kinh tế – chính trị, lạm phát… Vậy những yếu tố này ảnh hưởng tới giá vàng như thế nào? Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng là gì?
Giá vàng bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động từ thị trường, xã hội

Tác động của đồng USD 

Đồng Đô la Mỹ (USD) là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến giá vàng. Theo đánh giá từ các chuyên gia, mối quan hệ giữa giá vàng và tiền tệ là tương quan tỷ lệ nghịch. Tức là, nếu đồng USD tăng thì giá vàng sẽ giảm và ngược lại.

Ví dụ: Khi giá trị đồng USD suy giảm, khả năng sẽ kéo theo nền kinh tế khó khăn. Từ đó niềm tin của các nhà đầu tư cũng giảm theo. Mỗi khi có biến động không tốt tới từ giá trị đồng USD, nhiều nhà đầu tư có xu hướng mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Giá vàng vì thế mà tăng cao. Đây là nguyên nhân giải thích tại sao vào thời kỳ kinh tế khó khăn, đồng đô la dần yếu thế thì người ta lại chọn đầu tư vào vàng.

Tuy nhiên không phải lúc nào giá vàng cũng tỷ lệ nghịch với đồng Đô la Mỹ. Trước đó đã ghi nhận thời điểm giá vàng và đô la cùng tăng do ảnh hưởng của nguồn cung – cầu.

Yếu tố đồng USD ảnh hưởng tới giá vàng
Giá trị của đồng USD tăng khiến cho giá vàng giảm

Yếu tố cung – cầu ảnh hưởng đến giá vàng

Tác động từ nguồn cung

Vàng được xem như một loại hàng hóa đặc biệt nên nó cũng chịu tác động của quy luật cung – cầu. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, sản lượng khai thác đã giảm đáng kể. Nguyên nhân là những người thợ đào vàng phải đào sâu hơn để tìm kiếm nguồn vàng chất lượng. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân phải đối mặt với nhiều nguy hiểm từ môi trường, thiệt hại về sức khỏe/tính mạng,… Các đơn vị khai thác vàng phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để có được ít vàng hơn. Tình trạng khan hiếm càng khiến cho giá vàng tăng cao.

Nhu cầu đối với vàng

Có thể thấy, nhu cầu với vàng đã có từ lâu đời và xu hướng ngày một tăng khiến chúng trở thành tài sản lưu trữ và thứ hàng hóa quý giá. Ngoài ra, vàng còn là thành phần trong sản xuất công nghiệp và sản xuất trang sức. Hơn một nửa nhu cầu của người dùng đối với vàng là làm vật dụng trang sức. Đặc biệt tập trung nhiều ở Trung Quốc và Ấn Độ. Còn với công nghiệp điện tử thì nhu cầu cần khoảng 12% trữ lượng vàng để sản xuất thiết bị điện tử, máy tính,….

Nhu cầu sử dụng vàng ngày càng lớn, trong khi lượng cung ngày càng khan hiếm khiến giá vàng tăng theo.

Nhu cầu trữ vàng ngày càng cao khi nguồn hàng khan hiếm
Nhu cầu trữ vàng ngày càng cao khi nguồn hàng khan hiếm

Quỹ giao dịch trao đổi ETF vàng

Các quỹ ETF liên quan tới vàng như: Quỹ SPDR Gold Shares (GLD) và quỹ iShares Gold Trust (IAU) cũng tác động đến sự tăng giảm của giá vàng. Theo đó, các quỹ giao dịch hối đoái ETF sẽ cho phép các nhà đầu tư mua vàng bằng các chứng chỉ do chính những quỹ này cấp. 

Hiện tại các quỹ ETF này đang nắm giữ một khối lượng vàng vô cùng lớn. Khi nhà đầu tư mua – bán một cách ồ ạt chứng chỉ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị vàng trên thị trường.

Ví dụ: Ngày 25/4/ 2008, SPDR đã từng bán ra 20.5 tấn vàng, đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất: 900 USD/ounce. Đến năm 2016, dòng tiền dành cho quỹ ETF vàng tăng mạnh, kéo theo hoạt động mua của các quỹ này cũng tăng theo.

Các quỹ ETF vàng chưa xuất hiện tại Việt Nam và chỉ có trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những biến động của các quỹ ETF này cũng ảnh hưởng phần nào tới giá vàng thế giới.

Tác động từ kinh tế – chính trị

Mỗi nhà đầu tư luôn phải trang bị cho mình những công cụ để phòng ngừa rủi ro trong trường hợp thị trường có sự thay đổi. Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực, nhiều nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các tài sản có tính an toàn, và vàng là một trong số đó.

Việc lưu trữ vàng giúp nhà đầu tư hạn chế được những rủi ro khi đồng đô la Mỹ sụt giá. Lúc này, vàng được xem như hầm trú ẩn an toàn trước sự thay đổi của kinh tế toàn cầu, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán hay nỗi lo lạm phát. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giá vàng thế giới vẫn liên tục tăng từ cuối tháng 3/2020. Thời điểm cao nhất đạt 2.000 USD/ounce.

Vàng được xem là hầm trú ẩn an toàn
Vàng được xem là hầm trú ẩn an toàn

Tác động của lạm phát và lãi suất của ngân hàng trung ương

Lạm phát và lãi suất của ngân hàng trung ương mỗi quốc gia cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng. Theo lý thuyết thì giá vàng và lãi suất có mối tương quan tỉ lệ nghịch.

  • Nếu lãi suất của ngân hàng trung ương giảm, kéo theo nguồn cung tiền và lạm phát đều tăng. Khi xảy ra lạm phát, nhu cầu mua vàng tích trữ sẽ nhiều hơn. Giá vàng vì thế cũng sẽ tăng theo.
  • Nếu lãi suất của ngân hàng trung ương tăng, giá vàng sẽ giảm do cạnh tranh giữa các khoản đầu tư có lãi suất tốt hơn. Nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng lãi suất tăng làm cho trái phiếu và các khoản đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn. Điều này khiến vàng trở nên kém hấp dẫn, từ đó giá vàng sẽ giảm theo.

Kết luận

Nhìn chung, giá vàng biến động lên xuống bởi nhiều yếu tố trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đặc biệt, là sự tác động của đồng đô la Mỹ hay chính sách tiền tệ và tình hình kinh tế – chính trị thời điểm đó. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn mà nhiều người tin tưởng và lựa chọn trong bối cảnh hiện nay.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Trần Thị Quyên

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan