Chứng khoán | 30/06/2022

Public Offering là gì? Tổng hợp từ A-Z những điều ai cũng cần biết về Public Offering

Nếu là dân đầu tư hay thường xuyên theo dõi chương trình Shark Tank Việt thì chắc hẳn bạn đã từng nghe đến thuật ngữ IPO. Đây là công cụ giúp tăng giá trị công ty và là cách thoái vốn hiệu quả cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với thuật ngữ Public Offering (bao gồm IPO), bạn có thể cảm thấy tương đối lạ lẫm. Vậy Public Offering là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn tổng quan về Public Offering và cách thức hoạt động của nó.

Tất tần tật những điều cần biết về Public Offering
Tất tần tật những điều cần biết về Public Offering

Public Offering là gì?

Public Offering (Phát hành/chào bán chứng khoán ra công chúng) là một hình thức phát hành chứng khoán nhằm huy động thêm vốn. 

Đặc điểm của Public Offering

Chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng: rất đa dạng, có thể gồm doanh nghiệp, chính quyền địa phương hay chính phủ.

Cách thức chào bán: Thông thường, chào bán chứng khoán được tiến hành thông qua tổ chức trung gian như đại lý phát hành chứng khoán hoặc các công ty bảo lãnh phát hành.

Chịu sự điều chỉnh của luật hiện hành: Việc phát hành chứng khoán ra công chúng phải được cấp giấy phép, chấp thuận và giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán.

Hoạt động giao dịch: diễn ra tại Sở giao dịch khi đơn vị phát hành đã đáp ứng được các quy định về niêm yết chứng khoán.

Mục đích của Public Offering là gì?

Hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như:

  • Huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh
  • Gia tăng độ nhận diện thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp
  • Tạo điều kiện cho các thương vụ sáp nhập
  • Khuyến khích, nâng cao chế độ đãi ngộ nhân viên công ty thông qua việc tạo điều kiện cho họ sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp

Phân loại phát hành chứng khoán ra công chúng

Cách phân loại phát hành chứng khoán ra công chúng
Public Offering là gì? Cách phân loại phát hành chứng khoán ra công chúng

Công ty có thể phát hành chứng khoán ra công chúng dưới bốn hình thức:

  • Phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO-Initial Public Offering): Các công ty phát hành chào bán cổ phiếu lần đầu với mục đích huy động vốn hoặc thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu để trở thành công ty đại chúng mà không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành.
  • Phát hành thêm chứng khoán ra công chúng: Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ.
  • Cổ đông chào bán cổ phiếu mà mình sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng.
  • Đơn vị phát hành chào bán công khai trái phiếu và các loại chứng khoán khác.

Điều kiện của Public Offering là gì?

Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu

Để phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), các công ty phải làm thủ tục đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đáp ứng các điều kiện sau:

  • Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay đã bị kết án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án.
  • Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trong sổ kế toán.
  • Hoạt động kinh doanh có lãi 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán cổ phiếu. Đồng thời, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
  • Đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được.
  • Công ty đăng ký phát hành bắt buộc cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

Điều kiện phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng

Tương tự như chào bán cổ phiếu lần đầu nhưng trường hợp này có thêm một số điều kiện như sau:

  • Trong trường hợp đợt phát hành thêm để huy động vốn để thực hiện dự án, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt giá trị tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. 
  • Tính theo mệnh giá cổ phiếu, giá trị cổ phiếu phát hành thêm phải nhỏ hơn hoặc bằng tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành, trừ các trường hợp đã được quy định tại khoản 2 điều 15 Luật chứng khoán 2019.
  • Hoạt động kinh doanh của công ty trong năm liền trước năm đăng ký chào bán thêm phải có lãi
Điều kiện phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng
Điều kiện của Public Offering là gì? Điều kiện phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng

Điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng

Doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng những điều kiện khác như: 

  • Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi. Đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; 
  • Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; 
  • Xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 
  • Việc phát hành phải được bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi trái phiếu.
  • Có đại diện người sở hữu trái phiếu.

Điều kiện phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng

Đối với chứng chỉ quỹ, ngoài điều kiện công ty phải có phương án phát hành và phương án đầu tư vốn thu được, thì tổng giá trị chứng chỉ quỹ đăng ký phát hành phải đạt tối thiểu 50 tỷ đồng.

Quy trình phát hành chứng khoán ra công chúng như thế nào?

Căn cứ theo quy định pháp luật, quá trình phát hành hiện nay trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chuẩn bị chào bán và giai đoạn thứ hai là thực hiện chào bán.

Giai đoạn thứ nhất

Công ty phát hành cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng và nộp cho Ủy ban chứng khoán nhà nước để được cấp phép.

Các bạn có thể tham khảo Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán tại Điều 18 Luật Chứng khoán năm 2019

Giai đoạn thứ hai

Sau khi được cấp phép, đơn vị phát hành thực hiện chào bán chứng khoán theo ba bước sau:

Bước 1: Công bố thông tin

Tổ chức phát hành có thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực để tiến hành công bố thông tin phát hành chứng khoán.

Bước 2: Phân phối chứng khoán

Tổ chức phát hành và những tổ chức có liên quan phải đảm bảo việc phân phối diễn ra công bằng và công khai. Ngoài ra, tổ chức cần bảo đảm thời hạn đăng ký mua chứng khoán tối thiểu 20 ngày. 

Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua chứng khoán khi hoàn tất đợt chào bán và báo cáo với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Các bước thực hiện Public Offering là gì?
Các bước thực hiện Public Offering là gì?

Tổ chức phải hoàn thành hoạt động phân phối trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực. Việc gia hạn có thể xem xét nhưng tối đa không quá 30 ngày khi tổ chức phát hành không thể hoàn thành trong thời gian quy định.

Bước 3: Báo cáo kết quả đợt phát hành và chuyển giao chứng khoán

Công ty phát hành phải báo cáo kết quả chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam trong thời gian 10 ngày kể từ khi kết thúc chào bán. Ngoài ra, đơn vị phải kèm theo bản xác nhận của ngân hàng mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được.

Đối với người mua chứng khoán, công ty phải chuyển giao chứng khoán hoặc giấy tờ sở hữu chứng khoán trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc.

Trong trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng theo đợt thì khoảng cách giữa các đợt không quá 12 tháng.

Kết luận

Nếu bạn không biết Public Offering là gì thì trên đây là câu trả lời tổng quát cho thuật ngữ đầu tư này. Đây là hình thức huy động vốn phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay và là công cụ đắc lực để bạn tiếp cận với các kênh đầu tư tiềm năng. Hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật. Vì vậy, bạn có thể tham khảo thêm về những quy định liên quan về Public Offering thông qua Luật chứng khoán năm 2019 và các văn bản pháp luật liên quan.

Đừng bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào công ty Chứng khoán Công nghệ số 1 Việt Nam – Công ty Chứng khoán DNSE tại đây.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan