Tự do tài chính | 26/04/2024
Quá trình khởi nghiệp của Phạm Nhật Vượng
Phạm Nhật Vượng – cái tên không mấy xa lạ và được biết đến là người giàu nhất Việt Nam, chủ tịch HĐQT tập đoàn VINGROUP và hàng loạt các công ty khác đình đám khác. Vậy hãy cùng DNSE tìm hiểu xem quá trình khởi nghiệp của Phạm Nhật Vượng và bí quyết để đạt được thành công như ngày hôm nay nhé!
Phạm Nhật Vượng là ai?
Phạm Nhật Vượng (sinh ngày 5/8/1968 tại Hà Nội, quê quán Hà Tĩnh), hiện tại là HĐQT của tập đoàn VINGROUP. Tính đến đầu năm 2023, ông là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản được ước tính lên tới 4.3 tỷ USD.
Mặc dù, đã hơn một lần có tên trong danh sách 200 người giàu nhất thế giới (Fobes) nhưng nay đã giảm xuống thứ 636 khi giá cổ phiếu VINGROUP liên tục giảm.
Tuổi thơ khó khăn tại quê nhà
Trước khi trở thành tỷ phú tự thân đầu tiên tại Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đã có một tuổi thơ khó khăn, cha ông là chiến sĩ của lực lượng không quân, còn mẹ ông mở quán trà đá vỉa hè. Cả gia đình phải phụ thuộc hoàn toàn vào những khoản thu ít ỏi từ quán trà đá.
Ông từng chia sẻ “Khi đó giấc mơ của tôi không hề lớn. Tôi chỉ muốn giúp đỡ gia đình thoát nghèo”. Với ý chí nỗ lực thoát nghèo bằng con đường học tập, chàng trai có thành tích xuất sắc trong môn Toán đã được học bổng du học ở trường Russian State Geological Prospecting University.
Làm giàu nơi đất khách nhờ mì gói
Ông tốt nghiệp vào đại học năm 1993, ngay sau sự sụp đổ của Liên Xô, tình hình lúc đó vô cùng khó khăn, nhưng bằng sự nhanh nhạy trong kinh doanh ông đã tự mở ra một cảnh cửa mới đầy cơ hội dành cho mình.
Sau khi kết hôn với người bạn gái cùng lớp và cũng là vợ hiện tại của ông – Phạm Thu Hương, ông thấy được những cơ hội thời hậu Liên Xô và quyết định ở lại nước ngoài. Khởi đầu sự nghiệp với nhà hàng Việt Nam có tên là Thăng Long tại quốc gia Đông Âu này, từ số tiền 10.000 USD vợ chồng ông vay mượn từ bạn bè.
Nắm bắt được tình hình của Ukraine thời hậu Liên Xô, người dân thường phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, ông đã quyết định mở 1 dây chuyền mì ăn liền hai vắt thô sơ và thành lập ra thương hiệu Mivina. Hoạt động kinh doanh mì gói của ông Phạm Nhật Vượng rất thuận lợi, và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân Ukraina.
Công ty TECHNOCOM cũng ra đời từ đó và liên tục tung ra các sản phẩm rau thơm khô đóng gói và bột khoai tây. Các sản phẩm lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng không có để bán.
Tính đến năm 2004, cái tên TECHNOCOM đã làm ông vua của thị trường mì ăn liền với thị phần chiếm 97% tại Ukraina. TECHNOCOM được coi như là tiền đề của sự phát triển của VINGROUP như bây giờ và 8/8/1993 cũng được lấy là ngày thành lập của công ty hiện tại.
Thời gian đầu thành lập nên TECHNOCOM với số vốn 100.000 USD vay mượn từ bạn bè với mức lãi suất lên đến 8% một tháng. Tỷ phú người Việt đã xây dựng được cả một đế chế mì ăn liền, kiếm được doanh thu hàng trăm triệu đô mỗi năm. Đến năm 2010, công ty Nestlé – công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới đã mua lại TECHNOCOM với mức giá được tiết lộ lên tới 150 triệu đô.
Khởi nghiệp đa lĩnh vực cùng VINGROUP
Thành lập Vincom và Vinpearl
Từ những năm 2000, hành trình đầu tư của Phạm Nhật Vượng như bước sang một trang mới. Bằng số vốn kiếm được nhờ sự thành công vang dội với mì gói tại Ukraina, ông bắt đầu trở về Việt Nam đầu tư và mở 2 công ty bất động sản đầu tiên là Vinpearl năm 2000 và VINGROUP năm 2002.
Mặc dù, lúc đó đang song song điều hành công việc kinh doanh mì gói tại Ukraina, ông Vượng vẫn bỏ thời gian tới Phuket – Thái Lan lẫn Singapore để học hỏi về lĩnh vực kinh doanh khách sạn và cách xây dựng trung tâm thương mại. Nhờ đó, Vinpearl Land và Vincom có được thành công như ngày này.
Những dự án đầu tiên tại Việt Nam mà ông Vượng đầu tư với tham vọng biến hòn đảo này trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp là Đảo Hòn Tre ở Nha Trang.
Ban đầu, dự án này vấp phải vô số các ý kiến trái chiều, nghi ngờ rằng việc đầu tư như “ném tiền xuống biển”. Ông đã đập tan mọi ý kiến đó bằng sự thành công của Vinpearl Land Nha Trang. Khu du lịch này đã nhanh chóng trở thành tổ hợp vui chơi giải trí đa năng thu hút du khách bậc nhất tại Việt Nam và trở thành bàn đạp để nhân rộng mô hình khắp cả nước.
Tiếp nối sự thành công nhanh chóng của dự án đầu tiên, vị tỷ phú người Việt đã cho thấy tham vọng của mình khi tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu – tổ hợp thương mại đầu tiên tại Việt Nam chỉ một năm sau đó.
Sự thành công của tập đoàn VINGROUP
Sau thương vụ triệu đô năm 2010 với Nestlé, ông quyết định chuyển hướng, tập trung toàn lực đầu tư trong nước.
Tới năm 2011, hai công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom chính thức sáp nhập và hoạt động dưới mô hình tập đoàn với tên gọi Tập đoàn VINGROUP. Sau đó, VINGROUP đã được niêm yết tại Sở Giao Dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Hose) với mã cổ phiếu VIC.
Hiện nay, cổ phiếu VIC đang nằm trong rổ VN30 và là một trong top 5 tập đoàn có vốn hóa lớn nhất thị trường.
VINGROUP đã lớn mạnh và có tốc độ phát triển thần kì trong suốt 2 thập niên đầu thế kỷ 21. Từ sau sự thành công của 2 dự án đầu tiên mang tính biểu tượng là Vinpearl Nha Trang và Vincom Bà Triệu, hàng loạt các dự án tầm cỡ được ra mắt như Vincom Thành Phố Hồ Chí Minh, Times City, Royal City, Vinhomes Riverside, Vinhome Ocean Park… Bất kỳ các dự án nào của Vin đều được coi là đẳng cấp và uy tín, đại diện cho giới nhiều tiền tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, VINGROUP không chỉ nổi danh với những dự án bất động sản sánh ngang với các tên tuổi thế giới như Capital Land, Keppel Land mà còn mở rộng hàng loạt các lĩnh vực, tạo ra hệ sinh thái riêng của mình gồm: Trường học VinSchool – VinUni, siêu thị Vinmart ( đã bán cho tập đoàn Masan), bệnh viện VinMec, trung tâm thương mại Vincom, điện thoại Vsmart,… và mới nhất là thương hiệu ô tô Vinfast.
Vào năm 2019, vị tỷ phú họ Phạm từng chia sẻ với báo Tuổi Trẻ rằng: “Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời”.
Với niềm trăn trở đó, ông đã đưa tập đoàn VINGROUP thành thương hiệu đa ngành lớn mạnh nhất Việt Nam, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản với hàng loạt dự án đình đám mang tầm cỡ quốc tế. Công trình Landmark 81 được VINGROUP đầu tư xây dựng và hoàn thiện vào năm 2018, trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á, mãi đến năm 2022 kỷ lục này mới bị xô đổ.
“Bùng nổ” với Vinfast
Đây là lĩnh vực không liên quan đến ngành kinh doanh chủ đạo của VINGROUP là bất động sản. Chưa kể thêm vào đó là những vấn đề lớn như tài chính, công nghệ, nhân sự, chuỗi cung ứng, đối thủ cạnh tranh lớn và có thâm niên trên thị trường,….
Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đi đầy chông gai của ông Vượng. Tuy nhiên, vị tỷ phú này đã đập tan mọi hoài nghi về sự khó khăn của thị trường xe hơi. Vào tháng 6/2017, công ty VINFAST đã được thành lập.
Cuối năm 2018, những chiếc xe đầu tiên đã được giới thiệu tại triển lãm xe hơi lớn nhất thế giới tại Paris Motor Show (Pháp). Mặc dù, chỉ là doanh nghiệp còn non trẻ trên thị trường xe hơi nhưng Vinfast khiến cả thế giới phải kinh ngạc, và được vô số người dân trong nước săn đón.
Giờ đây, không khó để bắt gặp nhãn hiệu Vinfast trên các cung đường tại Việt Nam, chắc hẳn ông Vượng đã có thể tự hào. Thậm chí, dòng xe Fadil đã trở thành loại xe bán chạy nhất phân khúc trong một số tháng, bỏ xa hàng loạt những cái tên đình đàm của các hãng lớn.
Không dừng lại ở đây, năm 2021, Vinfast đã bất ngờ công bố 5 dòng ô tô điện, mở ra kỷ nguyên mới cho nền công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Đó như một lời khẳng định chắc nịch rằng Việt Nam đủ trí tuệ và yêu tố để làm chủ về công nghệ sản xuất ô tô, nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Trở thành người giàu nhất Việt Nam
Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú USD người Việt đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2011. Ông không chỉ cho thấy tầm ảnh hưởng tại Việt Nam mà còn cả toàn thế giới. Năm 2019, nhờ những đóng góp của mình trong ngành công viên giải trí và thúc đẩy phát triển ngành này, đã giúp ông có vinh dự khi được tạp chí Bloobloop vinh danh trong top 50 người có ảnh hưởng nhất.
Không chỉ vậy, đến năm 2021 một lần ông lại có tên trong danh sách 15 nhân vật “Heroes Of Philanthropy” châu Á bởi những nghĩa cử cao đẹp lần thứ 2 liên tiếp. Trong tình hình đại dịch Covid-19 hoành hành, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trao hơn 320 triệu USD để hỗ trợ công tác chống dịch tại Việt Nam.
Năm 2013, ông thành người Việt đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes nổi tiếng của Mỹ công bố, lọt top 10, tỷ phủ mới xuất sắc nhất năm và liên tiếp đứng đầu nhiều năm trên thị trường chứng khoán.
Vị tỷ phú họ Phạm luôn là cái tên ảnh hưởng và truyền cảm hứng nhiều nhất cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Hành trình của ông chính là minh chứng cho sức mạnh của sự quyết tâm và khả năng khai thác triệt để cơ hội.
Giống như Phạm Nhật Vượng, bạn có thể viết lên câu chuyện thành công của mình trong thế giới đầu tư. Bắt đầu ngay hôm nay với DNSE – nền tảng đầu tư hiện đại và toàn diện, giúp bạn tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và mở ra vô vàn cơ hội.
Đừng để cơ hội trôi qua, hãy mở tài khoản DNSE ngay bây giờ để bắt đầu hành trình đầu tư vững chắc, tự tin và bền vững, giống như những nhà khởi nghiệp vĩ đại.