Phân tích kỹ thuật | 09/11/2022

ROCE là gì? Vai trò của chỉ số ROCE đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư

Chỉ số ROCE hay tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng là một công cụ quan trọng khi đánh giá hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Vậy cụ thể ROCE là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Chỉ số ROCE là gì?
Chỉ số ROCE là gì?

ROCE là gì?

Chỉ số ROCE (Return On Capital Employed) hay tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng được dùng để đo lường khả năng tạo ra lợi nhuận trên lượng vốn doanh nghiệp đã bỏ ra. Nói cách khác, ROCE cho biết mức độ hiệu quả trong hoạt động sử dụng vốn của doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận.

Chỉ số ROCE đánh giá tỷ lệ lợi nhuận trên tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Nó cung cấp cái nhìn tổng quát nhất về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư thường sử dụng ROCE để đưa ra lựa chọn đầu tư phù hợp.

Cách tính chỉ số ROCE

Công thức tính ROCE
Công thức tính ROCE

Chỉ số ROCE được xác định theo công thức:

ROCE = EBIT / Vốn sử dụng

Trong đó:

  • EBIT = Doanh thu – (Giá vốn hàng bán + Chi phí hoạt động)
  • Vốn sử dụng = Tổng tài sản – Nợ ngắn hạn

Ví dụ: Công ty A có mức vốn sử dụng là 1.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận trước khi trả lãi vay và thuế là 200 tỷ đồng. Khi đó tỷ lệ ROCE của công ty A là 200/1.000 = 0,2 hay 20%.

Ý nghĩa của ROCE

Đối với doanh nghiệp

Chỉ số ROCE được doanh nghiệp tính toán để xem xét lợi nhuận tạo ra trên lượng vốn đầu tư đã sử dụng. Từ đó, doanh nghiệp có thể đánh giá được hiệu suất hoạt động. Nhà quản lý cũng có thể thay đổi chiến lược kinh doanh nếu tỷ lệ ROCE thấp hoặc giảm dần qua các năm.

Hơn nữa, các nhà đầu tư rất chú trọng đến chỉ số ROCE của doanh nghiệp. Vì thế, có tỷ lệ ROCE cao và ổn định sẽ làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu hay trái phiếu của doanh nghiệp. Điều này có tác động tích cực đến khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.

Đối với nhà đầu tư

Chỉ số ROCE được nhiều nhà đầu tư tin dùng khi đánh giá một lựa chọn đầu tư. Đặc biệt ROCE đóng vai trò rất quan trọng khi đánh giá những doanh nghiệp cần sử dụng nguồn vốn đáng kể như doanh nghiệp dầu khí, viễn thông,…

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể sử dụng ROCE để so sánh hai hay nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Doanh nghiệp có tỷ lệ ROCE càng cao thì khả năng sinh lời càng lớn.

Ví dụ: 2 doanh nghiệp A và B có cùng mức doanh thu 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp A có mức vốn sử dụng là 800 tỷ đồng và lợi nhuận thu được là 200 tỷ. Doanh nghiệp B sử dụng 1.250 tỷ đồng tiền vốn và thu về lợi nhuận 250 tỷ.

  • Nếu xét mức lợi nhuận trên tổng doanh thu, doanh nghiệp A có biên độ lợi nhuận 10%, thấp hơn mức 13% của doanh nghiệp B.
  • Nhưng khi xét trên cơ sở lượng vốn sử dụng, tỷ lệ ROCE của doanh nghiệp A là 25% và doanh nghiệp B là 20%. Như vậy, doanh nghiệp A đã sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Ưu và nhược điểm của ROCE

Ưu nhược điểm của chỉ số ROCE
Ưu nhược điểm của chỉ số ROCE

Ưu điểm của ROCE

  • Chỉ số ROCE có thể được tính toán một cách đơn giản. Những số liệu cần thiết để tính toán đều được cung cấp trong báo cáo thu nhập của doanh nghiệp. Cũng nhờ vậy, chỉ số ROCE rất dễ hiểu và không đòi hỏi những kiến thức kế toán chuyên sâu để đánh giá.
  • Chỉ số ROCE sử dụng lợi nhuận trước lãi vay và thuế nên có thể đánh giá các dự án hay doanh nghiệp ở các quy mô và lãi suất khác nhau.
  • Các doanh nghiệp có thể sử dụng ROCE linh hoạt trong hoạt động kế toán, dự báo tăng trưởng và tối ưu hóa nguồn vốn.

Nhược điểm của ROCE

Chỉ số ROCE sử dụng dữ liệu trong quá khứ nên có thể bị thao túng bằng các kỹ thuật kế toán hoặc chiến lược đầu tư thông minh. Do đó, đôi lúc ROCE không phản ánh chính xác hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp không đầu tư tài sản mới, chi phí tài sản cố định không tăng lên. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể đảm bảo lợi nhuận trước thuế không bị giảm xuống và ROCE cũng vậy.

Một trường hợp khác là doanh nghiệp có lượng tiền dự trữ lớn. Số tiền này luôn được tính trong vốn sử dụng của doanh nghiệp dù doanh nghiệp có lựa chọn sử dụng nó để đầu tư hay không. Vì vậy vốn sử dụng có thể bị thổi phồng và làm giảm ROCE.

Một số lưu ý khi sử dụng ROCE

Những lưu ý khi sử dụng chỉ số ROCE
Những lưu ý khi sử dụng chỉ số ROCE

Từ những ưu nhược điểm của ROCE bên trên, nhà đầu tư cần lưu ý một số điều sau đây để đưa ra được quyết định đúng đắn khi lựa chọn đầu tư.

  • Khi xem xét chỉ số ROCE của một doanh nghiệp, nhà đầu tư nên theo dõi sự tăng trưởng qua nhiều năm thay vì đánh giá trong một kỳ đơn lẻ. Nếu ROCE có sự tăng trưởng ổn định hàng năm, điều đó có nghĩa công ty đang hoạt động có hiệu quả. Ngược lại, tỷ lệ ROCE giảm sút phản ánh hiệu suất hoạt động không khả quan của công ty.
  • Khi so sánh chỉ số ROCE của các doanh nghiệp với nhau, nhà đầu tư cần chú ý lựa chọn các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành và sử dụng số liệu trong cùng một kỳ kế toán. Ngoài ra có thể sử dụng thêm tỷ lệ ROCE chuẩn của ngành làm thước đo đối chiếu.

Chẳng hạn, công ty A được cho là hoạt động tốt hơn khi tỷ lệ ROCE là 25% cao hơn công ty B với mức 20%. Song, nếu mức chung của ngành là 30% thì cả hai công ty đều hoạt động chưa hiệu quả.

  • Để đưa ra được những đánh giá chính xác nhất, nhà đầu tư cần sử dụng kết hợp chỉ số ROCE với những chỉ số, chỉ báo hoặc các công cụ phân tích kỹ thuật khác.

Xem thêm: Các chỉ báo chứng khoán cơ bản nhà đầu tư cần biết

So sánh ROCE vs ROE

ROE (Return On Equity) là chỉ số phản ánh lợi nhuận thu được trên vốn chủ sở hữu. Chỉ số này được tính theo công thức:

ROE = Lợi nhuận ròng / Vốn chủ sở hữu

Giống với ROCE, chỉ số ROE được nhà đầu tư sử dụng khi xem xét hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp dựa trên mức lợi nhuận thu được.

Tuy nhiên, 2 chỉ số này vẫn có điểm khác biệt. ROE chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu trong khi ROCE tính đến cả vốn chủ sở hữu và tổng nợ phải trả. Vì thế, ROCE sẽ đưa ra đánh giá toàn diện và chính xác hơn về khả năng sinh lời của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nợ lớn.

Kết

Trên đây là những thông tin cơ bản nhà đầu tư cần biết về ROCE. Hiểu được ROCE là gì cũng như những ưu nhược điểm của chỉ số này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả. Hãy thường xuyên theo dõi DNSE để cập nhật những thông tin tài chính đầu tư bổ ích nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan