Kinh tế | 05/08/2022

Tài chính là gì? Vai trò và chức năng của tài chính

Tài chính là một khái niệm thân thuộc trong đời sống. Nó tác động đến mọi mặt của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với thị trường chứng khoán, vai trò của tài chính càng thể hiện rõ nét. Nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ tài chính là gì. Qua bài viết này, DNSE sẽ mang đến cho bạn những thông tin về khái niệm, nguồn gốc, chức năng và vai trò của tài chính nhé!

Tổng quan về tài chính

Có thể hiểu, tài chính biểu hiện qua việc bạn quản lý và sử dụng khoản tiền của mình một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của bản thân
Có thể hiểu, tài chính biểu hiện qua việc bạn quản lý và sử dụng khoản tiền của mình một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của bản thân

Tài chính là gì?

Tài chính là phương thức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn tiền nhằm đáp ứng nhu cầu của các chủ thể kinh tế – xã hội. Hiểu đơn giản, tài chính biểu hiện qua việc bạn quản lý và sử dụng khoản tiền của mình một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Đó có thể là đầu tư, vay, cho vay, tiết kiệm,… 

Tài chính có thể chia làm 3 loại gắn với các chủ thể chính:

  • Tài chính công – chủ thể Nhà nước
  • Tài chính doanh nghiệp – chủ thể Doanh nghiệp
  • Tài chính cá nhân – chủ thể Cá nhân

Bản chất của tài chính

Biểu hiện bên ngoài của tài chính là hoạt động thu và chi tiền của các chủ thể. Còn bản chất bên trong là mối quan hệ giữa người trả và người nhận tiền. 

Ví dụ về tài chính: Hoạt động vay vốn của doanh nghiệp

  • Biểu hiện bên ngoài: ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn.
  • Bản chất: mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Theo đó doanh nghiệp nhận được tiền tài trợ từ ngân hàng và có điều kiện để duy trì, đẩy mạnh hoạt động của mình.

Bản chất của tài chính được thể hiện qua các quan hệ chủ yếu sau: 

  • Quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình
  • Quan hệ kinh tế giữa các tổ chức tài chính trung gian với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình
  • Quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình với nhau và quan hệ kinh tế trong nội bộ các chủ thể đó
  • Quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các Nhà nước khác và các tổ chức quốc tế

Quỹ tiền tệ

Việc sử dụng nguồn tiền trong thị trường tài chính luôn gắn liền với một mục đích cụ thể. Vì thế, quỹ tiền tệ ra đời. Quỹ tiền tệ là một lượng tiền nhất định được trích ra để đáp ứng nhu cầu của chủ thể quỹ. Quỹ tiền tệ có các đặc điểm sau: 

  • Các quỹ tiền tệ luôn biểu hiện các quan hệ sở hữu. Nguồn tiền trong quỹ được sử dụng dưới nhiều hình thức như cho vay, đầu tư. Sau mỗi lần được sử dụng, nguồn tiền lại thuộc quyền sở hữu của một chủ thể khác và giúp họ sinh lời. 
  • Các quỹ tiền tệ luôn gắn liền với mục đích của nguồn tài chính. Ví dụ: Quỹ Ngân sách Nhà nước dùng để thực hiện chức năng của Nhà nước. Hay quỹ ngân sách gia đình dùng để phục vụ mục đích tiêu dùng của gia đình.
  • Các quỹ tiền tệ đều vận động thường xuyên. Khi nguồn tiền của một quỹ được sử dụng, nó được chuyển sang quỹ tiền tệ khác. Do đó, luôn có quỹ tiền tệ được tạo lập và sử dụng. 

Các hình thức của quỹ tiền tệ bao gồm:

  • Quỹ tiền tệ cho mục đích tích lũy
  • Quỹ tiền tệ cho mục đích tiêu dùng
  • Quỹ tiền tệ trung gian được dùng để hỗ trợ hình thành các quỹ tiền tệ khác (quỹ kinh doanh của công ty tài chính)

Sự ra đời của tài chính?

Tài chính ra đời do sản xuất hàng hóa và tiền tệ

Khi xã hội xuất hiện phân công lao động, sản xuất và trao đổi hàng hóa ra đời. Tiền tệ cũng xuất hiện làm trung gian cho việc trao đổi. Sự tương tác trong quá trình con người sử dụng tiền đã hình thành phạm trù tài chính. 

Tài chính ra đời do sự xuất hiện của Nhà nước

Nhà nước ra đời do sự phân chia giai cấp. Với quyền lực chính trị, Nhà nước có quyền quyết định việc in tiền và lưu thông tiền. Nhà nước cũng xây dựng hệ thống luật pháp để quản lý các quỹ tiền tệ.

Thông qua các loại thuế, Nhà nước lập ra quỹ Ngân sách Nhà nước. Vì thế, lĩnh vực tài chính Nhà nước được hình thành. Như vậy, tài chính được thúc đẩy bởi sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của Nhà nước.

Hệ thống tài chính gồm những gì?

Mô hình hệ thống tài chính
Mô hình hệ thống tài chính

Hệ thống tài chính là tổng thể các hoạt động tài chính của nền kinh tế quốc dân. Các thành phần của hệ thống tài chính có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển chung của tài chính, bao gồm:

  • Thị trường tài chính
  • Tài chính công
  • Tài chính doanh nghiệp
  • Tài chính cá nhân, hộ gia đình
  • Tài chính các tổ chức xã hội
  • Tài chính trung gian
  • Tài chính quốc tế

Lý thuyết tài chính

4 lý thuyết tài chính
4 lý thuyết tài chính

Tài chính quản lý

Tài chính quản lý nghiên cứu những kiến thức xung quanh việc quản lý hiệu quả nguồn tiền. Mục tiêu của tài chính quản lý gồm tối đa hóa lợi nhuận, ra quyết định tài chính và duy trì dòng tiền phù hợp. Tài chính quản lý quan tâm đến việc sáp nhập và mua lại, phân tích bảng cân đối và lên kế hoạch kinh doanh.

Quản lý tài chính là công việc vô cùng quan trọng. Nó giúp chủ thể nhanh nhạy trong các quyết định tài chính nhờ phân bổ hợp lý nguồn tiền. Bằng việc áp dụng lý thuyết quản lý tài chính, chủ thể có thể đảm bảo thực hiện các chiến lược và đạt được mục tiêu cuối cùng.

Kinh tế tài chính

Kinh tế tài chính phân tích các yếu tố tác động đến việc sử dụng và phân phối nguồn tiền trên thị trường. Nó tập trung nghiên cứu rủi ro, lợi nhuận, lãi suất và lạm phát.

Kinh tế tài chính cung cấp công cụ để nhà đầu tư đưa ra lựa chọn đúng đắn. Các quyết định tài chính thường phải tính đến các sự kiện trong tương lai. Lý thuyết kinh tế giúp đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đó đến việc ra quyết định.

Toán tài chính

Toán tài chính tính toán về tài chính phục vụ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Nó sử dụng giá cả của thị trường để nghiên cứu thay vì phụ thuộc vào lý thuyết tài chính. Đối tượng của toán tài chính là lãi suất, tiền lãi, giá trị của tiền tệ,…

Toán tài chính không thể thiếu trong các hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư. Không chỉ với tổ chức Chính phủ và doanh nghiệp, cá nhân cũng nên có hiểu biết tối thiểu về toán tài chính. Từ đó có thể để đưa ra các quyết định tài chính phù hợp và tránh được rủi ro.

Tài chính hành vi

Tài chính hành vi nghiên cứu các quyết định kinh tế và cách con người gây ảnh hưởng lên thị trường tài chính. Mục đích là xác định lý do tại sao một người đưa ra một lựa chọn tài chính nào đó. 

Sự hiểu biết về tài chính hành vi có thể giải thích rõ ràng hơn về lí do của hiện tượng bong bóng hay bán tháo trên thị trường chứng khoán. Nó còn giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về quyết định đầu tư của bản thân và tận dụng biến động của thị trường để kiếm lời.

Chức năng của tài chính

Chức năng huy động

Huy động là chức năng tạo lập các nguồn tiền. Nó thể hiện khả năng khai thác nguồn tiền nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Huy động vốn phải tuân thủ cơ chế thị trường, quan hệ cung cầu và giá trị của tiền tệ. Hơn nữa, chức năng huy động vốn phụ thuộc vào môi trường kinh tế. Nếu nền kinh tế bị khủng hoảng, các chủ thể sẽ gặp khó khăn khi huy động vốn.

Ví dụ: Để có được nguồn tiền cho bản thân, bạn cần phải đi làm. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi vay, đầu tư,… Những hình thức “kiếm tiền” này chính là biểu hiện đơn giản của chức năng huy động của tài chính.

Ba chức năng của tài chính
Ba chức năng của tài chính

Chức năng phân phối của tài chính

Phân phối là chức năng phân chia nguồn tiền trong xã hội cho những mục đích khác nhau. Chức năng này được thực hiện bởi các chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, hộ gia đình hay cá nhân dân cư.

Phân phối tài chính luôn gắn liền với sự hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định. Phân phối tài chính bao gồm: phân phối lần đầu và phân phối lại.

  • Phân phối lần đầu là sự phân phối được tiến hành trong lĩnh vực sản xuất. Nguồn tiền được phân phối thuần tuý dưới dạng tiền lương cho người lao động hay doanh thu cho doanh nghiệp.
  • Phân phối lại là tiếp tục phân phối phần thu nhập từ phân phối lần đầu để đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội. Nguồn tiền này được sử dụng cho các mục đích cho vay, tiết kiệm hay đầu tư để tạo ra thêm giá trị cho nền kinh tế. 

Ví dụ: Khi đã có tiền, bạn cần phải dùng chúng cho nhiều việc như ăn uống, trả tiền điện nước, mua quần áo, … Như thế nguồn tiền ban đầu đã được chia nhỏ ra cho những nhu cầu khác nhau của bạn. Phân phối tài chính cũng hoạt động tương tự như vậy nhưng với quy mô rộng lớn hơn.

Chức năng giám sát

Giám sát là chức năng kiểm tra sự vận động của nguồn tiền để thực hiện các mục đích đã định. Nó là công cụ khách quan để kiểm soát quá trình phân bổ nguồn tiền của xã hội. Giám sát được thực hiện thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính tổng hợp toàn bộ hoạt động của xã hội. Việc giám sát mang tính rộng rãi, toàn diện, thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Ví dụ: Nhìn vào số tiền còn lại cuối tháng, nếu bạn vẫn có thể đi ăn với bạn bè, có thể nói nguồn tiền của bạn đã được phân bổ một cách hợp lý. Đây là một ví dụ cho việc sử dụng tài chính để giám sát hoạt động trong cuộc sống của bạn.

Vai trò của tài chính

Vai trò của tài chính là vô cùng to lớn. Nó là tiền đề để một Nhà nước tồn tại, phát triển và quản lý toàn diện xã hội. Vai trò cụ thể của tài chính bao gồm:

  • Tài chính được sử dụng để điều tiết một phần thu nhập của các chủ thể. Nó đóng vai trò định hướng hoạt động xã hội qua các chính sách về thuế.
  • Tài chính là phương thức để phân phối của cải xã hội phù hợp với xu hướng phát triển quốc gia. Thông qua phân phối tài chính, Nhà nước đảm bảo tái sản xuất xã hội và thực hiện đầu tư phát triển kinh tế.
  • Nhà nước sử dụng báo cáo tài chính để giám sát các hoạt động của quốc gia. Nhờ đó các nguồn tiền được đảm bảo phân phối và sử dụng có hiệu quả.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và quản lý xã hội, các quốc gia cần phải coi tài chính như một công cụ ưu tiên hàng đầu.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản về tài chính. Tuy nhiên, thị trường tài chính vẫn còn rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu và thú vị. Hãy ghé thăm DNSE thường xuyên để trang bị thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan