Bản tin thị trường | 07/12/2022
Bản tin thị trường 07/12/2022: VN-Index giảm gần 45 điểm; Thị trường trao đảo trong biên độ hẹp;
Ngày 07/12: VN-Index giảm gần 45 điểm – Mốc 1100 “dần xa”
VN-Index kết phiên 7/12/2022 ở 1.041,02 điểm, giảm 7,67 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,73%. Toàn sàn HOSE có 101 mã tăng (6 mã trần), 360 mã giảm (60 mã sàn) và 46 mã đứng giá tham chiếu.
HNX- Index giảm 2,87 điểm xuống 209,93 điểm; toàn sàn có 44 mã tăng, 154 mã giảm và 33 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0,57 điểm xuống 70,45 điểm; toàn sàn có 99 mã tăng, 182 mã giảm và 44 mã đứng giá.
Về khối lượng giao dịch đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, riêng trên sàn HOSE tương ứng hơn 14 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 1 nghìn tỷ trên sàn HOSE, nổi bật mua VIC, VHM, STB, DXG…
Về diễn biến thị trường, nhóm các cổ phiếu lớn bluechips có phiên giao dịch diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen tại các lớp cổ phiếu. Rổ VN30 ghi nhận 12 mã xanh điểm khá cân bằng so với 15 mã đỏ. GAS, GVR, HPG, MSN, PLX là cổ phiếu ghi nhận mức giảm khá mạnh và tác động tiêu cực đến chỉ số, với mức giảm ghi nhận đến 3,8%, thậm chí NVL giảm kịch sàn.
Nhóm ngành vốn hóa lớn là ngân hàng tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm. Theo đó, CTG là cổ phiếu hiếm hoi ghi nhận sắc xanh, cổ phiếu như BID, ACB và VIB đóng cửa quanh mốc tham chiếu, trong khi đà giảm thể hiện ở phần lớn các cổ phiếu còn lại như VCB, TCB, MBB, VPB, HDB… với mức giảm đến 4,9%, từ đó càng tạo áp lực lớn đè nặng lên thị trường chung.
Tương tự, tiếp nối phiên giảm điểm mạnh hôm qua, nhóm chứng khoán vẫn ghi nhận diễn biến có phần tiêu cực. Cụ thể, bất chấp việc dòng tiền tham gia khá tốt trong phiên, có những thời điểm giúp các lớp cổ phiếu ngược dòng xanh điểm khá tích cực, áp lực bán xuyên suốt và áp đảo hơn vẫn khiến phần lớn cổ phiếu giảm điểm. VIX thậm chí giảm kịch sàn “trắng bên mua”, là một trong những tác nhân kéo điểm chỉ số thị trường giảm điểm.
Trong khi đó, áp lực bán mạnh cũng quay trở lại và hiện diện ở hàng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm ngành xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp. Đáng chú ý, hàng loạt các cổ phiếu như DXG, HDC, NVL, SCR, DIG, CEO, NBB kết phiên giảm sàn “trắng bên mua”, qua đó làm nới rộng đà giảm của thị trường chung.
Nhóm bán lẻ với nhiều cổ phiếu có vốn hóa và thị giá lớn sau phiên giao dịch có phần tiêu cực phiên hôm qua, đến phiên nay ghi nhận diễn biến có phần phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen nhau tại các lớp cổ phiếu. PET, DGW, PNJ, MSN tiếp tục giảm điểm trước áp lực bán trong phiên chiều nay, với mức giảm ghi nhận từ 2-6,8%, ngược lại thì MWG, FRT, VRE, SAB thu hút dòng tiền quan tâm và ngược dòng đóng cửa trong sắc xanh tích cực, với đà tăng từ 0,3-1,7%. Cổ phiếu còn lại là VNM đóng cửa quanh mức giá tham chiếu.
Đối với nhóm hàng hóa còn lại như thép, than, phân bón; hay năng lượng, dầu khí và điện cũng đồng loạt chịu áp lực điều chỉnh của thị trường chung và giảm điểm sâu. Diễn biến phân hóa với phần lớn các cổ phiếu đỏ điểm, thậm chí giảm sàn còn ghi nhận ở một vài nhóm ngành như vận tải – cảng biển, thuỷ sản, bảo hiểm càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm trong phiên hôm nay.
(Theo DNSE)
Cổ phiếu Vingroup tăng trần – Vốn hóa Vingroup tăng hơn 17.000 tỷ sau tin Vinfast nộp hồ sơ IPO tại Mỹ
Công tin con của Vingroup là VinFast Trading & Investment Pte. Ltd mới đây đã đăng ký với Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, chuẩn bị phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Sau thông tin này, cổ phiếu VIC đã tăng giá, đồng thời tăng mạnh thanh khoản. Khối lượng khớp lệnh của VIC đã tăng gấp 3,8 lần mức trung bình của cổ phiếu này một tháng trở lại đây.·
Tính từ đáy hồi giữa tháng 11, cổ phiếu VIC đã tăng hơn 34% thị giá tương ứng giá trị vốn hóa thị trường có thêm gần 70.000 tỷ đồng sau một tháng, đạt 272.000 tỷ đồng (~11,5 tỷ USD).
Bên cạnh đó, thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng đột biến lên hơn 9,4 triệu đơn vị, gấp 3,8 lần bình quân một tháng trở lại đây. Giá trị giao dịch tương ứng đạt trên 665 tỷ đồng, lớn nhất toàn sàn chứng khoán trong phiên 7/12. Khối ngoại có đóng góp lớn vào sự sôi động này khi mua ròng gần 300 tỷ đồng, lớn nhất toàn sàn chứng khoán.
(Theo CafeF)
Đạm Phú Mỹ (DPM) dự kiến chi 2.739 tỷ đồng cổ tức nhờ kết quả kinh doanh với lợi nhuận kỷ lục
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 dự kiến sẽ tổ chức ngày 27/12, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) dự kiến thông qua phương án giải quyết vấn đề quyết toán cước phí vận chuyển khí cho hợp đồng mua bán khí của tổng công ty giai đoạn 2014 – 2018. Doanh nghiệp cũng thông qua nội dung điều chỉnh kế hoạch cổ tức năm 2022 của tổng công ty.
Cũng tại ĐHĐCĐ năm 2022 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, Đạm Phú Mỹ đã thông qua tỷ lệ chi cổ tức năm 2022 là 50% vốn điều lệ (tương ứng 5.000 đồng/cp). Dù vậy, 9 tháng đầu năm 2022, công ty thu về 13.906 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.435 tỷ đồng (lợi nhuận gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021). Trước kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã quyết định chi trả cổ tức cao hơn kế hoạch với 70% vốn điều lệ (tương ứng một cổ phần được nhận 7.000 đồng/cp).
Với 391.400.000 cổ phiếu đăng ký phát hành, dự kiến Đạm Phú Mỹ sẽ chi 2.739 tỷ đồng cho lần chi trả cổ tức năm 2022.
Ông Đoàn Viết Đại Từ – Thành viên HĐQT CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt đã đăng ký mua vào 850.000 cổ phiếu PDR
Theo thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM sáng 7/12, ông Đoàn Viết Đại Từ – Thành viên HĐQT CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt đã đăng ký mua vào 850.000 cổ phiếu PDR.
Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp khớp lệnh và thỏa thuận, dự kiến từ ngày 12/12/2022 đến 12/01/2023. Nếu mua hết số cổ phần nói trên, ông Từ sẽ nâng số cổ phần sở hữu tại Phát Đạt lên 2,04 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 0,3%. Tạm lấy thị giá hiện tại làm giá giao dịch, lãnh đạo Phát Đạt sẽ phải chi ra gần 12,6 tỷ đồng cho giao dịch này.
Các nhà đầu tư Thái Lan đang mua mạnh chứng chỉ ETF Việt Nam
Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan hiện đang gián tiếp sở hữu 169,8 triệu chứng chỉ FUEVFVND. Con số này đã tăng đến 59,1 triệu đơn vị so với thời điểm cuối tháng 10. Cần phải lưu ý rằng, dòng tiền đến từ xứ Chùa Vàng đã gom rất mạnh chứng chỉ quỹ ETF này qua kênh DR trong tháng 10 trước đó.
Tương tự, chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF cũng được nhà đầu tư Thái Lan rót vốn ồ ạt thông qua kênh DR thời gian gần đây. Tính đến hết ngày 6/12, lượng DR E1VFVN30 (E1VFVN3001) do Bualuang Securities phát hành đã lên đến 238,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị vốn hóa 6,2 tỷ Bath (~4.200 tỷ đồng).
Như vậy, sau giai đoạn chững lại trong quý 3, dòng tiền từ xứ Chùa Vàng lại “đổ xô” mua các ETF Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây, các nhà đầu tư Thái Lan đã mua ròng 90,9 triệu chứng chỉ FUEVFVND và 58,3 triệu chứng chỉ E1VFVN30 qua kênh DR . Động thái đã góp phần không nhỏ đảo chiều dòng vốn vào Diamond ETF và VN30 ETF sau 3 tháng bị rút ròng liên tiếp trước đó.
(Theo CafeF)
Nhiều ngân hàng thương mại trong nước đang giảm giá bán USD, xuống dưới mức 24.000 đồng/USD
Trong phiên giao dịch hôm nay (7/12), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD làm cơ sở tham chiếu cho các giao dịch ngoại tệ trên thị trường. Trong đó, nhà điều hành đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 2 đồng so với phiên liền trước, cố định ở 23.660 đồng/USD.
Không chỉ là phiên tăng đầu tiên trong tuần này, việc tỷ giá trung tâm tăng 2 đồng hôm nay cũng chấm dứt giai đoạn chỉ đi ngang và giảm của chỉ số điều hành này trong hơn một tháng qua. Với biên độ dao động +/-5% theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá sàn/trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD hôm nay là 22.477 – 24.843 đồng/USD.
Tại Sở giao dịch của NHNN, giá bán đồng bạc xanh vẫn cố định ở 24.840 đồng/USD, trong khi cột giá mua tiếp tục bỏ trống.
(Theo Zingnews)
HSBC đưa ra dự đoán: Xuất khẩu của Việt Nam sắp chững lại và bước vào kỳ “ngủ đông”
Tại báo cáo vĩ mô mới nhất về kinh tế Việt Nam, HSBC nhận định, các dấu hiệu giờ đây cho thấy đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.
HSBC chỉ ra những dữ liệu tháng 11 rất đáng lưu tâm: xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn so với dự báo của HSBC và thị trường (HSBC: -2,3%; BBG: -2,3%).
Cụ thể, chỉ số PMI đã liên tục giảm từ tháng 5 năm ngoái, đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 với số lượng đơn hàng mới sụt giảm. Việt Nam thuộc diện “đứng mũi chịu sào” xét về mức độ bị tác động. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, trong đó, khoảng 90% phải giảm giờ làm.
Nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam . Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp.
Đây là lần đầu tiên trong vòng hai năm Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu do tình hình suy giảm ở tất cả các lĩnh vực.
(Theo CafeF)