Chứng khoán | 07/11/2022

Review rổ VN30: Cổ phiếu MWG – “Anh cả” ngành bán lẻ!

Cổ phiếu MWG thuộc Công ty CPĐT Thế Giới Di Động (TGDĐ), là doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ. Với tham vọng biến thị trường bán lẻ Việt Nam thành “của riêng”, đặt mục tiêu 55-60% thị phần điện máy toàn quốc. Hãy cùng tìm hiểu thông tin của cổ phiếu MWG cùng DNSE.

Một vài thông tin về cổ phiếu MWG

 

Một số thông tin về cổ phiếu MWG
Một số thông tin về cổ phiếu MWG

Tìm hiểu về Công ty CPĐT Thế Giới Di Động

Công ty CPĐT Thế Giới Di Động (Mobile World Co. Ltd) trước là Công ty TNHH Thế Giới Di Động được thành lập vào tháng 03/2004. Sau này, vào ngày 14/07/2014, công ty chính thức được giao dịch trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hồ Chí Minh (HOSE).

Lĩnh vực kinh doanh: 

  • Sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử và thiết bị truyền thông.
  • Sản xuất và kinh doanh máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm máy tính.
  • Hoạt động tư vấn quản lý ( trừ kiểm toán và thủ tục về thuế).

Cổ đông và sở hữu:

  • Ban lãnh đạo: 4,68%
  • Tổ chức: 29,16%
  • Nước ngoài: 49%
  • Khác: 17,16%

Các thương hiệu con và thị trường kinh doanh của TGDĐ

  • Thegioididong: Bán lẻ các thiết bị di động như điện thoại, tablet, laptop,…
  • Điện Máy Xanh: Chủ yếu là các mặt hàng điện máy gia dụng như tivi, tủ lạnh, nồi cơm, bên cạnh đó cũng phân phối các mặt hàng điện tử như điện thoại, laptop, đồng hồ,..
  • Bách Hóa Xanh: Bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm như bột giặt, nước rửa chén, rau, cá, thịt,…
  • Topzone: Kinh doanh các mặt hàng chính hãng của Apple như Iphone, MacBook, phụ kiện Apple,…
  • Nhà thuốc An Khang: Kinh doanh dược phẩm là chính, ngoài ra còn có thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế, mỹ phẩm,…
  • Bluetronics: Kinh doanh các mặt hàng điện tử và gia dụng như tivi, điện thoại, bếp gas, nồi cơm,… tại thị trường Campuchia.
  • AVA: Kinh doanh các mặt hàng thời trang gia đình, thể thao, mẹ và bé,… Tuy nhiên, kể từ ngày 29/06/2022, các cửa hàng AVAFashion đã chính thức đóng cửa.
Các thương hiệu con của TGDĐ - cổ phiếu MWG
Các thương hiệu con của TGDĐ – cổ phiếu MWG

Thông tin về cổ phiếu MWG

  • Ngày lên sàn: 14/07/2014
  • Khối lượng cổ phiếu lưu hành: 1,463,551,589 cổ phiếu (25/10/2022)
  • Giá tham chiếu: 52.000đ/cổ phiếu (25/10/2022)

Danh sách các cổ đông:

  • Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư thế giới Bán lẻ: 153,425,288 cổ phiếu (10,48%), do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT.
  • Arisaig Asia Fund Ltd: 102,309,088 cổ phiếu (6,99%).
  • Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT TGDĐ: 34,129,892 cổ phiếu (2,33%).
  • Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Trần Huy: 32,269,518 cổ phiếu (2,2%).
  • Vietnam Enterprise Investments Ltd: 16,193,396 cổ phiếu (1,11%).
  • Công ty TNHH MTV Sơn Ban: 16,132,259 cổ phiếu (1,11%).
  • Ngoài ra còn có các tổ chức và cá nhân khác sở hữu chưa đến 1% mỗi người.
Cổ đông và sở hữu: (tính đến ngày 25/10/2022)
Cổ đông lớn và phần trăm sở hữu cổ phần của MWG. (Theo DNSE Senses) 

Phân tích cổ phiếu MWG

Lịch sử giá của cổ phiếu MWG

  • Sau 8 năm niêm yết cổ phiếu trên sàn HSX, cổ phiếu MWG luôn là cổ phiếu có mức giá cao và vốn hóa lớn. Nhờ vào sự phát triển không ngừng của cả hệ thống, cổ phiếu MWG luôn được nhà đầu tư săn đón. Không chỉ trong nước, kể cả nhà đầu tư nước ngoài cũng mua thêm khi được tăng tỷ lệ sở hữu.
  • Cổ phiếu MWG niêm yết ngày đầu tiên là 14/07/2014 với giá chào sàn là 68.000đ/cp. Đóng cửa phiên đầu tiên với giá 81.430đ/cp, giá hiện tại (25/10/2022) sau nhiều lần chia tách còn 5.100đ/cp.
  • Cổ phiếu MWG đạt “mệnh” giá cao nhất vào ngày 15/05/2017 với giá 184.000đ/cp và sau nhiều đợt chia tách, mức giá còn là 21.530đ/cp (tính đến 25/10/2022). Sau khi đạt mức giá cao này, cổ phiếu MWG chia tách tỷ lệ 1:1 và tiếp tục tăng. 
  • Ngày 14/04/2022, cổ phiếu này đạt đỉnh cao nhất từ khi niêm yết là 162.800đ/cp, sau khi chia tách đợt gần nhất vào ngày 15/07/2022, giá cổ phiếu MWG còn 79.230đ/cp (tính đến ngày 25/10/2022).

Đặc điểm ngành của cổ phiếu MWG

  • Thuộc ngành: Dịch vụ bán lẻ tiêu dùng.
  • Tình hình ngành dịch vụ bán lẻ tiêu dùng trong năm 2022:

Thống kê về ngành bán lẻ 8 tháng đầu năm 2022

  • Ngành dịch vụ bán lẻ tiêu dùng đã phải chịu tổn thất nặng nề từ giai đoạn giữa đến cuối năm 2021 do đóng cửa giãn cách xã hội. Đến tháng 8 năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,5%). 
  • Riêng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tính đến tháng 8 năm 2022 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ. Có được mức tăng trưởng cao này là vì mức nền của năm 2021 tăng trưởng âm do đại dịch. +

Đối mặt lạm phát và lãi suất tăng

Thế nhưng, việc đối mặt với lạm phát và lãi suất tăng sẽ khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải “chùng xuống” mức tăng trưởng vào cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1% lên mức gần 4% từ tháng 8 đến tháng 9 do giá cả hàng hóa tiêu dùng, tiền thuê nhà và mức chi cho giáo dục tăng. CPI của Hoa Kỳ tăng mạnh trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, mức tăng từ 7-8% theo báo cáo hàng tháng của Bộ Lao Động; trong khi mức tăng CPI những tháng đầu năm 2021 chỉ chưa đến 2%.

Đứng trước tình huống đó, FED tăng lãi suất 5 lần liên tục khiến tỷ giá được đà tăng mạnh theo; NHNN Việt Nam đã phải tăng lãi suất điều hành 2 lần vào ngày 23/09 và 25/10, mỗi lần 100 điểm cơ bản (1%) nhằm “ níu lại” tỷ giá. Lạm phát và lãi suất tăng là hai yếu tố có thể “cản bước” tăng trưởng của cổ phiếu bán lẻ vào các tháng cuối năm, đặc biệt là cổ phiếu MWG và FRT (FPT Retail).

Lạc quan cho cổ phiếu ngành bán lẻ – Đặc biệt cổ phiếu MWG

Lạc quan cho cổ phiếu ngành bán lẻ - cổ phiếu MWG
Lạc quan cho cổ phiếu ngành bán lẻ – cổ phiếu MWG

Tuy nhiên, vẫn còn đó một vài điểm tích cực dành cho ngành bán lẻ. Việt Nam có quy mô dân số lớn và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh – là thị trường tiềm năng cho ngành nghề này dù mức lạm phát có tăng cao. Thêm nữa, chiến lược mở rộng các cửa hàng bán lẻ có quy mô vừa và nhỏ ngày càng thịnh hành, điều này giúp các doanh nghiệp tăng độ phủ sóng và làm tăng doanh thu.

Tính đến nay Bách Hóa Xanh đã có hơn 2.217 cửa hàng, đứng số 1 về số lượng tại TGDĐ, Điện Máy Xanh đã có 2.077 cửa hàng, FRT đã có hơn 600 cửa hàng, nhà thuốc An Khang có 211 cửa hàng và FPT Long Châu là 163 cửa hàng. Đây là sẽ cuộc đua hấp dẫn của những “ông lớn” ngành bán lẻ. Nhất là cổ phiếu MWG và FRT (FPT Retail)

Một điểm tích cực là do nền tăng trưởng âm vào cùng kỳ năm ngoái, nên các doanh nghiệp vẫn có thể trông chờ con số tăng trưởng khả quan hơn. Tăng trưởng thu nhập bình quân hai quý đầu năm 2022 tăng 5,35% so với cùng kỳ 2021 và 11% cùng kỳ 2020. Cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64% so với cùng kỳ. 

Hơn nữa, càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm để tiêu dùng và biếu tặng các dịp Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và đặc biệt là Tết Nguyên Đán sẽ giúp doanh thu các doanh nghiệp bán lẻ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng.

Đánh giá tiềm năng của cổ phiếu MWG

Tình hình kinh doanh khả quan nhờ nền tảng thấp từ cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó là các yếu tố “cản trở” về vĩ mô, liệu đầu tư cổ phiếu MWG có nên hay không?

Tình hình kinh doanh của TGDĐ trong năm 2022

Tình hình kinh doanh của CTCP Thế Giới Di Động!
Tình hình kinh doanh của CTCP Thế Giới Di Động!
  • Theo báo cáo thống kê 8 tháng đầu năm 2022, MWG đạt mức doanh thu 92.283 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 3.176 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính tháng 8, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất các công ty lần lượt tăng 60% và 33%. 
  • Tính đến 8 tháng đầu năm, MWG đã hoàn thành doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 66% và 50%. Với chỉ tiêu trước đó đặt ra cho năm 2022 là doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chiếm 4,54% tương đương 6.350 tỷ đồng. 
  • Chỉ tính riêng doanh thu của Thegioididong và Điện Máy Xanh đã chiếm đến 79,5% tổng doanh thu, lần lượt là 24.500 tỷ đồng và 48.800 tỷ đồng (8 tháng đầu năm 2022). Bách Hóa Xanh cũng ghi nhận 17.600 tỷ đồng, tương đương 19% cơ cấu doanh thu của TGDĐ. Cổ phiếu MWG tính từ 8 tháng đầu năm tuy đi ngang nhưng có biến động mạnh không ít.
  • Đứng trước tình hình kinh doanh không khả thi, ban lãnh đạo MWG đã đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Trước hết là chuỗi AVAFashion đã đóng cửa từ 29/06. Tiếp đến là Bách Hóa Xanh “trả mặt bằng” 380 cửa hàng còn 1.726 cửa hàng. Tuy nhiên, số lượng tăng cũng đáng ghi nhận, Thegioididong có 1.086 tăng 106 cửa hàng sau 8 tháng đầu năm 2022, Điện Máy Xanh tăng 230 cửa hàng và có đến 2.222 cửa hàng. Chuỗi nhà thuốc An Khang tiếp tục mở rộng với tổng cộng 509 cửa hàng tính đến 08/2022.

Khái quát tài chính của Công ty CPĐT Thế Giới Di Động (cổ phiếu MWG)

Tình hình tài sản của MWG qua một số mục nổi bật:

  • Các khoản phải thu ngắn hạn: 3.756 tỷ đồng (6,3%). Tăng 981 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
  • Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: 12.321 tỷ đồng (20,8%). Giảm 1203 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
  • Tổng hàng tồn kho: 28.254 tỷ đồng (47,7%). Tăng 5.839 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Tài sản cố định: 9.537 tỷ đồng (16,1%). Tăng 1.293 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
  • Nợ phải trả tính đến quý 2 năm 2022 của MWG là 36.813 tỷ đồng; toàn bộ số nợ trên của tập đoàn đều là nợ ngắn hạn. Tổng nợ chiếm 62,17% cơ cấu tài sản doanh nghiệp. 
  • Nhìn lại quý 2 năm 2021, nợ ngắn hạn của MWG là 34.548 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.129 tỷ đồng. Tổng nợ quý 2 năm 2021 của MWG chiếm 66,1%. Có thể thấy, cơ cấu nợ trên tài sản của MWG đã giảm so với cùng kỳ, một phần là do tổng tài sản tăng 5.282 tỷ đồng, tăng 9,7%. 
  • Vốn chủ sở hữu ghi nhận quý 2 năm 2022 là 22.404 tỷ đồng, tăng 4.145 tỷ đồng tương đương 22,7% so với cùng kỳ 2021. 

Tiềm năng đầu tư của cổ phiếu MWG

Tiềm năng đầu tư cổ phiếu MWG
Tiềm năng đầu tư cổ phiếu MWG
  • Phải đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng dẫn đến tỷ giá tăng; những yếu tố này tác động tiêu cực đến cổ phiếu MWG và cả ngành bán lẻ. 
  • Lạm phát và lãi suất tăng khiến người tiêu dùng ngại mua sắm; họ có xu hướng tích trữ tiền và gửi ngân hàng. Đồng đô la Mỹ tăng lãi suất dẫn đến tỷ giá tăng khiến hàng hóa nhập khẩu quá đắt đỏ; người tiêu dùng từ đó cũng e ngại cho việc mua mới. 
  • Những yếu tố trên tác động đến trung hạn của cổ phiếu MWG; tuy nhiên, chu kỳ lạm phát và lãi suất tăng rồi cũng qua đi. Nếu hướng đến đầu tư dài hạn, cổ phiếu MWG là một trong lựa chọn tốt của ngành bán lẻ.

Một số lý do MWG hấp dẫn nhà đầu tư

  • Việt Nam là nước có quy mô dân số ngày càng tăng. Đây là lý do vì sao Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật), ThaiBev (Thái Lan),… Họ muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam.
  • Cổ phiếu MWG dẫn đầu ngành bán lẻ trên thị trường chứng khoán. Các chỉ số sinh lời của cổ phiếu MWG dẫn đầu ngành với tỷ lệ lãi ròng là 3,75%, tỷ lệ lãi gộp là 22,03%, EBIT là 5,82%. FRT là đối trọng của MWG với lần lượt các chỉ số kém hơn là 2,16%; 5,06% và 3,32%.
  • Chiến lược của MWG là mở rộng các cửa hàng vừa và nhỏ nhằm tăng độ phủ sóng. Ngày càng “thay đổi” thói quen mua hàng của người tiêu dùng.
  • Tiêu dùng hộ gia đình luôn chiếm 70-80% quy mô GDP; một thị trường “màu mỡ” cho các doanh nghiệp bán lẻ và cổ phiếu MWG là “người anh cả”.
  • Thu nhập bình quân đầu người được dự báo lên đến 5.000 USD/năm đến năm 2025; cho thấy nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao dần về dài hạn. Cổ phiếu MWG sẽ được hưởng lợi trong tương lai 3-5 năm tới.

Kết luận

Đầu tư cổ phiếu MWG trong ngắn hạn sẽ bị nhiễu các yếu tố như lạm phát, lãi suất tăng; đôi khi một số tin tức tiêu cực về các cửa hàng bị đóng cửa. Thế nhưng, ban lãnh đạo TGDĐ với chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đức Tài là người có tâm huyết, tài ba và năng lực lãnh đạo tốt. Cổ phiếu MWG trong dài hạn khi chuỗi cửa hàng của TGDĐ ngày càng mở rộng sẽ cho nhà đầu tư thấy được “trái ngọt”.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lê Lâm

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan