Chứng khoán | 28/02/2022

Trái tức là gì? Kiến thức cơ bản dành cho các nhà đầu tư F0

Nhiều bạn khi mới bước chân vào thị trường đầu tư sẽ bắt gặp không ít các thuật ngữ trông khá giống nhau. Chẳng hạn như cổ phiếu – trái phiếu, cổ tức – trái tức và rất nhiều các khái niệm dễ gây nhầm lẫn khác. Nếu như cổ phiếu, trái phiếu là hai khái niệm khá quen thuộc thì bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều bạn chưa hiểu gì về trái tức, cũng như cách phân biệt chúng với cổ tức. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin để bạn hiểu được trái tức là gì với những ví dụ minh họa thực tế và đơn giản nhất, cùng tìm hiểu nhé! 

Trái tức là gì?

Tìm hiểu về trái tức trong đầu tư
Tìm hiểu về trái tức trong đầu tư

Hiểu một cách đơn giản, trái tức (coupon) là lãi suất danh nghĩa hàng năm được trả trên một trái phiếu. Nó được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm của mệnh giá và được trả từ ngày phát hành cho đến khi đáo hạn. Chẳng hạn, một trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng với trái tức 7% sẽ trả cho bạn 700.000 một năm. Thông thường, các khoản lãi suất này sẽ được thanh toán nửa năm một lần. Điều đó cũng có nghĩa nhà đầu tư sẽ nhận được 350 nghìn hai lần trong một năm.

Nếu cổ tức là khoản lợi nhuận do cổ phiếu mang lại thì tương tự, trái tức cũng là khoản tiền mà bạn nhận được khi đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau tác động mà giá trị trái phiếu sẽ không giữ nguyên như mệnh giá ban đầu. Chính vì vậy, trái tức sẽ không thể phản ánh chính xác khoản lãi suất mà bạn thực sự nhận được khi đầu tư trái phiếu. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà đầu tư phải dựa vào lợi tức hiện tại của trái phiếu. 

Phân biệt trái tức với lợi tức hiện tại của trái phiếu

Trái phiếu có thể được giao dịch trước khi chúng đáo hạn. Chẳng hạn như nhà đầu tư đang cần tiền gấp nên muốn bán trái phiếu trước thời hạn. Điều đó sẽ khiến giá trị thị trường của trái phiếu dao động. Do đó, lợi tức hiện tại của trái phiếu lúc này thường sẽ khác với trái tức. 

Ví dụ, khi phát hành, trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng được mô tả là có trái tức 7%. Lúc này, lợi tức hiện tại của trái phiếu và trái tức đều là 7%. Nếu sau đó, trái phiếu được giao dịch với giá 9 triệu do thị trường biến động, lợi tức hiện tại sẽ tăng lên 7,8% (700.000 / 9.000.000). Tuy nhiên, trái tức lúc này lại không thay đổi vì nó được tính bằng cách lấy khoản thanh toán hằng năm chia cho mệnh giá (700.000 / 10.000.000 = 7%).

Từ những phân tích trên, ta có thể rút ra 2 công thức như sau:

  • Trái tức = Khoản thanh toán hằng năm / Mệnh giá trái phiếu
  • Lợi tức của trái phiếu = Khoản thanh toán hằng năm / Giá thị trường của trái phiếu

Nguồn gốc ra đời của trái tức (coupon)

Tại sao trái tức lại được gọi là coupon trong tiếng Anh?
Tại sao trái tức lại được gọi là coupon trong tiếng Anh?

Ban đầu, thuật ngữ “coupon” dùng để chỉ các phiếu giảm giá thực tế có thể tháo rời được gắn với một chứng chỉ trái phiếu. Trái phiếu có phiếu giảm giá, được gọi là trái phiếu phiếu giảm giá (coupon bonds) hoặc trái phiếu không ghi tên (bearer bonds). Điều đó có nghĩa là việc sở hữu trái phiếu sẽ cấu thành quyền sở hữu. Nhà đầu tư phải xuất trình trái phiếu thì mới có thể thu được tiền trả lãi.

Loại trái phiếu này đã từng rất phổ biến. Tuy nhiên, hiện tại chúng đã không còn được ưa chuộng bởi hai lý do. Thứ nhất, một nhà đầu tư có trái phiếu bị mất, bị đánh cắp hoặc bị hư hỏng về mặt chức năng sẽ không có quyền truy đòi hoặc hy vọng lấy lại được khoản đầu tư của mình. Thứ hai, thực tế đã chứng minh rằng tính ẩn danh của trái phiếu không ghi tên đã hấp dẫn những kẻ muốn rửa tiền. Từ năm 1982, Hoa Kỳ đã ban hành luật hạn chế sử dụng trái phiếu không ghi tên trong tương lai và tất cả các trái phiếu không ghi tên hiện đã quá hạn trên thị trường. 

Ngày nay, phần lớn các nhà đầu tư và tổ chức phát hành đều thích lưu giữ hồ sơ điện tử về quyền sở hữu trái phiếu. Mặc dù vậy, thuật ngữ “coupon” (trái tức) vẫn tồn tại để mô tả lợi tức danh nghĩa của trái phiếu.

Lời kết

Trên đây là các thông tin cơ bản về trái tức cũng như những ví dụ thực tế của nó. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thể trả lời được câu hỏi “Trái tức là gì?”. Đừng quên theo dõi DNSE thường xuyên để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích khác về tài chính và đầu tư bạn nhé! Chúc các bạn đầu tư thành công và sớm đạt được mục tiêu tài chính của mình.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lê Thanh Thảo

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan