Kinh tế | 16/03/2023

10 sự kiện kinh tế nổi bật giai đoạn 2020-2023 có thể bạn chưa biết!

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, thế giới luôn phải đối mặt với những thách thức khó khăn cùng sự bất ổn gia tăng. Dù đã tích cực phục hồi, song tình hình kinh tế vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại. Sau đây là 10 sự kiện, vấn đề kinh tế thế giới tiêu biểu trong giai đoạn 2020-2023 do DNSE tổng hợp.

Nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) – 2020

Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit)
Nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit)

Kể từ 23h00 ngày 31/1/2020, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Sự kiện Brexit được coi là một sự kiện mang tính chất toàn cầu và gây tác động lớn đến kinh tế thế giới.

Đối với EU, sự kiện Brexit không chỉ là một “cú đánh trời giáng” về kinh tế mà còn dẫn đến cuộc cải tổ chính trị quy mô lớn nhất thế giới. Do Anh chiếm tới giá trị GDP cũng như 10% giá trị xuất khẩu của toàn liên minh. Brexit cũng gây trở ngại trong việc giao thương giữa các quốc gia trong khu vực.

Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Vương quốc Anh chịu nhiều thiệt hại. Khi Anh bắt đầu tách khỏi EU thì Mỹ khó tiếp cận thị trường tiềm năng này, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ giảm, buộc họ phải di dời sang các nước khác trong EU.

Nền kinh tế của Trung Quốc cũng chịu những ảnh hưởng ngắn hạn vì mối quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc trước đây rất lớn.

Đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế thế giới – 2020

Đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế thế giới
Đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế thế giới

COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và là thảm họa kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để chống dịch đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tê liệt tất cả các khâu của quá trình sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng.

Thương mại toàn cầu đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới. GDP giảm xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế.

Việc làm giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, kích hoạt làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán tăng vọt tại một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Tính đến cuối tháng 12/2020, đại dịch đã đẩy 88 triệu người vào cảnh cùng quẫn, khiến GDP toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD

Thương mại điện tử bùng nổ và sự dịch chuyển từ đầu tư kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến

Thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến và quen thuộc trong đời sống hằng ngày
Thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến và quen thuộc trong đời sống hằng ngày

Kinh doanh trực tuyến dần thay thế cho các phương thức truyền thống bởi:Dịch bệnh Covid-19 tác động đến thói quen người tiêu dùng do phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Không thể đi mua sắm trực tiếp nên người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua sắm online. Dần dần, mọi người không chỉ quen thuộc mà còn ưa thích phương thức mua sắm này do tính tiện lợi, nhanh gọn,… doanh nghiệp trong đại dịch cũng tăng cường làm việc online tại nhà để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và bản thân nhân viên, đồng thời, đảm bảo hoạt động kinh doanh được thực hiện hiệu quả. Điều này đã dẫn đến nhiều giải pháp điều hành doanh nghiệp từ xa được áp dụng. Các nền tảng trực tuyến như Zalo, Zoom, Skype, Viber,… không ngừng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này.

Doanh số thương mại điện tử B2C trên toàn thế giới trong đại dịch cũng đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, như doanh số của mô hình này năm 2020 đạt 12% trên doanh số 2,271 USD. Năm 2021, tổng doanh số của thương mại điện tử tăng 16.3% so với năm 2020.

Thăng trầm của tiền kỹ thuật số

Các đồng tiền ảo (tiền kỹ thuật số) có những biến động đầy bất ngờ!
Các đồng tiền ảo (tiền kỹ thuật số) có những biến động đầy bất ngờ!

Năm 2021, giá đồng bitcoin tăng cao chưa từng có, lên mức 69.044 USD vào phiên 10/11. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quan ngại về sự phát triển nhanh của tiền kỹ thuật số khi chưa có các quy định quản lý phù hợp. Bitcoin tăng giá mạnh đã buộc các nước phải siết chặt kiểm soát đồng tiền này.

Bitcoin được các nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế gọi là tương lai của tiền tệ, còn Ethereum (một nền tảng công nghệ blockchain mã nguồn mở, công khai và phân quyền) là công cụ phát triển quan trọng nhất trên thế giới. Các giao dịch trên sàn Coinbase liên tục thiết lập các kỷ lục mới và NFT bùng nổ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên vào ngày 10/11/2022, giá Bitcoin rơi xuống mức thấp kỷ lục 16.000 USD kể từ năm 2020, còn sàn giao dịch kỹ thuật số lớn thứ ba trên thế giới FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, tạo ra cú sốc lớn cho thị trường.

Xem thêm: FTX phá sản: Câu chuyện về sự sụp đổ trong chớp mắt!

Chỉ trong vòng một năm, thị trường tiền kỹ thuật số lao dốc không phanh trong khoảng thời gian ngắn ngủi, mất 3/4 giá trị khi giảm từ 3.000 tỉ USD xuống còn 900 tỉ USD. Bitcoin từ tài sản đầu cơ bị thổi giá đã lao dốc thẳng đứng trong bối cảnh các nhà đầu tư hoang mang lo sợ.

Khủng hoảng tiền kỹ thuật số năm 2022 đã phơi bày các sai sót và bất cập của ngành này, là một hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý về sự cần thiết phải có quy định chặt chẽ cho ngành crypto.

Ngành công nghệ lên ngôi

Ngành công nghệ lên ngôi
Ngành công nghệ lên ngôi

Trong 2 năm thế giới trải qua đại dịch COVID-19, trong khi nhiều ngành nghề khác phải thu hẹp lại, nhưng những ông lớn công nghệ như Facebook, Amazon, Apple, Netflix,… càng lớn mạnh hơn.

Việc chuyển dịch sang làm việc và học tập tại nhà dẫn tới sự bùng nổ của những công cụ liên lạc kỹ thuật số như Zoom, Microsoft Team hay Google Meet. Những công ty đứng sau các dịch vụ trên cũng thu về lợi nhuận khổng lồ.

Trước Covid, ứng dụng Zoom có khoảng 10 triệu người dùng hàng ngày vào tháng 12/2019 nhưng con số này đã tăng vọt lên hơn 300 triệu chỉ sau đó 4 tháng.

Alphabet  (công ty mẹ của Google) lãi 18,5 tỷ USD trên doanh thu 61,8 tỷ USD.

Microsoft cũng vượt kỳ vọng với doanh thu 46 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi 16,5 tỷ USD.

Đặc biệt, các nền tảng kỹ thuật số còn mở rộng sang mảng chăm sóc y tế – mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong đại dịch. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI, sự tỏa sáng của ứng dụng Tik Tok với 850 triệu người dùng hàng tháng,…

Bùng nổ trong đại dịch là thế nhưng khi xã hội bình thường trở lại, ngành công nghệ lại đón một đợt sa thải lớn chưa từng có – một cái giá quá đắt cho việc tuyển dụng ồ ạt thời Covid.

Tàu Ever Given mắc kẹt tại Kênh đào Suez, thế giới thiệt hại hàng tỷ USD – 2021

Tàu Ever Given mắc kẹt tại Kênh đào Suez
Tàu Ever Given mắc kẹt tại Kênh đào Suez

Ngày 23/3, siêu tàu Ever Given mắc cạn ở phía Nam Kênh đào Suez đã làm đình trệ nghiêm trọng giao thương Á-Âu.

Sự kiện hy hữu này khiến ít nhất 369 tàu đang xếp hàng chờ đi qua bị kẹt cứng, chiếm 15% thương mại toàn cầu và gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD/ngày.

Tại châu Âu, một số hãng vận tải đã thông báo nguồn nguyên liệu cung ứng từ châu Á bị đình trệ ít nhất 1 tuần. Giá container phế liệu sắt cho tuyến vận tải từ Mỹ đến Đài Loan tăng cao. Khoảng 13 triệu thùng dầu đã bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn, khiến giá dầu thế giới tăng khoảng 5%.

Sự cố tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào nhộn nhịp nhất thế giới này đã bộc lộ điểm yếu của ngành vận tải biển và sự phụ thuộc lớn của giao thương toàn cầu vào Kênh đào Suez. Vụ việc đã cho thấy sự cấp thiết phải đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển hàng hải quốc tế.

M&A hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới giai đoạn 2021- 2022

M&A hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới
M&A hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới

Năm 2021, giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu đã “xô đổ” các kỷ lục từ trước đến nay và dễ dàng vượt qua mức đỉnh được thiết lập gần 15 năm trước.

Tính đến ngày 16/12/2021, giá trị M&A toàn cầu đã đạt 5.630 tỷ USD, bỏ xa mức kỷ lục 4.420 tỷ USD ghi nhận năm 2007. Mỹ dẫn đầu tổng giá trị M&A toàn cầu, tiếp theo là khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2022, bất chấp lạm phát, lãi suất tăng, sa thải hàng loạt, nhiều thương vụ M&A lớn vẫn được hoàn thành với giá trị hàng chục tỉ USD. Tiêu biểu là sự kiện Elon Musk mua Twitter, Microsoft thâu tóm Activision Blizzard,…

8.   Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang với cuộc xung đột Nga – Ukraine (2022)

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang với cuộc xung đột Nga – Ukraine
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang với cuộc xung đột Nga – Ukraine

Nga phát động cuộc chiến quân sự tại Ukraine vào ngày 24/02/2022, đây là cuộc xung đột quy mô lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng:

  • Dòng người tị nạn khổng lồ: Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, khoảng 6,8 triệu người đã di tản khỏi quốc gia này. Dòng người tị nạn vào Liên minh Châu Âu nhận được nhiều hỗ trợ cần thiết, nhưng mặt khác lại tạo ra nhiều căng thẳng.
  • Khủng hoảng lương thực: Ukraine chiếm 15% lượng ngô, 10% lượng lúa mì toàn cầu và sản xuất khoảng 50% lượng dầu hướng dương trên thế giới. Xung đột đã cắt đứt hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trên của quốc gia này.
  • Khủng hoảng năng lượng toàn cầu: Nga là một trong những nhà xuất khẩu lớn về khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và than đá. Cuộc chiến Nga- Ukraine đã làm cho giá năng lượng tăng vọt. Hậu quả tất yếu là giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức kỷ lục trong nhiều năm. Có thời điểm giá dầu lên tới gần 140 USD/thùng, đẩy châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào vòng xoáy lạm phát, dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí ở nhiều quốc gia.

Trong lúc chưa ai dám chắc chiến tranh đến khi nào thì kết thúc, mối đe dọa chính vẫn nằm ở nguy cơ leo thang của cuộc chiến. Một diễn biến như vậy sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu đi theo một hướng khác.

Thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, giá vàng chạm mức cao nhất mọi thời đại – 2022

Thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, giá vàng chạm mức cao nhất mọi thời đại
Thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, giá vàng chạm mức cao nhất mọi thời đại

Chứng khoán toàn cầu đã có một năm 2022 nhiều thách thức khi lạm phát cao, các đợt tăng lãi suất liên tiếp cùng những căng thẳng địa chính trị.

Những biến động mạnh của thị trường đã khiến chỉ số MSCI (công cụ hỗ trợ cho người mới tham gia vào thị trường chứng khoán) toàn cầu giảm gần 18% kể từ đầu năm, trong đó các chỉ số của châu Âu và châu Á đều ghi nhận kết quả kém tích cực.

Sự biến động càng mạnh hơn do tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay, với mức tăng trên 4 điểm % trong cả năm 2022.

Ngược lại với chứng khoán, giá vàng lại có một năm cao nhất từ trước đến nay

Tại phiên giao dịch ngày 8/3/2022, giá vàng thế giới đã tăng vọt lên mức kỷ lục 2.078,8 USD/ounce, ghi nhận mức cao mới trong lịch sử.

Sau khi vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng thế giới có thời điểm chững lại do áp lực chốt lời. Chốt phiên cuối năm 2022, giá vàng thế giới đạt 1.825 USD/ounce.

Phần lớn triển vọng năm 2023 đối với thị trường toàn cầu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ có tác động lớn với giá vàng. 

Theo các chiến lược gia, chính sách xoay trục ôn hòa hoàn toàn của các ngân hàng trung ương trong năm 2023, có thể sẽ có tác động lớn đối với giá vàng.

Suy thoái và lạm phát trong 2022 – 2023

Suy thoái và lạm phát trong 2022 - 2023
Suy thoái và lạm phát trong 2022 – 2023

Năm 2022, cụm từ “suy yếu” được sử dụng phổ biến khi nói về kinh tế thế giới. 

Mọi góc độ, mọi lĩnh vực kinh tế toàn cầu đều ghi nhận sự suy yếu với hàng loạt sự kiện mang tính lịch sử như: Sri Lanka vỡ nợ, tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ năm 2020, Euro ngang giá USD lần đầu tiên sau 20 năm,…

Khi lạm phát leo lên mức cao nhất trong nhiều năm, các ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2022-2023 liên tục bị điều chỉnh giảm so với con số dự báo đầu năm. Dự báo của các định chế tài chính lớn, cập nhật về tăng trưởng GDP toàn cầu đều bị đánh tụt, OECD giảm từ 4,5% xuống 3%; IMF giảm tới 0,8 điểm phần trăm xuống còn 3,6%.

Bất ổn địa chính trị đã cản trở đà phục hồi của kinh tế sau đại dịch, đẩy giá hàng hóa, đặc biệt là lương thực, năng lượng lên cao, làm trầm trọng hơn áp lực lạm phát trên thế giới, tạo ra những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ… Các vấn đề này hiện vẫn chưa có hướng giải quyết hữu hiệu và tiếp tục là những thách thức lớn, bên cạnh ảnh hưởng còn tồn tại sau đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế thế giới trong năm 2023 vẫn sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro, là một năm gập ghềnh với thị trường tài chính toàn cầu. Tăng trưởng dự kiến vẫn sẽ chậm lại, nửa cuối năm, kinh tế thế giới dự báo sẽ chạm đáy và bắt đầu phục hồi, tạo động lực cho sản xuất và tăng trưởng.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Khánh Linh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan