Quản lý tài sản | 31/03/2022
5 Cách giúp giới trẻ tiết kiệm tiền hiệu quả
Tiết kiệm tiền là việc làm cần thiết và quan trọng, đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay. Phần lớn các bạn trẻ hiện nay có mơ ước về tự do tài chính và nghỉ hưu sớm trước tuổi. Vậy tại sao không thực hiện ước mơ đó ngay từ bây giờ bằng việc tiết kiệm tiền? Trong bài viết hôm nay, DNSE xin chia sẻ đến bạn những cách tiết kiệm lâu dài và hiệu quả.
Vai trò và lợi ích của việc tiết kiệm tiền
Tại sao chúng ta phải tiết kiệm tiền? Đối với giới trẻ ngày nay, việc tiết kiệm tiền ngày càng trở lên xa xỉ và khó khăn. Khá nhiều bạn trẻ chưa nhận định được lợi ích của việc tiết kiệm đối với bản thân sẽ quan trọng như thế nào.
- Tiết kiệm tiền chính là xây dựng một quỹ dự phòng cho tương lai. Tiết kiệm tiền giúp bạn giải quyết được các trường hợp khó khăn, rủi ro trong cuộc sống như: tai nạn, bệnh tật, thất nghiệp,…
- Tiết kiệm giúp bạn có một khoản tiền an dưỡng tuổi già, không cần lo lắng về cuộc sống sau này
- Tiết kiệm một khoản tiền giúp bạn tự chủ trong cuộc sống, có thể mua sắm, đầu tư những thứ mình muốn trong tương lai một cách dễ dàng
- Tiết kiệm được một khoản tiền lớn sẽ giúp bạn tự do tài chính, nghỉ hưu sớm trước tuổi,…
Tiết kiệm tiền ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống trong tương lai lâu dài của bạn. Vì vậy, thay vì thụ động, hãy chủ động tiết kiệm các khoản cần thiết, khi nào cần sẽ có sẵn để dùng. Không nên làm đến đâu tiêu hết đến đó, bạn sẽ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của cuộc sống.
5 Cách giúp giới trẻ tiết kiệm tiền hiệu quả mỗi tháng
Để việc tiết kiệm tiền có hiệu quả, bạn cần có 1 kế hoạch rõ ràng và hiểu được ý nghĩa của việc mình đang làm để có động lực lâu dài.
Tính toán tỷ lệ tiền tiết kiệm của bản thân
Trước khi đề ra mục tiêu cho bản thân cần tiết kiệm bao nhiêu tiền, thì bạn cần biết rõ thu nhập của bản thân là bao nhiêu. Sau đó bạn cần quy đổi, ước tính tỷ lệ tiết kiệm mỗi tháng/ tổng thu nhập tháng. Tỷ lệ tiết kiệm này sẽ dựa trên mục tiêu và các khoản phân bổ cần tiết kiệm. Bạn có thể tham khảo các phương pháp quản lý thu nhập và chi tiêu hiệu quả như 50/30/20, quy tắc 6 chiếc lọ,…
Xây dựng cho bản thân mục tiêu tiết kiệm tiền
Hiểu được việc bản thân cần tiết kiệm tiền làm gì sẽ giúp bạn có động lực theo đuổi quá trình này đến cuối cùng. Vì vậy chúng ta cần đặt ra các mục tiêu tiết kiệm, ví dụ như:
- Tiết kiệm cho quỹ hưu trí, tuổi già
- Tiết kiệm quỹ đầu tư cho con cái
- Tiết kiệm quỹ rủi ro: sức khỏe, thất nghiệp
- Tiết kiệm quỹ đầu tư
- Tiết kiệm vì tự do tài chính của bản thân trong tương lai
Mỗi một quỹ tiết kiệm tương đương với một mục đích của bạn cần. Điều đó rất thiết thực, sẽ không quá viển vông khi chúng ta làm một điều gì đó trong vô định.
Phân chia tiền lương hàng tháng thành nhiều phần
Hãy phân chia tiền lương hàng tháng của mình thành nhiều phần, theo các tiêu chí sau đây:
- Khoản chi cho sinh hoạt phí cơ bản hàng tháng: tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, nước,…
- Khoản đầu tư cho tri thức: các khóa học, sách vở…
- Khoản chi trả cho nhu cầu, sở thích cá nhân: mỹ phẩm, đi chơi, du lịch, mua sắm,…
- Khoản tiết kiệm quỹ khẩn cấp: thất nghiệp, bệnh tật, tai nạn,…
- Khoản tiết kiệm dài hạn: hưu trí khi về già
- Khoản tiết kiệm ngắn hạn: Các dự định gần trong tương lai
- Khoản tiết kiệm đầu tư: Trích một khoản để đầu tư gia tăng thu nhập của bản thân
Mỗi người sẽ có những mục tiêu tiết kiệm khác nhau. Vì vậy, các khoản dự định có thể thay đổi. Khi hoạch định được rõ các khoản cần tiết kiệm, bạn sẽ chi tiêu và phân bổ số lương của mình sao cho hợp lý nhất.
Lên kế hoạch chi tiêu chi tiết theo tháng
Đi sát vào từng chi tiết hơn để có được các khoản tiết kiệm đúng với thực tế. Chúng ta cần lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm theo tháng, rõ ràng từng khoản:
- Tiền ăn, tiền nhà, tiền điện nước, các loại phí sinh hoạt khác là bao nhiêu?
- Chi phí mua dụng cụ gia đình? Mua sắm các vật dụng cá nhân,…
- Chi phí đi ăn, đi chơi. Ước tính số lần đi
- Chi phí cho ma chay, hiếu hỉ, tiệc tùng
- Chi phí mua sắm tài sản lớn hoặc đầu tư nếu có
- Khoản dự phòng nhỏ phát sinh mỗi tháng
Với những khoản chi hàng tháng được kê khai chi tiết như trên, bạn dễ dàng biết được số tiền mình để rành mỗi tháng là bao nhiêu. Lên kế hoạch hàng tháng không chỉ mang lại hiệu quả trong quá trình tiết kiệm tiền, còn giúp bạn chủ động được các vấn đề trong cuộc sống.
Ví dụ về cách lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng
Giả sử, tổng thu nhập ước tính của bạn trong 1 tháng là 15.000.000đ. Bạn sẽ cần xây dựng danh sách chi tiêu của bản thân trong tháng này dựa theo nhu cầu thực tế
Tiền sinh hoạt phí bao gồm:
- Tiền nhà: 2.000.000đ
- Tiền điện, nước: khoảng 200.000đ – 300.000đ
- Tiền ăn: 3.000.000đ
- Tiền xăng xe: 500.000đ
- Chi phí cho các buổi tiệc (ví dụ như sinh nhật): 2.000.000đ
- Chi phí mua mỹ phẩm: 500.000đ
- Chi phí giải trí bao gồm: ăn, chơi, cafe….: 1.500.000đ
- Chi phí dự phòng trong tháng: 1.000.000đ
- Đầu tư vào sách vở, kiến thức: 500.000đ
Tổng các khoản chi tiêu tháng này: 11.300.000đ
Như vậy, số dư bạn có thể để ra được trong tháng này là 3.700.000đ. Nếu muốn tiết kiệm thêm, bạn có thể dựa theo danh sách các đầu mục trên để rút gọn những mục không cần thiết.
Bớt chi tiêu lãng phí, hạn chế dùng thẻ tín dụng
Để tiết kiệm hiệu quả, bạn nên thắt chặt và giảm bớt những chi phí không cần thiết. Ví dụ: có rất nhiều món đồ bạn mua về nhưng không dùng đến, mua chỉ vì thích. Như vậy, chi phí này vừa làm mất 1 khoản tiền mà không đem lại ý nghĩa gì cho bạn cả. Vì vậy, hãy loại bỏ thói quen tiêu xài những thứ không cần thiết
Thắt chặt chi tiêu là giảm bớt những thứ không cần thiết và không có ý nghĩa. Bạn không cần phải o ép bản thân sống quá khó khăn, bần tiện quá mức để tiết kiệm. Như vậy là tiết kiệm không hiệu quả, thậm chí là sai cách.
Ngoài ra, dù bạn theo chủ trương tiết kiệm hay không, thì việc sử dụng thẻ tín dụng cũng nên loại bỏ. Khi chúng ta sử dụng thẻ tín dụng quá tay so với số tiền chúng ta có thể chi trả, điều đó có thể biến bản thân thành con nợ hoặc sẽ làm bạn tiêu hết số tiền lương có được hàng tháng, không có khoản dư.
Đa dạng nguồn thu nhập
Tiết kiệm tiền để cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng là phục vụ cho sự thoải mái, hạnh phúc của chính chúng ta. Vì vậy, hãy gia tăng thu nhập với nhiều nguồn khác nhau, sẽ giúp bạn có được cuộc sống tốt hơn và có được những khoản tiết kiệm lớn.
Một số nguồn thu nhập bạn có thể tham khảo:
- Công việc chính hàng tháng
- Việc kinh doanh với nhiều mô hình: cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức…
- Thu nhập từ các khoản đầu tư: đầu tư tài chính/ chứng khoán, bất động sản
Với những chia sẻ trên của DNSE, hy vọng đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Qua đó, bạn có thể hiểu và biết cách tiết kiệm tiền phù hợp với bản thân. Tiết kiệm cho tương lai chưa bao giờ là muộn, hãy thực hiện điều đó ngay bây giờ.