Chứng khoán | 17/07/2023

Một số câu hỏi về chứng khoán phái sinh mà nhà đầu tư thường thắc mắc

Khi bắt đầu tham gia thị trường giao dịch phái sinh, nhà đầu tư thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm quen với loại hình đầu tư này, từ đó sinh ra nhiều câu hỏi cần giải đáp. Hãy cùng DNSE tìm hiểu về những câu hỏi thường gặp khi mới bắt đầu tham gia vào thị trường qua bài viết dưới đây.

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính được biểu thị dưới hình thức hợp đồng nhằm xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia trong việc thanh toán, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở cụ thể theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc ngày đã được ấn định trong tương lai.

2. Có những loại chứng khoán phái sinh nào?

Các loại chứng khoán phái sinh
Các loại chứng khoán phái sinh
  • Hợp đồng kỳ hạn: Thỏa thuận giữa hai bên tham gia về việc mua và bán tài sản cơ sở với giá xác định tại một thời điểm nhất định trong tương lai.
  • Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
  • Hợp đồng quyền chọn: Thỏa thuận hoặc cam kết về việc mua (hoặc bán) tài sản cơ sở với giá xác định trong tương lai, trong đó bên mua của hợp đồng có quyền, không phải là nghĩa vụ, thực hiện giao dịch tương lai đó.
  • Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng giữa hai bên về việc trao đổi các luồng tiền trong tương lai theo một công thức đã xác định

Tại Việt Nam, hiện nay đã triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai Chỉ số cổ phiếu (VN30) (dành cho Nhà đầu tư cá nhân, tổ chức) và Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ dành cho Nhà đầu tư tổ chức. Hai loại hợp đồng này được niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

3. Vị thế chứng khoán phái sinh là gì?

Có bao nhiêu vị thế CKPS?
Có bao nhiêu vị thế CKPS?

Vị thế một chứng khoán phái sinh là trạng thái giao dịch và khối lượng chứng khoán phái sinh còn hiệu lực mà nhà đầu tư đang nắm giữ tại thời điểm đó.

4. Các loại vị thế?

  • Vị thế mua (long position): khi NĐT mua một CKPS gọi là mở vị thế mua
  • Vị thế bán (short position): khi NĐT bán một CKPS gọi là mở vị thế bán
  • Vị thế mở của một CKPS: là việc NĐT nắm giữ CKPS còn hiệu lực, chưa thanh toán hoặc tất toán.
  • Vị thế ròng của một CKPS tại 1 thời điểm: được xác định bằng chênh lệch giữa vị thế mua đã mở và vị thế bán đã mở của CKPS đó tại cùng một thời điểm.
  • Vị thế đóng: việc đóng vị thế (hay còn gọi là chấm dứt vị thế một chứng khoán phái sinh được nhà đầu tư thực hiện trong các trường hợp sau:
    • Khi nhà đầu tư không còn nhu cầu tham gia hợp đồng
    • Khi nhà đầu tư có nhu cầu chốt lãi/lỗ
    • Khi nhà đầu tư đang nắm giữ số lượng vị thế vượt quá mức quy định
    • Khi nhà đầu tư không đủ khả năng bổ sung ký quỹ theo yêu cầu

5. Ký quỹ khi tham gia phái sinh?

Là khoản tiền hoặc/và tài sản mà nhà đầu tư phải nộp trước khi tham gia vào hợp đồng để đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã quy định. Trên thị trường, mức ký quỹ thấp nhất nhà đầu tư cần có là 18,48%.

6. Bán khống trên thị trường phái sinh là gì?

Hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư tham gia vị thế bán hợp đồng tương lai mà không cần phải thực hiện một vị thế mua hợp đồng tương lai hoặc nắm giữ chứng khoán cơ sở. Do đó, có thể coi là nhà đầu tư được thực hiện một vị thế “bán khống” khi giao dịch hợp đồng tương lai.

7. Các ngưỡng cảnh báo khi đầu tư phái sinh là gì?

Ba cấp độ cảnh báo khi đầu tư phái sinh
Ba cấp độ cảnh báo khi đầu tư phái sinh

Trung tâm lưu kí chứng khoán (VSD) thiết lập các ngưỡng cảnh báo theo ba (03) cấp độ dưới đây để thực hiện giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản kí quỹ trên từng tài khoản của Quý khách trong phiên giao dịch:

  • Cảnh báo mức độ 1: khi tỷ lệ sử dụng tài sản kí quỹ đạt ngưỡng 80%
  • Cảnh báo mức độ 2: khi tỷ lệ sử dụng tài sản kí quỹ đạt ngưỡng 90%
  • Cảnh báo mức độ 3: khi tỷ lệ sử dụng tài sản kí quỹ đạt ngưỡng 100%

Trên đây là những kiến thức cơ bản và cần có khi tham gia vào thị trường phái sinh. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về loại tài sản này. Và đừng quên theo dõi DNSE để có thêm những kiến thức khác nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Lưu Kim Lân

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan