Phân tích kỹ thuật | 13/07/2022

Chỉ số ROS là gì? Khái niệm và ý nghĩa của ROS

ROS là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp. Để có được cái nhìn chính xác, qua đó đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý, việc hiểu rõ về chỉ số này là không thể thiếu. Vì vậy nếu chưa biết ROS là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Chỉ số ROS là gì?
Chỉ số ROS là gì?

Chỉ số ROS là gì?

ROS là viết tắt của cụm từ tiếng anh “Return On Sales”. Như tên gọi của nó, chỉ số này thể hiện tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp. Nó cho thấy một đồng doanh thu sẽ mang lại bao nhiều đồng lợi nhuận.

ROS là một chỉ số tài chính quan trọng. Nó thể hiện mức độ hiệu quả của doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận thực tế. Ngoài ra, chỉ số này còn phản ánh khả năng quản lý chi phí của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp bán được hàng hóa, dịch vụ với chi phí càng thấp thì lợi nhuận thu được càng cao. Chính vì vậy, ROS vừa thể hiện khả năng sinh lời, vừa cho thấy hiệu quả hoạt động của công ty. Cách sử dụng chỉ số này là tính ROS qua từng kỳ kinh doanh (tháng/quý/năm), sau đó so sánh ROS kỳ này với kỳ trước.

Công thức tính chỉ số ROS

ROS được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế chia cho doanh thu thuần trong một kỳ kinh doanh. Hai mục này có thể tìm thấy trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế (hay còn gọi là lợi nhuận ròng) là khoản mục cuối cùng của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Đây là lợi nhuận thu được sau khi trừ đi các khoản chi phí. Bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và quản lý, thuế và lãi vay. Doanh thu thuần là phần doanh thu còn lại sau khi trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu.

Doanh thu thuần và Lợi nhuận sau thuế của VNM (Nguồn: BCTC VNM)
Doanh thu thuần và Lợi nhuận sau thuế của VNM (Nguồn: BCTC VNM)

Công thức tính ROS như sau:

 ROS = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu x 100 (đơn vị: %)

Trong đó, 

Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh thu thuần = Tổng doanh thu –  Các khoản giảm trừ doanh thu. Khoản giảm trừ bao gồm chiết khấu, giảm giá, sản phẩm bị trả lại.

Ví dụ, chúng ta muốn tính ROS của VNM trong năm 2021. Theo như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của VNM:

  • Doanh thu thuần của VNM là 60.919 tỷ đồng
  • Lợi nhuận sau thuế là 10.632 tỷ đồng
  • Vậy ROS = 10.632/60.919 x 100 = 17%

Ý nghĩa của chỉ số ROS là gì? Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?

Ý nghĩa của chỉ số ROS là gì?

ROS là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong đầu tư, biết được ý nghĩa chỉ số ROS sẽ giúp bạn đánh giá được công ty này đang làm ăn tốt hay xấu. 

3 ý nghĩa của chỉ số ROS
3 ý nghĩa của chỉ số ROS

Thứ nhất, hãy xem xét liệu ROS của công ty đang âm hay dương. Nếu ROS âm (nhỏ hơn 0) tức là công ty đang lỗ. Ngược lại, nếu ROS lớn hơn 0 nghĩa là công ty đang có lợi nhuận.

Thứ hai, ROS chỉ thực sự có ý nghĩa khi được so sánh qua từng thời kỳ (tháng, quý năm). Thông thường, bạn nên so sánh trong vòng 5 kỳ liên tiếp. Qua đó, nhà đầu tư có thể phân tích được xu hướng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. 

Nếu ROS lớn hơn 0 và tăng dần qua từng thời kỳ thì đó là một dấu hiệu tốt. Nhưng nếu chỉ số này giảm dần thì lại cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả hơn trước. Bạn cũng cần lưu ý nếu có một năm ROS thấp hơn hoặc cao hơn đột biến so với các năm còn lại. Lúc này, bạn nên nghiên cứu xem năm đó đã có yếu tố nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Sau đó, đánh giá xem yếu tố đột biến đó liệu có thể lặp lại trong tương lai không.

Cuối cùng, ROS của một doanh nghiệp cần phải được so sánh với các công ty cùng ngành. Mỗi ngành có một mức cung cầu khác nhau, dẫn đến mức độ tăng trưởng và cạnh tranh trong ngành khác nhau. Nếu xét trong một ngành, ta có thể thấy được trong cùng một hoàn cảnh, doanh nghiệp nào có ROS cao hơn tức là doanh nghiệp đó đang hoạt động hiệu quả hơn.

Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?

Rất khó để đưa ra một con số chính xác cho câu hỏi chỉ số ROS bao nhiêu là tốt. Thay vào đó, bạn nên so sánh ROS của doanh nghiệp với ROS trung bình ngành. Cách làm là bạn tính ROS của các công ty đối thủ trong ngành, sau đó lấy trung bình cộng của con số này. Số lượng công ty đối thủ nên lấy từ 3 – 5 công ty. Nếu ROS của doanh nghiệp bạn định đầu tư cao hơn trung bình ngành, công ty này đang có lợi thế cạnh tranh. 

Nhìn chung, bạn có thể lấy mức ROS = 10% để làm tham chiếu. Nếu ROS của doanh nghiệp bạn định đầu tư lớn hơn 10%, đây có thể coi là một công ty vững mạnh.

Mối quan hệ giữa ROS – ROA – ROI

Nếu như bạn mới tiếp xúc với những chỉ số tài chính, rất dễ để nhầm lẫn ROS với các chỉ số khác như ROA hay ROI. Thật ra, đây là 3 chỉ số tài chính hoàn toàn khác nhau. Mỗi chỉ số sẽ cho thấy một khía cạnh khác của doanh nghiệp. Tuy vậy, giữa chúng vẫn có những mối liên hệ nhất định. 

So sánh công thức tính chỉ số ROS với ROA và ROI
So sánh công thức tính chỉ số ROS với ROA và ROI

ROS với ROA

Đầu tiên, bạn cần hiểu bản chất của chỉ số ROA. ROA là viết tắt của Return On Asset, tức là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản.Chỉ số này cho biết với một đồng tài sản doanh nghiệp đầu tư sẽ mang về bao nhiêu đồng lợi nhuận. 

Trong một số trường hợp, tỷ lệ ROA sẽ có quan hệ mật thiết với ROS. Có thể xét đến các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, tài chính. Đặc điểm của họ là có tài sản chủ yếu là tiền mặt, và đây là nguồn mang lại doanh thu chính. Ví dụ như ngân hàng sẽ tạo ra lợi nhuận bằng cách cho vay tiền. Lúc này, tỷ lệ ROA càng cao sẽ dẫn đến ROS càng cao. 

ROS với ROI

ROI là chỉ số Return On Investment, tức tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư. Chỉ số này được sử dụng để tính mức độ hiệu quả của khoản đầu tư. Ví dụ, trong năm 2022, công ty A góp vốn đầu tư cho công ty B 100 triệu đồng dưới hình thức mua cổ phiếu trị giá 20,000 đồng/cổ phiếu. Sau 5 năm, giá cổ phiếu của công ty B tăng lên 30,000 đồng. Công ty A bán toàn bộ cổ phần và thu được 150 triệu. Vậy ROI của công ty A là 50/100 = 50%.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư tài chính là độc lập. Vì vậy, hai chỉ số này không có mối quan hệ mật thiết. Nếu như ROS cao, chưa chắc ROI đã cao và ngược lại.

Hạn chế của chỉ số ROS

Chỉ số ROS cho ta thấy khả năng sinh lời của công ty, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Chúng tôi sẽ nói rõ một vài điểm cần lưu ý khi sử dụng ROS. Đầu tiên, chỉ số này chỉ thể hiện khả năng quản lý chi phí của doanh nghiệp. ROS tăng không có nghĩa là doanh nghiệp tăng được doanh thu. Nhiều trường hợp, ROS tăng mà doanh thu vẫn có thể giảm, đó là do doanh nghiệp hạn chế chi phí thay vì tăng trưởng doanh thu. 

Ngoài ra, không phải lúc nào ROS âm cũng là xấu. Trong trường hợp doanh nghiệp đang ở giai đoạn start-up, hoặc gặp khó khăn tạm thời, lợi nhuận sau thuế có thể âm. Nếu tình trạng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, và doanh nghiệp vẫn có tiềm năng để phát triển, thì không thể dựa vào ROS của một kỳ để đánh giá triển vọng dài hạn. Cần phải xem xét doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh doanh để có nhận xét phù hợp. Ngoài ra, nhà đầu tư cần dựa vào nhiều yếu tố khác để đánh giá một doanh nghiệp.

Kết luận

Vậy là DNSE vừa mới giải thích khái niệm ROS là gì. Trên đây chỉ là những kiến thức cơ bản về chỉ số ROS. Để hiểu rõ hơn về chỉ số này, bạn nên áp dụng chúng để phân tích doanh nghiệp bạn định đầu tư. Ngoài ROS, bạn có thể phân tích các chỉ số khác như ROA hay ROI. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về chỉ số ROS.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan