Kiến thức tổng quan | 30/12/2021

Cổ đông là gì? Phân loại cổ đông, quyền & nghĩa vụ với công ty

Để hình thành một doanh nghiệp thì cổ đông là một trong các yếu tố không thể thiếu, họ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tổ chức. Vậy cổ đông là gì? Có những loại hình cổ đông nào? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Cổ đông là gì?

Cổ đông là gì?
Khái niệm cổ đông

Cổ đông là những người đầu tư một khoản tiền vào công ty, góp phần tạo nên nguồn vốn kinh doanh của công ty đó. Đổi lại, công ty sẽ cấp cho cổ đông một số lượng cổ phiếu tương đương với số tiền họ đã đầu tư. Số lượng cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ sẽ quyết định quyền lợi của họ trong công ty.

Cổ đông càng có nhiều cổ phiếu thì họ càng có nhiều quyền biểu quyết về những chính sách, kế hoạch kinh doanh của công ty đó. Góp vốn vào doanh nghiệp đồng nghĩa rằng nhà đầu tư đang sở hữu một phần doanh nghiệp đó.

Một doanh nghiệp cần có ít nhất là 3 cổ đông để hoạt động. Sau đó, doanh nghiệp có thể tăng thêm số lượng cổ đông tùy vào nhu cầu phát triển. Số lượng cổ đông của một doanh nghiệp là không giới hạn.

Quyền và nghĩa vụ của cổ đông với công ty sẽ được xác định bởi số tiền họ đã góp vốn. Nếu chẳng may công ty phá sản, họ sẽ chỉ mất tối đa số tiền đã bỏ vào đầu tư mà không bị chịu bất kỳ khoản nợ nào khác.

Phân loại cổ đông

Các loại cổ đông của công ty cổ phần bao gồm:

1. Cổ đông sáng lập

Cổ đông sáng lập là những người đầu tiên bỏ tiền để thành lập nên công ty cổ phần. Họ sở hữu những cổ phiếu đầu tiên của doanh nghiệp. Để được công nhận là cổ đông sáng lập, họ không những phải nắm giữ cổ phần công ty mà còn phải có tên trong danh sách cổ đông sáng lập của công ty đó. 

Một doanh nghiệp cần ít nhất 3 cổ đông sáng lập. Mỗi cổ đông phải sở hữu ít nhất 20% tổng số cổ phiếu được chào bán tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Nhóm cổ đông sáng lập được phân thành:

  • Cổ đông hiện hữu: là những cá nhân đang nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp. Họ có quyền được hưởng cổ tức và đóng góp ý kiến đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
  • Cổ đông chiến lược: là những nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, cam kết rằng sẽ gắn bó và hỗ trợ doanh nghiệp trong một số phần việc như chiến lược kinh doanh, tuyển dụng nhân sự, cam kết đầu tư,…

2. Cổ đông thường

Cổ đông thường
Cổ đông thường

Cổ đông thường (hoặc cổ đông phổ thông) là những cá nhân nắm giữ cổ phiếu thường của doanh nghiệp. Đây là nhóm cổ đông có số lượng lớn nhất trong mỗi công ty. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành cổ đông phổ thông của công ty. Một nhà đầu tư có thể trở thành cổ đông phổ thông của nhiều công ty. Nhóm cổ đông phổ thông được phân thành:

  • Cổ đông lớn: là những cổ đông nắm giữ từ 5% lượng cổ phiếu công ty trở lên. Cổ đông lớn có quyền biểu quyết, tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạt động kinh doanh của công ty như lựa chọn người quản lý hoặc quyết định chiến lược kinh doanh tùy thuộc vào phần trăm cổ phần mà họ sở hữu.
  • Cổ đông không kiểm soát: là nhóm cổ đông sở hữu một lượng cổ phiếu nhỏ trong doanh nghiệp. Họ không có quyền kiểm soát doanh nghiệp cũng như không thể can thiệp vào các quyết định quan trọng của công ty.

3. Cổ đông ưu đãi

Nếu nhà đầu tư nắm giữ các loại cổ phiếu ưu đãi, họ sẽ trở thành cổ đông ưu đãi. Các cổ đông ưu đãi có thể hưởng nhiều quyền lợi hơn cổ đông phổ thông. Cụ thể như sau:

  • Cổ đông ưu đãi biểu quyết: có nhiều quyền lợi hơn trong việc biểu quyết thông qua các dự án, kế hoạch của công ty. Thông thường, cổ đông ưu đãi biểu quyết là cổ đông sáng lập. Ngoài ra, ưu đãi biểu quyết này chỉ có hiệu lực trong vòng 3 năm kể từ ngày thành lập công ty.
  • Cổ đông ưu đãi cổ tức: sở hữu phần cổ phiếu được trả nhiều cổ tức hơn so với cổ đông phổ thông.
  • Cổ đông ưu đãi hoàn lại: được ưu đãi hoàn loại phần vốn đã góp. Những cổ đông này có thể yêu cầu công ty hoàn lại số tiền đã góp bất cứ lúc nào.

Quyền và nghĩa vụ của cổ đông

1. Về quyền

Quyền cổ đông

a. Đối với cổ đông sáng lập

Cổ đông sáng lập có quyền nhận cổ tức tương ứng với số vốn góp vào doanh nghiệp. Ngoài ra, khi góp vốn thành lập, cổ đông sáng lập cũng được sẽ nhận được cổ phiếu ưu đãi biểu quyết. Điều này tức là cổ đông sáng lập có nhiều quyền biểu quyết hơn so với cổ đông thường. Tuy nhiên, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết này chỉ có hiệu lực trong 3 năm. Hết khoảng thời gian này, cổ phiếu ưu đãi sẽ trở thành cổ phiếu thường. Lúc này, cổ đông sáng lập có quyền biểu quyết tương tự như cổ đông phổ thông.

Trong thời gian 3 năm kể từ khi thành lập, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phiếu cho cổ đông sáng lập khác. Trong trường hợp muốn chuyển nhượng cho người không thuộc danh sách cổ đông sáng lập thì cần sự chấp thuận của Hội đồng quản trị.

b. Đối với cổ đông phổ thông

  • Quyền bỏ phiếu: cổ đông phổ thông có quyền được biểu quyết tương ứng với lượng cổ phiếu nắm giữ.
  • Quyền nhận cổ tức: được nhận cổ tức tỷ lệ với lượng vốn góp theo quy định cụ thể của từng doanh nghiệp.
  • Quyền chuyển nhượng: có thể tự do chuyển nhượng cổ phiếu sở hữu.

c. Đối với cổ đông ưu đãi

  • Cổ đông ưu đãi biểu quyết: có số lượng phiếu biểu quyết lớn hơn so với cổ đông thường. Ví dụ, nếu 1 cổ phiếu của cổ đông thường tương ứng với 1 phiếu biểu quyết thì 1 cổ phiếu ưu đãi biểu quyết sẽ tương ứng với 2 phiếu. Như vậy, cổ đông ưu đãi biểu quyết có quyền biểu quyết lớn gấp đôi so với cổ đông thường. Tuy nhiên, lượng phiếu biểu quyết của một cổ phiếu ưu đãi sẽ được quy định cụ thể với từng công ty. Cổ đông ưu đãi biểu quyết có tỷ lệ cổ tức được nhận tương đương với cổ đông thường. Nhóm cổ đông này không thể tự do chuyển nhượng cổ phiếu của mình cho người khác.
  • Cổ đông ưu đãi cổ tức: chỉ nhận được giá trị cổ tức lớn hơn so với các cổ đông thường. Con số này là cố định và không bị biến động bởi tình hình kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, nhóm cổ đông này sẽ không có quyền biểu quyết và ứng cử vào Hội đồng quản trị. Đồng thời, họ cũng không thể tự do chuyển nhượng cổ phiếu bản thân sở hữu.
  • Cổ đông ưu đãi hoàn lại: chỉ có quyền lợi nhận lại phần vốn đã góp từ doanh nghiệp. Họ nhận cổ tức ứng với vốn góp giống như các cổ đông thường khác. Tuy nhiên, nhóm này cũng không có quyền được biểu quyết hay được phép tự do chuyển nhượng cổ phiếu.

2. Về nghĩa vụ

Các cổ đông đều lớn có một số nghĩa vụ cụ thể đối với doanh nghiệp như sau:

  • Thực hiện góp vốn mua cổ phần theo đúng thời hạn đã cam kết.
  • Không được tự ý rút vốn ra khỏi công ty.
  • Tuân thủ và thực hiện các quy định và nghị quyết được đưa ra bởi công ty.

Ngoài ra, cổ đông sáng lập cần đảm bảo đóng góp ít nhất 20% vốn cổ phần vào thời điểm thành lập doanh nghiệp.

Mong rằng bài viết trên sẽ hữu ích với bạn. Hãy ghé thăm DNSE thường xuyên để trang bị thêm nhiều kiến thức hữu ích cho con đường đầu tư của mình nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Trần Kim Phượng

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan