Quản lý tài sản | 30/06/2023
5 kênh đầu tư để tích lũy khi về hưu – Bạn đã biết?
Hiện nay trên thị trường có vô vàn các hình thức và kênh đầu tư, từ truyền thống đến hiện đại với khả năng sinh lời và mức độ rủi ro khác nhau. Vậy nên chọn kênh đầu tư nào để tích lũy cho lúc về hưu? Hãy cùng DNSE tìm hiểu ở phần dưới đây nhé!
Đầu tư chứng khoán
Chứng khoán là kênh đầu tư tài chính. Tại đây, khi các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường, bạn sẽ đầu tư bằng cách tiến hành mua cổ phiếu hoặc trái phiếu do chính các doanh nghiệp này phát hành.
Giai đoạn cuối quý 1 – 2023, thị trường chứng khoán Việt cũng đón nhận một số thông tin tích cực đến từ sự hỗ trợ quyết liệt về chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đi kèm với đó là Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Chưa kể đến việc, hoạt động giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành,… Do đó, đây đều được coi là những thông tin tích cực giúp thị trường chứng khoán trong nước có chuỗi phiên hồi phục dài nhất. Dưới đây là những ưu và nhược điểm cụ thể của hình thức đầu tư này.
Ưu điểm
- Tiềm năng sinh lời cao: Trường hợp công ty phát triển thành công, giá cổ phiếu có thể tăng cao, nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu hoặc nhận cổ tức.
- Khả năng thanh khoản cao: Nhà đầu tư có thể dễ dàng mua và bán cổ phiếu theo nhu cầu của mình. Điều này mang lại sự linh hoạt và khả năng tái cấu trúc danh mục đầu tư.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Chứng khoán cung cấp một loạt các loại cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, cho phép nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, giảm thiểu rủi ro về vốn.
Nhược điểm
- Rủi ro đầu tư: Thực tế, giá cổ phiếu và thị trường chứng khoán có thể biến động. Các yếu tố như tình hình kinh tế, chính trị có thể ảnh hưởng đến giá trị đầu tư của bạn.
- Cần nhiều kiến thức, thời gian và kinh nghiệm: Để đầu tư chứng khoán thành công, bạn cần hiểu biết rõ về công ty, ngành nghề và tình hình thị trường. Điều này đòi hỏi bạn phải nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.
Đầu tư trái phiếu
Khác với cổ phiếu, nơi các nhà đầu tư phải dành nhiều thời gian để theo dõi thị trường, phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,… nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư được an toàn. Ngược lại, trái phiếu được cho là kênh đầu tư phù hợp hơn với những người ít kinh nghiệm hay đang ở tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý, vụ việc Tân Hoàng Minh chưa lắng xuống, vào cuối năm 2022 – đầu năm 2023, Công ty An Đông phát hành trái phiếu sai trái khiến lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố lại làm vấn đề bùng lên.
Ưu điểm
- Lãi suất tương đối cao: Đầu tư trái phiếu có thể thu về lãi suất cao hơn khi bạn gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
- Chuyển nhượng dễ dàng: Bạn có thể chuyển nhượng dễ dàng trái phiếu giữa các trái chủ khác nhau.
- Độ tin cậy: Trái phiếu thường được phát hành bởi các công ty, chính phủ hoặc tổ chức tín dụng có uy tín. Điều này tạo ra độ tin cậy cho nhà đầu tư về khả năng nhận lãi và trả vốn của trái phiếu.
Nhược điểm
- Rủi ro liên quan đến tài chính của công ty phát hành: Nếu công ty hoặc tổ chức phát hành trái phiếu gặp khó khăn tài chính, bạn có thể gặp phải tình huống không trả được lãi suất hoặc không hoàn trả vốn cho nhà đầu tư.
- Rủi ro thanh khoản: Do thị trường trái phiếu nhỏ, do đó trong một số trường hợp, tính thanh khoản của trái phiếu không cao. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến lợi tức của trái chủ.
Gửi tiết kiệm
Hiện gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn nhờ mức độ rủi ro thấp đi kèm lãi suất khá cao. Do vậy, đây có thể là câu trả lời tốt để trả lời cho câu hỏi chọn kênh đầu tư nào để tích lũy cho lúc về hưu. Điều này có giá trị hơn trong bối cảnh nền kinh tế – xã hội và chính trị trên toàn thế giới vẫn có nhiều biến động khó lường.
Có thể bạn nên tìm hiểu: Tiền gửi tiết kiệm online – Gửi sao cho sinh lời hiệu quả?
Ưu điểm
- Mức độ rủi ro thấp: Tiền gửi trong tài khoản tiết kiệm được bảo vệ bởi các quy định và sự quản lý của ngân hàng. Điều này cũng đồng nghĩa với mức độ rủi ro thấp hơn khi bạn lựa chọn kênh đầu tư này.
- Lãi suất tương đối cao và ổn định: Tiền gửi trong tài khoản tiết kiệm sẽ nhận được lãi suất. Tỷ lệ phần trăm này thường ổn định và được xác định trước, cho phép bạn dễ dàng tính toán và dự đoán lợi nhuận.
- Đa dạng hình thức gửi: Hiện nay, các ngân hàng thường cung cấp nhiều hình thức tiết kiệm như: Gửi tiết kiệm, tiết kiệm trả góp hay tiết kiệm bậc thang,… Do đó, bạn có thể dễ dàng trong việc lựa chọn hình thức phù hợp với mình.
Nhược điểm
- Thiếu tính linh hoạt: Theo đó khi gửi tiết kiệm có kỳ hạn, bạn sẽ chỉ rút được tiền khi đến ngày đáo hạn. Trường hợp rút trước kỳ hạn, bạn sẽ không nhận được mức lãi suất như ban đầu đã ký kết.
- Khả năng sinh lời không quá cao so với một số kênh khác: Ở thời điểm giữa năm 2023, tỷ lệ phần trăm khi gửi tiết kiệm đang được các ngân hàng áp dụng vào khoảng 8.5%/năm (ABBank). Ở mức gửi ngắn hạn, con số này có thể chạm ngưỡng 4.75%/năm. Tuy nhiên, nó vẫn còn khá thấp khi so với các kênh đầu tư khác như cổ phiếu.
Đầu tư vàng
Từ trước đến nay, vàng vẫn được biết tới là một trong những món kim loại có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Dù không được đánh giá cao về khả năng sinh lời so với các loại hình đầu tư khác nhưng đây vẫn được coi là kênh đầu tư mang lại tính ổn định cao, không chịu nhiều biến động của lạm phát.
Ưu điểm
- Tính thanh khoản cao: Là một kim loại quý nên vàng có thể dễ dàng chuyển thành tiền ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Song hành với tiền mặt, độ phổ biến và tính thanh khoản của vàng cũng không hề thua kém quá nhiều.
- Mức độ rủi ro thấp: Có thể bạn chưa biết, khi lạm phát xảy đến tiền mất giá nhưng vàng lại tăng giá. Do vậy, điểm lợi khi thị trường lạm phát thì vàng sẽ là một kênh đầu tư “đầu béo bở” cho bạn.
- Giá trị lưu trữ: Không giống như tiền tệ là một dạng tiền pháp định và không có giá trị cố hữu. Theo thời gian, vàng sẽ luôn giữ được giá trị của mình. Ngay cả khi giá vàng giảm, thực chất giá trị của nó cũng sẽ không thay đổi quá nhiều. Theo thống kê, tỷ suất sinh lời của vàng trong suốt 20 năm qua vào khoảng 9%.
- Tính toàn cầu hóa: Vàng là hàng hóa có giá trị cao, mang tính toàn cầu và được chấp nhận ở hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới.
Xem thêm: Đầu tư vàng có thật sự là “món hời”?
Nhược điểm
- Không mang lại nguồn thu nhập thụ động: Thực tế, vàng sẽ không mang lại cho bạn một khoản tiền lãi hoặc cổ tức như trái phiếu hay chứng khoán. Do đó, để muốn tăng thu nhập bạn buộc phải lựa chọn thời điểm tốt để mua thấp và bán giá cao.
- Chịu chi phối nhiều tư Nhà nước/Chính phủ: Bạn cũng cần lưu ý, giá vàng trong nước đang chịu ảnh hưởng lớn bởi chính sách của Chính phủ. Bởi vậy, tại nhiều thời điểm giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn và biến động không đồng nhất với giá vàng trên thế giới.
Đầu tư bất động sản cho thuê
Thông thường, bất động sản sẽ có giá trị cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi có một sự tăng trưởng nhẹ cũng có thể mang lại cho các nhà đầu tư một khoản lợi nhuận lớn, không chỉ vậy họ còn có thể cho thuê khi chưa có nhu cầu sử dụng đến. Bởi vậy, đây là lý do khiến đầu tư bất động sản thực sự trở thành lĩnh vực yêu thích của rất nhiều người muốn tích lũy khi về hưu.
Ưu điểm
- Tiềm năng lợi nhuận lớn: Bất động sản có tiềm năng tăng giá trị theo thời gian. Khi thị trường bất động sản phát triển, giá trị căn nhà hoặc đất đai có thể tăng một cách chóng mặt, giúp mang lại lợi nhuận kếch xù cho nhà đầu tư.
- Thu nhập định kỳ: Cho thuê bất động sản có thể mang lại thu nhập định kỳ hàng tháng hoặc hàng năm. Điều này có thể tạo ra một nguồn thu nhập ổn định và bền vững, cực kỳ phù hợp để tích lũy khi về hưu.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Đầu tư vào bất động sản giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn. Điều này có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách phân chia vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau.
Nhược điểm
- Rủi ro tài chính: Đầu tư bất động sản thường đòi hỏi một số vốn lớn ngay từ đầu để có thể sinh lời trong tương lai.
- Quản lý và bảo trì: Kênh tích lũy này cũng đòi hỏi việc quản lý và bảo trì liên tục. Bạn phải xử lý các vấn đề như thuê, sửa chữa, bảo hiểm và quản lý hợp đồng thuê một cách hiệu quả.
- Tính thanh khoản thấp: Không giống như đầu tư chứng khoán, việc mua hay bán một ngôi nhà sẽ cần phải có thời gian.
Tạm kết
Trên đây là 5 kênh đầu tư mà DNSE muốn chia sẻ đến độc giả trong việc trả lời câu hỏi chọn kênh đầu tư nào để tích lũy cho lúc về hưu. Nhìn chung, thị trường hiện tại là rất đa dạng, tùy thuộc vào nhu cầu và mức độ phù hợp mà bạn có thể lựa chọn cho mình được kênh tích lũy. Ngoài ra, các trader cũng có thể quan tâm đến một số kênh khác như bảo hiểm, tiền kỹ thuật số hay kinh doanh,…