Chứng khoán | 29/11/2021

Full Margin là gì? Cần làm gì khi đã Full Margin?

Hiện tượng Full Margin diễn ra khi nhà đầu tư sử dụng tối đa mức vay ký quỹ để đầu tư chứng khoán. Đây là một công cụ đắc lực trong đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy nhà đầu tư cần nắm rõ Full Margin là gì để ứng phó kịp thời với “con dao 2 lưỡi” này. Hãy cùng DNSE tìm hiểu nhé!

Full Margin là gì
Full Margin là gì?

Full Margin là gì?

Full Margin là việc nhà đầu tư sử dụng tỷ lệ ký quỹ ở mức tối đa để mua một loại cổ phiếu nhất định. Theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Việt Nam, tỷ lệ cho vay margin tối đa là 1:2.

Khi mở một tài khoản ký quỹ, nhà đầu tư sẽ được cấp một hạn mức vay nhất định. Khi nhà đầu tư Full Margin đồng nghĩa với việc người đó không thể đặt thêm lệnh giao dịch do mức vay đã vượt qua ngưỡng cho phép.

Ví dụ: Cổ phiếu XYZ được cho phép vay margin với tỷ lệ 1:2. Với số vốn 10 triệu (mua được 1000 cổ phiếu XYZ), anh A quyết định vay Margin với tỷ lệ tối đa. Khi đó A có 20 triệu bao gồm 10 triệu vốn tự có và 10 triệu vốn vay và mua được 2000 cổ phiếu XYZ.

Full Margin ảnh hưởng đến thị trường và cổ phiếu như thế nào?

Ảnh hưởng của Full Margin đối với cổ phiếu

Khi cổ phiếu xuất hiện xu hướng tăng giá rõ rệt, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm bắt đầu lựa chọn Full Margin. Mục đích của họ là sử dụng Margin vào những nhịp điều chỉnh ngắn hạn và thu lời khi có nhịp điều chỉnh mạnh.

Tuy nhiên, càng nhiều nhà đầu tư sử dụng margin, giá cổ phiếu càng tăng mạnh. Đây thường là bẫy của các “cá mập”. Sau khi số lượng Full Margin đã đủ lớn, họ sẽ chốt lời khiến giá cổ phiếu rớt mạnh.

Khi đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ trở nên hoảng loạn và bắt đầu bán tháo. Hậu quả sau cùng là nhà đầu tư bị Call Margin và chịu nhiều thua lỗ, đặc biệt là những người đã Full Margin.

Ví dụ:

Full Margin ở cổ phiếu BII
Full Margin ở cổ phiếu BII

Cổ phiếu BII trong tháng 9/2021 có đà tăng đến mức chóng mặt. Với sự kỳ vọng lớn, các nhà đầu tư Full Margin vào cổ phiếu và khiến giá tăng “kịch trần”.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2021, một lượng tiền lớn rút ra khỏi thị trường kéo theo sự hoảng loạn của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhiều tài khoản bị Call Margin và buộc phải bán ra, khiến cho giá cổ phiếu BII lao dốc không phanh.

Ảnh hưởng của Full Margin đối với thị trường

Việc cho vay Full Margin cũng sẽ tác động ít nhiều đến thị trường chung. Vào thời điểm cuối các quý trong năm, các công ty chứng khoán thường có động thái “rũ Margin” để làm đẹp báo cáo tài chính.

Theo đó, bằng hoạt động tự doanh, công ty chứng khoán bán một lượng lớn cổ phiếu để ép giá xuống chạm ngưỡng Call Margin. Điều này khiến thị trường giảm điểm mạnh. Các nhà đầu tư non nớt sẽ vội vàng bán ra để đảm bảo hạn mức Margin của mình.

Hậu quả là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tối đa phải chịu thua lỗ nặng nề. Sau khi rũ bỏ thành công, thị trường sẽ quay lại đà tăng vốn có của nó.

Ví dụ:

Rũ bỏ Margin trên thị trường
Rũ bỏ Margin trên thị trường

Chỉ số VNINDEX vào ngày 27/9/2021 có một phiên giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện tượng này lại xảy ra ở một trong những ngày cuối quý 3. Thời điểm này, hàng loạt tin tức tiêu cực được tung lên, là dấu hiệu của phiên rũ bỏ Margin.

Quản trị rủi ro khi sử dụng Margin

Quản trị rủi ro khi sử dụng Margin
Quản trị rủi ro khi sử dụng Margin

Trên thị trường chứng khoán, người chiến thắng là người không để bị mất tiền. Quản trị rủi ro tốt giúp nhà đầu tư giảm nguy cơ mất tài sản và tăng khả năng sinh lợi. Một số phương pháp quản trị rủi ro có thể kể đến:

Giữ tỷ lệ tiền mặt hợp lý trong tài khoản

Để tránh Call Margin, nhà đầu tư nên cân bằng tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu trong tài khoản. Ngoài ra, số tiền này cũng có thể dùng để mua những cổ phiếu đang điều chỉnh mạnh, nắm bắt cơ hội sinh lời ngắn hạn.

  • Khi thị trường tăng: Tỷ lệ giữa tiền mặt và cổ phiếu nên là 30/70. Có nghĩa là tiền mặt chiếm 30% và cổ phiếu chiếm 70% tài khoản. Tuy theo chiến thuật đầu tư, các chứng sĩ có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với mình.
  • Khi thị trường giảm: Tỷ lệ giữa tiền mặt và cổ phiếu nên là 70/30 hoặc thậm chí là 80/20. Điều này giúp nhà đầu tư giảm được rủi ro Call Margin khi cổ phiếu lao dốc.

Đa dạng danh mục đầu tư

Nhà đầu tư giá trị huyền thoại Warren Buffett từng nói: “Không nên bỏ hết trứng vào một rổ”. Nghĩa là nên chia số vốn vào nhiều loại cổ phiếu, tránh “all in” vào duy nhất một cổ phiếu. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư tránh được việc thua lỗ nặng khi một cổ phiếu bị giảm giá.

Tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ

Cắt lỗ luôn là quyết định khó khăn đối với các nhà đầu tư. Kì vọng quá lớn về sự hồi phục của cổ phiếu có thể khiến bạn phải chịu thua lỗ đáng tiếc.

Do đó, việc tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ rất quan trọng. Nếu đầu tư theo trường phái tăng trưởng, hãy đảm bảo cắt lỗ ở mức – 8%. Sau đó bạn có thể đi tìm cơ hội đầu tư khác để không bị mất tiền.

Kiểm soát tổn thất khi Full Margin

Ngay cả khi đã quản trị rủi ro, nguy cơ thua lỗ vẫn luôn tồn tại. Để kiểm soát mức thua lỗ khi Full Margin, nhà đầu tư có thể sử dụng Isolated Margin. Đây là hình thức ký quỹ riêng biệt. Tiền vốn, dư nợ và lợi nhuận đầu tư được quản trị theo từng mã chứng khoán. 

Nếu tỷ lệ ký quỹ của một mã giảm dưới mức duy trì, việc Call Margin chỉ thực hiện trong deal đó chứ không ảnh hưởng đến toàn bộ tài khoản. Đặc biệt với Full Margin, nhà đầu tư sẽ tránh được khoản lỗ lớn trên tổng tài sản của mình.

Từ nghiên cứu trải nghiệm khách hàng và cập nhật xu thế thế giới, DNSE đã cho ra mắt sản phẩm MARGIN.

MARGIN – Sản phẩm Isolated Margin đầu tiên tại Việt Nam

Đây là sản phẩm tài chính cho phép ký quỹ riêng biệt đầu tiên tại Việt Nam. Với lợi thế nổi bật trong việc tạo giao dịch trên từng mã với từng gói vay tương ứng, nhà giao dịch có thể đa dạng hoá chiến lược đầu tư và quản trị rủi ro linh hoạt hơn.

Kết luận

Hiện tượng Full Margin không chỉ làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mà còn có thể tác động mạnh đến thị trường chung. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn trả lời được câu hỏi Full Margin là gì. Khi sử dụng Margin hãy luôn đặt bản thân trong tâm thế ứng phó với rủi ro nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đoàn Triệu Minh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan