Kinh tế | 13/07/2022
Ngày thứ Ba đen tối – lần sụp đổ tồi tệ thị trường chứng khoán của Mỹ
Thị trường chứng khoán luôn biến động và có những thời điểm rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Một trong số đó là cuộc Đại suy thoái 1929 với dấu mốc đặc biệt là Ngày thứ Ba đen tối (Black Tuesday). Vậy Ngày thứ Ba đen tối là gì? Sự kiện này ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế toàn cầu? Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Ngày thứ Ba đen tối là gì?
Ngày thứ Ba đen tối (29/10/1929) là vụ sụp đổ thị trường chứng khoán tồi tệ nhất của Mỹ ở thế kỷ 20. Đó là ngày chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) giảm 12%, một trong những mức giảm mạnh nhất trong ngày từng được ghi nhận.
Vào ngày này, các nhà đầu tư vội vàng bán tháo cổ phiếu và rời khỏi thị trường. Khối lượng giao dịch trong ngày là con số khổng lồ hơn 16 triệu cổ phiếu. Kết cục sau Ngày thứ Ba đen tối là cuộc Đại suy thoái kéo dài cho đến Chiến tranh thế giới thứ II.
Ngày thứ Ba đen tối diễn ra như thế nào?
Nguyên nhân
Sau Thế chiến thứ I, nền kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc với sự tập trung vào các ngành công nghiệp. Nhà đầu tư vô cùng lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Chính kỳ vọng này đã đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Trong giai đoạn 1921 – 1929, chỉ số DJIA đã tăng hơn 6 lần, từ 63 lên 381 điểm.
Sự lạc quan về lợi nhuận khổng lồ tạo nên hiệu ứng FOMO khiến các nhà đầu tư không ngừng đổ thêm tiền, thậm chí vay nợ để mua cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư thực hiện giao dịch ký quỹ giúp họ chỉ phải trả 10% – 20% giá trị cổ phiếu mà bỏ qua những rủi ro của hình thức này.
Tình trạng đầu cơ diễn ra tràn lan. Giá cổ phiếu tăng không tưởng, cao hơn nhiều giá trị thực và vượt xa tốc độ phát triển của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Bong bóng kinh tế từ đó hình thành, là tiền đề cho sự sụp đổ vào Ngày thứ Ba đen tối.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự kiện này là cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán những năm 1920. Nhà đầu tư chỉ có thể theo dõi giá cổ phiếu được in ra và niêm yết thủ công. Phương pháp này thường có độ trễ vài giờ đồng hồ. Vì vậy, khi giá cổ phiếu giảm, sự hoảng loạn diễn ra do không ai biết được tình trạng thực tế tồi tệ đến mức nào.
Diễn biến
Những dấu hiệu ban đầu
Sau “Thời đại Vàng” của thập niên 1920, giá cổ phiếu bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống. Phương thức sản xuất hàng loạt phát triển đã gây ra tình trạng dư cung trong nhiều ngành công nghiệp. Nhu cầu tiêu dùng thấp khiến các nhà sản xuất phải bán phá giá sản phẩm và giá cổ phiếu của họ bắt đầu giảm mạnh. Hơn nữa, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành nông nghiệp trước sự phục hồi của châu Âu đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại giữa các nước. Vì thế, trao đổi hàng hoá quốc tế dần giảm sút, thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng.
Tháng 9 năm 1929, nhà tài chính người Anh Clarence Hatry bị bắt vì cáo buộc gian lận. Đây là sự kiện bước ngoặt khiến sàn chứng khoán London chao đảo. Đồng thời, nó cũng tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư Mỹ.
Đến đầu tháng 10, bong bóng kinh tế trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày càng rõ nét. Các nhà đầu tư trở nên lo sợ và bán tháo cổ phiếu làm giá cổ phiếu giảm xuống. Các công ty chứng khoán bắt đầu call margin đối với nhà đầu tư vay ký quỹ trước đó nhưng không thể đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì. Điều này lại càng khiến cho giá cổ phiếu giảm mạnh hơn nữa.
Thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ
Ngày 24/10/1929, hay còn gọi là Ngày thứ Năm đen tối, các chỉ số chứng khoán “lao dốc không phanh”. Gần 13 triệu cổ phiếu bị bán ra trong cơn hoảng loạn. Những nỗ lực ổn định thị trường của công ty chứng khoán và ngân hàng đều thất bại.
Thứ Hai sau đó tiếp tục là một ngày đen tối. Thị trường giảm thêm 13% với hơn 9 triệu cổ phiếu được bán ra. Nhiều nhà đầu tư phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ và vội vàng rút khỏi thị trường.
Đến thứ Ba, thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ hoàn toàn. Bất chấp những nỗ lực của nhà đầu tư, một số cổ phiếu thậm chí không có người mua với bất kỳ giá nào. Trong ngày này, 16,4 triệu cổ phiếu được giao dịch, chỉ số DJIA giảm thêm 12% so với ngày trước đó. Các nhà đầu tư đã mất hơn 14 tỷ USD.
Ảnh hưởng của Ngày thứ Ba đen tối
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 không phải là nguyên nhân duy nhất của cuộc Đại suy thoái, nhưng nó đã đẩy nhanh sự suy sụp của kinh tế toàn cầu. Nó kết thúc thời kỳ tăng trưởng vượt bậc trên toàn cầu và gây ra những hệ luỵ kinh tế thảm khốc.
Thị trường chứng khoán sụp đổ khiến 4.300 ngân hàng phải đóng cửa chỉ trong 2 năm. Người dân đồng loạt rút tiền gửi do lo ngại về khả năng thanh khoản khiến tiền dự trữ của ngân hàng cạn kiệt. Hàng loạt công ty phá sản cũng góp phần đẩy các ngân hàng vào cảnh lụi bại. Sức mua giảm khiến hoạt động của các ngành sản xuất kinh tế đình trệ. Sản lượng công nghiệp giảm 45%, khoảng 50 triệu người thất nghiệp, các cuộc biểu tình trở nên dày đặc.
Kết luận
Ngày thứ Ba đen tối và sau đó là cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 đã gây ra vô số những mất mát trong nền kinh tế lẫn xã hội của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là một trong những thời điểm đen tối nhất trong lịch sử về tài chính, để lại nhiều bài học cho những thế hệ đầu tư về sau.