Quản trị danh mục | 07/07/2022

Phá sản vì chơi chứng khoán: +12 sai lầm phổ biến khi đầu tư

Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư đầy tiềm năng với lợi nhuận béo bở nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro. Đã có nhiều trường hợp mất sạch tiền vì chơi chứng khoán dẫn đến phá sản. Vì vậy, trước khi tham gia, bạn hãy đọc bài viết này để biết tại sao có những trường hợp phá sản vì chơi chứng khoán và rút ra kinh nghiệm cho bản thân nhé!

Phá sản vì chơi chứng khoán
Tại sao chơi chứng khoán lại phá sản?

1. Không nghiên cứu thị trường

Hiện nay, số lượng nhà đầu tư tham gia chơi chứng khoán tăng nhanh một cách chóng mặt, đặc biệt là sau khi có dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều người đã “nhảy” vào thị trường mà chưa nghiên cứu cách vận hành của kênh đầu tư này. Do đó, thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Lúc may mắn nhận được khoản lãi đầu tiên, nhà đầu tư có thể sẽ cho rằng phán đoán của mình là đúng đắn và tiếp tục ôm những suy nghĩ sai lầm đó. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán khắc nghiệt sẽ sớm dạy một bài học khiến họ lập tức rơi xuống “đáy” bởi không ai có thể may mắn mãi cả.

Mới tham gia vào thị trường chứng khoán, bạn hãy nghĩ bản thân là tờ giấy trắng. Do đó, hãy dành thời gian nghiên cứu thị trường, học cách dự đoán giá cổ phiếu để tránh việc bị thao túng và đưa ra quyết định sai lầm.

2. Bỏ qua lời khuyên từ các chuyên gia

Khi bỏ qua lời khuyên của các chuyên gia, nhà đầu tư quyết định làm theo ý của bản thân rất có thể dẫn đến sai lầm mà khó sửa chữa được. Vì vậy, hãy lắng nghe lời khuyên của chuyên gia, học hỏi những phương pháp của những nhà đầu tư “lão làng” sẽ là lựa chọn đúng đắn.

Khi bắt đầu tham gia vào một lĩnh vực nào đó, bạn không chỉ cần khả năng học hỏi nghiên cứu mà còn cần một người bạn, một người thầy đồng hành và dẫn dắt. Những người này đã có kinh nghiệm và khả năng phán đoán tốt về những cổ phiếu tiềm năng hay những thời điểm cần bán ra mua vào.

3. Không cắt lỗ khi vượt ngưỡng an toàn

Giá cổ phiếu giống như chơi tàu lượn vậy, lúc lên lúc xuống là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư đã phá sản vì không chịu cắt lỗ khi vượt ngưỡng an toàn.

Đã có rất nhiều trường hợp khi giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư xem nhẹ, không quan tâm đến số lỗ nhỏ và lựa chọn tiếp tục “ôm cây đợi thỏ”, chờ đợi nó đảo chiều tăng lên. Tất nhiên, có rất nhiều thời điểm nên giữ lại, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nếu không cắt lỗ sớm, nhà đầu tư sẽ rơi vào thế bị động, dễ rơi vào bẫy tài chính, vay mượn với lãi cắt cổ.

Vì vậy, bạn cần phải có một cái đầu lạnh dùng để nhận định và phán đoán thị trường một cách đúng đắn, lúc nào nên bán, lúc nào nên giữ và tìm thấy những cơ hội tiềm năng.

4. Đầu tư theo cảm tính, phong trào

Đầu tư theo phong trào
Đầu tư theo phong trào

Các biến động của thị trường chứng khoán thường được trình bày dưới dạng bảng biểu và báo cáo để giúp các nhà đầu tư dễ tham khảo cũng như đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất. Tuy nhiên rất nhiều “nhà đầu tư F0” lại bỏ qua và đầu tư theo cảm tính cá nhân hoặc theo phong trào. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá sản vì cổ phiếu bởi có rất nhiều người chỉ làm theo số đông, thấy cổ phiếu đó được nhiều người mua liền lập tức mua theo. Hoặc đôi khi là tin vào các trang báo mạng rằng những cổ phiếu đó đang sụt giảm, cần bán tháo liền bán ngay mà không đắn đo, suy nghĩ.

Nhìn chung, khi tham gia thị trường chứng khoán, bạn vẫn nên tự mình tìm hiểu, phân tích số liệu và luôn giữ cái đầu lạnh để tìm ra các cơ hội cho bản thân trong một thị trường đầy rủi ro và thách thức này.

5. Đầu tư vào cổ phiếu đang giảm để “bắt đáy”

Đầu tư vào cổ phiếu đang giảm, “bắt đáy” là chiến lược mà nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm áp dụng. Khi cổ phiếu đang ở mức thấp hơn giá trị thực, các nhà đầu tư sẽ mua vào một số lượng nhất định.

Ví dụ: cổ phiếu A đang ở mức 50.000 VNĐ, sau đó giảm dần xuống mức 30.000 VNĐ, nhà đầu tư sẽ mua ở mức 30.000 VNĐ với suy nghĩ rằng đây đã là đáy và chắc chắn sẽ tăng giá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cổ phiếu đang đi xuống không có nghĩa nó là một món hời. Nó sẽ xảy ra hai trường hợp:

  • Một là sau khi chạm đáy, giá cổ phiếu bắt đầu tăng trưởng trở lại. Đây chính là điều mà các nhà đầu tư luôn mong muốn, họ sẽ thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ.
  • Trường hợp còn lại là giá cổ phiếu tiếp tục giảm và không có dấu hiệu phục hồi. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu sẽ thua lỗ, nặng hơn nữa thì mất trắng và phá sản.

Đây chính là một con dao hai lưỡi. Nếu không có tầm nhìn cùng khả năng phán đoán tốt thì không nên sử dụng. Chiến lược này khá mạo hiểm, do đó các nhà đầu tư mới bắt đầu nên tránh. Hãy cứ cẩn trọng, chậm mà chắc, đừng bồng bột mà “bắt dao rơi” nếu không bạn sẽ bị phá sản khi đầu tư chứng khoán.

6. Đầu tư vào cổ phiếu đang tăng nhưng “đu đỉnh”

Đầu tư vào cổ phiếu đang tăng cũng là một chiến lược mà nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Khi đó, cổ phiếu tăng trưởng nhanh chóng, giá liên tục được đẩy lên tới kịch trần, nhà đầu tư đổ tiền vào nó với mong muốn sẽ đạt được lợi nhuận lớn cùng suy nghĩ rằng nếu không đầu tư thì sẽ là kẻ đi sau, bỏ lỡ một món hời. Tuy nhiên, như bạn đã biết thì chứng khoán là một thị trường không thể dự báo trước được điều gì. Trong một vài trường hợp, cổ phiếu đang tăng đột ngột “rơi tự do” khiến cho các nhà đầu tư điêu đứng, không kịp trở tay.

Đầu tư vào cổ phiếu đang tăng rất khó để lường trước được thời điểm nó sẽ bắt đầu rơi. Chính vì thế, đôi khi bạn cần phải cảnh giác trước các cổ phiếu tăng nhanh một cách chóng mặt, hoặc tăng quá nhiều so với giá thực.

7. Đầu tư cổ phiếu mạo hiểm, không tên tuổi

Đầu tư cổ phiếu mạo hiểm là một kiểu đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng thuộc loại cao nhất trong các loại hình đầu tư chứng khoán. Đối với những “tay chơi lão làng”, họ đầu tư vào chúng với những nhận định của bản thân và niềm tin khó lung lay. Tuy nhiên đối với những “tay chơi gà mờ”, đầu tư cổ phiếu mạo hiểm có thể trở thành nhát dao khiến họ thua lỗ, mất hết tiền vì chơi chứng khoán.

Để không gặp trường hợp này ngay khi vừa mới tham gia, bạn nên tránh đầu tư cổ phiếu mạo hiểm, các cổ phiếu không tên tuổi mà nên đầu tư vào các cổ phiếu đến từ các công ty uy tín hoặc được các tổ chức lớn công nhận.

8. Cố chấp giữ cổ phiếu thua lỗ

Một trong các sai lầm phổ biến nhất dẫn đến phá sản vì đầu tư chứng khoán đó chính là cố chấp giữ cổ phiếu thua lỗ, kể cả người mới hay người chơi lâu năm. Nếu giá cổ phiếu sụt giảm liên tục, dù có chờ đợi và hy vọng giá tăng trở lại thì nhà đầu tư có thể phải trả một cái giá đắt. Tham gia thị trường chứng khoán, nguyên tắc đầu tiên mà nhà đầu tư cần tuân thủ đó chính là giảm tối đa rủi ro và cắt giảm các khoản thua lỗ. 

Theo các chuyên gia, bạn nên bán ngay khi cổ phiếu rớt giá 7% hoặc 8% so với giá mua ban đầu và có thể tiếp tục đầu tư vào thời điểm khác.

9. Bỏ hết trứng vào chung một giỏ

Một nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư dễ phá sản vì chứng khoán, đó là “bỏ hết trứng vào chung một giỏ”. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư dồn toàn bộ tất cả tài sản để mua đúng một mã cổ phiếu, không nghĩ đến loại nào khác. Đây chính là một quy tắc kinh điển trong giới đầu tư. Thị trường chứng khoán luôn tràn đầy rủi ro, nếu chỉ chăm chăm vào một mã, một khi gặp vấn đề khiến giá giảm, nhà đầu tư có thể sẽ mất tất cả. 

Hãy cố gắng “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, mua nhiều cổ phiếu khác nhau để đa dạng danh mục đầu tư. Việc này giúp bạn giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất, bảo toàn vốn khi chu kì thị trường đổi chiều. Thoạt nhìn, đây chỉ là một quy tắc dễ hiểu, song việc áp dụng vào lại khá khó khăn. Bạn cần phải hiểu rõ các kênh đầu tư, các loại hình, các kiến thức chuyên môn cùng tâm lý để đưa ra chọn “giỏ” nào cho phù hợp.

10. Không nghiên cứu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang đầu tư

Giá cổ phiếu là thước đo trực quan nhất phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu công ty có kỳ vọng phát triển tốt, các chỉ số đều ở mức lý tưởng, giá cổ phiếu sẽ có sự tăng trưởng lạc quan. Ngược lại, nếu tình hình doanh nghiệp không ổn định, giá cổ phiếu cũng có nhiều biến động.

Nghiên cứu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp là cách hữu hiệu để bạn lọc được các cổ phiếu tiềm năng, “chọn mặt gửi vàng”. Tuy nhiên, rất ít người làm được điều này. Hậu quả là có những trường hợp, giá cổ phiếu giảm sâu nhưng nhà đầu tư cũng không hiểu lý do vì sao. Kéo theo đó là sự thua lỗ lớn.

Do đó, trước khi đầu tư, bạn nên tìm hiểu tình hình kinh doanh của công ty đó với các chỉ như P/E, tỷ lệ tăng trưởng EPS để có những đánh giá chính xác nhất.

11. Ôm cổ phiếu đầu cơ

Đầu cơ cổ phiếu có sức hút rất lớn do có tính biến động cao cùng với mức giá giao dịch tương đối thấp. Tuy nhiên, đây cũng là loại cổ phiếu vô cùng rủi ro vì dễ bị thao túng giá và có chu kỳ lên xuống khá thất thường. Dù vậy, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn đâm đầu vào nó.

Ví dụ: khi nhắc đến cổ phiếu đầu cơ, không thể không nhắc tới vụ việc gần đây của ông Trịnh Văn Quyết. Ông Trịnh Văn Quyết cùng các cấp cao của tập đoàn FLC đã thao túng thị trường, che giấu thông tin trong các hoạt động chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu lên quá cao sau đó là xả để giá rơi tự do. Các nhà đầu tư trót đổ tiền vào FLC đã chịu thiệt hại nghiêm trọng hay thậm chí là mất trắng tiền.

Đây cũng chính là bài học cho những người đang có ý định ôm cổ phiếu đầu cơ.

12. Thiếu kiến thức và kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thiếu kiến thức và kinh nghiệm chơi chứng khoán

Cuối cùng là điều hầu như ai cũng sẽ mắc phải khi mới bắt đầu. Việc học không đến nơi đến chốn, tìm hiểu qua loa, hời hợt hoặc biết được một chút liền nóng vội nhảy vào tham gia khiến nhiều nhà đầu vấp ngã, mất niềm tin và khó lòng đứng lên.

Hơn nữa, việc nhà đầu tư được trang bị đầy đủ kiến thức cũng không có nghĩa họ chơi chứng khoán tốt ngay từ đầu. Tuy việc học luôn đi đôi với hành, nhưng áp dụng các kiến thức vào để chơi lại tương đối khó khăn. “Thất bại là mẹ thành công”, thất bại sẽ giúp nhà đầu tư có thêm kinh nghiệm. Vì vậy, khi mới tham gia, bạn nên cân nhắc đầu tư những khoản vừa và nhỏ để có kinh nghiệm trước, sau đó mới từ từ nâng lên. Ngoài ra, đừng nên quá sợ thua thiệt, thất bại mà mất đi sự tự tin. Muốn làm chủ được cuộc chơi, bạn cần làm chủ bản thân mình trước.

Cuối cùng, để tránh không phá sản vì chơi chứng khoán, bạn hãy trau dồi các mặt kiến thức một cách chắc chắn. Đừng tham gia một cách vội vàng khi chưa có gì trong đầu. Chúc bạn luôn thành công!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Team

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan