Phân tích kỹ thuật | 22/09/2022
Sóng Elliott là gì? Những điều bạn cần biết về sóng Elliott
Một trong những công cụ hiệu quả để xác định xu hướng tiếp theo của thị trường cũng như việc xác định hiện tại giao dịch của bạn đang trong giai đoạn nào thì đó chính là sóng Elliott. Vậy sóng Elliott là gì? Nó được áp dụng như thế nào trong giao dịch? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây cùng DNSE nhé.
Sóng Elliott là gì?
Sóng Elliott được phát triển bởi một kế toán viên chuyên nghiệp người Mỹ – Ralph Nelson Elliott. Sóng Elliott cho rằng “kết quả của diễn biến tâm lý đám đông chính là sự hình thành các mô hình và xu hướng của giá cả trên thị trường”.
Tâm lý và hành vi của đám đông diễn ra một cách tự nhiên nhưng thường diễn biến theo một chu kỳ nhất định; có lúc hưng phấn, có lúc hoảng sợ. Kết quả là giá cũng sẽ biến động theo những chu kỳ tương ứng. Những chu kỳ tăng giảm này đều được xác định bởi các mô hình riêng biệt, mà Elliott gọi là sóng.
Lý thuyết về sóng Elliott
Theo lý thuyết sóng Elliott, một con sóng hoàn chỉnh sẽ gồm hai giai đoạn, giai đoạn dịch chuyển theo xu hướng tăng và giai đoạn dịch chuyển theo xu hướng giảm. Trong đó giai đoạn dịch chuyển theo xu hướng tăng gồm 5 sóng và xu hướng giảm là 3 sóng.
Một con sóng Elliott hoàn chỉnh sẽ được cấu tạo như sau:
- Giai đoạn dịch chuyển theo xu hướng tăng: 5 sóng đầu tiên là sóng đẩy thì trong đó sóng 1,3,5 là sóng tăng và sóng 2,4 là sóng giảm
- Giai đoạn dịch chuyển theo xu hướng giảm: 3 sóng cuối cùng của con sóng Elliott bao gồm A,B,C trong đó A,C là sóng giảm và B là sóng tăng.
Mô hình sóng Elliott là gì
Sóng Elliott đẩy
Mô hình sóng Elliott đẩy gồm 5 sóng nhỏ trong đó có 3 sóng đẩy theo xu hướng tăng và 2 sóng điều chỉnh ngược xu hướng giảm. Sau đây là một số nguyên tắc để xác định sóng Elliott:
- Sóng 2 không được giảm quá điểm bắt đầu của sóng 1.
- Sóng 3 là con sóng dài nhất trong 3 con sóng 1, 3, 5.
- Sóng 4 không được đi vào vùng giá với sóng 1.
5 nhịp sóng Elliott
- Sóng 1: Ở sóng 1, cổ phiếu có giai đoạn đầu tăng trưởng. Với tâm lý của các nhà đầu tư giá sẽ được tiếp tục tăng nên họ sẽ thực hiện mua. Vì vậy nên ở sóng 1 cổ phiếu tăng rất mạnh.
- Sóng 2: Ở sóng 2, một số nhà đầu tư đã đạt tới lợi nhuận mục tiêu nên bắt đầu chốt lời. Dẫn đến thị trường bị giảm điểm, nhưng không giảm đến mức sóng 1 vì vẫn còn một số người vẫn chờ thời điểm thích hợp hơn để chốt lời.
- Sóng 3: Sóng 3 được cho là con sóng có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 5 sóng; nhà đầu tư có thể chọn sóng 3 là điểm mua. Bởi vì sau khi kết thúc sóng 2, nếu giá trị giảm không quá đầu sóng 1 thì xác định vẫn còn cơ hội trên thị trường.
- Sóng 4: Dãy sóng số 4 này thể hiện cho việc sau khi đợt sóng 3 giá lên cao thì họ sẽ thực hiện lệnh bán ra để thu lời. Nhưng vẫn còn một số người cho rằng giá vẫn còn tăng và tiếp tục chờ đợi nên chiều hướng sóng 4 sẽ đi xuống ở mức tương đối trung bình.
- Sóng 5: Đây là thời điểm mà hầu hết các nhà đầu tư ồ ạt tham gia vào thị trường nhất. Tại con sóng 5 này, giá sẽ tăng mạnh vượt bậc nên các nhà đầu tư sẽ chốt lời nhiều. Đặc biệt sóng 5 là đợt sóng cuối cùng, từ đó mô hình sóng đẩy sẽ kết thúc và mô hình sóng điều chỉnh ABC bắt đầu.
Sóng Elliott điều chỉnh
Mô hình sóng Elliott trong giai đoạn dịch chuyển xu hướng giảm được ký hiệu bằng ký tự A-B-C, với tối đa 5 bước sóng, thường là 3 sóng, các mô hình gồm:
- Mô hình zigzag: bao gồm các bước giá đi ngược với xu hướng thị trường. Trong mô hình này, sóng B ngắn hơn hai sóng còn lại.
- Mô hình hình tam giác: Mô hình có 5 con sóng chuyển động trong hai đường trendline theo xu hướng sideway – giá đi ngang; sẽ biến động mạnh nếu nến giá vượt trendline trên hoặc dưới.
- Mô hình phẳng: sóng thường có xu hướng đi ngang – sideway, chiều dài bước sóng gần bằng nhau. Sóng A,C cùng chiều và ngược hướng với sóng B.
Xem thêm: Đường xu hướng (trendline) là gì? Cách vẽ trendline khi phân tích kỹ thuật
Cách áp dụng nguyên lý sóng Elliott
Khi hiểu rõ cấu trúc cũng như nguyên lý hình thành sóng Elliott, chúng ta có thể áp dụng vào giao dịch nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Dưới đây là khuyến nghị giao dịch theo từng giai đoạn trong toàn bộ sóng Elliott hoàn chỉnh:
Sóng 1
Giai đoạn đầu hình thành này có thể là nối tiếp của con sóng cuối cùng sau khi điều chỉnh. Ở chân con sóng 1, nhà đầu tư có thể định giá cổ phiếu để tìm mức giá hợp lý. Nhà đầu tư nên mua 20-30% cổ phiếu trên tổng tỷ trọng sẽ đầu tư vào. Bởi vì giai đoạn này, chúng ta chưa xác định chắc chắn rằng đây là sóng 1 của sóng Elliott. Vì vậy, nếu mua tỷ trọng quá lớn và nến đảo chiều giảm bất ngờ sẽ tạo nên khoản lỗ lớn.
Sóng 1 sẽ đưa cổ phiếu tăng 30-40%, vì vậy nên nhà đầu tư có thể chốt lời khoảng 20% để bảo toàn lợi nhuận. Bên cạnh đó việc này cũng nhằm tránh những tin tức tiêu cực bất ngờ có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu. Chúng ta sẽ đợi mua lại vào đáy của con sóng 2.
Sóng 2
Tiếp sau giai đoạn tăng trưởng của con sóng 1, số lượng người bán gia tăng dẫn đến thị trường điều chỉnh; do đó khối lượng giao dịch những phiên đầu của sóng 2 khá lớn. Khối lượng giao dịch ở những phiên cuối cùng của sóng 2 sẽ gia tăng. Trong đó, một phiên giao dịch có khối lượng lớn và nến rút chân thì chính là tín hiệu cho sự bắt đầu của sóng 3.
Một số lượng lớn nhà đầu tư đã chốt lãi ở giai đoạn sóng 1 để có thể mua ở chân sóng 3. Nhà đầu tư nên quan sát kỹ trong giai đoạn này, vì nếu giá cổ phiếu giảm quá đáy của sóng 1 thì đã vi phạm nguyên tắc sóng Elliott.
Xem thêm:
- Khối lượng giao dịch (Volume) trong chứng khoán là gì? Sử dụng chỉ báo volume như nào cho hiệu quả?
- Hướng dẫn đọc biểu đồ nến Nhật và cách nhận biết một số mẫu hình đảo chiều thông dụng
Sóng 3
Đây chính là giai đoạn tăng mạnh và dài nhất của sóng Elliott. Nhà đầu tư nếu có thể mua ở giai đoạn đầu tiên của sóng 3 thì rất tốt. Cách thức xác định điểm mua sẽ vô cùng khó khăn dành cho những nhà đầu tư mới. Giai đoạn này cổ phiếu sẽ có những nhịp tăng mạnh; nhưng kèm với đó sẽ là những phiên điều chỉnh mà nhà đầu tư nên cẩn trọng.
Nhà đầu tư có thể mua 50% tỷ trọng khi con sóng 3 bắt đầu, khi cổ phiếu tăng 30-40% (đã qua một số phiên điều chỉnh), nhà đầu tư có thể chốt 80% số lợi nhuận để phòng một số phiên điều chỉnh mạnh khi đã đi qua một nửa giai đoạn của sóng 3.
Trong giai đoạn sóng 3, nhà đầu tư nên phân tích tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu cũng như thời gian đã tăng. Việc phân tích lợi nhuận của doanh nghiệp, tin tức vĩ mô và biểu đồ (nến giá và khối lượng) để xác định độ dài của sóng 3. Khi đã đi hết giai đoạn của sóng 3, thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh mạnh hơn so với sóng 2 và đó chính là sóng 4.
Sóng 4
Sóng 4 là sóng điều chỉnh cuối cùng trong giai đoạn 5 sóng trong xu hướng tăng. Nhà đầu tư nếu có thể chốt lời từ đợt sóng 3 thì khoản lợi nhuận cũng không hề nhỏ. Đợt điều chỉnh của sóng 4 diễn ra trong khoảng thời gian khá ngắn và mức độ cũng không mạnh. Vì đó chúng ta có thể tối ưu lợi nhuận bằng cách mua rải rác.
Nhà đầu tư sẽ tiến hành mua rải rác khi cổ phiếu đã giảm khoảng 10-15%. Bởi vì sóng 4 chỉ điều chỉnh 20-30% khi đã tăng quá mạnh ở sóng 3. Chúng ta nên chia 10-20-30-40% tăng dần vào những phiên bùng nổ khối lượng; nhằm bắt đầu vào đợt sóng tăng thứ 5 cuối cùng.
Sóng 5
Sóng 5 sẽ đưa cổ phiếu tăng cao hơn đỉnh của sóng 3. Đây là cơ hội cuối cùng cho nhà đầu tư sóng Elliott trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh. Khi cổ phiếu đã tăng 40-50% từ đáy chúng ta đã mua vào sóng 4; lúc này nhà đầu tư nên chốt 40-60% tỷ trọng cổ phiếu. Vào gần cuối giai đoạn sóng 5, nhà đầu tư nên chốt toàn bộ cổ phiếu.
Khi đã đi qua sóng 3 và sóng 5, nhiều nhà đầu tư sẽ rất bối rối; bởi vì không biết khi chốt lời cổ phiếu vùng nào. Bởi vì họ nghĩ chu kỳ tăng của sóng 3 là quá dài còn sóng 5 lại ngắn như vậy. Nhưng mô hình sóng Elliott là vậy, nhà đầu tư nên tuân thủ để không gặp rủi ro. Tiếp theo sẽ đến với giai đoạn điều chỉnh với bắt đầu là sóng A, B, C.
Cả 3 giai đoạn sóng này mình không khuyến khích nhà đầu tư giao dịch. Bởi vì A và C là sóng giảm rất mạnh, xen kẽ vào đó là sóng tăng B; nhưng lợi nhuận cực thấp và thời gian tăng là khá ngắn với tỷ lệ rủi ro cao.
Kết luận
Bài viết trên hy vọng DNSE đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích để hiểu hơn sóng Elliott là gì. Từ đó, bạn có thể áp dụng sóng Elliott và mang lại lợi nhuận cho danh mục của mình. Hãy thường xuyên cập nhật bài viết của DNSE để bổ sung thêm kiến thức đầu tư nhé!