Kiến thức tổng quan | 31/12/2021

Tiền pháp định là gì? Cách thức hoạt động, ưu và nhược điểm của tiền pháp định

Tiền pháp định là loại hình tiền tệ được lưu hành phổ biến nhất hiện nay. Tuy nghe tên khá xa lạ nhưng Việt Nam đồng, Đô la Mỹ hay Nhân dân tệ đều là tiền pháp định cả. Loại hình tiền này được sử dụng rộng rãi từ thế kỷ 19 như một loại tiền tệ toàn cầu. Thế nhưng bản thân nó cũng có ưu và nhược điểm rõ ràng. Vậy tiền pháp định là gì? Nó hoạt động như thế nào và ưu, nhược điểm ra sao? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết sau.

Tiền pháp định là gì?
Tiền pháp định là gì?

Tiền pháp định là gì?

Tiền pháp định (Fiat) còn có tên gọi khác là tiền định danh. Đây là đồng tiền được phát hành chính thức bởi Nhà nước. Bản thân loại tiền này không có giá trị mà giá trị của nó được gán bởi Chính phủ của mỗi quốc gia. Đồng thời, giá trị này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu khác nhau, khiến cho nó mất giá hoặc có giá hơn tùy từng thời điểm.

Các loại tiền tệ được lưu hành phổ biến hiện nay đều là tiền pháp định. Ví dụ, tại Việt Nam là Việt Nam Đồng (VND), tại Mỹ là đồng Đô La Mỹ (USD),… Đây là phương tiện giao dịch chính tại thị trường hiện tại. Tiền pháp định được phát hành dưới 2 hình thức chính là tiền giấy hoặc đồng xu. Trong đó, đồng xu thường phổ biến ở các nước phương Tây hơn. 

Loại tiền này xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc khoảng năm 1.000 sau Công nguyên. Sau đó, đồng tiền này được dùng phố biến song song với tiền hàng hóa (là loại tiền lấy hàng hóa – thường là những kim loại quý như bạc, vàng,… làm phương tiện trao đổi).

Tuy nhiên, hiện tại với sự nổi lên của tiền điện tử, nhiều quốc gia đã kết hợp 2 loại tiền tệ này với nhau để phát hành tiền điện tử pháp định. Đây là loại hình tiền được phát hành bởi Nhà nước tương tự như tiền pháp định nhưng chỉ tồn tại dưới dạng điện tử chứ không dưới dạng vật lý. Trung Quốc cũng là tiên phong trong việc phát hành loại tiền này với e-CNY.

Lịch sử của tiền pháp định

Trung Quốc là nơi đầu tiên trên thế giới lưu hành tiền pháp định. Loại tiền này ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 10, chủ yếu ở các triều đại Nguyên, Đường, Tống và Minh. Vào thời nhà Đường, (618 – 907), nhu cầu tiền kim loại quý vượt quá nguồn cung sẵn có. Do đó, người dân bắt đầu sử dụng giấy như một văn bản thế chấp thay cho vàng hoặc bạc. 

Sự thiếu hụt tiền xu trong những năm 1.000 đã buộc mọi người phải đổi từ tiền xu sang tiền giấy. Vào thời nhà Tống (960-1276), có một ngành kinh doanh bùng nổ ở vùng Tứ Xuyên dẫn đến tình trạng thiếu tiền đồng. Các nhà phát hành bắt đầu sử dụng giấy nhằm quy ước giá trị tiền thay cho tiền đồng. Tiền giấy lần đầu trở thành một loại tiền hợp pháp là vào thời nhà Nguyên (1276 – 1367).

Cách hoạt động của tiền pháp định là gì?

Sau khi đã hiểu rõ tiền pháp định là gì, hãy cùng xem xét tới cách nó hoạt động nhé. Như đã nói, tiền pháp định không có giá trị nội tại mà được Nhà nước gán giá trị cho. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là đơn vị trực tiếp kiểm soát hệ thống tiền tệ. Họ cũng là bên đưa ra các chính sách cần thiết khi khủng hoảng tài chính xảy ra.

Đồng tiền pháp định được gán giá trị
Đồng tiền pháp định được gán giá trị

Nguyên tắc hoạt động của tiền pháp định là dựa trên niềm tin của con người. Sự công nhận của Chính phủ đã khiến bản thân đồng tiền có giá trị. Và giá trị này được công nhận bởi người dân. Điều này hoàn toàn khác so với loại tiền hàng hóa – thứ có giá trị bởi bản thân nó. 

Giá trị của một đồng tiền Fiat được xác định bởi tình hình của nền kinh tế quốc gia. Nếu lạm phát xảy ra, đồng tiền quốc gia đó sẽ bị mất giá so với đồng tiền của quốc gia khác. Tuy nhiên, do bản thân nó không có giá trị nên Chính phủ cũng dễ dàng kiểm soát hơn.

Ưu và nhược điểm của tiền pháp định là gì?

Tính ổn định tương đối và dễ kiểm soát là một trong những ưu điểm lớn của tiền pháp định. Với đồng tiền này, Nhà nước có thể dễ dàng quản lý nền kinh tế và điều chỉnh nguồn cung cho phù hợp. Tuy nhiên, những nỗ lực này không phải lúc nào cũng thành công. Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì chống chịu với các cú sốc kinh tế, đôi khi đồng tiền pháp định còn khiến nó trầm trọng hơn nếu không kiểm soát tốt cung tiền.

Do đó, việc sử dụng tiền pháp định tồn tại cả ưu và nhược điểm.

Ưu điểm

  • Cho phép Nhà nước, Ngân hàng Trung ương kiểm soát tốt nguồn cung tiền, từ đó kiểm soát tình hình tài chính quốc gia.
  • Tốn ít chi phí phát hành, không như vàng hoặc các kim loại quý khác.
  • Việc giao thương quốc tế dễ dàng do có thể linh hoạt chuyển đổi tiền tệ giữa các quốc gia.
  • Được sử dụng rộng rãi.
  • Không phụ thuộc vào dự trữ vàng.

Nhược điểm 

  • Nếu không kiểm soát tốt nguồn cung, in quá nhiều có thể gây ra lạm phát. Ví dụ điển hình cho vấn đề này tình huống tại Zimbabwe vào những năm 2000. Để giải quyết các vấn đề trong xã hội và nền kinh tế, Chính phủ nước này đã in một lượng tiền lớn để phát hành ra công chúng. Kết quả là đồng tiền quốc gia tại đây đã bị mất giá nghiêm trọng. Lạm phát của đất nước này đã vào khoảng 230 – 500 tỷ phần trăm trong năm 2008.
  • Do nguồn cung vô hạn nên có thể làm tổn hại tới giá trị đồng tiền hoặc tạo ra bong bóng tiền tệ.
  • Do gắn liền với Chính phủ nên nếu Nhà nước gặp vấn đề thì đồng tiền cũng sụp đổ theo. Ngoài ra, vì nó được kiểm soát bởi Nhà nước nên cũng có phần thiếu minh bạch và dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người.

Kết luận

Trên đây là chia sẻ của DNSE về tiền pháp định. Mong rằng qua bài viết, các bạn đã hiểu tiền pháp định là gì cũng như ưu và nhược điểm của loại hình tiền này.  Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán thú vị, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Minh Ngọc

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan