Kiến thức tổng quan | 26/12/2021

Vay tín chấp là gì? Thủ tục vay tín chấp được thực hiện như thế nào?

Nếu bạn đang có nhu cầu vay tiền cho mục đích tiêu dùng cá nhân hay muốn vay vốn cho hoạt động kinh doanh mà không muốn thế chấp tài sản thì bạn có thể tham khảo hình thức vay tín chấp. Để giúp bạn hiểu rõ Vay tín chấp là gì, DNSE đã tổng hợp tất tần tật những điều cần biết khi vay tín chấp tại các tổ chức tín dụng hiện nay trong bài viết dưới đây.

Vay tín chấp là gì?

Định nghĩa Vay tín chấp
Định nghĩa Vay tín chấp

Vay tín chấp là hình thức vay vốn không cần bảo lãnh hay tài sản đảm bảo. Các đơn vị cho vay đưa ra quyết định cấp tín dụng dựa trên uy tín và khả năng trả nợ của cá nhân.  

Những yếu tố thẩm định cho vay tín chấp gồm:

  • Uy tín khách hàng: Thông tin cá nhân, công việc, thu nhập cá nhân
  • Lịch sử tín dụng: Yếu tố này gồm danh sách các tổ chức tín dụng khách hàng đã và đang vay, người vay có thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn hay không. Tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào điểm tín dụng qua hệ thống CIC cùng với uy tín của đơn vị đối tượng vay vốn đang làm việc để quyết định việc cho vay.

Hạn mức, thời gian và lãi suất vay tín chấp phụ thuộc vào đơn vị cấp tín dụng. Bạn có thể vay từ vài triệu đến vài trăm triệu nếu hồ sơ vay đáp ứng điều kiện.

Đơn vị cho vay tín dụng phổ biến nhất là ngân hàng và công ty tài chính. Trong đó, vay tại ngân hàng luôn là sự lựa chọn hàng đầu vì có lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, minh bạch và an toàn hơn.

Phân loại vay tín chấp

Có hai loại vay tín chấp
Có hai loại vay tín chấp

Căn cứ vào đối tượng cho vay:

  • Vay tín chấp cá nhân: Đối tượng vay là cá nhân với mục đích như mua bất động sản, mua xe, dành cho những mục đích cá nhân.
  • Vay tín chấp doanh nghiệp: Đối tượng vay là doanh nghiệp với mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh hay đầu tư.

Căn cứ vào sản phẩm cho vay:

  • Vay tiền mặt tiêu dùng: Người đi vay sẽ nhận tiền mặt bằng cách chuyển khoản hay nhận trực tiếp tại phòng giao dịch.
  • Vay trả góp: Người mua không cần thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng trong một lần mà chỉ cần thanh toán một phần giá trị theo thỏa thuận, phần còn lại tổ chức cho vay sẽ ứng trả trước.
  • Vay thấu chi: Ngân hàng cho phép người vay chi vượt mức số tiền hiện đang có trên tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
  • Vay sửa nhà: Hình thức vay tiền mặt dành cho khách hàng có nhu cầu vay để sửa chữa nhà cửa hay mua sắm thêm vật dụng do các công ty tài chính và ngân hàng cung cấp.
  • Vay cho hoạt động kinh doanh: Hình thức vay này nhằm bổ sung vốn lưu động, phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. 

Ưu điểm và nhược điểm của vay tín chấp là gì?

Vay tín chấp có những ưu và nhược điểm gì?
Vay tín chấp có những ưu và nhược điểm gì?

Ưu điểm

Không yêu cầu tài sản đảm bảo: Nếu người vay không sở hữu bất kì tài sản nào thì cũng có thể vay vốn.

Thủ tục hồ sơ đơn giản: Hồ sơ vay tín chấp gồm Hồ sơ nhân thân và hồ sơ chứng minh thu nhập.

Giải ngân nhanh: Nếu không có rắc rối gì phát sinh trong vấn đề thủ tục thì sau tầm 1-3 ngày bạn có thể nhận được tiền.

Nhược điểm

Lãi suất cao: Vì không có tài sản đảm bảo nên vay tín chấp hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người vay. Vì vậy, lãi suất thường sẽ cao để bù đắp rủi ro trong quá trình thu hồi vốn.

Bị phạt từ ngày chậm trả đầu tiên: Nếu như vay thế chấp bạn sẽ có một khoảng thời gian sau khi đến hạn mới bị tính phạt chậm thanh toán nợ thì khi vay tín chấp, bạn sẽ bị phạt từ ngày đầu tiên chậm trả.

Điều kiện vay tín chấp là gì?

Để vay tín chấp, bạn cần đáp ứng một số điều kiện sau:

  • Độ tuổi 22-60 tuổi
  • Thu nhập cố định và ổn định: Đối với ngân hàng, khách hàng phải có thu nhập từ lương, thời gian công tác từ 12 tháng trở lên tại nơi làm việc hiện tại. Một số ngân hàng, thu nhập yêu cầu chỉ ở mức 4,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng sẽ yêu cầu cao hơn. Bạn cần nộp minh chứng thu nhập để ngân hàng tiến hành đánh giá khả năng trả nợ.
  • Không có lịch sử tín dụng xấu ở các ngân hàng hay tổ chức tài chính
  • Có hộ khẩu/Giấy tạm trú/KT3 tại cùng địa bàn với đơn vị cho vay đang hoạt động.
  • Chứng minh thư/thẻ căn cước công dân còn hiệu lực

Hồ sơ đăng ký vay tín chấp

Hồ sơ đăng ký vay tín chấp gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký vay tín chấp gồm những gì?

Hồ sơ pháp lý: 

  • Đơn đề nghị vay vốn tín chấp theo mẫu của tổ chức tín dụng
  • Bản sao chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu
  • Giấy chứng nhận độc thân hoặc bản sao giấy đăng ký kết hôn
  • Bản sao hộ khẩu/KT3/Sổ tạm trú

Hồ sơ chứng minh thu nhập:

  • Hợp đồng lao động
  • Bảng lương 3 tháng gần nhất/sao kê lương tùy từng tổ chức cho vay

Ngoài ra, tùy theo sản phẩm cho vay của tổ chức tín dụng mà người đi vay có thể sẽ phải nộp thêm những loại giấy tờ sau: 

  • Hợp đồng bảo hiểm
  • Giấy phép đăng ký kinh doanh, sổ sách thu chi.
  • Hóa đơn điện nước 

Quy trình đăng ký vay tín chấp

Dưới đây là quy trình vay tín chấp thông thường tại các tổ chức tín dụng:

Bước 1: Tổ chức tín dụng tiếp nhận hồ sơ vay tín chấp

Bước 2: Tiến hành thẩm định đơn xin vay: Sau khi tiếp nhận hồ sơ vay tín chấp, tổ chức cho vay sẽ xác minh tính trung thực của tờ khai.

Bước 3: Xét duyệt và cho vay: Nhân viên sẽ giao hồ sơ cho Giám đốc quyết định. Thời gian xét duyệt sẽ mất từ 1 – 3 ngày tùy từng vào từng đơn vị.

Bước 4: Ký hợp đồng và giải ngân: Sau khi được duyệt cho vay, người vay sẽ được hẹn đến tổ chức tín dụng để ký hợp đồng

Bước 5: Thu nợ và đưa ra phán quyết tín dụng mới: Khách hàng sẽ trích một khoản từ tiền lương để trả nợ đơn vị cho vay. 

Các khoản phí phát sinh khi vay tín chấp

Khi vay tín chấp có những khoản phí phát sinh nào?
Khi vay tín chấp có những khoản phí phát sinh nào?

Ngoài lãi vay, các tổ chức cho vay sẽ thu thêm các chi phí khác. Những khoản tiền này nhằm ràng buộc trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

Phí trả nợ trước hạn

Khi người vay trả nợ trước ngày đến hạn, tổ chức cho vay sẽ thu phí trả nợ trước hạn. Nếu khách hàng trả nợ càng sớm thì mức phí phạt trả nợ trước hạn càng cao.

Phí phạt chậm trả

Phí phạt chậm trả là khoản phí phạt đối với những khách hàng trả lãi và gốc chậm hơn so với thời gian quy định. Ví dụ kỳ thanh toán nợ gốc và lãi là ngày 27 hàng tháng. Điều này có nghĩa khách hàng sẽ phải trả trước ngày 27. Nhưng nếu khách hàng trả sau ngày 27 thì sẽ bị phạt.

Lãi suất chậm trả

Trong trường hợp quá hạn thanh toán, khách hàng sẽ không được tính lãi suất vay như đã cam kết. Thay vào đó, bạn sẽ bị áp dụng mức lãi suất trả chậm. Lãi suất phạt trả chậm thường bằng 150% lãi suất trong hạn. Ví dụ lãi suất khoản vay của bạn là 10% thì lãi suất chậm trả sẽ là 15%.

Kết luận

Hy vọng bài viết này đã giải đáp được câu hỏi “Vay tín chấp là gì?” của bạn. Lãi suất vay tín chấp của mỗi tổ chức tín dụng sẽ khác nhau. Vì thế, bạn nên tham khảo lãi suất ở nhiều nơi để đảm bảo khả năng trả nợ của bản thân. Hơn nữa, thanh toán nợ đúng hạn là điều cần thiết. Nếu không, bạn sẽ phải chi trả thêm các chi phí và lãi suất phát sinh ngoài dự kiến. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan